[MINH HUỆ 20-10-2016] Ngay sau tháng 5 năm 2015, hai học viên Pháp Luân Công là ông Trương Khắc Lượng cùng với vợ là bà Vương Trung Vân ở thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông đã nộp đơn khởi kiện Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thủ phạm phát động và chỉ đạo cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Cặp vợ chồng này và gia đình họ đã phải chịu đựng những tổn hại to lớn từ cuộc bức hại Pháp Luân Công. Hơn nữa, họ còn bị nơi làm việc sa thải. Do bị cảnh sát đánh đập, ông Trương đã bị tàn phế và hiện không còn làm được các công việc tay chân nặng nhọc.
Những gì gia đình đã phải chịu đựng
Nhà của vợ chồng ông Trương – một nhân viên xuất sắc trong công ty cũ của ông, đã bị lục soát. Họ đã bị bắt giữ, thẩm cung, đe dọa và bị đánh đập từ năm 1999. Mẹ của ông Trương và cô con gái duy nhất của ông cũng thường bị cảnh sát sách nhiễu và theo dõi.
Nhà của đôi vợ chồng này đã bị lục soát đến bảy lần. Ông Trương đã 4 lần bị giam giữ và bị giam 1 năm trong trại lao động cưỡng bức (tuy nhiên vì tình trạng tàn phế của ông mà ông đã không được trại lao động tiếp nhận). Ông đã ba lần bị đưa tới trung tâm tẩy não. Bà Vương bị giam giữ ba lần và bị giam ba năm trong trại lao động cưỡng bức (tuy nhiên bà cũng không được trại tiếp nhận vì ở tình trạng nôn mửa đến gần tử vong). Bà đã bị đưa tới trung tâm tẩy não 2 lần.
Tại trại tạm giam, ông Trương đã bị gãy sống lưng đến hai lần. Lần đầu tiên bị bắt, một cảnh sát đã dùng hết sức mà ngồi thụp lên lưng ông, khiến xương sống của ông bị gãy. Quằn quại trong đau đớn, ông Trương còn bị những cảnh sát khác quây lại đánh đập cho đến khi ông bất động.
Trong dịp Tết Nguyên đán, vợ chồng ông Trương về thăm mẹ mình. Khi họ còn chưa kịp chào mẹ, hàng chục cảnh sát đã ập tới ngôi làng và bắt đầu truy tìm họ.
Cuối cùng cả hai vợ chồng ông đã bị bắt, và bị tách ra để thẩm cung. Cảnh sát đã tra tấn ông Trương đến 10 tiếng đồng hồ liền, đánh đập ông và sốc điện ông bằng dùi cui điện. Lưng của ông lại bị gãy lần nữa.
Không thể phục hồi lại như trước, ông Trương đã không còn đứng thẳng được nữa.
Sau khi bị thẩm cung và tra tấn, có giai đoạn bà Vương bị liệt quá nửa người khiến bà không thể tự chăm sóc được bản thân mình. Dù vậy, bà vẫn không được thả ra, mà bị chuyển đến trại tạm giam. Tại trại giam, bà đã phải nằm một chỗ và phải cần đến sự giúp đỡ của ba người mới có thể đi vệ sinh. Sau khi được thả ra và luyện lại các bài công pháp của Pháp Luân Công, sức khỏe của bà đã được phục hồi.
Khi đôi vợ chồng này bị bắt giữ lần đầu, con gái họ mới chỉ có bảy tuổi. Bị cảnh sát theo dõi khắp nơi, cô bé không thể chịu được áp lực đó và đã bỏ học giữa năm học lớp ba. Trong suốt 16 năm ấy, cô đã phải sống trong sự sợ hãi, thậm chí ngay cả những người thân và bè bạn cũng phân biệt đối xử với cô. Cô ở với bà nội và bà thường trút oán giận lên cô bé. Cuộc bức hại tàn khốc tiếp tục ám ảnh cô mãi cho đến tận ngày hôm nay.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/10/20/336402.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/25/159675.html
Đăng ngày 8-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.