Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-2-2016] Anh Từ Nghiêm Cương, 37 tuổi, sống tại xã Ngải Lý, huyện Quách Mông, tỉnh Cát Lâm, đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vào ngày 1 tháng 9 năm 2015.

Anh Từ yêu cầu Giang phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất anh gặp phải trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Bị đánh vì lên tiếng cho Pháp Luân Công

Anh Từ đã đi tàu đến Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công vào ngày 27 tháng 12 năm 2000. Sau đó công an đã bắt giữ anh ngay trên tàu, họ thay phiên nhau tát vào mặt và đá vào ngực anh. Anh Từ đã tuyệt thực trong lúc bị giam, và sau đó được thả tự do.

Bị tra tấn trong hai lần giam giữ tại trại lao động

Ngày 15 tháng 1 năm 2001, anh Từ bị bắt lại và bị tuyên án một năm lao động cưỡng bức. Trong thời gian ở Trại lao động Ẩm Mã Hà, anh đã tuyệt thực và bị giam tại phòng biệt giam. Lính canh đã còng một tay anh vào chân giường rồi bắt anh đổi tư thế mà không tháo còng tay.

Khi anh hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, lính canh đã trói hai tay và chân của anh vào khung giường và bỏ mặc như vậy trong một tháng, trong khi họ vẫn đánh anh bất cứ khi nào họ muốn. Kết quả là hai chân của anh bị sưng rất to, và bác sỹ ở nhà tù cảnh báo anh có nguy cơ phải cắt chân. Dù cuối cùng vết sưng cũng giảm đi, nhưng anh vẫn không thể gập chân lại được.

Lính canh đã đấm vào mặt anh, khiến mũi anh chảy máu đầm đìa. Họ còn dùng nhiều tấm ván gỗ để đánh anh cho đến khi chúng bị gãy. Ngoài ra, họ còn sốc điện anh bằng dùi cui điện sau khi trói dây thừng ngang miệng anh.

Vào những ngày mùa đông rét buốt, lính canh vẫn mở cửa sổ để anh chịu lạnh. Khi anh từ chối lao động cưỡng bức, lính canh đã đánh đập và không cho người khác nói chuyện với anh. Những người không tuân theo sẽ bị đánh bằng thắt lưng da.

Anh Từ bị bắt lại vào ngày 6 tháng 6 năm 2002 và bị tuyên án hai năm lao động khổ sai. Anh đã tuyệt thực sau khi bị ép xem các băng hình nói xấu Pháp Luân Công. Giám đốc bệnh viện nhà tù đã chỉ đạo lính canh dùng kìm thép để mở hai hàm răng, rồi sau đó bức thực anh. Thêm nữa, phòng giam của anh rất ẩm thấp và có nấm mốc, điều này khiến anh bị ghẻ lở.

Trong lần lao động khổ sai thứ hai, anh được biết mẹ anh, cũng là một học viên, bị kết án lao động cưỡng bức tại Trại Lao động nữ Trường Xuân.

Việc tra tấn tàn bạo kéo dài đã khiến tình trạng của anh trở nên nguy kịch, và họ phải đưa anh đến bệnh viện cấp cứu. Cho đến nay, mũi của anh vẫn bị lệch sang một bên do bị đánh đập.

Gia đình ly tán vì thời hạn tù

Công an huyện đã xông vào nhà anh Từ vào ngày 17 tháng 10 năm 2007, rồi tịch thu TV, đầu đĩa DVD, xe máy, và nhiều thứ khác. Công an cũng đánh anh ở trên sàn nhà, lột bỏ quần áo, treo anh lên, và dùng thắt lưng đánh vào đầu anh. Sau đó họ bắt anh đến Đồn Công an huyện Tiền Quốc.

Sau đó, họ kết án anh chín năm tù vào ngày 22 tháng 10 năm 2008 và bị giam tại Nhà tù Thạch Lĩnh. Sau nhiều năm điều trị bệnh, anh bị chẩn đoán mắc bệnh lao phổi. Tuy nhiên, lính canh vẫn dùng gậy cao su đánh anh, đồng thời còn dội nước lạnh lên người anh. Trên lưng anh vẫn còn nhiều vết sẹo do đánh đập. Một học viên khác là ông Đổng Phượng Sơn, bị kết án cùng anh Từ, đã bị đánh đến chết trong nhà tù, chỉ vài ngày sau đó.

Anh Từ được trả tự do trước thời hạn tù, khi trở về nhà, anh được biết mẹ anh đã qua đời vì bức hại, bà đã gọi tên anh trước khi mất. Vợ anh buộc phải rời khỏi nhà để tránh bức hại, để lại con nhỏ cho người nhà chăm sóc.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/2/29/324681.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/17/155937.html

Đăng ngày 23-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share