Bài viết của một học viên Đại Pháp Israel đang sống tại Pháp

[MINH HUỆ 09-12-2014]

Lưu ý: Đây là chia sẻ về trại hè Minh Huệ được đề cập đến trong bài: Trại hè Minh Huệ, một môi trường từ bi cho các học viên trẻ ở Pháp.

Đây là năm thứ ba chúng tôi tổ chức một trại hè Minh Huệ tại nhà chúng tôi ở Pháp. Trại hè diễn ra trong hơn hai tuần. Công việc chuẩn bị đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, thường xuyên phải cắt giảm thời gian ngủ nghỉ, nhưng nỗ lực và sự thiếu ngủ chưa phải là những gì khó khăn nhất.

Sự khác biệt ở năm nay so với những năm trước là thời gian này chúng tôi đã thành lập một nhóm chuyên quảng bá cho trại hè. Tôi dự kiến sẽ nằm trong nhóm đó, một đồng tu sẽ điều phối hội thảo của những nghệ sỹ múa, một học viên khác tình nguyện nấu ăn, và hai bà mẹ nữa cũng muốn tham gia hỗ trợ.

Tôi đã có những kỷ niệm đẹp về việc phối hợp hài hòa với những học viên đó trong quá khứ tại trại hè Minh Huệ và trong các hạng mục khác, đặc biệt là với người điều phối mảng hội thảo, vốn là một người có uy tín, có kinh nghiệm và rất thực tế. Cô ấy biết cách hoàn thành công việc và khích lệ mọi người. Tôi làm việc với cô ấy trước đây với tư cách là đồng nghiệp biểu diễn trong một công ty khiêu vũ. Tôi rất vui và nghĩ rằng với những kinh nghiệm tôi có được từ những năm trước, và cùng với những tính cách và khả năng của cô ấy, chúng tôi có thể tạo nên một trại hè lý tưởng.

Các học viên dự kiến sẽ đến một tháng trước khi trại hè bắt đầu để xem xét địa điểm và hỗ trợ công tác chuẩn bị. Nhưng ngay sau cuộc họp đầu tiên, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Dường như là quyết định về nơi tổ chức trại hè không được mọi người một lòng đồng tình, và cuối cùng chỉ có hai thành viên trong nhóm có mặt. Sau đó người điều phối hội thảo đã dừng trả lời thư của tôi, cứ như thể là cô ấy biến mất khỏi mặt đất này vậy. Một học viên khác, người lúc đầu tỏ ý muốn giúp đỡ, đã bắt đầu gửi cho tôi những lá thư công kích.

Cuối cùng, tôi thấy mình hoàn toàn đơn độc, cũng giống như thời điểm này năm ngoái, mọi người cũng có thái độ công kích tôi. Mặc dù tôi chắc chắn rằng ngôi nhà của chúng tôi nằm ở một khu ngoại ô xinh đẹp, là nơi tổ chức cắm trại từ Paris rồi cả London và rằng đó thực sự là món quà của Sư phụ, tôi bắt đầu mất tự tin rằng trại hè nên được tổ chức tại nhà chúng tôi.

Mỗi lần nhận được thư bài bác từ người đồng tu đó, tôi tự nhủ “Cô ấy dành quá nhiều thời gian vào những lá thư đầy chỉ trích và đòi hỏi này. Tại sao cô ấy không dành thời gian mà giúp mình và làm những việc cô ấy thấy là quan trọng, những nhiệm vụ đơn giản mà cô ấy đã tình nguyện làm đi? Mình cũng rất bận với những hạng mục khác, và mình cũng còn phải ‘làm hài lòng khách hàng’ nữa.”

Tôi không có đủ tâm từ bi để trả lời cô ấy, và cuối cùng trong tâm tôi chỉ còn sự tức giận. Tôi cảm thấy thật lạc lõng và như thể là cả nhóm không làm việc hết mình. Có những lần, khi các học viên làm một việc gì đó, họ sẽ làm hỏng mọi thứ khác, chính xác là ngược lại với những gì tôi yêu cầu họ làm. Nó như thể là họ đã chủ đích làm như vậy, hoặc hiểu sai mọi thứ, hoặc nhầm lẫn gì đó.

Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải trong quá trình chuẩn bị là thay vì giao việc cho những người vốn có nhiệm vụ hỗ trợ tôi thì cuối cùng mọi việc đều đến tay tôi.

Năm ngoái, tôi biết tôi phải tự làm mọi thứ. Năm nay, tôi nghĩ tôi có cả một đội hỗ trợ, và chúng tôi sẽ hợp tác với nhau để làm mọi việc. Trại hè năm nay hẳn sẽ tốt hơn với quy mô lớn hơn và chuyên nghiệp hơn.

Lần này không chỉ không nhận được sự trợ giúp nào mà mọi người thậm chí còn phàn nàn về tôi và đưa ra đủ loại yêu cầu và kiến nghị. Đến mức mà tôi quá sợ phải đọc một số thư, vì tôi biết là lại có điều gì đó sẽ làm tôi khó chịu. Và khi tôi đọc chúng, tôi sẽ thực sự thấy chán nản.

Tôi cảm thấy thất vọng đến mức đã nghĩ đến việc hủy bỏ tổ chức trại hè, hoặc ít nhất cũng là chuyển trại hè đến một nơi khác. Nhưng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải làm đến cùng, đồng thời cân đối tất cả các yêu cầu.

Nó khiến tôi nhớ lại lời Sư phụ trả lời một đệ tử trong bài “Giảng Pháp tại Pháp hội ở vùng đô thị New York 2013”:

“Thời ban đầu làm Thần Vận, đệ tử Đại Pháp làm nghệ thuật cũng không ít, người này bảo tôi, rằng Sư phụ nên làm thế này, người kia nói, rằng Sư phụ nên làm thế kia, người này nói sự việc này là thế này, người kia nói sự việc kia là thế kia. Nói ra đều có đạo lý lắm, sau đó còn đưa ra rất nhiều ví dụ. Mỗi ngày hầu như đều có người truyền tới tai tôi, tôi bèn nghĩ: Tôi nói rằng đây là tôi làm, ai nói thế nào đều không can nhiễu được, tôi biết rất rõ là nên làm ra sao; nếu đây là một người phụ trách hạng mục bình thường, thì thật sự không trụ vững nổi. Oà, có những thế rất áp đảo, thật sự rất khó trụ. Nhưng đã làm một người phụ trách hạng mục, chư vị nếu không có phương hướng kiên định của mình, thì thật sự sẽ chẳng làm được gì.”

Khó nhất là tu luyện trong môi trường bất đồng ý kiến, vì tôi – một người đã luôn quen làm việc một cách hòa hợp trong mọi hạng mục, luôn tự hào chia sẻ kinh nghiệm của tôi về điều đó, luôn luôn cho rằng bản thân tôi là một người toát ra xung quanh sự hòa ái – đột nhiên phải đứng giữa những bất đồng.

Tôi chìm vào trạng thái tuyệt vọng cay đắng, hối hận, bất an, cảm giác là nạn nhân, tức giận, cảm giác tội lỗi, và có lẽ thậm chí ghen tị với tất cả những người đã cố gắng chối bỏ trách nhiệm và để tôi một mình. Nhưng trên hết, tôi cảm thấy bị tổn thương và có cảm giác thất bại, vì tôi tự nhủ: đây là những cảm xúc “cao trào” của mình và có lẽ đây là nhiệm vụ đòi hỏi người có tâm tính cao hơn. Tôi bắt đầu cảm thấy tức ngực, với áp lực ngày càng mạnh hơn và tỏa ra khắp toàn thân. Tôi thực sự đã nói với chồng tôi, cũng là một học viên, và với một số học viên khác, rằng tôi cảm thấy như sắp chết.

Tôi bắt đầu chia sẻ thường xuyên hơn với các đồng tu ở Pháp và Israel, và đảm bảo việc tham gia nhóm học Pháp online. Một lần, tôi nhận được khích lệ từ những lời của Sư phụ trong“Giảng Pháp ở Pháp hội Úc châu (1999)”:

“Kỳ thực, tôi trân quý chư vị còn hơn chư vị trân quý bản thân mình, vì chư vị đồng tại với Sư phụ, chư vị là Thần vĩ đại nhất của tương lai, là hình mẫu của tân vũ trụ, là hy vọng của nhân loại tương lai.”

Câu này đã khích lệ tôi kiên trì với nỗ lực của mình.

Một lần, một học viên nói: “Nói cho tôi biết tại sao chị lại làm việc này?” Tôi trả lời: “Tôi thực sự không nhớ, và tôi cũng đã có ngày tự hỏi mình câu hỏi đó.” Sau đó tôi nhớ rằng trại hè này thực sự là quãng thời gian tuyệt diệu mà mọi người đều tinh tấn và tất cả bọn trẻ rất hạnh phúc, tất cả đều đắm mình trong Pháp. Đó thực sự là quãng thời gian thật thuần khiết, như khi tôi bắt đầu tu luyện. Và khi một người trải nghiệm nó, người đó có thể nhớ về mọi thứ mà Sư phụ đã cho chúng ta và chỉ có thể cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn.

Tôi nhận ra rằng mình phải chấm dứt cảm giác cay đắng và chỉ nên làm việc và nhờ bất cứ ai có thể hỗ trợ, thậm chí cả những người ngoài nhóm. Tôi bắt đầu gọi điện thoại cho các học viên và các phụ huynh, đề nghị họ giúp đỡ. Đây cũng là một cơ hội tốt để tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình với những phụ huynh này.

Chia sẻ kinh nghiệm và phát hiện những chấp trước của tôi

Trong khi tôi gọi cho một bà mẹ nhờ giúp đỡ, tôi đã chia sẻ những gì tôi đã trải qua. Cô ấy nói rằng cô đã gặp trường hợp tương tự, và khẳng định với tôi rằng trách nhiệm là của chung tất cả các bố mẹ, không phải chỉ của riêng tôi, và rằng tôi phải minh bạch vấn đề này, mặc dù trại hè được tổ chức ở nhà tôi.

Cô ấy nói tôi nên buông bỏ chấp trước mà có lẽ là gắn với văn hóa Địa Trung Hải nơi tôi lớn lên: là một chủ nhà hoàn hảo, người sẽ nướng bánh thật ngon và dọn dẹp khi tan tiệc và mọi người sẽ nói “bạn là một chủ nhà tuyệt vời”. Cô nói với tôi rằng tôi nên buông bỏ chấp trước vào tự ngã đó.

Một học viên khác đến từ Israel cũng nói rằng tôi nên buông bỏ chấp trước vào sự hoàn hảo. Cô ấy nói: “Vậy thì sao nào? Nó sẽ không hoàn hảo. Hãy để họ nói là nó không hoàn hảo. Gì nữa nào? Hãy thừa nhận với bản thân và mọi người rằng chị không hoàn hảo, rằng chị chỉ là một người bình thường.”

Do vậy, họ đã giúp tôi hướng nội và tìm ra chấp trước của tôi về sự hoàn hảo và làm vừa lòng người khác. Đó là nguyên nhân gốc rễ gây nên những lo lắng, giận dữ và sợ hãi khiến tôi hoàn toàn quên mất lòng từ bi.

Bà mẹ đó cũng nói với tôi rằng bản thân cô ấy cũng gặp phải tình huống tương tự, và rằng các đồng tu đã giúp đỡ cô ấy thấy được cựu thế lực đang cố gắng chia rẽ chúng ta và đẩy chúng ta vào trạng thái thất vọng đến mức chúng ta không thể làm những gì cần phải làm.

Sau khi nói chuyện, tôi bắt đầu phát chính niệm và thanh trừ những vật chất này. Giữa chừng, có ai đó bất ngờ gửi cho tôi một tin nhắn, đề nghị được giúp đỡ.

Trong khi đó, tôi cũng nêu ra vấn đề này trong khi chia sẻ kinh nghiệm với các học viên Israel qua mạng. Tôi kể với họ việc nhóm mà tôi dự định cùng phối hợp đã không nghe theo những chỉ dẫn của tôi như thế nào, và thay vào đó họ nói tôi phải làm gì, và rằng tôi thực sự đang phải chịu thống khổ.

Giữa buổi chia sẻ, tôi đã nhận được một email từ một phụ huynh, cũng là một học viên, làm minh chứng cho việc thay vì hỗ trợ tôi, họ lại luôn luôn ném bóng lại cho tôi như thế nào. Những học viên qua mạng nhận thấy tình hình thật lạ lùng. Một người cười và nói: “Nó thực sự giống như một khảo nghiệm.” Một người khác đồng tình rằng chuyện này chắc hẳn là một khảo nghiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm với các học viên Israel, tôi nhận ra rằng tất cả đều là can nhiễu, cho thấy những sơ hở trong tâm tính của tôi. Với sự giúp đỡ của mọi người, tôi đã đủ mạnh mẽ để hướng nội và bỏ qua những điều khó chịu, mà trên thực tế chỉ là khảo nghiệm và giả tướng.

Sau khi mọi người đã chia sẻ với tôi nhiều thể ngộ khác nhau và gửi email cho tôi cả một đường link tới một bài chia sẻ có tiêu đề “Những khúc mắc trong tâm”, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn với tôi. Kinh nghiệm này nhắc tôi nhớ đến bài hát Cảnh giới trong “Tinh tấn yếu chỉ”:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.”

Đột nhiên tôi thấy hạnh phúc vì nhận được những khảo nghiệm và những email lạ thường này, những thứ đã cho phép tôi thấy được sơ hở trong tu luyện của mình.

Trong khi chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi cũng nói nhiều về sự tức giận. Các học viên khác đã chia sẻ về những tình huống tương tự mà họ đã gặp, và rằng chỉ tâm từ bi mới có thể hóa giải. Họ giúp tôi nhận ra rằng những xung đột này diễn ra vì các học viên khác không ngừng tìm kiếm phía phần Thần, phần đã tu thành của tôi trong khi tôi lại chỉ cho họ thấy phần con người của mình.

Hướng nội, tôi thấy rằng tôi đã không đủ tín tâm ở Sư phụ. Tôi luôn luôn cảm thấy tôi đang ôm giữ một chút sợ hãi trong tâm, rằng những quyết định của người khác sẽ khiến hạng mục chệch hướng. Thay vì tin tưởng vào [những gì mà tôi đã biết] rằng Sư phụ mới là người dẫn dắt, là người lựa chọn cho những đứa trẻ và bố mẹ chúng phương thức tốt nhất và môi trường tốt nhất cần cho tu luyện của họ.

Về người phụ huynh đã viết lá thư, tôi bỏ qua phần làm tôi tức giận và trả lời thẳng vào câu hỏi của anh ấy, đó là: “Tôi không hiểu tại sao anh lại yêu cầu tôi viết những lá thư”. Tôi nghĩ rằng có lẽ anh ấy thực sự không hiểu, không sao, tôi sẽ giải thích cho anh ấy một cách kiên nhẫn, đơn giản và thẳng thắn. Nhưng đồng thời, tôi cũng làm rõ rằng tôi sẽ không làm giúp anh ấy việc đó. Ngày hôm sau, anh ấy đồng ý với đề nghị của tôi.

Cuối đợt trại hè, tôi có sáng kiến về một buổi thảo luận tổng kết trực tuyến cho tất cả các bố mẹ có con tham dự cả hai đợt trại hè. Mỗi nhóm đều tò mò muốn biết chuyện gì đã diễn ra với nhóm kia, vì mỗi lần tổ chức có một chút khác biệt. Bản thân các phụ huynh đề xuất rằng năm sau, tất cả các bố mẹ nên hiểu rằng có một trại hè Minh Huệ thành công là trách nhiệm chung của tất cả các phụ huynh tham gia. Ngoài ra, cũng chính học viên mà đã gửi cho tôi những lá thư phàn nàn ban đầu lại chỉ có những phát biểu tích cực vào lúc cuối.

Trại hè

Năm ngoái, khi trại hè đã kết thúc, tôi nghe nói rằng ở New Jersey có một trại hè ba tuần với các huấn luyện viên múa chuyên nghiệp, đến từ trường Nghệ thuật Phi Thiên, cùng các giáo viên nhạc và họa chuyên nghiệp. Tôi thầm ước trong tâm rằng trại hè của chúng tôi cũng được như vậy. Tôi cảm thấy rằng chúng tôi thiếu huấn luyện viên chuyên nghiệp về múa và hội họa Trung Quốc.

Trong khi chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho trại hè năm nay, một học viên đến từ Đức đã tiếp cận với Phật học hội Pháp Luân Đại Pháp ở Pháp để phối hợp đón hai học viên Canada đều là những cựu sinh viên của trường Nghệ thuật Phi Thiên và Nghệ thuật Thần Vận đến. Một học viên người Pháp chịu trách nhiệm thu xếp ăn ở cho họ, gồm cả việc thu xếp phòng múa để họ dạy bọn trẻ từ bảy tuổi trở lên.

Ban đầu, họ nghĩ rằng nên tổ chức ở Paris. Điều phối viên người Đức kiểm tra với các nước khác để xem nước nào muốn phối hợp thu xếp cho hai nghệ sỹ. Cuối cùng, có ba nước đồng tài trợ vé máy bay và tiếp đón các nghệ sỹ là: Đức, Anh và Pháp.

Sau đó, điều phối viên người Pháp có sáng kiến là kết hợp các buổi hội thảo múa của họ với các trại hè được tổ chức vào tháng Tám ở nhà chúng tôi. Bằng cách này, họ có thể truyền đạt được nhiều hơn cho trại hè và luôn được đắm mình trong Đại Pháp, thậm chí ngay cả khi đang dạy trong lớp múa. Chúng tôi cũng nhất trí rằng hai nghệ sỹ cũng sẽ ở lại nhà chúng tôi trong toàn bộ thời gian hai tuần tới Pháp.

Trại hè của chúng tôi có hai khóa, mỗi khóa diễn ra trong một tuần và tiếp đón hơn 30 em cùng các phụ huynh. Vì chúng tôi không có đủ tiêu chuẩn làm một trường học theo luật của Pháp, chúng tôi phải mời tất cả bố mẹ đến ở cùng bọn trẻ theo đúng quy định của pháp luật.

Nhưng tôi phải nói rằng trong những năm trước, chúng tôi đã nhận thấy rằng các phụ huynh là các học viên, đã được hưởng lợi rất nhiều trên phương diện tu luyện cá nhân. Do đó cái gọi là “kỳ nghỉ” này thực sự cung cấp một môi trường tu luyện rất chuyên sâu với những khảo nghiệm hằng ngày, tạo điều kiện cho các gia đình học hỏi lẫn nhau và cùng nhau đề cao. Chính sự gần gũi mang tính chất gia đình này khiến những người vợ hoặc chồng chưa tu luyện trước đó cũng bắt đầu bước vào tu luyện.

Năm nay, hơn bao giờ hết, chúng tôi cảm nhận rằng nhìn một cách tổng quan, nó chính là một hoạt động Đại Pháp chứ không chỉ đơn thuần là một trại hè. Có lẽ đó là bởi vì chúng tôi không chỉ có một khoảng thời gian dành riêng để cùng nhau tu luyện mà còn vì chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động giảng chân tướng bên ngoài trại hè. Dường như là quyết định ban đầu của chúng tôi về việc kết hợp hội thảo về nghệ thuật với tổ chức trại hè là một quyết định tuyệt vời.

Chỉ các học viên và con cái của họ đăng ký thăm dự trại hè, nhưng hội thảo về múa được tổ chức cho tất cả mọi người. Tôi đã chuẩn bị các tờ rơi và quảng bá về hội thảo ở các thị trấn gần đó và phát chúng tại trường con trai tôi, một trường học khác, trong các cửa hàng, tiệm bánh mỳ, v.v….

Ngoài ra, một nhà báo đã từng viết một bài về chúng tôi trước đây đã viết một bài mới về hội thảo của chúng tôi, nói rằng những huấn luyện viên giỏi nhất về vũ đạo Trung Quốc sẽ ở đó, và rằng cũng sẽ có một buổi biểu diễn và trong đó sẽ có phần hướng dẫn các bài công pháp ở khu du lịch. Vì lý do đó, trẻ em và người lớn không tu luyện cũng đăng ký tham gia hội thảo của chúng tôi.

Ở Pháp, có một công ty của những học viên là nghệ sỹ múa mang tên “Phượng hoàng”. Chúng tôi đã từng muốn họ biểu diễn tại khu nghỉ cạnh nhà chúng tôi, nhưng chi phí cho khu nghỉ quá đắt.

Năm nay, các nghệ sỹ của công ty “Phượng hoàng” muốn tham gia vào các hội thảo của các nghệ sỹ Thần Vận, nhưng chúng tôi không có phòng ở cho họ. Vì vậy chúng tôi thương lượng với khu du lịch: công ty sẽ ngủ và ăn ở đó, đổi lại họ sẽ trình diễn miễn phí. Chúng tôi cũng quyết định sẽ tổ chức một điểm luyện công ở khu nghỉ trong suốt thời gian trại hè để phát huy được hiệu quả hồng Pháp tối đa. Mỗi sáng, một nhóm gia đình gồm bố mẹ và con cái sẽ rời trại chúng tôi để tới khu nghỉ, ở đó một phụ huynh nhất định sẽ đảm nhiệm việc hướng dẫn luyện công cho những ai muốn học.

Công ty Phượng hoàng được khán giả rất ái mộ, và chúng tôi đưa bọn trẻ đến xem biểu diễn. Cùng với hoạt động đó, nhiều người đã tới điểm luyện công của chúng tôi.

Trước khi nhóm Phượng hoàng bắt đầu biểu diễn, các nghệ sỹ đề nghị chúng tôi giúp làm các hoa sen giấy để phát vào cuối chương trình. Bọn trẻ giúp họ gấp các hoa sen giấy này.

Các nghệ sỹ cũng tổ chức hội thảo trong nhà khách của khu nghỉ mát để hướng dẫn mọi người gấp hoa sen giấy.

Trong thời gian diễn ra trại hè, bọn trẻ cũng dành thời gian để cưỡi ngựa, leo tường và trượt tuyết. Một trong các bố mẹ chuẩn bị một trò chơi đi tìm kho báu, và phụ huynh khác chuẩn bị trang phục nhà ảo thuật, hiệp sỹ, xe và một con rồng. Các bố mẹ mặc trang phục vào và “phục kích” bọn trẻ dọc đường. Hầu hết các nhiệm vụ trong trò chơi đều liên quan đến các bài học Pháp Luân Đại Pháp, các bài hát, v.v… Cuối trò chơi, một chuyến dã ngoại đốt lửa trại đầy bất ngờ đang đợi họ.

Cuối mỗi tuần, chúng tôi tổ chức một sự kiện cuối cùng và mời tất cả các gia đình của những em tham dự trại hè nhưng không phải là học viên cùng tham gia hội thảo về vũ đạo. Tôi đưa vào một ý tưởng xuất phát từ Đức, là tổ chức một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cùng với lũ trẻ.

Lũ trẻ biết trước rằng chúng sẽ lên sân khấu và nâng cao tính kỷ luật của mình. Rõ ràng là những tiêu chuẩn mới khiến lũ trẻ đề cao tinh tấn trong tu luyện cá nhân. Cần phải lưu ý rằng lũ trẻ sẵn lòng bỏ giờ chơi của chúng trong giờ nghỉ trưa để luyện tập cho buổi diễn cuối cùng.

Chương trình cuối cùng gồm hai điệu múa, hai tiết mục hát và một chương trình ngâm thơ học thuộc từ Hồng Ngâm. Ở tuần thứ hai, cũng có một vở kịch về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp và một bé gái 14 tuổi chơi đàn nhị, một nhạc cụ dây cổ điển Trung Quốc.

Lũ trẻ trước tiên dường như không thể tổ chức được môt sự kiện như vậy chỉ trong vòng một tuần chuẩn bị, nhưng ngạc nhiên là chúng đã thực hiện rất xuất sắc. Các cậu bé ở nhóm đầu tiên đến từ các lớp học khác nhau và sống cả tuần cùng nhau, chăm chú lắng nghe, và trở nên có kỷ luật. Màn múa của các bé gái ấn tượng đến mức khán giả tin rằng chúng đã được huấn luyện từ trước. Thật tuyệt vời khi thấy mọi người cùng tiến bộ, cả trong lớp học lẫn trên sân chơi.

Cả hai khóa trại hè đều có những giáo viên dạy vẽ giỏi. Một người dạy bọn trẻ cách làm việc với than củi, và người kia dạy kỹ thuật vẽ cơ bản, vẽ tĩnh vật, sáng tối. Một trong những người hướng dẫn đưa bọn trẻ tới bờ biển để thu thập vỏ sò và cát, và cho phép chúng thể hiện mình một cách tự do với các vật liệu đó. Thật là tốt khi thấy lũ trẻ lựa chọn những chủ đề liên quan đến Đại Pháp. Các tác phẩm cuối cùng của chúng rất đẹp và được trình bày trong chương trình biểu diễn cuối cùng.

Ngoài ra, cuối tuần thứ nhất, chúng tôi cùng với các nghệ sỹ múa đã đến núi Saint-Michell, một điểm du lịch nổi tiếng ở Pháp. Nhiều khách du lịch Trung Quốc đến thăm địa danh này. Chúng tôi làm một nhóm lớn cùng với lũ trẻ, và vì đây là một nơi rất nhộn nhịp, chúng tôi mang theo cờ để đánh dấu vị trí. Lá cờ màu vàng với hàng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên đó. Rất nhiều người Trung Quốc nhiệt tình chụp ảnh chúng tôi và biểu ngữ.

Thực tế là vào ngày đầu tiên của trại hè, tôi đã cảm thấy hoàn toàn khác so với những gì tôi cảm nhận trong quá trình chuẩn bị. Đột nhiên, mọi thứ đi vào trật tự. Mọi thứ được tổ chức hoàn hảo. Tôi nhận ra rằng trước kia, tôi chỉ nhìn thấy khổ nạn và công việc nặng nhọc, và không thể thấy được những điều tuyệt vời đằng sau cả quá trình này. Nhưng giờ đây rõ ràng là trong lúc khó khăn, tôi đã không nhận thức được quá trình và những gì đã diễn ra.

Hôm nay, dường như là những khó nhọc mà tôi đã trải qua chỉ đơn giản là một con đường để chúng tôi đạt được mục đích. Không cần phải phàn nàn về những người khác đã không tích cực giúp đỡ. Công việc nặng nhọc chỉ là một phần trong đó. Tôi không ngủ đủ cũng chẳng sao. Tất cả những gì tôi phải làm là buông bỏ cảm giác tức giận và tuyệt vọng.

Sư phụ đã nói trong Giảng Pháp ở Sydney:

“Khi chịu đựng tất cả những điều này, chư vị không so đo gì với họ, trong tâm rất thản nhiên, chính là ‘đả bất hoàn thủ mạ bất hoàn khẩu’. Khi trong tâm rất thản nhiên, mọi người nghĩ xem, có phải tâm tính của chư vị tu lên rồi không? Nếu họ không gây cho chư vị phiền phức này, họ không gây đau khổ cho chư vị, chư vị tu thế nào? Chư vị ngồi thoải mái ở đó, uống nước trà, xem ti-vi có thể tu lên, muốn cao bao nhiêu là cao bấy nhiêu, điều này tuyệt đối không thể được. Chính là trong hoàn cảnh phức tạp này, trong va vấp nhấp nhô, trong ma nạn chư vị mới có thể đề cao cái tâm kia, chư vị mới có thể đạt được tiêu chuẩn cao, cảnh giới cao.”

Năm nay, trại hè Minh Huệ thật đặc biệt và đã có một trường từ bi đặc biệt, một điều mà không thể cảm nhận được nhiều đến vậy trong những năm trước.

Một sự kiện xảy ra trong trại hè phản ánh quá trình hình thành một chỉnh thể và sự gia tăng ảnh hưởng từ phía phần Thần của chúng tôi:

Con trai 9 tuổi của tôi tham dự trại hè. Một trong những ngày cuối, cháu đã đùa nghịch nhảy lên xô ngã một trong những đứa trẻ khác, một bé gái 14 tuổi. Cô bé đã bị bất ngờ và ngã xuống đất. Cháu đã xin lỗi cô bé, nhưng cô bé chỉ quay đầu đi và không nói gì. Tôi đến vào lúc đó và nhìn thấy cảnh này.

Trong khi đó, cậu bé chạy đi. Tôi đứng cạnh bé gái và có thể thực sự cảm nhận được cảm giác của cháu như thể chúng là những cảm xúc của tôi. Tôi tới để nói chuyện với con tôi, và cố gắng chuyển tải cảm xúc của bé gái tới con tôi. Tôi bắt đầu khóc, và con tôi cũng bắt đầu khóc.

Chúng tôi tới chỗ bé gái và thấy cô bé đang ngồi khóc một mình. Khi cô bé nhìn thấy chúng tôi cũng đang khóc, cô bé rất ngạc nhiên. Con trai tôi xin lỗi cô ấy, nói rằng cháu không cố ý. Một bé gái khác đi ngang qua và hỏi chúng tôi đang làm gì. Tôi đáp: “Chúng tôi đang khóc.” Cả ba chúng tôi cùng bật cười và mọi thứ đều tan biến.

Cô bé đó sau này đã viết lại trong một bài chia sẻ được đăng trên website Minh Huệ rằng điều làm cô cảm động nhất là một trường từ bi trong cả nhóm. Cô bé nói rằng cô bé có thể cảm thấy được tại trại hè này một trường từ bi mà không có ở nơi nào khác.

Trường từ bi phổ quát tại trại hè này cũng là chủ đề được các bố mẹ khác đề cập đến, nói rằng họ không chỉ cảm thấy từ bi đối với bọn trẻ mà cũng cảm thấy từ bi chung giữa các học viên khác. Một học viên cho biết sau khi kết thúc trại hè cô ấy cảm thấy lòng từ bi ở cô đã gia tăng như thế nào, và rằng nó rất hữu ích cho cô trong mối quan hệ hiện tại, cũng như trong việc đối xử với các học viên khác khi tham gia các hạng mục Đại Pháp.

Khi tôi cảm thấy nặng nề trong tâm, chồng tôi, cũng là một học viên đã đưa tôi tới một điểm quan sát trên đỉnh núi, từ đó chúng tôi có thể nhìn thấy đại dương mênh mông. Đó cũng là nơi mà chúng tôi tổ chức lửa trại. Chồng tôi hỏi: “Em nhìn thấy gì?” Ban đầu, tôi không thể hiểu được anh ấy muốn gì ở tôi. Cuối cùng anh ấy nói: “Ngay ở trước mặt em là những gì mà Sư phụ đã dạy chúng ta trong bài giảng thứ chín trong “Chuyển Pháp Luân”:

“…khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời trong, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác.”

Xin tạ ơn Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Chia sẻ tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm Israel 2014).


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/9/147227.html

Đăng ngày 09-01-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share