Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông
[MINH HUỆ 27-1-2016] Theo dữ liệu tổng hợp từ trang Minh Huệ, đã có 158 cư dân ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông bị công an thẩm vấn trong hai ngày 31 tháng 7 năm 2015 và 14 tháng 1 năm 2016 khi họ thực hiện quyền công dân để tìm công lý cho bản thân.
Người dân ở Đức Châu đã nhận nhiều cuộc viếng thăm bất ngờ của công an sau khi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân nhằm buộc ông ta phải chịu trách nhiệm về việc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, khiến họ bị bắt giữ, giam cầm và tổn thất về tài chính.
Động thái của chính quyền địa phương trước các vụ kiện này là cử công an đến điều tra, đe doạ, thậm chí là bắt giữ các nguyên đơn.
Một học viên đã bị chết trong thời gian bị giam cầm, một học viên khác cũng qua đời sau khi bị công an liên tục sách nhiễu tại nhà.
Những đối tượng mục tiêu bị giam giữ trong 631 ngày
Nhiều học viên ở Đức Châu bị công an thẩm vấn không chỉ một lần. Tính trung bình mỗi học viên bị công an đến gặp 1,5 lần, và một số bị bắt giữ sau những chuyến viếng thăm này.
Tổng cộng có 117 học viên được xác nhận bị giam cầm sau những chuyến viếng thăm của công an. Thời hạn giam giữ khác nhau tùy từng học viên, tổng thời gian giam giữ của tất cả những học viên này lên đến 631 ngày.
Có 32 người được trả tự do ngay trong ngày bị bắt sau khi kết quả khám sức khỏe cho thấy không đạt. 117 học viên còn lại bị giam tại nhiều cơ sở khác nhau trong 15 ngày, song đến thời điểm của báo cáo này, tất cả đều đã được thả.
Nhiều học viên bị bắt đã trải qua nhiều hình thức ngược đãi khác nhau trong thời gian bị giam giữ. Cá biệt có trường hợp một học viên nữ 45 tuổi đã qua đời một cách đáng ngờ ngay trước khi được trả tự do một ngày. Thêm nữa, trước đó 11 ngày, một nữ học viên ở Đức Châu cũng qua đời sau khi bị công an liên tục sách nhiễu tại nhà.
Hai cái chết trong 11 ngày
Bà Tôn Tú Cúc, 45 tuổi, đã chết một cách đáng ngờ vào ngày 13 tháng 1 năm 2016, một ngày trước khi được trả tự do khỏi một trại tạm giam ở địa phương. Công an địa phương tuyên bố rằng bà chết một cách tự nhiên và thi thể của bà đã được đem đi hoả táng.
Bà Tôn Tú Cúc lúc còn sống
Trước đó, bà Bành Thái Tu cũng qua đời vào ngày 2 tháng 1 năm 2016. Người phụ nữ 58 tuổi này đã phải vật lộn nhiều năm để phục hồi sức khoẻ, sau thời gian bị liên tục tra tấn và bắt giữ. Vào một ngày trong tháng 10 năm 2015, khi bà vẫn trong tình trạng nguy kịch thì công an ập đến nhà yêu cầu bà từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công.
Chồng bà Bành hết sức phẫn nộ trước việc công an sách nhiễu vợ mình. Ông đã cảnh báo họ: “Bà ấy đã rất yếu rồi mà các ông còn uy hiếp bà ấy như vậy! Tôi sẽ bắt các ông chịu trách nhiệm nếu bà ấy có mệnh hệ nào đấy.”
Tuy nhiên, công an vẫn quay lại nhà bà Bành ít nhất hai lần nữa, khiến bà càng thêm khốn khổ. Tình trạng sức khoẻ của bà liên tục xấu đi và bà qua đời vào ngày thứ hai của năm mới. Trước đó bà Bành cầm cự được là nhờ chồng và con gái.
Ngược đãi học viên bị giam cầm
Đức Châu trải qua một đợt rét kéo dài bảy ngày khi bà Lưu Đại Trân bị giam ở một trại tạm giam địa phương vào tháng 10 năm 2015. Cai trại đã lấy đi ga trải giường của bà Lưu, khiến bà bị rét run suốt cả đêm.
Anh Lý Tông Trạch bị bắt ba lần khi đi kêu gọi trả tự do cho cha đang bị giam trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Lần bắt giữ thứ ba của anh sinh viên tốt nghiệp này là tháng 11 năm 2015, sau mấy tháng nộp đơn kiện Giang Trạch Dân. Họ đánh đập anh Lý tàn nhẫn trong thời gian giam cầm; kính của anh bị vỡ, hai cánh tay anh đầy vết thâm tím. Vì anh không chịu mặc quần áo tù mà bị bỏ đói tới chín bữa liền.
Các báo cáo về những bức hại đối với anh Lý Tông Trạch:
Sinh viên đại học bị cảnh sát tấn công vì hỏi về vụ án của cha
Một sinh viên tốt nghiệp đại học bị bắt ba lần vì yêu cầu trả tự do cho cha
Người nhà bị sử dụng như công cụ uy hiếp học viên
Một số học viên ở Đức Châu vì phải sống xa nhà để tránh bị bắt nên công an đã dùng người nhà họ nhằm uy hiếp học viên.
Con gái lộ danh tính sau khi cha có ý định tự sát
Cha của cô Vương Ái Quân bị đột quỵ và phải nằm liệt giường. Tuy nhiên, công an đã xông vào nhà của ông lão 73 tuổi này vào ngày 29 tháng 10 năm 2015 để gây áp lực bắt ông phải tiết lộ chỗ ở của con gái mình. Đồng thời, công an cũng giám sát nhà và nơi làm việc của cô Vương.
Khi cha của cô Vương bị hoảng loạn vì sự đe doạ của cảnh sát, thậm chí còn có ý định tự sát, cô Vương đã tự đến gặp công an và bị giam trong 10 ngày.
Con gái đầu hàng trước áp lực của cảnh sát
Con gái của ông Vu Vĩnh Lợi đã đầu hàng trước áp lực của cảnh sát sau năm lần họ đến trường của cô để tìm kiếm cha cô. Cuối cùng cô đã đến đồn công an để thẩm vấn.
Công an gây áp lực bắt người chồng đi tìm chỗ ở của vợ
Ngày 2 tháng 11 năm 2015, công an đã đến nơi làm việc của chồng bà Lý Tuấn Bình và ra lệnh cho cấp trên của chồng bà ngừng trả lương để anh đi tìm vợ mình. Công an cũng gọi con trai của hai người lên đồn công an để thẩm vấn.
Người chồng giao nộp vợ mình
Công an liên tiếp đe dọa chồng của bà Trần Nguyệt Quyên vào cuối tháng 12 năm 2015. Cuối cùng ông đã thuyết phục vợ mình đi đến đồn công an với ông. Tại đây, họ đã giam bà Trần trong một tuần.
Công an âm mưu dàn xếp các vụ bắt giữ
Ngày 25 tháng 10, khi bà Bành Phong Vân đang trông trẻ thì nhận được một cuộc gọi thông báo có một kiện hàng gửi cho bà đang ở ngay ngoài khu chung cư nhà bà. Khi bà ẵm em bé đi xuống cầu thang, thì công an đã ập tới bắt giữ bà. Cùng ngày hôm đó, bà được thả sau khi kết quả khám sức khoẻ cho thấy bà không đủ điều kiện giam giữ.
Ngày 3 tháng 11, một toán công an khác đã đến gõ cửa nhà bà Thôi Tể Bình và nói họ là hàng xóm nhà bà. Khi bà Thôi mở cửa, họ đã xông vào bắt giữ và giam bà trong bảy ngày.
Bị mất việc và bị công an tống tiền
Một số học viên ở Đức Châu đã bị mất việc sau khi cấp trên của họ đầu hàng trước những đe dọa của công an. Bà Ngô bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy vào ngày 22 tháng 11 năm 2015. Anh Lý, một sinh viên mới tốt nghiệp, cũng bị cho thôi việc.
Hơn mười học viên ở Đức Châu bị ép trả số tiền lớn sau khi bị công an thẩm vấn.
Chỉ riêng Đồn Công an thị trấn Tiền Tôn Tường đã tống tiền bốn gia đình tổng cộng là 28.000 nhân dân tệ. Công an cũng tống tiền học viên Kim Duy Hương số tiền là 5.000 nhân dân tệ, hai vợ chồng học viên Kim Đình Khuê và Kim Thanh Tú 20.000 nhân dân tệ và một học viên họ Khúc 3.000 nhân dân tệ.
Đồn Công an Hoàng Hà Nhai còn vơ vét tài sản với tổng trị giá 4.850 nhân dân tệ của bảy học viên là Nghê Tú Lan, Phó Tú Lan, Thương Xuân Quyên, Phó Tú Linh, Hiệp Kính Phong, Trương Quế Mỹ và một học viên lớn tuổi chưa rõ tên.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/27/322770.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/2/155037.html
Đăng ngày xx-02-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.