Bài viết của một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-05-2013] Các học viên Pháp Luân Công là cha mẹ đương nhiên sẽ muốn con mình cũng trở thành học viên. Tuy nhiên, việc bản thân chúng ta là học viên không đảm bảo rằng con của chúng ta cũng sẽ trở thành học viên. Nhiều học viên có thể đã nhận thấy rằng, cho dù đứa trẻ từ nhỏ đi cheo cha mẹ học Pháp luyện công cũng không có nghĩa là đứa trẻ đó đã chân chính đắc Pháp. Có những đứa trẻ có thể học Pháp và luyện công bởi vì cha mẹ bảo chúng làm như vậy, nhưng chúng không thực sự tu luyện. Có những đứa trẻ có thể dừng tu luyện khi chúng lớn lên.
Nếu muốn dẫn dắt con mình chân chính đắc Pháp, trước hết những người cha mẹ phải thực tu bản thân. Nếu những bậc cha mẹ chúng ta không biết cách tu luyện một cách chân chính, làm sao chúng ta có thể dạy cho con cái về tu luyện? Tu luyện là một quá trình, phải có thời gian. Có khi phải mất nhiều năm để vượt qua quan niệm người thường và thực sự hiểu được tu luyện là gì. Vượt qua những quan niệm trong cách nuôi dạy con là đặc biệt khó khăn.
Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm mà tôi rút ra từ các học viên là cha mẹ và từ chính bản thân tôi – một phụ huynh. Tôi hi vọng những hiểu biết này sẽ giúp con cái chúng ta trở thành những người tu luyện chân chính.
Chúng ta có quá chấp trước vào con cái?
Một vài bậc cha mẹ quá chấp trước vào con cái của họ, yêu quý và nuôi dạy chúng theo cách của người thường. Cha mẹ yêu quý và bảo vệ con cái là điều hoàn toàn bình thường, nhưng những bậc cha mẹ này thường quên rằng họ là học viên và để bản năng cha mẹ của họ kiểm soát. Hành vi áp đặt của cha mẹ có thể tạo ra rào cản ngăn con cái đắc Pháp. Ví dụ, một số người rất háo hức muốn con mình học Pháp và luyện công, vì họ muốn con thu được lợi ích từ Đại Pháp. Đây là một niệm đầu ích kỉ.
Những người làm cha mẹ này tại các phương diện khác có thể tu luyện rất tốt, đối với Đại Pháp phó xuất rất nhiều, nhưng đối với con cái của mình, kiểu tư duy của họ lại hoàn toàn giống như người thường. Họ vui khi con mình có thành tích học tập tốt ở trường. Nhưng khi thành tích học tập của con không tốt, họ ngay lập tức nghĩ rằng liệu có phải con họ đã dành quá nhiều thời gian học Pháp và không có đủ thời gian làm bài tập.
Một số cha mẹ muốn đảm bảo con được ngủ đủ, ngay cả khi phải bỏ luyện công. Họ tin chắc rằng ngủ là quan trọng hơn cho lợi ích của đứa trẻ so với việc luyện công.
Một vài cha mẹ không thể chịu được khi con họ bị bắt nạt hay lợi dụng, và tìm kiếm công lý khi con họ mâu thuẫn với những đứa trẻ khác. Bởi vì họ quá chấp trước vào con cái, họ hoàn toàn quên rằng những mâu thuẫn đó là cơ hội cho con họ đề cao trong tu luyện, và như thế đã bỏ qua cơ hội để con họ đề cao tâm tính.
Chúng ta có buông lơi việc giám sát con cái?
Một số cha mẹ xem nhẹ việc giám sát con cái và tin rằng chúng sẽ lớn lên ổn thỏa mà không cần cha mẹ chỉ dẫn, chỉ cần chúng học Pháp là được. Vì vậy, đối với việc chăm sóc con cái, họ làm rất qua loa, dụng tâm không đủ.
Tôi nhận thấy rằng những cha mẹ đó dành quá nhiều thời gian làm các công việc Đại Pháp đến nỗi họ không dành đủ thời gian và tâm tư để chăm sóc, giáo dục con cái. Kết quả là con của họ không lý giải được tu luyện là gì và hành xử thậm chí còn không được như con cái của gia đình người thường, thiếu sự kính trọng đối với người khác. Một vài học viên tin rằng cựu thế lực đã an bài cho con họ quậy phá trong gia đình. Dù đúng như vậy hay không thì chắc chắn phải có sơ hở, cựu thế lực mới dùi được vào. Nếu chúng ta có con nghịch phá, chúng ta phải tự nhìn vào trong và tìm nguyên nhân gốc rễ.
Khi con cái cư xử không tốt, buộc tội cựu thế lực chỉ là cái cớ để tránh hướng nội. Những người cha mẹ chỉ quan tâm đến việc tu luyện và các hạng mục của mình mà không dành thời gian cho con cái, cũng là một loại quan niệm ích kỉ. Sự ích kỉ này chắc chắn là sơ hở để cựu thế lực dùi vào, thao túng đứa trẻ gây rắc rối và không cho cha mẹ chúng làm tốt ba việc. Tôi tin rằng con cái sẽ cư xử tốt hơn khi cha mẹ hướng nội tìm và quy chính bản thân.
Can nhiễu
Khi con gái tôi ra đời, tôi đã phải đối mặt với một vài can nhiễu của cựu thế lực, nhưng sau khi đối đãi một cách đúng đắn, tôi đã có thể tiêu trừ can nhiễu này.
Chồng tôi và tôi, cùng cha mẹ tôi đều tu luyện Pháp Luân Công. Khi có thai, tôi vẫn tiếp tục học Pháp và luyện công, cho nên chúng tôi đều khẳng định rằng con chúng tôi là tiểu đệ tử Đại Pháp.
Trước khi con gái tôi ra đời, tôi đã đọc nhiều bài viết trên Minh Huệ Net về con của các đồng tu rất vui khi chúng thấy ảnh Sư phụ lần đầu tiên. Một vài tháng sau khi con gái tôi được sinh ra, tôi bế cháu trong tay và đặt ảnh Sư phụ trước mặt cháu. Tôi nghĩ rằng cháu sẽ rất hào hứng và vui vẻ, nhưng cháu lại tỏ vẻ e ngại và sợ hãi. Cháu không muốn nhìn ảnh Sư phụ. Mẹ tôi và tôi đã rất bất ngờ và thất vọng. Mẹ tôi còn hỏi tôi: “Con có nghĩ nó sinh vào gia đình chúng ta là do cựu thế lực an bài?” Trong một vài ngày, tôi cố để con gái mình nhìn ảnh Sư phụ nhưng lần nào cháu cũng cự tuyệt.
Sau khi vượt qua sự thất vọng, tôi bắt đầu hạ tâm xuống để suy nghĩ, hướng nội. Tôi không biết tại sao cháu lại phản ứng như thế. Có lẽ đó là do tâm hoan hỉ của tôi dẫn đến giả tướng xuất hiện. Tôi đã luôn nghĩ rằng con mình sinh ra sẽ là tiểu đệ tử Đại Pháp, và từ đầu tiên mà cháu thốt ra sẽ là “Sư phụ.” Có thể loại chấp trước mạnh mẽ này của tôi đã khiến cho giả tướng xuất hiện, khiến cho con gái của tôi có biểu hiện như vậy và khiến cho tôi thất vọng chán nản.
Sau đó tôi nghĩ xem mình sẽ làm gì nếu cựu thế lực đã an bài cho con gái tôi can nhiễu việc tu luyện của tôi. Tôi đã quyết định không thừa nhận nó. Ngay cả khi con gái tôi sinh ra không phải là tiểu đệ tử Đại Pháp, tôi chắc chắn rằng sau này cháu sẽ trở thành một đệ tử!
Tôi đã nói với con: “Dù cho con là ai, con đã có cha mẹ là học viên Pháp Luân Công. Từ nay trở đi con là đệ tử của Sư phụ. Chỉ có Sư phụ mới quyết định số phận con.” Tôi không biết cháu hiểu được bao nhiêu hay có thể không hiểu gì hết, nhưng tôi vẫn thường cho cháu xem ảnh Sư phụ và nói với cháu rằng đây là Sư phụ. Cháu dần dần không còn e sợ khi nhìn ảnh Sư phụ, và cũng học được cách cung kính chào Sư phụ.
Khi cháu được một tuổi, cháu thường rất hào hứng khi thấy ảnh Sư phụ hay đồ hình Pháp Luân. Cháu thường chỉ vào không khí và la lên: “Xoay! Xoay!” Tôi đoán cháu đang thấy Pháp Luân xoay chuyển trong nhà qua thiên mục của cháu. Ngay khi cháu vừa biết nói, mẹ tôi dạy cho cháu học thuộc các bài thơ Hồng Ngâm. Đến năm hai tuổi, cháu đã học thuộc nhiều bài thơ và đến năm ba tuổi có thể đọc thuộc Hồng Ngâm và Hồng Ngâm II.
Tuy nhiên, đôi khi con tôi nói những điều bất kính đối với Sư phụ và Đại Pháp. Bình thường tôi rất yêu con, nhưng khi cháu bất kính với Sư phụ, tôi đều nói chuyện nghiêm khắc với cháu. Một mặt tôi cũng cảnh cáo cựu thế lực tuyệt đối không được can nhiễu đến con của đệ tử Đại Pháp. Đến năm bốn tuổi con gái tôi đã học Chuyển Pháp Luân và luyện công cùng tôi, và cuối cùng cháu cũng không còn nói điều gì bất kính về Sư phụ nữa.
Giờ cháu đã gần chín tuổi, và đã đọc Chuyển Pháp Luân nhiều lần. Cháu đã minh bạch được nhiều đạo lý trong tu luyện và còn có thể thường xuyên chỉ ra những vấn đề tu luyện của người lớn.
Đúng là có rất nhiều các loại quan hệ nhân duyên giữa con cái và cha mẹ. Nhưng là người tu luyện, nếu có thể đối đãi đúng đắn, chắc chắn chúng ta đều có thể biến nó thành hảo sự, là thiện duyên thì chúng ta có thể xúc tiến, là ác duyên thì chúng ta có thể thiện giải. Nếu một đứa trẻ sinh ra vào một gia đình để thanh toán một món nợ do hành vi sai trái trong kiếp trước, cách tốt nhất để giải quyết món nợ đó là nuôi dạy đứa trẻ thành một học viên Pháp Luân Công. Nếu cựu thế lực an bài cho một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nào đó, chúng ta cũng nên chăm sóc cho đứa trẻ đó như vậy. Chúng ta cần phủ nhận an bài của cựu thế lực và nuôi dạy chúng thành những học viên tốt.
Hầu như trẻ sinh ra trong gia đình của học viên đều đến từ những tầng thứ cao. Đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng những nguyên lý của Đại Pháp sẽ ngoan và khỏe mạnh. Chỉ cần cha mẹ tu luyện tốt, dành thời gian nhiều cho con cái, không có quá nhiều chấp trước vào con cái, thì chúng sẽ lớn lên thành người tốt và thậm chí là tấm gương cho những đứa trẻ khác. Nếu một đứa trẻ quậy phá, chúng ta cần hướng nội và chính lại bản thân. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể dẫn dắt đứa trẻ theo hướng đi đúng đắn. Chúng ta cũng nên nghiêm túc phủ nhận hoàn toàn an bài của cựu thế lực. Nuôi dạy trẻ thành người tốt, đúng mực và lễ phép cũng giúp cho việc chứng thực Pháp.
Xin hãy từ bi chỉ ra bất kì điều gì chưa phù hợp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/11/修炼人怎样才能真正带好自己的小同修-273286.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/30/140769.html
Đăng ngày 04-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.