Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-2-2016] Tháng 8 năm 2015, chủ của một nhà máy tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Trong đơn kiện, ông yêu cầu cựu độc tài Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đóng cửa bất hợp pháp hai nhà máy của ông và giam giữ ông trái phép chỉ vì ông tin vào Pháp Luân Công.

Ông Lý Trạch, 64 tuổi, là nhân viên của Nhà máy Mộc Chung Thành phố Yên Đài, ông còn có nghề tay trái là điều hành doanh nghiệp và nhà máy riêng. Hai tháng sau khi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vào tháng 9 năm 2000, ông bị cảnh sát địa phương bất ngờ lục soát nhà máy và tịch thu toàn bộ tài sản. 10 tháng sau vụ lục soát, ông bị giam giữ ba năm tại trại lao động cưỡng bức.

Sau khi ra trại, Ông Lý mở nhà máy thứ hai, nhưng đến năm 2006 nhà máy này lại bị chính quyền buộc đóng cửa khi ông bị bắt giam lần nữa. Không lâu sau đó, ông bị kết án bảy năm tù.

Năm 2001, ông bị Nhà máy Mộc Chung cho thôi việc, và mặc dù đã nhiều lần yêu cầu được lĩnh trợ cấp hưu trí nhưng ông đều bị nhà máy từ chối. Họ yêu cầu ông ngừng tu luyện Pháp Luân Công nhưng ông đã kiên quyết phản đối. Cho đến nay, ông Lý vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào từ nhà máy này.

Dưới đây là những lời tự thuật của ông Lý về những gì ông đã phải chịu đựng trong suốt 16 năm diễn ra cuộc bức hại.

Ba lần bị bắt giữ trong một năm; nhà máy đầu tiên bị đóng cửa

Vào tháng 8 năm 1996, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Một thời gian ngắn sau đó, tất cả các bệnh mãn tính hành hạ tôi trong nhiều năm đều biến mất. Tuy nhiên, tôi đã bị bắt giữ tới ba lần chỉ trong vòng một năm vì tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho môn tu luyện đã cứu mạng sống của mình.

Ngày 22 tháng 7 năm 1999, tôi bị bắt giữ trái phép tại Bắc Kinh vì đã lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công. Tôi được thả sau đó nhưng rồi lại bị bắt trở lại vào tháng 12 và bị giam giữ 15 ngày.

Vào tháng 7 năm 2000, tôi bị bắt lần thứ ba khi đang treo biển giảng chân tướng tại Quảng trường Thiên An Môn và bị cai trại của Trại Diêm Thành đánh đập rất dã man. Tôi bị giam giữ 18 ngày trước khi cán bộ trại giam áp giải về nhà tại Yên Đài. Trên đường về nhà, tôi đã trốn thoát.

Sau đó, đến tháng 9, cảnh sát Yên Đài đã lục soát nhà máy và tịch thu nhiều tài sản của tôi; bao gồm đồ trang sức, một chiếc máy vi tính, và các tài liệu về Đại Pháp. Họ cũng dọa nạt các công nhân của tôi và điều hai giám sát viên đến tra hỏi họ. Nhà máy bị buộc phải đóng cửa.

Lần bắt giữ thứ tư khiến tôi bị giam cầm ba năm tại lao động cưỡng bức

Ngày 1 tháng 7 năm 2001, tôi bị bắt và bị đưa tới Trại tạm giam Nam Ngoại ô. Sau khi từ chối ký đơn từ bỏ tín ngưỡng của mình, tôi bị hai cai trại đánh đập rất tàn nhẫn và bị đá liên tiếp vào người cho đến khi tôi bị thương nặng và nôn ra máu.

Đến ngày thứ tư, vết thương trầm trọng đến nỗi không thể chịu đựng được, vì vậy họ đã kêu bác sỹ đến kiểm tra cho tôi ngoài giờ hành chính. Người bác sỹ càu nhàu với tôi vì đã khiến anh ta phải làm thêm giờ, rồi anh ta, với sự trợ giúp của người bảo vệ, đã đánh đập tôi. Khi tôi bất tỉnh, họ dội nước để đánh thức tôi dậy. Toàn thân tôi co giật vì đau đớn. Ba hôm sau, tôi được đưa đến Bệnh viện Hải quân Yên Đài 407.

Tại bệnh viện, tôi bị còng tay và xích vào giường. Bác sĩ nói tôi bị viêm loét dạ dày nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật ngay. Tôi đã cố gắng thuyết phục bác sĩ rằng sức khỏe của tôi sẽ phục hồi nếu tôi được luyện tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. 10 ngày sau, sức khỏe của tôi đã tốt lên và không cần đến phẫu thuật nữa.

Sau đó, nhân viên Phòng 610 đưa tôi đến trung tâm tẩy não Hải Dương để “chuyển hóa” tôi, hay nói cách khác là tẩy não để ép tôi phải từ bỏ đức tin của mình. Tôi đã từ chối bị chuyển hóa và tiếp tục tuyệt thực. Vài ngày sau, tôi bị dẫn đến trại lao động cưỡng bức Truy Bác Vương Thôn và bị giam giữ ba năm tại đó.

Tháng 9 năm 2003, tôi được ra trại lao động. Khi tôi quay về Nhà máy Mộc Chung Thành phố Yên Đài để làm việc, bảo vệ nhà máy đã chuyển tôi đến một trung tâm tẩy não do Phòng 610 quản lý trong hơn 20 ngày. Họ tuyên bố tôi bị mất việc từ năm 2001.

Bị kết án bảy năm tù; Nhà máy thứ hai bị đóng cửa

Ngày 15 tháng 10 năm 2006, khi đang ra ngoài ăn tối, tôi lại bị bắt giữ. Nhân viên cũng bắt cả vợ tôi và cùng ngày đã lục soát nhà tôi. Họ tịch thu ba máy tính xách tay, một ổ ghi DVD, một số sách và tài liệu về Pháp Luân Công, và khoảng 10.000 nhân dân tệ. Bọn họ cũng lục soát và đóng cửa nhà máy thứ hai mà tôi đã mở sau khi được thả khỏi trại lao động.

Tối hôm đó tại đồn cảnh sát, tôi bị treo lên trong tư thế hai tay quặt ra sau lưng và họ cố ép buộc tôi từ bỏ Pháp Luân Công. Khi tôi từ chối, họ tát và đánh vào người tôi. Chẳng bao lâu sau tôi đã bất tỉnh. Họ lôi tôi xuống, một nhân viên ghì vai tôi, lắc mạnh khiến tôi tỉnh lại. Sau đó, hắn nắm tay tôi và viết vội trên một tờ giấy. Lúc này, tôi đã quá yếu để chống cự. Tôi không biết họ đã viết những gì.

18 ngày sau, tôi bị đưa đến trại giam Nam Ngoại ô, sau đó là nhà tù Sơn Đông, Tế Nam để lãnh án bảy năm tù. Sau khi được trả tự do vào năm 2012, nhiều lần tôi đã viết đơn đề nghị Nhà máy Mộc Chung trả lương hưu cho mình, nhưng lần nào cũng bị họ từ chối. Cho đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào từ họ.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người đã bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thực thi chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố cựu độc tài Giang Trạch Dân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/23/322490.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/1/155029.html

Đăng ngày 17-2-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share