Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-9-2015] Theo tin tức tổng hợp từ Minh Huệ Net, từ cuối tháng 5 tới ngày 27 tháng 9 năm 2015 đã có tổng cộng 66 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.

Các học viên kiện cựu lãnh đạo độc tài Trung Quốc vì đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo lên Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất to lớn mà cuộc đàn áp này đã gây ra cho họ. Những đơn kiện này đã được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Nhiều học viên đã kể lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ hồi phục sức khỏe và mang tới cho họ một thế giới quan mới về cuộc sống như thế nào. Tuy nhiên, mong ước được sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã tan vỡ khi vào năm 1999, Giang Trạch Dân phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện này.

Chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn, bị lục soát nhà, tịch thu tài sản cá nhân. Gia quyến của nhiều học viên cũng vì thế mà bị liên lụy.

Hồ sơ của một vài học viên

Bà Lữ Quế Hiệp (吕桂侠), 42 tuổi, đã bị bắt giữ ba lần. Bà bị giam giữ ở hai trại tạm giam với tổng thời gian bị giam giữ là một năm và hai lần bị kết án tù trong tổng cộng bảy năm sáu tháng. Bà Lữ đã bị tra tấn. Bà bị bắt đứng thẳng trong nhiều giờ đồng hồ, ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, và bị ép buộc tẩy não. Vì bị nhiễm bệnh lao, bà đã bị cách ly trong hơn một năm.

Cha mẹ cùng anh trai của bà Lữ cũng tu luyện Pháp Luân Công, họ bị cầm tù vào tháng 6 năm 2004. Cha của bà đã chết vì bị tra tấn trong hai tháng ở tù sau khi ông được thả để điều trị y tế. Mẹ của bà cũng qua đời vì quá lo lắng cho tình trạng sức khỏe sa sút của bà. Bà Lữ đã không được phép tham dự đám tang của mẹ mình.

Ông Khương Tú Ngọc (姜秀玉), ở độ tuổi 40, đã bốn lần bị kết án vào trại lao động cưỡng bức trong tổng cộng 6 năm 6 tháng. Những người bức hại ông đã tống tiền ông và nhà của ông bị lục soát nhiều lần. Tại trại lao động cưỡng bức, ông bị sốc bằng dùi cui điện và khi quyết định tuyệt thực, ông đã bị bức thực thô bạo. Từ khi ông bị bắt giữ vào năm 2010, gia đình không được phép thăm ông và con trai của ông bị sách nhiễu tại nơi làm việc.

Anh Tôn Tiếu Vũ (孙肖雨), 29 tuổi, bị bắt và bị cùm tay vào ngày 23 tháng 5 năm 2002 khi anh chỉ mới 16 tuổi. Tại trại tạm giam, anh bị biệt giam trong ba tháng. Sau đó, anh bị ép lao động cưỡng bức trong hai năm.

Bà Vương Thục Cần (王淑芹), 64 tuổi, đã bị bắt tổng cộng là bốn lần và bị lục soát nhà. Trong thời gian bị giam ở trại tạm giam, bà bị bắt phải trả tiền thức ăn. Bà đã bị kết án một năm tại trại lao động cưỡng bức vào tháng 3 năm 2002.

Ông Cổ Sinh Lâm (贾生林), 42 tuổi, bị sa thải vào năm 2000 vì ông tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị kết án hai năm trong trại lao động cưỡng bức và bị tra tấn ở đó. Những hình thức tra tấn mà ông đã phải chịu đựng bao gồm đánh đập, cấm ngủ và ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trong một thời gian dài.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/9/30/316857.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/13/153213.html

Đăng ngày 6-11-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share