Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Úc
[MINH HUỆ 21-7-2016] Học viên Pháp Luân Công ở Melbourne và Brisbane, hai thành phố lớn thứ hai và ba của Úc, gần đây đã tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 17 năm tại Trung Quốc.
Ngày 16 tháng 7, lễ diễu hành và mít-tinh diễn ra tại Melbourne, thủ phủ bang Victoria. Quan chức chính phủ và các nhà ủng hộ nhân quyền đã diễn thuyết tại sự kiện, trong đó có ông Peter Westmore, Chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC), và ông Bernie Finn, ủy viên Hội đồng Lập pháp bang Victoria.
Cùng ngày, lễ mít-tinh quy mô lớn được tổ chức tại Brisbane, thủ phủ của Queensland.
Lễ diễu hành ở Melbourne
Đoàn nhạc Tian Guo dẫn đầu đoàn diễu hành ở Melbourne vào ngày 16 tháng 7.
Đoàn diễu hành tại Melbourne, dẫn đầu là Đoàn nhạc Tian Guo, đi qua khu thương mại, khu phố Tàu và kết thúc tại Quảng trường Thành phố.
Ảnh chân dung các học viên Pháp Luân Công bị thiệt mạng trong cuộc bức hại.
Anh Archie, người Mỹ lai Malaysia, cùng anh bạn Dylan nói đoàn diễu hành khiến anh tò mò muốn biết câu chuyện thực sự đằng sau cuộc bức hại Pháp Luân Công, “Một trong số những người bạn Trung Quốc của tôi đã nói những điều không hay về Pháp Luân Công. Giờ đây, tôi biết rằng anh ấy đã chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản.”
Anh Kelly Banfield, sinh viên đại học và bạn gái nói họ muốn nói cho nhiều người hơn về cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Anh Kelly Banfield, sinh viên Đại học La Trobe, bàng hoàng khi hay tin về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này. “Tôi không thể tưởng tượng được rằng có một tội ác khủng khiếp đến vậy [nạn cưỡng bức thu hoạch tạng] diễn ra trên thế giới ngày nay,” anh nói. Anh và bạn gái cho biết họ sẽ chia sẻ những gì biết được cho nhiều người hơn nữa thông qua phương tiện truyền thông xã hội.
Mít-tinh ở Melbourne
“Năm nào chúng tôi cũng tụ họp để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại tại Trung Quốc—hy vọng sẽ có nhiều vị đương quyền có thể lựa chọn đúng đắn giữa lợi ích kinh tế tài chính trước mắt và lương tâm đạo đức”, ông Phiền Tuệ Cường, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Victoria phát biểu trong lễ mít-tinh.
Ông kêu gọi chính phủ Úc thông qua điều luật cấm du lịch ghép tạng tới Trung Quốc. “Đó là vì mọi người có thể không nhận ra rằng sẽ có người bị giết theo mệnh lệnh để cung cấp tạng cho họ”, ông nói.
Nghị sỹ Bernie Finn cho biết các học viên Pháp Luân Công không có tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Nghị sỹ Bernie Finn nói những người vô tội không thể bị xâm hại, chứ chưa kể là bị giết chỉ vì thực hành môn thiền định ôn hòa thế này.
Ông Finn nói: “Nhưng cần phải thực thi công lý, đặc biệt là đối với Giang Trạch Dân, kẻ cựu độc tài của Trung Quốc; ông ta phải chịu trách nhiệm cho cái chết của biết bao người, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nạn thu hoạch tạng như chúng ta đã thấy.”
Ông nói ông sẽ tiếp tục ủng hộ học viên Pháp Luân Công giành quyền tự do thực hành đức tin tại Trung Quốc.
Bà Vivienne Nguyen, Chủ tịch Cộng đồng người Việt, ca ngợi sự kiên định của Pháp Luân Công. “Sự bền bỉ của của các bạn là một tấm gương tốt đẹp cho chúng tôi. Cộng đồng chúng ta, gồm cả người Việt sẽ tiếp tục ủng hộ các bạn”, bà ngậm ngùi trong nước mắt.
Ông Peter Westmore, Chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC), cho biết các cuộc điều tra độc lập ước tính mỗi năm Trung Quốc thực hiện tới khoảng 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng.
Ông Peter Westmore, Chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC), nói rằng vấn đề không chỉ liên quan đến Trung Quốc, mà còn cần phải thu hút sự quan tâm rộng rãi hơn nữa bởi lẽ đó là nạn diệt chủng quy mô lớn.
Ông Gerard Flood đến từ Đảng Lao động Dân chủ nói cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công là chưa từng có.
“Ngành công nghiệp thu hoạch tạng của Trung Quốc chẳng khác nào những tội ác kinh hoàng mà thế giới đã biết như tội ác diệt chủng ở Cam-pu-chia, Ru-uan-đa, Darfur và nạn diệt chủng người Do Thái”, ông Gerard Flood, Thủ quỹ Liên Bang của Đảng Lao động Dân chủ phát biểu. Ông hối thúc chính phủ Úc và ngành y khoa hành động, đồng thời gồm ngành tài chính, thương mại và cả những cách tiếp cận khác cho đến khi sự tàn bạo này chấm dứt ở Trung Quốc.
“Các quốc gia khác thể hiện rằng để đạt được lợi ích trong thông thương với Trung Quốc thì phải kiên quyết phản đối sự phạm tội của Trung Quốc, không được im lặng trước sự tàn bạo của chính quyền này trong tội ác phản nhân loại,” ông Flood nói.
Luyện công tập thể tại lễ mít-tinh.
Mít-tinh tại Brisbane
Mít tinh tại Quảng trường Brisbane vào ngày 16 tháng 7 năm 2016.
Ông John Andress, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Queensland, cho biết hiện nay các cuộc điều tra đã ước tính có hơn một triệu người là nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch tạng mà “hầu hết trong số họ là các học viên Pháp Luân Công”.
Cô Sandra đến từ New Zealand ủng hộ Pháp Luân Công
Cô Sandra đến từ New Zealand cho biết cô đã nghe nói đến Pháp Luân Công cách đây mấy năm. “Tôi không biết cuộc bức hại này vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc”, cô nói. “Sau cùng, chúng ta đều là con người và cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Cuộc bức hại này phải chấm dứt.”
Ông Scott Smythe tu luyện Pháp Luân Công vào thời điểm cuộc bức hại bắt đầu tại Trung Quốc cách đây 17 năm.
Ông Scott Smythe, chủ doanh nghiệp ở Gold Coast, đã tu luyện Pháp Luân Công được 17 năm. “Học viên chúng tôi ở đây được hưởng lợi ích về sức khỏe và nâng cao tâm tính; trong khi tại Trung Quốc, mọi người lại bị giết hại vì tu luyện Pháp Luân Công.”
Ông nói các học viên Pháp Luân Công truyền rộng thông tin không phải chỉ cho chính họ, mà là, “Những gì xảy ra ở Trung Quốc liên quan đến nền tảng của nhân loại và nó liên quan đến tất cả chúng ta.”
Bài viết bằng tiếng Trung liên quan:
https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/21/331671.html
https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/18/331518.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/21/331672.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/22/157928.html
Đăng ngày 26-7-2016: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.