Bài viết của Hân Thiện, học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-05-2015] Tôi từng làm việc với vai trò giám đốc bán hàng cho một công ty lớn, điều hành một đội ngũ các trưởng bộ phận và nhân viên bán hàng. Nhờ tuân theo các nguyên lý của Pháp Luân Công trong công việc kinh doanh, nên tôi đã được sự tín nhiệm của các đồng nghiệp.

Sau này tôi đã chuyển sang một huyện khác để đảm nhiệm vị trí giám đốc marketing. Các đồng nghiệp cũ của tôi thường trò chuyện với tôi qua Internet và chia sẻ với tôi những vấn đề ở cơ quan. Giờ đây họ ngày càng đánh giá cao hơn về sự thanh liêm chính trực của tôi. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm ban đầu của họ.

Một nhà quản lý chính trực

Khi tôi bắt đầu làm việc ở công ty, bởi tôi từ chối làm những điều đi ngược lại với chính sách của công ty như thổi phồng số liệu bán hàng hoặc khai khống chi phí quảng cáo; đồng nghiệp của tôi cho rằng tôi là một “tên ngốc.”

Có một thực trạng phổ biến trong ngành kinh doanh của chúng tôi, đó là bán sản phẩm ra bên ngoài khu vực tiêu thụ sản phẩm mà chúng tôi đã thỏa thuận với giá thấp hơn hoặc sử dụng các phương thức bất hợp pháp khác nhằm đạt đến hoặc vượt doanh số bán hàng, từ đó sẽ thu được nhiều tiền hoa hồng hay tiền thưởng được trích lại nhiều hơn.

Bởi rất dễ dàng đạt chỉ tiêu doanh số bán hàng bằng cách tham gia vào “khu vực bán hàng chéo”, nhiều người bán hàng đã không nỗ lực để phát triển thị trường được chỉ định cho riêng mình. Điều đó dẫn đến doanh số bán hàng không chính xác và rất thiếu công bằng cho những người đã làm việc chăm chỉ để phát triển thị trường khu vực của họ.

Nếu ai đó làm tốt hơn và phát triển được thị trường khu vực của riêng mình, thì nguy cơ bị những người khác hớt tay trên là rất cao. Điều này làm cho người bán tìm mọi cách để mua những sản phẩm đang bán chạy với chi phí thấp hơn. Các bên vi phạm đối với việc bán ngoài khu vực bán hàng đã thỏa thuận sẽ luôn thực hiện giảm giá để thu hút khách hàng ở khu vực khác.

Rất nhiều công ty biết rằng hành vi đầu cơ này sẽ cản trở sự phát triển lâu dài và đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả xử phạt, để ngăn chặn các hành vi đó. Tuy nhiên, tôi biết rằng không có công ty nào hoàn toàn thành công trong việc xóa bỏ loại hành vi này.

Có lần một đại diện bán hàng của một doanh nghiệp đã đề cập thẳng với tôi rằng ông ấy có thể dàn xếp để tôi cung cấp hàng hóa cho một công ty ở một khu vực bán hàng khác. Ông ấy khẳng định với tôi rằng sẽ không bị phát hiện, bởi họ đã làm việc này nhiều lần rồi. Họ đã rất thành thục và điêu luyện các “thủ thuật” và “quy trình” liên quan.

Là một học viên Pháp Luân Công lâu năm, tôi biết rằng điều đó là đi ngược lại với Chân – Thiện – Nhẫn và đã lịch sự từ chối. Ông ấy đã rất ngạc nhiên và lắc đầu đầy nghi hoặc.

Do tôi từ chối bán hàng bên ngoài khu vực đã thỏa thuận và cũng ngăn cấm các nhân viên trong đội bán hàng của tôi làm như vậy. Nhiều người khác nghĩ rằng tôi là kẻ khờ khạo khi bỏ qua khoản lợi nhuận tiềm năng này. Thậm chí nhiều người còn nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Không cần phải quá xem trọng [các nguyên tắc đó].”

Tuy nhiên, sau khi làm việc với tôi hai năm, họ bắt đầu tán thành cách mà tôi xử lý vấn đề. Sau khi tôi rời văn phòng, chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Họ thường phàn nàn về hành vi bất lương của người quản lý kế nhiệm tôi. Sau đó, một trong số những người kế nhiệm tôi bị bắt bởi vi phạm các chính sách của công ty và bị tổng bộ phạt nặng.

Các đồng nghiệp cũ của tôi nhận xét rằng tôi là một người quản lý chính trực. Tôi tin rằng tôi giành được sự tôn trọng của họ bởi tôi sống theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Một tình huống tiến thoái lưỡng nan với quà biếu

Là một giám đốc marketing, tôi được giao phụ trách các kho hàng lưu trữ các hàng tiêu dùng và quà tặng. Chỉ có nhân viên tiếp thị và tôi là có chìa khóa của ba kho lớn chứa đầy sản phẩm và hàng khuyến mại. Trong khi những người khác sẽ nghĩ rằng cũng sẽ khả dĩ nếu tôi lấy những thứ đó để sử dụng cho cá nhân mình, nhưng tôi không bao giờ lấy bất kỳ một món hàng nào được loại đi khi hết chương trình khuyến mại.Tôi sẽ mua những thứ mà tôi cần.

Tôi cũng có trách nhiệm đối với việc sản xuất các quảng cáo để quảng bá các sản phẩm của công ty. Tôi giao thiệp với rất nhiều công ty quảng cáo và có quyền quyết định sẽ lựa chọn công ty nào. Điều này khiến những công ty đó tìm mọi cách để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tôi.

Họ cử xử với tôi rất lịch sự và tôn trọng tôi, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự lo âu của họ. Tôi hiểu những khó khăn của họ và cố hết sức để đảm bảo công bằng thông qua việc tôi lần lượt hợp tác với các công ty quảng cáo khác nhau. Nhưng tôi [yêu cầu] rất nghiêm ngặt về chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nếu họ không đáp ứng được yêu cầu của tôi, thì tôi sẽ yêu cầu họ làm lại sau khi lịch sự giải thích cho họ những chỗ còn thiếu sót.

Vào các kỳ nghỉ lễ, các công ty quảng cáo thường hay gửi quà để gián tiếp hối lộ tôi. Ban đầu, tôi cảm thấy rất khó khăn để xử lý vấn đề này. Dù tôi có nói gì thì họ cũng không chịu mang những món quà đó về. Tôi không muốn làm họ thất vọng hoặc làm họ cảm thấy bị tổn thương, nên đã nảy ra một ý tưởng. Tôi trả lại cho họ một thứ gì đó có giá trị tương đương.

Sau đó có sự việc xảy ra khiến tôi nhận ra rằng đây không phải là một cách tốt để giải quyết vấn đề khó xử này.

Ngay trước một kỳ nghỉ lễ, ông Hà, giám đốc một công ty quảng cáo đã mời tôi đến văn phòng của ông ấy. Khi tôi đến đó, ông ấy nói: “Chúng ta là đối tác làm ăn đã lâu năm, và thực sự tôi rất khâm phục tinh thần làm việc của anh. Tôi không có thứ gì để tặng anh vào dịp nghỉ lễ này, nhưng vợ tôi là chủ một cửa hàng rượu và thuốc lá. Nhất định anh phải nhận hai chai rượu này.”

Thái độ của ông ấy rất cương quyết. Sự việc này diễn ra vào thời điểm sắp đến sinh nhật của bác tôi, và tôi đã dự định sẽ mua quà cho bác ấy. Bác tôi thích uống rượu và chai rượu này sẽ giúp tôi đỡ mất công phải đi đến cửa hàng để mua rượu. Công ty của tôi có nhiều mặt hàng của những nhãn hiệu nổi tiếng dành cho nữ giới. Tôi cũng nghĩ rằng chắc chắn tôi sẽ tìm được một món quà hoàn hảo cho vợ của ông Hà khi tôi trở lại. Đó chẳng phải là một mũi tên trúng hai đích sao?

Tôi hỏi ông Hà chai rượu đó bao nhiêu tiền. Ông ấy cam đoan với tôi rằng nó không đắt lắm. Tôi đã không uống rượu kể từ khi tu luyện Pháp Luân Công –đã hơn chục năm– nên tôi không biết một chai rượu như vậy giá bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng cùng lắm thì cũng chỉ hơn 100 tệ. Do đó tôi đã nhận món quà đó và tặng nó cho bác tôi.

Tôi đã rất tò mò muốn biết giá tiền thực sự của chai rượu đó, nên tôi đã đi đến một cửa hàng rượu. Khi nhìn thấy giá của nó tôi đã rất sốc. 750 tệ một chai! Sao nó lại đắt đến thế chứ! Liệu đó có phải là của cùng một nhãn hiệu không? Nhưng tôi đã xem xét một cách kỹ lưỡng và quả thực chúng là cùng một nhãn hiệu. Tôi đã hỏi người bán hàng, và cô ấy nói với tôi rằng chắc chắn là chai rượu này được bán đồng giá 750 nhân dân tệ ở bất cứ đâu.

Chẳng trách bác gái tôi đã hỏi rằng tại sao tôi lại mua những thứ đắt tiền đến thế. Bác gái nói với tôi rằng sau này đừng tiêu tốn nhiều tiền vào quà cáp như vậy. Tôi đã nghĩ bác ấy khách khí nên nói vậy.

Tôi đã vô cùng hối hận vì đã nhận món quà của ông Hà. Tôi cảm thấy rất sợ hãi khi đi ngược lại với những Pháp lý của Pháp Luân Công. Tôi đã tặng rượu cho bác tôi và không thể lấy lại nó. Tôi đã quyết định phải trả nợ ông Hà. Nhưng nếu tôi trả lại bằng tiền, thì chắc chắn ông ấy sẽ không nhận.

Tôi nhớ ra rằng máy fax kiêm photocopy ở công ty của ông ấy đang bị trục trặc. Tôi đã so sánh giá cả, quyết định mua một cái máy fax kiêm photocopy mới, và mang nó đến chỗ ông ấy.

Ông ấy đã rất ngạc nhiên. Trước đây, tôi đã không thẳng thắn nói với ông ấy về Pháp Luân Công. Lần này tôi đi thẳng vào vấn đề: “Tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi không tham lam, tôi đã nhận một món quà đắt tiền từ ông. Điều đó đã đi ngược lại với những Pháp lý của Pháp Luân Công, và tôi cảm thấy rất xấu hổ. Mong ông hãy nhận lại món quà này của tôi.”

Ông Hà đã rất cảm động và đồng ý nhận chiếc máy. Tôi cũng nói: “Chúng ta hợp tác làm ăn đã khá lâu rồi. Miễn là giá cả bên ông hợp lý và sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thì tôi sẽ không tìm một công ty quảng cáo khác đâu. Sau này ông không cần phải quà cáp gì cho tôi nữa.” Ông ấy mỉm cười gật đầu. Qua biểu hiện của ông ấy, tôi có thể nhận thấy ông ấy thực sự tôn trọng tôi.

Sau đó tôi cũng nói những điều tương tự với giám đốc của một công ty quảng cáo khác. Kể từ đó, họ không còn tặng quà cho tôi nữa.

[Hồi tưởng lại giai đoạn] trước khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi cũng giống như bao người trẻ tuổi khác thời nay. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về việc thăng tiến ở công ty, thắng xổ số, và trở nên giàu có sau một đêm. Tôi hẳn sẽ rất vui mừng khi được tặng hai chai rượu như thế. Nếu tôi nắm trong tay quyền hành như bây giờ, thì ai có thể biết được tôi đã làm ra bao nhiêu chuyện xấu xa?

Tuy nhiên, khi trở thành một học viên Pháp Luân Công, tôi chiểu theo các Pháp lý mà Sư phụ chỉ dạy để ước thúc mọi lời nói và hành động của mình, giúp tôi vượt qua được mọi cám dỗ. Tôi nghĩ rằng đây chính là lý do đã khiến rất nhiều học viên Pháp Luân Công kiên định với đức tin của mình bất chấp cuộc bức hại tàn bạo của chính quyền Trung Cộng.

Tôi nghĩ rằng hành động của vô số các đệ tử Đại Pháp đã tự lên tiếng cho họ. Có rất nhiều người đã nhìn thấy, đã minh bạch, và thực sự cảm động.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/5/18/309426.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/5/25/150743.html

Đăng ngày 07-08-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share