[MINH HUỆ 01-10-2013] Nhiều năm trước, phó chủ tịch của một doanh nghiệp đã mời tôi đến tòa án để chứng kiến giải quyết một vụ kiện liên quan đến công ty ông. Ông nhiệt tình nói: “Chúng tôi sẽ cho bạn thấy cách xử lý trong các phiên tòa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Đó là một vụ án kinh tế. Doanh nghiệp của người phó chủ tịch đó là bị đơn và nguyên đơn là một doanh nghiệp ở tỉnh khác. Khi bước vào phòng xét xử, tôi phát hiện khoảng sáu người rất lo lắng – các nguyên đơn, trong khi các bị đơn rất bình tĩnh – thật là một sự khác biệt.

Thẩm phán đến, đọc to vụ án, và bắt đầu đặt câu hỏi. Ông ta hỏi bên nguyên đơn nhiều câu hỏi, nhưng thường xuyên ngắt lời họ, khiến họ lo lắng và bối rối.

Nhưng khi thẩm phán quay sang hỏi các bị đơn, tôi rất ngạc nhiên bởi sự thay đổi rõ rệt của ông ta. Ông ta thân thiện và nói chuyện nhẹ nhàng hơn. Giống như thể ai đó đã thay đổi kênh truyền hình trên Tivi. Tôi nhanh chóng mất hứng thú trong cuộc tranh luận, mà bị cuốn hút bởi sự thay đổi trong cách biểu hiện và giọng điệu của thẩm phán.

Bởi vì nhân chứng không xuất hiện, không có phán quyết nào được đưa ra. Khi phiên xử kết thúc, bên nguyên đơn xin thẩm phán giảm bớt bản án của họ, và người mà mời tôi đến tòa án giục tôi rời khỏi càng sớm càng tốt.

Trả tiền cho “công lý”

Sau khi chúng tôi rời khỏi tòa án, tôi quay sang hỏi ông ta: “Ông đã mua chuộc thẩm phán bao nhiêu?” Ông ta cười và trả lời: “Tôi và ông ta cùng học Đại học Khoa học Chính trị.” Ông ta lại châm biếm: “Nhưng ông ta không biết đóng kịch gì cả – ông ta diễn quá rõ ràng.” Tôi lại hỏi: “Tại sao nhân chứng không ra hầu tòa?”

Câu trả lời của ông ta còn khiến tôi ngạc nhiên hơn: “Đó là ý của thẩm phán; ông ta muốn tôi đưa nhân chứng ra khỏi thành phố, và để anh ấy trở về sau khi vụ án kết thúc. Cách đó sẽ khiến vụ án có lợi cho tôi.”

Cái nhìn sâu sắc có giá trị

Sự kiện này đã thật sự cho tôi có cái nhìn sâu sắc về “tòa án nhân dân” và “các phiên xử công bằng” của nó. Dù tôi từng nghe rằng hệ thống tòa án mục nát thế nào, tôi vẫn không hoàn toàn tin cho đến khi tận mắt chứng kiến. ĐCSTQ hô hào rằng các phiên xử của nó là “công bằng, chính xác và công khai,” nhưng rõ ràng là không có điều nào được thực hiện.

Các thẩm phán đã và vẫn theo một kịch bản, và bản án đã được định trước. Người Trung Quốc thực sự ngây thơ nếu họ nghĩ rằng công lý sẽ được thực thi tại một tòa án Trung Quốc.

Nhiều năm sau, tôi đã tự hỏi tại sao tôi lại gặp ông thẩm phán đó, người đã đóng một vai trò rõ ràng như vậy. Có lẽ người phó chủ tịch mà mời tôi hy vọng rằng tôi có thể thấy được sự xảo trá của hệ thống tư pháp Trung Cộng. Có thể là ông phó chủ tịch đó, người đã hưởng lợi ích của hệ thống ĐCSTQ, cũng ghét thói đạo đức giả của ĐCSTQ.

Sau lần đó, tôi không bao giờ tham dự phiên xử nào khác, bởi vì toàn bộ rất bẩn thỉu. Đến một ngày kia tôi nghe rằng các học viên Pháp Luân Công sắp bị xét xử công khai. Tôi đã cố tham gia như một người quan sát. Tôi muốn nhìn thấy những mánh lới mà ĐCSTQ sẽ đưa ra trong trường hợp “chính trị” này.

Một phiên xử Pháp Luân Công

Cùng với nhiều học viên Pháp Luân Công, tôi đến sớm ở lối vào tòa án. Chúng tôi không được phép vào, và thậm chí thành viên gia đình cũng bị chặn bên ngoài lối vào cửa trước. Công an trang bị vũ khí bao quanh tòa án, và các cảnh sát mặc thường phục bận rộn chụp hình và bắt giữ người. Họ hành động như thể đang đương đầu với tội phạm bạo lực, khiến người dân cười và chế nhạo khi họ đi ngang qua tòa án.

Cách làm này thật sự cần thiết không? Điều quan trọng cần biết là những người liên quan là các học viên Pháp Luân Công, những người tin vào Chân – Thiện – Nhẫn.

Các chiến thuật tại phòng xử án của ĐCSTQ

Ví dụ, khi một luật sư biện hộ cáo buộc chính quyền tra tấn các học viên và làm sai lệch chứng cứ, thẩm phán ra lệnh cho nhân viên chấp hành đuổi luật sư ra khỏi phòng xử. Khi học viên thưa kiện về việc họ bị tra tấn, thẩm phán ngắt lời và không cho họ nói hết câu. Khi một luật sư biện hộ chỉ ra rằng hiến pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và các học viên không vi phạm luật pháp, thẩm phán sẽ tức giận đến nỗi ông ta gầm lên và dùng búa đập vào bàn, nói rằng: “Đừng nói luật với tôi. Chúng tôi chỉ nói về chính trị. Nếu ông/bà không ngưng nói, tôi cũng sẽ bắt ông/bà.” Việc các luật sư bị bắt giữ tại các tòa án Trung Quốc là bình thường.

Các thẩm phán tuyên bố họ không nói về luật, nghĩa là họ không đếm xỉa đến hệ thống luật pháp và không khác gì là những con rối của ĐCSTQ. Thực tế là họ thật sự bị điều khiển bởi Phòng 610, vốn ngang nhiên vi phạm pháp luật, bắt giữ tùy tiện, bắt cóc, lấy lời khai bằng tra tấn, ngụy tạo bằng chứng, và sử dụng các phương pháp tra tấn tàn bạo. Các thẩm phán che giấu tội ác của ĐCSTQ rất cẩn thận.

Trong vài ngày qua, bản án tử hình dành cho một người bán rong ở thành phố Thẩm Dương đã dấy lên làn sóng giận dữ. 25 luật sư đã nộp một tuyên bố chung đến tòa án tối cao, phản đối rằng các chứng cứ trình bày là thu thập phi pháp và không thể được dùng để biện minh cho án tử hình và xử tử ngay lập tức. Vụ kiện một chiều này, giống như hầu hết các phiên xử, là một câu chuyện khôi hài khác dùng đến để đánh lừa dư luận.

Đã chứng kiến và nghe nói về nhiều phiên xử, người dân đang dần nhận ra rằng “thủ tục tố tụng pháp lý” này chẳng qua chỉ là màn trình diễn để đánh lừa họ. ĐCSTQ dùng “tòa án nhân dân” để khủng bố người dân với tên gọi luật pháp. Luật pháp trang nghiêm ban đầu đang bị bẻ cong để bỏ qua tội giết người và mọi hành vi phạm tội. Làm sao mà nhân dân vẫn có thể tin vào một chế độ như vậy?


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/10/1/中共的庭审秀-280518.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/10/29/142938.html

Đăng ngày 11-04-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share