Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Thụy Điển

[MINH HUỆ 21-04-2010]  Nhớ lại 11 năm trước, Lý Chí Anh không bao giờ có thể ngờ được rằng mình sẽ định cư ở Thụy Điển và không thể trở về mảnh đất quê hương hay đoàn tụ với gia đình mình.

Pháp Luân Công mang đến hạnh phúc

Ở Trung Quốc, Lý Chí Anh làm việc cho công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc. Vợ ông ấy, bà Trương Quế Vinh, là trợ lý giám đốc Ban Tài chính của Ủy ban khu phố Quận Hải Điến Bắc Kinh. Con trai họ, Lý Thành, là học sinh của trường Trung học số 11 Bắc Kinh (một trường điểm).

Trước đây sức khỏe của ông Lý rất kém. Ông ấy bị đau lưng, ngứa chân và bàn chân, và tê liệt bán thân. Theo chẩn đoán, ông ấy bị lồi đốt sống thắt lưng, rách màng cứng đốt sống thắt lưng, và căng cơ thắt lưng. Nếu không được chữa trị, ông ấy sẽ bị liệt toàn thân. Sức khỏe của vợ ông ấy cũng rất kém, trong đó có đau dữ dội do kinh nguyệt. Bà ấy bị chẩn đoán có khối u buồng trứng. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u trong một buồng trứng, một khối u khác được phát hiện trong buồng trứng còn lại.

Vào tháng 10 năm 1997, sau khi một đồng nghiệp nói với họ về Pháp Luân Công, họ đã bắt đầu tu luyện. Trong khoảng hai tuần, tất cả các triệu chứng bệnh tật của ông Lý đã biến mất. Sau khoảng một tháng, vợ ông ấy cũng không còn đau đớn khi có kinh nguyệt.

Ông giãi bày, “Chịu sự giáo dục của văn hóa Đảng, tôi từng là một người vô thần. Trải nghiệm của chính bản thân và những thần tích xảy ra đối với những người tôi biết đã thuyết phục tôi. Môn tu luyện tuyệt vời này không những mang đến cho tôi một cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp gia đình tôi hạnh phúc.”

Xúc động trước cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng Tư

Vào sáng ngày 25 tháng Tư năm 1999, qua những người ở điểm luyện công của mình, ông Lý biết được rằng hàng chục học viên ở Thiên Tân đã bị bắt và bị đánh sau khi tố cáo rằng một tạp chí đã cho đăng một bài báo phỉ báng Pháp Luân Công. Khi các học viên cố gắng yêu cầu thả những người bị giam giữ, công an đuổi họ đi và bảo họ đến thỉnh nguyện ở Bắc Kinh. Phản ứng đầu tiên của Lý Chí Anh là: “Suy nghĩ duy nhất của tôi là chúng tôi nên bảo họ thả các học viên. Tôi cảm thấy cần phải đi đến Văn phòng thỉnh nguyện và nói với họ về trải nghiệm của chính tôi để họ biết Pháp Luân Công thật ra là gì. Điều này sẽ làm thay đổi tình thế. Tôi không có ý nghĩ nào khác.”

Ông Lý nhớ một cách sống động những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó. “Sáng hôm đó tôi đi đến đường Phủ Hữu (nơi đặt văn phòng thỉnh nguyện Hội đồng Nhà nước). Bởi vì có nhiều người tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc, nhiều người đã có mặt và nhanh chóng lấp đầy khu vực phía trước Văn phòng thỉnh nguyện. Những người còn lại đã di chuyển đến Lục Bộ Khẩu và đường Bắc Hải. Các học viên rất ôn hòa. Họ cư xử rất có kỷ luật và thậm chí còn giúp công an điều khiển giao thông. Họ đảm bảo có lối đi cho người đi bộ ở lề đường, và hợp tác với công an. Họ đứng ở bất kỳ chỗ nào mà công an hướng dẫn. Ngày hôm đó, nhiều công an đã biết sự thật về Pháp Luân Công. Một số người ngồi trong ô tô đi ngang qua đã hỏi, “Tại sao lại có nhiều người ở đây thế? Họ đang làm gì vậy?” Một công an trả lời: “Tất cả họ đều tu luyện Pháp Luân Công. Họ đến để thỉnh nguyện. Đây là một môn tu luyện tốt, mẹ vợ tôi cũng tu luyện, tất cả họ đều là người tốt.”

Sau đó, nhiều người nhận xét rằng các học viên Pháp Luân Công là những người có tổ chức và kỷ luật. Lý Chí Anh, người đã từng ở trong quân đội, nói, “Chính xác hơn, những gì diễn ra ngày hôm đó không thể có được bằng cưỡng ép hay huấn luyện. Điều đó phản ánh cách cư xử của những người có đạo đức được đề cao sau khi tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Rất ít người trong số chúng tôi biết nhau. Phần lớn mọi người không biết ai khác ở đó. Nhưng mỗi người đều đi đến đó với một mục tiêu chung: nói sự thật với Văn phòng thỉnh nguyện. Mọi người đứng đó trật tự, chờ đợi kết quả cuộc họp. Không ai quá khích, hô khẩu hiệu, hoặc cao giọng. Mặt đất rất sạch sẽ. Các học viên còn nhặt cả những đầu mẩu thuốc lá do công an vứt lại và bỏ chúng vào thùng rác. Chúng tôi nhìn thấy có những chiếc ô tô trang bị camera đi đi lại lại quay phim chúng tôi. Các học viên rất bình tĩnh, nghiêm trang, lý trí. Đó thực sự là một khung cảnh xúc động.”

Sau đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp gỡ các đại diện của học viên, những người yêu cầu thả các học viên bị giam giữ ở Thiên Tân, nói rằng tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp, và nêu các vấn đề như tái bản Chuyển Pháp Luân là được phép và hợp pháp. Vào khoảng 09 giờ tối, sau khi biết các học viên ở Thiên Tân được thả, những người tụ tập ở Văn phòng thỉnh nguyện dọn sạch khu vực đó và rời đi.

Vợ của Lý Chí Anh, bà Trương Quế Vinh nghĩ rằng chồng mình và các học viên thỉnh nguyện ôn hòa vào ngày 25 tháng Tư đang làm những điều đúng đắn. “Nhiều người trong số chúng tôi đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa và vụ tự thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ hậu quả của việc dính dáng đến Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng mọi người đã vứt bỏ sự sợ hãi sau hàng loạt phong trào vận động chính trị. Chúng tôi đang làm những việc hợp pháp được hiến pháp Trung Quốc cho phép.”

Bị bức hại và buộc phải bỏ nhà

Trong những ngày sau khi cuộc bức hại chính thức diễn ra vào tháng 07 năm 1999, đặc biệt là sau khi liên tục đến quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện, ông Lý Chí Anh bắt đầu bị theo dõi ở nơi làm việc. Điện thoại của ông bị công an địa phương và các nhân viên ở ủy ban khu phố ghi âm, và ông bị theo sát. Ông đã bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc và không được về hưu mặc dù đủ điều kiện. Ngoài ra, ông bị ép tham gia các khóa tẩy não và bị gây áp lực phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Bí thư chi bộ nơi ông ấy làm việc đã tìm một người không tu luyện Pháp Luân Công thay thế ông Lý ở các khóa tẩy não. Lãnh đạo trong đơn vị ông đã nói dối với chính quyền rằng Lý Chí Anh đã được “chuyển hóa” thành công, ông ta được khen ngợi vì điều đó.

Bà Trương Quế Vinh đã mất đi công việc mà bà đã làm trong hơn 20 năm bởi vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Phòng 610 cũng bắt bà đi tẩy não.

Không còn cách nào khác, Ông Lý Chí Anh và gia đình đã tìm đường đến nước Nga qua sự giúp đỡ của một số bạn bè.

Ngay khi họ rời khỏi Trung Quốc, một người bạn nói với họ, “Anh chắc chắn không thể quay lại được nữa. Cấp trên của anh đã thành lập một đội đặc biệt để chuyên đối phó với anh. Công an canh cửa nhà anh 24 giờ một ngày. Họ thường xuyên áp bức họ hàng của anh. Bọn họ đến trường của con anh và bắt giữ cháu. Cuối cùng bọn họ sẽ tìm thấy chỗ của anh. Bạn cần phải thật cẩn thận.”

Sau khi vượt qua nhiều khó khăn, cuối cùng ông Lý Chí Anh và gia đình đã đến được Thụy Điển và định cư ở đó. So với hàng ngàn học viên ở Trung Quốc Đại lục bị tan nát gia đình vì tu luyện Pháp Luân Công, họ rất may mắn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/4/21/221945.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/4/4/132550.html

Đăng ngày 06-05-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share