[MINH HUỆ 9-10-2015] Theo số liệu thống kê của Minh Huệ Net, từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 9 tháng 7 năm 2015 đã có 153 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nhâm Khâu, tỉnh Hà Bắc đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân.

Các học viên đã khởi tố cựu độc tài Trung Quốc vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo và bắt Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm về những thống khổ to lớn mà các học viên phải gánh chịu trong chiến dịch của ông ta. Những đơn kiện được gửi đến Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Rất nhiều trong số các học viên này cho biết Pháp Luân Công đã giúp họ lấy lại sức khỏe và mang đến cho họ một cái nhìn mới về cuộc sống. Tuy nhiên, giấc mơ về một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện vào năm 1999.

Chỉ đơn giản vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình, họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn và nhà cửa bị lục soát, các tài sản cá nhân bị thu giữ. Nhiều người còn chứng kiến gia đình mình bị liên lụy vì tín ngưỡng của mình, trong khi một số còn bị ép buộc phải nộp khoản tiền phạt lớn

Dưới đây, chúng tôi sơ lược tiểu sử của một vài học viên trong số đó.

Bị tra tấn trong trại lao động

Bà Lý Tĩnh Linh (李静玲), 50 tuổi, từng làm việc tại [Công ty] Dầu khí Hoa Bắc. Bà bị giam ba năm trong trại lao động và năm năm trong tù. Bà phải chịu đựng tất cả mọi hình thức tra tấn khi ở trong Trại lao động Khai Bình, thành phố Đường Sơn: Treo người lên cây, bức thực, cấm sử dụng nhà vệ sinh, và phải tham dự các phiên tẩy não cưỡng bức. Trong khi bị giam ở trong Nhà tù nữ Thạch Gia Trang, con gái bà, khi đó đang học trường trung học, đã bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng sau nhiều năm sống trong sợ hãi; cô đã phải tạm nghỉ học trong nửa năm.

Bị ngược đãi ở trong tù

Bà Điền Mai Anh (田梅英), 63 tuổi, nói trong đơn kiện rằng bà và chồng là ông Lưu Chấn Quốc (刘振国) cùng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, sau khi tu luyện, căn bệnh dạ dày và các vấn đề về tim của ông được chữa lành. Ông bị ngược đãi trong suốt 15 ngày ở Trại tạm giam Nhâm Khâu và bị phạt 2.000 nhân dân tệ. Hai vợ chồng họ bị sách nhiễu vào những ngày mà chính quyền cộng sản cho là “nhạy cảm”. Bức hại kéo dài đã lấy đi mạng sống của chồng bà, ông qua đời vào tháng 5 năm 2005.

Công an tiếp tục sách nhiễu sau khi được trả tự do

Bà Hứa Thắng Nhiên (许胜然), 78 tuổi, được tại ngoại vào tháng 1 năm 2014. Sau đó bà bị kết án ba năm tù giam, cùng năm năm bị quản chế. Trước lần bị bắt gần nhất, công an đã đột nhập vào nhà bà vào tháng 10 năm 2013 trong khi bà đang ra ngoài thị trấn thăm gia đình. Chồng bà, lúc đó đang ở nhà một mình, đã khiếp sợ và sau đó đổ bệnh. Sau khi bà trở về nhà, cứ 10 ngày công an lại thẩm vấn bà một lần.

Con cái không được chăm sóc

Bà Sài Tú Mai (柴秀梅) và chồng là ông Trần Phong Lôi (陈风雷) cùng bị cầm tù vào tháng 10 năm 2000. Hai người con đang ở tuổi vị thành niên của vợ chồng họ bị bỏ lại ở nhà không ai chăm sóc. Sau khi bà Sài được trả tự do sau đó một năm, nhà của bà đã bị phá hỏng: Có một lỗ hổng lớn ở trên trần nhà, không có điện, cửa sổ bị phá vỡ. Các con trai bà, một người 14 tuổi và một người 11 tuổi, nhếch nhác đến mức bà không nhận ra chúng. Ông Trần được trả tự do vào tháng 10 năm 2005, nhưng ông lại bị bắt lại vào tháng 6 năm 2006 và bị kết án sáu năm tù giam.

Bị thương trong vụ bắt giữ bạo lực

Ông Mã Khai Hoa (马开华), 59 tuổi, là nông dân, bị thương nghiêm trọng trong khi cảnh sát đột nhập vào nhà ông và cố gắng bắt giữ ông. “Lúc đó vào khoảng 2 giờ sáng ngày 2 tháng 8. Tôi đang ngủ trên sân thượng vì thời tiết nóng nực. Cảnh sát đột nhập vào nhà tôi và leo lên đỉnh mái nhà. Họ dùng dùi cui điện sốc điện tôi, và tôi bị rơi từ trên đỉnh mái nhà xuống và ngất đi. Cuống não của tôi bị chảy máu ở ba vị trí, và tôi đã phải điều trị đặc biệt trong hơn hai tuần.”

Bốn tháng sau, khi phần xương bị gãy của ông vẫn chưa lành, cảnh sát đã cố gắng bắt ông lần nữa. Quần áo của ông bị xé rách. Với đôi chần trần và cánh tay bị gãy, ông đã cố gắng hét to hết mức để cầu cứu và cố gắng trốn thoát cảnh sát.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610 vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền này để đệ đơn kiện hình sự truy tố cựu độc tài Giang.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/10/9/317306.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/20/153313.html

Đăng ngày 27-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share