Bài viết của Chương Vận, phóng viên Minh Huệ tại Toronto
[MINH HUỆ 22-07-2014] “Tôi đã nghe nói về Pháp Luân Công, nhưng tôi không hề biết cuộc bức hại tàn bạo đến vậy. Nó đã kéo dài 15 năm. Tôi thực sự kinh ngạc. Cảm ơn các bạn đã kể cho tôi sự thật. Lễ thắp nến tưởng niệm khiến tôi rất cảm động,” một người lái xe máy nói trong khi dừng lại quan sát lễ tưởng niệm trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto vào ngày 20 tháng 07 vừa qua.
Lễ thắp nến tưởng niệm này là một phần trong chuỗi các sự kiện được tổ chức ở Toronto để đánh dấu 15 năm thỉnh nguyện ôn hòa phản đối cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công. Cuộc bức hại này được phát động vào ngày 20 tháng 07, năm 1999.
Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 07, các học viên đã tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu Pháp Luân Công và phơi bày cuộc bức hại tại những con phố lớn ở Toronto. Sáng ngày 18 tháng 07, một cuộc mít-tinh đã được tổ chức trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc, và lễ thắp nến tưởng niệm được tổ chức vào tối ngày 20 tháng 07, từ 8 giờ đến 10 giờ tối. Trong lễ tưởng niệm, các học viên bày di ảnh của các học viên đã mất đi mạng sống trong cuộc bức hại. Họ cũng thu thập chữ ký cho bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại, và kêu gọi người dân Trung Quốc thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Ngày 18 tháng 07, các học viên Pháp Luân Công tổ chức mít-tinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto, Canada nhằm đánh dấu 15 năm thỉnh nguyện ôn hòa phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ
Thu thập chữ ký trước Lãnh sự quán Trung Quốc
Lý Triết, một công dân Canada, đang kêu gọi chính phủ Canada gây áp lực để chính quyền Trung Quốc trả tự do cho cha của anh, người đã bị bắt giữ vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Tối ngày 20 tháng 07, các học viên Pháp Luân Công đã thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc lên án tội ác của ĐCSTQ và yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại
Sáng ngày 18 tháng 07, bên lề đường đối diện Lãnh sự quán Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công đã cầm các biểu ngữ có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” “Chân-Thiện-Nhẫn hảo,” “Giải thể ĐCSTQ và chấm dứt cuộc bức hại,” và “Lập tức trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.” Nhiều người có công việc cần ra vào Lãnh sự quán đã dừng lại để tìm hiểu sự việc và lắng nghe các bài diễn thuyết trong buổi mít-tinh. Một số người đã ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.
Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) bày tỏ sự khâm phục các học viên lớn tuổi, những người hàng ngày thỉnh nguyện trước lãnh sự quán Trung Quốc
Cảnh sát Hoàng gia Canada đã cử một đơn vị cảnh sát tới duy trì trật tự tại sự kiện diễn ra trước lãnh sự quán. Cathy, một học viên Pháp Luân Công, đã nói chuyện với một nhân viên cảnh sát. Người này đã làm việc trong ngành cảnh sát được sáu năm. Anh nói: “Trong nhiều năm, hàng ngày tôi đều thấy các học viên Pháp Luân Công lớn tuổi tới đây thỉnh nguyện. Chúng tôi đã tìm kiếm thông tin trên internet. Chúng tôi nhận ra rằng các học viên cao tuổi này còn mạnh mẽ hơn cả những nhân viên cảnh sát. Chúng tôi thực sự khâm phục họ.”
Học viên Cathy nói: “Cám ơn các anh đã bảo vệ chúng tôi trong nhiều năm qua. Chúng tôi sẽ không thể làm việc này nếu đang ở Trung Quốc.” Nhân viên cảnh sát trả lời: “Đúng vậy. Tất cả chúng ta nên trân trọng quyền tự do mà chúng ta có ở Canada.”
Một người nhập cư đến từ Hồng Kông: Tôi muốn chụp một tấm hình đẹp nhất để giới thiệu cho bạn bè
Gavin, đến từ Hồng Kông, đã ký tên vào bản kiến nghị và chụp rất nhiều ảnh của các học viên. Anh nói: “Khung cảnh này thật cảm động. Đối diện với cuộc bức hại kéo dài, các học viên không những không lùi bước mà vẫn kiên trì kháng nghị ôn hòa. Tôi nghĩ rằng họ ở một cảnh giới rất cao. Tôi khâm phục họ.”
Gavin đến Canada du học từ 10 năm trước và hiện đang là một kỹ sư. Anh nói: “Tôi muốn đợi tới khi trời tối để chụp thêm vài tấm hình. Những tấm hình chụp khi trời tối sẽ cảm động hơn. Tôi sẽ gửi chúng cho bạn bè của tôi và sẽ chọn tấm hình đẹp nhất để giới thiệu về sự kiện này. Các học viên Pháp Luân Công là những người tốt. Tại sao lại bức hại họ tàn bạo như vậy? Họ chỉ đang tìm kiếm quyền cơ bản của mình.”
Gavin nói thêm một cách xúc động: “Nói với họ hãy tiếp tục. Họ sẽ chiến thắng!”
Một người nhập cư đến từ Iran: Cuộc bức hại Pháp Luân Công là một tội ác lịch sử
“Tôi quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc trong 20 năm qua. Tôi đến từ Iran và tôi biết về sự tàn bạo và tà ác của một chính quyền độc tài. Tôi thường chú ý các tin tức về Trung Quốc. Từ vụ việc ngày 04 tháng 06 đến cuộc bức hại Pháp Luân Công, tôi nhận ra rằng ĐCSTQ là đảng chính trị tồi tệ nhất trên thế giới,” Sam Mimi, người đã sống ở Canada hơn 20 năm qua, nói khi cùng bạn bè tới xem lễ thắp nến tưởng niệm.
Sam Mimi (trái), đã sống ở Canada hơn 20 năm qua, cùng bạn bè tại buổi lễ tưởng niệm
Sam hướng về phía lễ tưởng niệm và nói một cách xúc động: “Khung cảnh bình hòa này gợi lên trong tôi về một thế giới tốt đẹp: không chiến tranh, không bạo lực, không ô nhiễm; ở đó mọi vật đều vô cùng tươi đẹp. Cảnh tượng đó không thể hiện ở bề mặt mà là phản ánh nội tâm của các học viên. Sự kết hợp của nội tâm và ngoại lực khiến người ta cảm thấy rằng họ sẽ vĩnh viễn không thể bị đánh bại.”
Sam đã viết lên trên một bưu thiếp gửi tới chính phủ Canada: Tôi mong một ngày người dân Trung Quốc sẽ được hưởng quyền tự do. Cuộc bức hại Pháp Luân Công là một tội ác lịch sử. Hãy ủng hộ và bảo vệ quyền tự do.
Các học viên Pháp Luân Công: Chỉ bằng cách giải thể ĐCSTQ mới có thể chấm dứt cuộc bức hại
Trong buổi mít-tinh ngày 18 tháng 07, học viên Pháp Luân Công Vương Kim Cúc nói “Em gái tôi đã chết do bị tiêm thuốc độc vì nó không chịu từ bỏ Pháp Luân Công. Chị gái tôi đã bị giam giữ trong tám năm vì không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.”
Học viên Lý Triết nói “Cha tôi là một người tốt, được các đồng nghiệp kính trọng. Ông đã bị giam giữ trong tám năm qua vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Họ đã không cho gia đình tôi gặp mặt ông. Ông đã phải chịu đựng tra tấn trong trại giam. Sau khi được thả, ông đã lại bị bắt vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công.”
Để giải cứu cha mình, Lý Triết đã tới Bộ Ngoại giao Canada và Văn phòng Nhân quyền ở Canada đề nghị chính phủ Canada gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc để trả tự do cho ông.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2014/7/22/加拿大警察-中领馆前的法轮功比我们还坚强-295024.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/7/24/2200.html
Đăng ngày 16-09-2014: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.