Phóng viên báo Minh Huệ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 5-5-2016]
Ông Trình Bội Minh từ tỉnh Hắc Long Giang đã đệ đơn kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc, Giang Trạch Dân vào tháng 9 năm 2015 vì đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Ông Trình đã bị kết án 8 năm tù vào năm 2001 và bị tra tấn dã man vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định bị chính quyền Trung Quốc bức hại.
Ông đã tìm cách thoát khỏi nhà tù ba năm trước khi mãn hạn tù và đã phải sống lưu lạc để tránh bị bắt. Trong khi chạy trốn, ông phải cố gắng phục hồi các vết thương do tra tấn và vật lộn kiếm ăn qua ngày chứ không có nguồn thu nhập ổn định.
Gia đình ông Trình cũng không được yên ổn. Con trai ông đã bị đuổi học khi mới 9 tuổi vì cha tu luyện Pháp Luân Công. Vợ ông đã ly dị ông trong khi ông ở trong tù, vì bà không kiếm đủ tiền để nuôi bản thân và con trai của họ.
Mẹ ông Trình đã bị giam một năm trong trại lao động cưỡng bức và cha của ông cũng bị bắt. Hai chị em gái của ông cũng bị kết án.
“Không lời nào có thể diễn tả được nỗi đau đớn này”
Ông Trình bị bắt vào ngày 11 tháng 5 năm 2001 và bị đưa đến sở cảnh sát địa phương, ở đó các công an lột đồ lót của ông và trói ông vào chiếc “giường cọp”. Sau đó, ông bị một toán cảnh sát tra tấn nhưng không thấy cảnh sát nào trong số đó có số thẻ nghiệp vụ.
Một cảnh sát đấm vào mặt ông nhiều lần, đến nỗi ông bị chảy máu mũi và miệng.
Ông đã viết trong đơn khiếu nại: “Hai cảnh sát thọc ngón tay vào nách tôi, hai người khác thọc tay vào háng tôi, hai người nữa ấn giữ chân tôi. Sau đó, họ bắt cấu véo tôi. Tôi không biết phải tả sự đau đớn này như thế nào. Họ cứ cấu rồi lại véo, liên tục như thế. Cuối cùng, cả người tôi co rúm lại, còng tay cắt vào cổ tay của tôi, rồi tôi ngất lịm đi.”
“Tôi không biết tôi đã ngất đi bao lâu, nhưng khi thức dậy, tôi thấy mặt mình đau rát. Họ đã dùng ống cao su quất vào mặt tôi. Mặt tôi bỏng rát, mồm miệng ứa máu.”
Cảnh sát nhét một bức ảnh của người sáng lập Pháp Luân Công, Sư phụ Lý Hồng Chí, vào quần lót của ông trong khi tay ông bị trói vào ghế. Sau đó, họ dùng một kẹp sắt và một đầu thắt lưng để cạo núm vú của ông trong nhiều giờ. Họ cũng bọc một túi nhựa trên đầu ông để ông không thể thở được.
Ông tiếp tục kể: “Sau đó, họ đội lên đầu tôi cái mũ bảo hiểm bằng kim loại rồi lấy búa gõ. Tôi bị tra tấn như thế suốt hai ngày mà không được ngủ. Cả lồng ngực tôi bị thâm tím lại. Rồi tôi bị đưa đến nhà tù của tỉnh.”
Tra tấn bằng sốc điện và nước lạnh
Lính trại giam bảo các tù nhân khác: “Lại một học viên Pháp Luân Công nữa đến đây này. ‘Giáo dục’ hắn cho tốt vào đấy.”
Ông Trình viết trong thư: “Hầu hết những tù nhân nhìn thấy vết thương của tôi không nỡ lòng đánh tôi thêm nữa. Nhưng có một tù nhân lấy một cái chậu lớn, đổ đầy nước lạnh rồi đổ lên người tôi. Toàn thân tôi run lên rồi ngã khuỵu xuống.”
Ông tiếp tục: “Tôi bắt đầu tuyệt thực, giám đốc trại giam là Trương Nghĩa, đến cùng năm, sáu cảnh sát khác. Họ ra lệnh cho tôi phải quỳ xuống, nhưng tôi không chịu. Sau đó, các tù nhân được lệnh phải lột sạch quần áo của tôi ra. Sáu, bảy tù nhân đè tôi xuống để tôi không cựa quậy gì được, trong khi đó, lính trại giam dùng dùi cui điện để sốc điện vào nách và bộ phận sinh dục của tôi. Lông ở vùng này bị cháy. Họ cũng sốc dùi cui điện vào miệng tôi. Lưỡi tôi phồng rộp vì những cú sốc điện. Mãi đến lúc hết pin, họ mới dừng lại. Tôi bị tra tấn như thế trong ba ngày.”
Da phồng giộp và mưng mủ
Những cú sốc điện khiến toàn thân ông Trình phồng giộp lên. Vì thế, ông không thể nằm xuống mà ngủ được, trên giường của ông là một mảnh bìa các-tông dính đầy máu mủ.
Ông viết trong đơn khiếu nại: “Một hôm, một lính trại giam ra lệnh cho các tù nhân giữ người tôi trên một chậu đầy nước. Sau đó, họ sử dụng nhíp lớn chọc vỡ những vết bỏng. Máu mủ chảy ra. Sau đó, họ xát cồn y tế lên. Họ còn dùng một miếng loại nhỏ cạo những vết bỏng ra rồi rửa bằng nước lạnh. Tôi đã phải chịu cái đau đớn tột độ! ”
“Lính cai trại hỏi tôi là nhà tôi có tiền không. Nếu có thì họ sẽ đưa tôi vào viện điều trị rồi tính tiền cho gia đình tôi. Nếu không, nếu tôi chết, họ sẽ chỉ khai đơn là tôi chết vì nguyên nhân tự nhiên.”
“Năm 2002, tôi lại bị kết án 8 năm và bị tống vào tù. Tuy nhiên, các nhà tù đã từ chối nhận tôi vì bấy giờ tôi đang trong tình trạng nguy kịch. Sau quá trình bị bức hại, tôi bị thiếu máu, da bị mưng mủ, và tôi đã mắc bệnh lao. Lính cai trại từ ở trại tạm giam đã cho ban quản lý nhà tù 2.000 nhân dân tệ nên họ đã nhận tôi.”
Bị tiêm loại thuốc không rõ nguồn gốc
Ông Trình bị rơi vào tình trạng nguy hiểm, và một cán bộ nhà tù báo bới gia đình ông rằng họ muốn chữa trị cho ông.
“Tôi không biết họ đã tiêm cho tôi những gì. Sau khi tiêm, toàn thân tôi bắt đầu mẩn giộp lên, thân nhiệt tăng lên đến 390 C. Thị lực mờ đi và tôi không thể nhìn được cái gì rõ ràng cả. Tôi thậm chí còn không đứng được. Lúc đó, tôi vẫn bị trói vào xà lim, chân tay bị cùm vào cái vòng trên sàn nhà.”
Lính cai trại có tên Hoàng Chí Minh nói với ông: “Nếu ông không chịu từ bỏ đức tin đi thì ông sẽ bị đem đi hỏa thiêu đấy. Chính phủ bảo chúng tôi là chúng tôi không phải chịu trách nhiệm gì nếu các học viên Pháp Luân Công bị đánh đến chết.”
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 17 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610 ”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này. Luật pháp cũng cho phép người dân đệ đơn tố cáo mà không cần dùng tên thật. Nhiều học viên khuyến khích mọi người chung sức giúp tố cáo những tội ác của Giang và chấm dứt cuộc bức hại.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/4/18/326749.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/5/5/156542.html
Đăng ngày 1-8-2016. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.