Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-07-2015] Đó là một ngày nóng nực và ẩm ướt, gần như quá oi bức, khó thở. Chuyến bay của tôi trễ và đã gần 2 giờ sáng tôi mới tới khách sạn. Cả đêm tôi mơ cùng một giấc mơ rất rõ ràng: những binh lính và cảnh sát đem theo súng tuần tra trên các mái nhà xung quanh Quảng trường Thiên An Môn khi các học viên chúng tôi đứng bên ngoài quảng trường.

Trong giấc mơ, tôi tự hỏi bản thân: “Mình có nên đi không? Mình có sợ không?” Trong giấc mơ cảm giác tim tôi đập nhanh rõ như thật. Tôi tiến vào sâu trong giấc mơ.

Khi buổi sáng thức dậy tôi đã bình tĩnh. Tôi không biết điều gì đã xảy ra nhưng tôi biết mình nên làm gì. Tôi kể cho bạn đồng hành là Huệ, Phàn và Dương về giấc mơ của tôi. Tất cả chúng tôi đều mỉm cười: “Hôm nay chúng ta phải đi, để lên tiếng bảo vệ công lý cho Pháp Luân Công.”

Sau khi luyện các bài công pháp, lúc đó đã 9 giờ 30 phút sáng. Bốn cô gái chúng tôi bắt taxi tới Quảng trường Thiên An Môn.

Chúng tôi không biết rằng ngày 20 tháng 7 năm 1999 đánh dấu một ngày đen tối nhất trong lịch sử. Chúng tôi không biết rằng đó là khởi đầu cho chiến dịch bức hại tàn ác. Vào ngày tội lỗi không ai có thể quên này, tại cố đô Bắc Kinh, tôi đã chứng kiến sự đối đầu rõ ràng giữa cái thiện và cái ác, hòa bình và bạo lực, chứng kiến câu chuyện thần thoại của con người tương lai trên một sân khấu vĩ đại.

Xe taxi đi theo phố Trường An tới phía đông. Đột nhiên, chúng tôi nhìn thấy xe cảnh sát khắp mọi nơi. Con phố bị chặn khi chúng tôi tới khu vực Tây Đan nên chúng tôi rẽ sang hướng Bắc và đi về phía cổng sau của Tử Cấm Thành. Nhưng cũng ngay sau đó chúng tôi gặp nhiều con phố bị phong tỏa.

Chúng tôi xuống xe và đi bộ tới Quảng trường Thiên An Môn. Nhiều người cũng đi bộ cùng chúng tôi. Hầu hết họ trông như nông dân tới từ nông thôn. Đám đông phía trước càng đông và không khí trở nên căng thẳng. Các nhóm cảnh sát chặn mọi người và tra hỏi.

Các học viên giải thích hòa ái với cảnh sát bằng các giọng vùng miền khác nhau lý do tại sao họ ở đây – “Để nói với chính quyền trung ương rằng Pháp Luân Công là tốt, tất cả chúng tôi đều hưởng lợi ích từ tu luyện Pháp Luân Công. Hãy trả lại danh tiếng cho Pháp Luân Công.” Cảnh sát la hét, chửi thề và đẩy họ vào dòng xe buýt đang chạy.

Tôi cũng muốn nói những lời như vậy và không nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị đẩy vào xe buýt. Chúng tôi không dừng lại và tiếp tục tiến lên phía trước. Chặng đường dài chừng 10 phút, mọi người xung quanh chúng tôi bị đưa lên từng chiếc xe buýt. Phía trước chúng tôi càng ngày càng ít người. Cuối cùng, chúng tôi bị chặn lại.

“Các cô đang cố gắng làm gì vậy? Là người Pháp Luân Công à?”

“Tất cả chúng tôi đều là học viên Pháp Luân Công.” “Chúng tôi chỉ muốn nói với chính phủ trung ương rằng Pháp Luân Công dạy chúng tôi Chân – Thiện – Nhẫn. Môn tu luyện này mang lại lợi ích cả về tinh thần và sức khỏe.”

“Nhìn các cô, có vẻ các cô đều có giáo dục tốt và khá giả. Tại sao các cô tu luyện Pháp Luân Công?”

“Rất nhiều học viên Pháp Luân Công có học vấn cao, là trí thức. Tất cả chúng tôi đều học đại học. Anh chắc có hiểu lầm về Pháp Luân Công. Điều này ảnh hưởng tới suy nghĩ của anh.”

Tất cả chúng tôi bị đưa lên một chiếc xe buýt toàn các học viên tới từ khắp nơi trên đất nước. Chỉ với mong muốn được nói lên tiếng nói từ đáy lòng mình, tất cả chúng tôi đã gặp nhau tại đó vào ngày này.

Chiếc xe đưa chúng tôi tới một ngôi trường vắng vẻ vào lúc 11 giờ sáng. Chúng tôi bị phân vào các phòng học khác nhau, mỗi lớp học có bảy tới tám cảnh sát giám sát. Ti vi phát sóng tuyên truyền của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc với âm lượng tối đa, nhằm tấn công và vu khống Pháp Luân Công bằng những lời độc ác và lời nói dối vô liêm sỉ nhất. Chúng tôi đã buộc phải xem và sau đó viết ra những hiểu biết của chúng tôi về việc tuyên truyền này.

Không một ai khi tới Quảng trường Thiên An Môn ngày hôm đó thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công có thể ngờ được điều này. Cảnh sát la hét chúng tôi. Tôi tự hỏi bản thân: “Mình tin vào điều gì? Niềm tin của mình có thực sự sai không?” Câu trả lời đối với tôi rất rõ ràng: “Chân – Thiện – Nhẫn không sai. Mình đã chứng kiến quá nhiều điều huyền diệu xảy ra người thật việc thật, sự biến hóa hồi sinh khi cận cái chết. Chân – Thiện – Nhẫn là tốt, Đại Pháp không có gì sai trái.”

Tôi đã viết những gì tôi thực sự nghĩ và tôi lại bị đưa lên xe buýt lần nữa.

Chúng tôi bị đưa tới Sân vận động Công nhân. Có bảy hoặc tám xe buýt chở toàn học viên Pháp Luân Công đỗ tại đó. Một cảnh sát hét lên qua điện đàm của anh ta: “Ở đây đông rồi. Kiếm chỗ khác đi.” “Hay tới quận Phong Đài?” một cảnh sát trên xe chúng tôi hỏi. “Ở đó cũng đông rồi. Thử tới Thạch Cảnh Sơn xem.”

Hai giờ chiều, chúng tôi bị đưa tới Sân vận động quận Thạch Cảnh Sơn. Tại đó họ chia chúng tôi thành các nhóm theo vùng quê của chúng tôi. Tất cả chúng tôi ngồi trên bãi cỏ và cảnh sát thì vây xung quanh.

Mặt trời chiếu rọi ngay trên đầu. Tôi nhìn xung quanh – khắp sân vận động, tất cả các chỗ ngồi và bãi cỏ đều là các học viên tới từ khắp nơi ở Trung Quốc từ nam tới nữ, từ người lớn tuổi tới trẻ tuổi. Một số phụ nữ mang theo con còn rất bé hoặc mới chập chững đi. Tôi không ngờ có nhiều người tới đây để lên tiếng bảo vệ cho Pháp Luân Công bằng sự thiện lương và chân thành của mình.

Chúng tôi ngồi đó yên lặng. Hầu như tất cả chúng tôi lúc đó đều đọc “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Cảnh tượng đó thật tuyệt vời và bình hòa. Dường như mọi người đều không để ý tới những nguy hiểm, và đám cảnh sát đầy lo lắng cầm súng xung quanh.

Trước khi trời tối, một lần nữa trên sân vận động lại bật to những lời tà ác dối trá. Từ đâu đó cất lên giọng đọc “Luận Ngữ” (lời mở đầu cuốn Chuyển Pháp Luân). Tất cả mọi người cùng đồng thanh đọc. Giọng đọc của chúng tôi hoàn toàn nhấn chìm tiếng loa phát thanh. Nước mắt ngập tràn, tôi liên tục đọc Luận Ngữ thật to.

Một cảnh sát giơ dùi cui và đánh một học viên. Các học viên khác vội chạy tới lấy thân mình che chở học viên đang bị đánh và hét lên: “Không được đánh anh ấy!“ Viên cảnh sát khác tới dùng dùi cui đánh những học viên đó.

Một học viên bắt đầu đọc bài thơ của Sư phụ Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công:

“Sinh vô sở cầu
Tử bất tích lưu
Đãng tận vọng niệm
Phật bất nan tu.” ( Vô tồn, Hồng ngâm )

Tất cả hòa vào cùng đọc bài thơ. Âm thanh của các học viên xuyên qua đêm đen vô tận, xung phá mây mù và vươn thẳng tới đỉnh trời, chấn động thiên địa.

Tôi gạt nước mắt và hòa cùng âm thanh đọc to bài thơ với các học viên. Giây phút đó, sinh mệnh của tôi đã được thăng hoa trong Pháp, vứt bỏ hoàn toàn niệm sinh tử. Tôi nhận ra rằng, là một người tu luyện, chỉ có bảo vệ chân lý của vũ trụ mới là sứ mệnh của sinh mệnh chúng ta.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/7/20/312692.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/7/21/151653.html

Đăng ngày 06-08-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share