[MINH HUỆ 9-10-2015] Công dân New Zealand, ông Lương Triển Bằng, đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.
Ông Lương, 43 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1993. Ông bị bắt giữ ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2002, và bị giam giữ trong các trại giam và trung tâm tẩy não với thời gian tổng cộng gần một năm rưỡi vì đã lên tiếng cho đức tin của mình.
Ông Lương bị tra tấn trong khi bị giam cầm. Ông bị cấm ngủ, bị bức thực bằng nước ớt. Các lính canh dùng dây xích kim loại đánh đập ông và nhấn đầu ông ngập vào xô nước trong khi giữ ông ở tư thế lộn ngược. Ông cũng bị tẩy não cưỡng bức và lao động khổ sai.
Bị bắt giữ vì lên Bắc Kinh thỉnh nguyện
Ngày 1 tháng 2 năm 2000, ông Lương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương yêu cầu chấm dứt bức hại Pháp Luân Công. Ông bị bắt và giam giữ trong một văn phòng dưới lòng đất trong hai ngày trước khi được trở về Quảng Châu – một thành phố ở cách Bắc Kinh 1.300 dặm (khoảng 2.100 km).
Lãnh đạo nơi ông làm việc đã cố gắng thuyết phục ông không đi thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công nữa, nhưng ông đã từ chối. Khi được trả tự do sau 15 ngày bị giam giữ, ông đã bị giáng chức từ quản lý xuống làm một nhân viên bình thường, và họ cũng giảm lương của ông.
Công an tống tiền cha mẹ của học viên 2.000 nhân dân tệ
Mặc dù công an và nơi làm việc gây sức ép lên ông Lương, nhưng ông vẫn quay trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công vào ngày 15 tháng 7 năm 2000. Ông bị bắt đưa trở lại Quảng Châu một lần nữa. Thời điểm đó, công an đã ép bố mẹ ông phải trả cho họ 2.000 nhân dân tệ.
Họ đưa ông đến Trại giam Đông Sơn vào ngày 22 tháng 7 năm 2000, ở đó ông bị bắt phải lao động chân tay nặng nhọc hơn 15 giờ một ngày.
“Tôi làm các hàng hóa xuất khẩu như đồ chơi, hoa nhựa, và đèn Giáng sinh. Các lính canh thu được lợi nhuận khổng lồ, nhưng chúng tôi không hề được trả thù lao.” Ông Lương nói.
“Tôi bị giam trong một phòng giam cùng với các tù nhân nghiện ma túy và bị chẩn đoán bệnh viêm gan và mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Có 26 người ở trong một xà lim có diện tích khoảng 131 m2 , và điều kiện vệ sinh vô cùng tệ hại.”
Ông nói tiếp: “Tôi từng bị cắt vào tay, và nó bị mưng mủ trầm trọng, nhưng tôi vẫn phải làm đèn giáng sinh.”
Ông Lương bị giam giữ trong 83 ngày và được trả tự do vào ngày 13 tháng 10 năm 2000.
Tẩy não
Ông Lương bị bắt giữ tại nhà vào ngày 21 tháng 1 năm 2001.
“Một toán cảnh sát đã đột nhập vào nhà tôi vào khoảng 11 giờ đêm và đưa tôi đến Trung tâm tẩy não Đông Sơn. Nhiều học viên khác cũng bị bắt giữ vào thời điểm đó. Tôi bị giam giữ biệt lập, bị bắt phải xem các đoạn phim phỉ báng Pháp Luân Công, và bị cấm ngủ,” ông Lương cho biết.
Vì ông không chịu từ bỏ đức tin của mình, Phòng 610 – một cơ quan ngoài vòng pháp luật được lập ra để bức hại Pháp Luân Công – đã chuyển ông đến Trung tâm tẩy não Hoàng Bộ vào ngày 8 tháng 3 năm 2002.
Nằm bên trong Trung tâm Cai nghiện Quảng Châu, Trung tâm tẩy não Hoàng Bộ là một trại tập trung dưới sự điều hành của Phòng 610. Các nhân viên được đào tạo đặc biệt để tra tấn các học viên Pháp Luân Công.
Các học viên bị tước mất quyền tự do của mình và bị giam giữ biệt lập. Mỗi phòng giam đều đặt camera, và các học viên đều bị các lính canh giám sát, kể cả khi họ đi tắm và sử dụng nhà vệ sinh.
Lính canh thường dùng báo che của sổ lại, để không ai có thể nhìn thấy họ tra tấn các học viên.
Ông Lương kể lại: “Các lính canh không quan tâm rằng bạn là nam hay nữ, hay tuổi tác. Họ tra tấn mọi người tới mức không thể chịu đựng được. Tôi đã chứng kiến các lính canh đánh đập tàn bạo một nữ học viên ở tuổi 60. Mặt và toàn thân bà đầy những vết bầm tím.
Họ dùng cán chổi và xích sắt đánh đập ông Lương. Khi ông bị bất tỉnh, các lính canh đã dội nước vào người ông và sau khi ông tỉnh lại, họ tiếp tục đánh đập ông. Lính canh cũng làm bật các móng tay của ông.
Cấm ngủ là một trong các phương thức được sử dụng để tra tấn các học viên. Họ cũng bắt các học viên phải xem các đoạn phim phỉ báng Pháp Luân Công.
“Sau khi bị cấm ngủ trong vài ngày, tinh thần của tôi suy sụp,” ông kể lại trong đơn kiện.
Nhằm cố gắng buộc ông phải từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã giữ ông ở tư thế lộn ngược và nhấn đầu ông vào một xô nước hoặc bồn cầu. “Chúng tôi sẽ không để ông chết. Chúng tôi sẽ để ông phải sống trong đau khổ,” các lính canh hét lên với ông.
Khi ông Lương tuyệt thực để phản đối tra tấn, các lính canh đã bức thực ông bằng cồn và nước ớt.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610 vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền này để đệ đơn kiện hình sự truy tố cựu độc tài Giang.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/10/9/317277.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/17/153275.html
Đăng ngày 27-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.