Bài viết của Đồng Nguyệt Anh, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-04-2015] Tên tôi là Đồng Nguyệt Anh, tôi là giáo sư ở Đại học Cát Lâm và đã làm việc ở phòng Kỹ thuật Sinh học Nông nghiệp được 32 năm. Bởi tôi tin vào Pháp Luân Công mà họ đã tước đi công việc, gia đình hạnh phúc của tôi, tôi bị sỉ nhục và tra tấn ở trong trại lao động cưỡng bức.
Cưỡng ép ly hôn
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 07 năm 1999, tôi đã đến Bắc Kinh vào tháng 01 năm 2000 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, và thông báo với chính phủ rằng chính sách bức hại này là sai lầm. Tuy nhiên, họ đã bắt và áp giải tôi về Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, rồi giam tôi tại Trại tạm giam trong 15 ngày. Lúc đó, tôi đã đón năm mới trong trại tạm giam.
Tôi từng là một cán bộ chủ chốt của khoa, và là một ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo ở trường đại học. Bởi tôi không muốn từ bỏ niềm tin của mình theo những gì chính quyền yêu cầu, họ đã cách chức vị trí trưởng khoa của tôi, không cho tôi dạy học, và bắt tôi làm bảo vệ.
Thêm nữa, nơi làm việc của tôi và chồng tôi còn gây áp lực bắt chồng tôi phải ly dị tôi. Bởi không chịu nổi những đe doạ như cách chức, cắt tiền thưởng, sa thải, chồng tôi đã ly hôn tôi vào tháng 03 năm 2000.
Bị tiêm những loại thuốc lạ
Trước khi người của ĐCSTQ đưa tôi ra xét xử vào tháng 04 năm 2000, họ đưa tôi đến Trại tạm giam Thiết Bắc, chỉ bởi họ đã tìm thấy một vài cuốn sách về Pháp Luân Công ở nhà tôi. Lúc đó tôi bị giam cùng với một số tử tù ở trại tạm giam.
Một tháng sau, tôi bị kết tội “gây rối loạn trật tự công cộng”, và họ đưa tôi đến Trại Lao động cưỡng bức nữ Cát Lâm giam giữ trong một năm.
Có hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị giam ở đây. Tất cả chúng tôi đều kháng án về trường hợp của mình, nhưng những gì chúng tôi nhận được chỉ là những phương thức tra tấn tàn bạo. Một số còn bị tra tấn bằng dùi cui điện đến mức không kiểm soát được vệ sinh cá nhân.
Thêm nữa, lính canh còn công khai: “[Nếu chúng tôi] giết bà, sẽ [được coi] là tự sát, [và thi thể của bà] sẽ được hỏa táng ngay lập tức.”
Chúng tôi đã cùng nhau tuyệt thực để phản bức hại. Lính canh sau đó đã bức thực chúng tôi trên “giường chết”, bằng việc trói các nạn nhân theo tư thế kéo căng. Lúc đó, máu thường trào ra khỏi mũi và miệng của chúng tôi trong khi bị tra tấn. Lính canh còn ra lệnh cho tù nhân cào lên mặt tôi, và những vết sẹo này vẫn còn hiện hữu đến hôm nay.
Lý Hồng, Tôn Minh Yến, và nhiều lính canh khác có lần còn tiêm thuốc vào người tôi. Một lính canh nói: “Chích thuốc này sẽ hủy hoại việc tu luyện của cô.” Tôi vẫn không biết đó là loại thuốc gì.
Mẹ của một học viên đã đến thăm con và nhìn thấy nhân viên quầy nước uống đã cho một gói bột trắng vào trong thức ăn. Khi bà hỏi đó là gì thì được trả lời: “Tôi cũng không biết đó là cái gì. Tôi chỉ làm theo lệnh của cấp trên.”
Gia đình bị liên lụy
Cha tôi tên là Đồng Tín và mẹ là Kim Mẫn cũng là học viên Pháp Luân Công. Cả hai người đều đã hơn 70 tuổi khi họ bị bắt vào ngày 29 tháng 09 năm 1999, và bị giam giữ trong bảy ngày. Công an ở địa phương còn thường xuyên đến sách nhiễu, khiến họ phải sống trong lo lắng và sợ hãi.
Trong lúc tôi bị giam ở trại lao động cưỡng bức, con của tôi không được chăm sóc và cũng không thể đến trường. Cha mẹ và anh chị của tôi ngày nào cũng khóc. Mẹ tôi qua đời vào tháng 02 năm 2002.
Cưỡng ép “chuyển hóa”
Đỉnh điểm là cưỡng ép tôi phải ly hôn, và nơi công tác cũng giữ lương của tôi. Cũng vì những điều này mà tôi không còn thu nhập. Dưới một áp lực lớn như vậy, tôi dường như đã suy sụp hoàn toàn. Kết quả là, tôi đã viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, điều này cũng đi ngược với lòng tin của tôi. Trường hợp của tôi đã được dùng như một ví dụ “chuyển hóa” điển hình. Tôi bị ép phải làm nhiều việc trái ngược với những gì một học viên nên làm.
Lý Quang Huy, Phó Phòng 610 tỉnh Cát Lâm, cùng với một người họ Hoàng ở Sở An ninh của tỉnh, đã nói chuyện với tôi trước khi thả tôi. Họ nói họ có thể giúp tôi bất cứ việc gì dù khó khăn đến mấy, cho dù tôi có phạm pháp đi chăng nữa, nhưng nếu như họ phát hiện tôi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công thì họ sẽ giết tôi.
Họ còn hạn chế không cho tôi rời khỏi Trung Quốc trong mười năm, lo sợ rằng những tội ác của họ sẽ bị phơi bày. Phòng 610 còn dùng trường hợp cưỡng ép “chuyển hóa” của tôi để phỉ báng Pháp Luân Công trong nhiều năm, vì thế điều này đã làm nhiều người thất vọng.
Tôi thực sự hối hận vì sai lầm của mình, và cũng bởi đã sống trong đấu tranh và đau đớn khủng khiếp. Tôi đã gửi nghiêm chính thanh minh đến Minh Huệ Net để tuyên bố tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 07 tháng 01 năm 2011. Tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến những người đã bị tôi ảnh hưởng, và hy vọng rằng họ sẽ không còn tin những tuyên truyền của đảng.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/4/13/307393.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/4/26/149885.html
Đăng ngày 21-05-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.