Bài viết của một học viên phương Tây
[MINH HUỆ 28-12-2015] Tôi muốn chia sẻ một chút về việc tôi đã loại bỏ những quan niệm và phán xét về các đồng tu Trung Quốc, hy vọng rằng chúng ta có thể hình thành nên một chỉnh thể và cứu độ chúng sinh được tốt hơn.
Tôi đắc Pháp năm 2008 tại quê nhà Boston. Anh họ tôi đã hồng Pháp cho tôi. Anh ấy không tham gia học Pháp nhóm nhiều, do vậy tôi không biết hay hiểu được tầm quan trọng của việc học Pháp nhóm trong thời gian đầu mới tu luyện.
Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia học Pháp nhóm, nhưng vì nơi học rất xa nên tôi thường học Pháp và luyện công tại nhà. Tôi không chia sẻ nhiều với các đồng tu trong thời gian đó. Mặc dù tôi đi xem Thần Vận và quảng bá trong một thời gian cho chương trình biểu diễn vào những năm đầu tiên, nhưng tôi không bao giờ liên lạc với các nhóm. Kết quả là trong khoảng hai năm sau đó tôi đã không thực sự tu luyện và trên thực tế là đã khá xa rời Pháp.
Mãi cho đến khi tôi tới Hawaii vào năm 2011 tôi mới thực sự trở thành một học viên tinh tấn. Không có nhiều học viên ở Hawaii và lúc đó chỉ có một vài học viên phương Tây.
Sư phụ đã thực sự cho tôi cơ hội để bù đắp lại quãng thời gian tôi đã lãng phí. Tôi tham gia sâu hơn vào hạng mục Thần Vận và giảng chân tướng ngay khi tôi mới tới đó. Việc học Pháp ở Hawaii đã trải qua những thay đổi qua các năm khi tôi tới đó. Thỉnh thoảng chúng tôi học bằng tiếng Anh trong một phòng riêng, sau đó chúng tôi ngồi lại cùng nhau để chia sẻ; những lần khác thì tất cả chúng tôi cùng học với nhau.
Sau một vài năm có một học viên phương Tây chuyển đi, một người khác không tới học rồi chuyển đi, và một học viên lâu năm thì qua đời. Tôi là học viên phương Tây duy nhất còn lại. Lúc đó khi tôi tới tham gia nhóm học Pháp hằng tuần, tôi đã không thể nhận ra rằng, những quan niệm đã và đang hình thành trong tâm trí tôi về các đồng tu. Nhóm này không chia sẻ nhiều, và khi mọi người chia sẻ, tôi cảm thấy rằng những gì họ chia sẻ không sâu sắc. Tôi thấy không thu được lợi ích gì từ việc học nhóm. Đây thực sự là một quan niệm ích kỷ, và nó đã theo tôi tới New York.
Khi tôi tới New York, đó là lần đầu tiên tôi được gặp nhiều học viên phương Tây đến vậy, và tôi thực sự thấy hạnh phúc. Tôi đã ở đây vào tháng 9, và một trong những nhóm học Pháp mà tôi tham gia là nhóm Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh (EET). Mặc dù tôi không làm việc cho Đại Kỷ Nguyên, nhưng việc tham gia cùng nhóm học Pháp đó đã thực sự giúp tôi đề cao. Tôi chưa bao giờ được ở cùng nhiều học viên phương Tây, và tất cả mọi người đều suy nghĩ và nói chuyện giống như tôi. Nó quả là một môi trường dễ chịu với tôi trong một vài tháng.
Sau vài tháng, cùng với việc học Pháp hàng ngày với các học viên cùng sống với tôi, tôi tham gia nhóm học Pháp tại vùng Brooklyn và tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi thực sự trở thành một phần trong chỉnh thể ở New York.
Tôi cũng tới học Pháp nhóm lớn tại Manhattan nưng không tới Flushing. Suy nghĩ đầu tiên của tôi về Flushing là không có nhiều người phương Tây tới đó và nó rất xa chỗ tôi lại mất hai giờ đi đường. Thêm vào đó, về ngôn ngữ cũng có khó khăn với tôi, do vậy tôi có thể có lợi ích gì nếu tới đó chứ? Nếu tôi tới học với EET hoặc chỉ đơn giản là học tại Brooklyn thì có gì khác không? Nhưng tôi cảm thấy không thoải mái với suy nghĩ này, do vậy tôi quyết định sẽ thực sự ngồi lại và thành tâm buông bỏ những quan niệm của mình. Tôi muốn tự vấn bản thân rằng điều gì đã khiến tôi không muốn tới tham gia vào chỉnh thể các học viên học Pháp cho dù họ ở đâu.
Khi tôi ngồi xuống, tôi bắt đầu kiểm tra lại những lý do trong đầu rằng tại sao tôi không tới Flushing. Flushing thì xa, mất 2 giờ đi đường. Sau đó tôi nhận ra rằng khoảng cách và thời gian đi lại không phải là mối quan ngại. Khi tôi tiếp tục suy nghĩ, tôi thấy về cơ bản là vì tôi đã không đặt việc học Pháp lên hàng đầu.
Nếu học Pháp và việc tham gia vào chỉnh thể thực sự là ưu tiên hàng đầu của tôi, vậy thì điều gì khiến tôi không muốn đi? Khi tôi có suy nghĩ đó, tôi nghe thấy một đoạn Pháp của Sư phụ trong Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân vang lên trong đầu tôi: “Tu luyện không có điều kiện nào hết; muốn tu luyện, thì tu luyện thôi.”
Tôi đột nhiên ngộ ra. Chẳng phải tôi đang chờ đợi những người khác thay đổi để cho tôi đáp ứng những yêu cầu của Sư phụ sao? Như vậy làm sao có thể là đúng được chứ?
Sau đó tôi ngồi xuống và thành thực tự vấn: “Nếu có 100 học viên phương Tây học Pháp ở Flushing vào các ngày thứ sáu, liệu mình có đi không?” Tôi nghĩ tôi sẽ đi và chắc chắn là vậy, do vậy tôi phải đào sâu hơn và tìm thêm các chấp trước khiến tôi không tham gia cùng chỉnh thể.
Khi tôi tìm kiếm sâu hơn, tôi có thể thấy một số quan niệm đã được hình thành khi tôi chuyển tới New York. Ngay khi tới đây và bắt đầu làm việc, tôi đã có một mâu thuẫn lớn về tâm tính với một trong những người đồng nghiệp Trung Quốc của tôi. Chúng tôi đụng độ với nhau về cách làm một việc nào đó, tôi nghĩ là nó phải được làm theo đúng cách thức kinh doanh của phương Tây và không thể hiểu được loại cách thức lỏng lẻo hơn. Cơ bản là tôi cần biết mọi chi tiết và muốn mọi thứ được giải thích và phác thảo một cách chi tiết. Nhưng thực sự là không thể làm vậy vào thời điểm đó.
Tôi thực sự hướng nội sau mâu thuẫn đó và thấy một chấp trước lớn – tôi đã nhìn các học viên Trung Quốc qua một lăng kính rất khắc nghiệt và tôi đã phóng đại mọi thứ liên quan đến chế độ cộng sản của họ và sử dụng nó là cái cớ để không nghe theo hầu hết mọi điều họ nói.
Sinh ra và lớn lên ở phương Tây, chúng tôi có cách phán xét rất nghiêm khắc về mọi thứ. Vì trong đời này, tôi có ít những mối liên hệ với văn hóa truyền thống Trung Hoa,rất khó để tôi tôi thấy được phương cách làm việc tốt hơn, khôn ngoan hơn, hiện thực hơn theo phong cách Trung Quốc. Những cách này tốt hơn và hài hòa hơn nhiều so với cách thức theo kiểu phương Tây của tôi, nhưng tôi đã không thể bỏ qua những thiếu sót của các đồng tu Trung Quốc.
Sau đó, tôi thực sự bắt đầu tu bỏ những quan niệm này và cảm thấy tôi có thể phối hợp tốt hơn và có thể học hỏi từ những học viên Trung Quốc.
Sau khi tôi ngộ ra rằng cũng chính chấp trước mà tôi đã bắt đầu buông bỏ này cũng là nguyên nhân khiến tôi không muốn tới học Pháp nhóm ở Flushing. Tôi thực sự thấy sững sờ. Tôi đã không trân trọng những đồng tu của mình. Tôi đã không có đủ sự từ bi, thiện tâm và khoan dung. Tôi đang yêu cầu người khác tu luyện hay tôi đang tu luyện vậy?
Khi tôi nhận ra vấn đề, tôi biết tôi phải tới học Pháp ở Flushing. Tới học Pháp nhóm ở đó cũng đã giúp tôi đề cao. Tôi có thể thực sự thấy được các học viên đến từ Trung Quốc Đại lục mới đây đã vất vả như thế nào để có thể làm việc và hòa nhập vào xã hội phương Tây, đáp ứng các yêu cầu của Sư phụ và cứu chúng sinh. Tôi thực sự cảm thấy như muốn khóc. Sao tôi lại có thể thiếu từ bi đến vậy, sao tôi lại không đối xử với các đồng tu của mình bằng chính niệm và thiện tâm chứ?
Sau khi tôi nhận ra điều này, tôi đã nghĩ nhiều về cách mà tà ác đã gia cường những quan niệm trong đầu tôi trong nhiều năm qua. Tôi cũng ngộ ra rằng tà ác có những kế hoạch tấn công rất cơ bản mà chúng sử dụng để làm hao tổn sức mạnh của các học viên. Một chiến thuật mà tôi đã từng thấy được áp dụng với các cá nhân đơn lẻ là cô lập họ khỏi nhóm, sau đó phóng đại những ý niệm xấu của họ về những người khác để từ đó khiến họ xa rời chỉnh thể. Tôi đã thấy chuyện đó xảy ra cho một học viên phương Tây lâu năm đã qua đời ở Hawaii.
Khi tôi nghĩ về điều này, tôi nhận ra rằng chiến thuật đó cũng có thể áp dụng với một nhóm người. Nếu tôi – một học viên phương Tây, lại tạo ra gián cách giữa bản thân và các đồng tu Trung Quốc trong tâm của mình, làm sao chúng ta có thể trở thành một chỉnh thể tốt hơn chứ? Và việc trở thành một chỉnh thể và học Pháp cùng nhau có phải chỉ đơn giản là một cái gì đó mang tính hình thức hay không? Tôi không nghĩ là vậy. Tôi nghĩ nó trực tiếp liên quan đến việc chúng ta có thể cứu chúng sinh tốt như thế nào.
Những gì chúng ta thấy trên bề mặt không thực sự như nó thể hiện ra. Một ví dụ là những show biểu diễn Thần Vận trong tháng 1 và tôi nằm trong nhóm quảng bá. Tôi nhận thấy tiến triển công việc của chúng tôi liên quan tới việc chúng tôi tu luyện cùng nhau tốt như thế nào. Vai trò của tôi trong đó là gì? Không phải việc của tôi là tham gia vào chỉnh thể với những niệm đầu vô tư trong bất cứ hoàn cảnh nào hay sao? Ngay cả khi tôi không được dịch nghĩa từ nào thì chẳng phải yêu cầu của Sư phụ đối với tôi là tận hưởng niềm vui khi ngồi cùng với các đồng tu sao?
Nếu như tới học Pháp nhóm có thể mở ra cơ hội để bán thêm được một vé cho Thần Vận, thì liệu tôi có làm không? Tất nhiên là có, bởi vì đó là một chúng sinh và một thể hệ vũ trụ được cứu.
Những điều này chỉ là những thể ngộ của tôi tại tầng thứ của mình. Xin hãy chỉ ra bất cứ điều gì chưa phù hợp. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, tôi có thể trở nên từ bi, và khoan dung hơn, và chính niệm đối với tất cả các đồng tu của mình và làm tốt hơn để buông bỏ những thứ xấu của bản thân, có vậy chúng tôi có thể thực sự hợp thành một chỉnh thể để đáp ứng các yêu cầu của Sư phụ và cứu thêm nhiều chúng sinh. Xin cảm ơn!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/12/28/321221.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/1/154447.html
Đăng ngày 27-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.