Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-02-2013] Tôi đã được cử đến Vương quốc Anh với tư cách là một học giả thỉnh giảng trong ba tháng vào năm 1994. Đáng lẽ việc cử tôi đến đó là rất dễ dàng, nhưng tôi gặp phải rất nhiều rắc rối lạ thường. Ví dụ, đơn xin hộ chiếu phổ thông của tôi đã được gửi đến phòng xử lý hộ chiếu cá nhân. Trong buổi phỏng vấn nhập cư, người cán bộ tuyên bố rằng dường như tôi có ý định nhập cư. Các nhân viên tại Phòng Ngoại giao nói với tôi những việc như vậy rất hiếm khi xảy ra. Cuối cùng, tôi đã không thể đến Anh Quốc. Một ngày vào năm 1996, khi tôi đã từ bỏ ý nghĩ ra nước ngoài, thì một quan chức của Phòng Ngoại giao đột nhiên đến và bảo tôi chuẩn bị đi Hoa Kỳ. Tôi đã không xem việc này là nghiêm túc, nhưng rồi một ngày một nhân viên Phòng Ngoại giao gửi cho tôi visa và vé máy bay. Vì vậy, tôi đến Atlanta vào ngày 22 tháng 09 năm 1996 một cách bất ngờ và suôn sẻ.

Tôi ở tại nhà của một người Mỹ trong mười ngày đầu tiên. Vào ngày thứ mười, một người bạn của tôi gọi và nói với tôi rằng bạn của cô ấy đã rời khỏi nơi cô ấy thuê nhà. Người bạn của cô ấy đã thuê chỗ đó một năm, nhưng bây giờ cô ấy đã rời đi sau khi sống ở đó chỉ mới một tháng. Cô ấy đề nghị tôi xem qua nơi ấy và xem xem liệu tôi có muốn thuê nó không. Tôi đi tới đó, ngôi nhà rất sạch sẽ và ngăn nắp. Một bức hình của một vị Phật treo trên tường của phòng khách. Sau đó, tôi đã biết được rằng đó là bức hình Sư phụ. Một bát hương được đặt trên bàn ngay dưới bức hình. Người Mỹ đi cùng tôi nói: “Gia đình này theo Phật. Chỗ này thật đẹp và an toàn.Chị có thể sống ở đây.” Vì vậy, tôi chuyển đến vào ngày hôm sau.

Ngày 02 tháng 10, những ngày đầu tiên sau khi tôi chuyển đến, chủ nhà đã cho tôi một cuốn Chuyển Pháp Luân. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giáo dục tôi và tôi chưa bao giờ tin vào bất cứ vị Thần nào. Thậm chí tôi không tin khí công. Với ý niệm đọc thử, tôi đọc chương đầu tiên của cuốn sách. Đồng thời, tôi cũng xem bài giảng đầu tiên trong loạt video bài giảng tại Tế Nam của Sư phụ. Tôi đã xem tất cả các video và đọc xong cuốn sách trong 09 ngày liên tuc. Tôi cảm thấy đó là một cuốn sách thực sự tốt. Những gì tôi thích nhất và tin tưởng nhất là ba chữ, Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi nghĩ rằng nếu tất cả mọi người đều theo các tiêu chuẩn này, thế giới sẽ thay đổi.

Ngày 11 tháng 10 năm 1996, ngay sau khi tôi đọc xong cuốn sách và xem xong các video, tôi nghe nói rằng Sư phụ sẽ giảng Pháp tại Houston. Các đồng tu ở Atlanta thuê tám chiếc xe ô tô và lái xe mất 13 giờ đến Houston vào buổi đêm. Vào lúc 10 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đến phòng họp tại Trung tâm giáo dục và Văn hóa Trung Quốc. Sư phụ đến đó vào lúc 12h30 chiều. Tôi trực tiếp thấy dáng hình vững chắc với vẻ mặt từ bi của Sư phụ. Tôi cảm thấy trong tâm rằng Ngài thực sự là một vị Phật. Sự kiện bắt đầu với việc các quan chức chính phủ Houston trân trọng trao một giấy chứng nhận công dân danh dự cho Sư phụ, sau đó, Sư Phụ giảng bài và trả lời câu hỏi của chúng tôi. Ngày hôm đó, trong khi tôi trực tiếp lắng nghe bài giảng của Sư phụ, tôi cảm thấy một trường năng lượng rất hòa ái. Các học viên chăm chú lắng nghe Sư phụ, với sự tôn kính vô cùng. Một số câu hỏi mà các học viên đặt ra dường như rõ ràng với tôi, và tôi cảm thấy các câu trả lời đã được đề cập trong sách. Nhưng Sư phụ vẫn kiên nhẫn trả lời các câu hỏi, và từ đó đưa ra thêm các nguyên lý. Không có câu hỏi nào khó khăn đối với Sư phụ.

Pháp hội Pháp Luân Đại Pháp Los Angeles tổ chức cho các đệ tử Đại Pháp đến từ New York, Boston, Washington DC, và hai khu vực khác chia sẻ kinh nghiệm vào 13 tháng 10. Là một học viên mới, tôi đã hiểu thêm nhiều điều về việc tu luyện thông qua buổi chia sẻ này. Tôi đã quyết tâm nghiêm túc câu thúc bản thân theo các chuẩn mực của Đại Pháp.

Sư phụ đến Atlanta vài ngày sau đó, vào ngày 16 tháng 10, lúc 7h30 tối. Tôi biết Sư phụ sẽ đến vào ngày hôm đó, vì vậy tôi rời trường sớm, đi tới Trung tâm Hoạt động Trung Quốc để nghe Sư phụ thuyết giảng. Tôi vừa tới Hoa Kỳ và không biết làm thế nào để đến được đó. Trời đã tối và không có ai ở xung quanh, vì vậy tôi không có chỗ nào để hỏi đường. Nhưng tôi theo linh tính của mình mà chọn một hướng nhất định. Vì vậy, tôi đã không phải đi bất kỳ con đường vòng nào cả, và thẳng tới trung tâm, nơi mà các học viên đã ngồi chật kín khán phòng. Một học viên đã mang một chiếc ghế cho Sư phụ từ nhà. Sau này tôi biết rằng đó là chiếc ghế mà tôi ngồi tại nhà của người học viên. Chúng tôi ngồi trên ghế, nhưng sau đó chúng tôi không muốn ngang hàng với Sư phụ, nên chúng tôi bỏ chiếc ghế ra, và tất cả ngồi trên sàn nhà. Sư phụ giảng hơn hai giờ. Tôi đã rất vui, nhưng tôi không thể nhớ được những gì Sư phụ đã giảng. Sau phần giảng Pháp, các học viên vây quanh Sư phụ, xin chữ ký và chụp ảnh cùng Ngài. Tôi nhớ đến vấn đề về chữ ký trong các bài giảng của Sư phụ, vì vậy mặc dù tôi đã mang theo cuốn sách, và đặc biệt muốn có được chữ ký của Sư phụ, tôi đã kìm lại. Tôi biết đó là một chấp trước.

Sau khi ra khỏi trung tâm, chúng tôi vây quanh Sư phụ để bắt tay. Tôi cũng đưa bàn tay của mình ra. Một cậu thanh niên trẻ nói: “Chấp trước quá.” Ngay lập tức tôi rút tay lại. Vì vậy, tôi đã không bắt tay Sư phụ. Sau khi trở về tôi cảm thấy rất ân hận. Qua các đồng tu tôi biết rằng Sư phụ đã dùng bữa với họ trước khi giảng bài. Họ hỏi Sư phụ muốn ăn gì, Sư phụ nói rằng bất cứ thứ gì cũng được, chỉ cần đơn giản. Sư phụ thậm chí còn ăn cái bánh bao mà một học viên đã không ăn hết và để lại trên bàn.

Sư phụ đến phía ngoài tòa nhà nơi tôi thuê vào lúc 2h10 chiều ngày 17 tháng 10, chuẩn bị ra sân bay và đáp máy bay đến New York. Tôi đi xuống cầu thang để tiễn Sư phụ. Tôi đã đỏ mặt và nói rằng: “Những người khác bắt tay với Ngài ngày hôm qua, con cũng muốn, nhưng lại sợ đó là một chấp trước, vì vậy con đã không bắt tay với Sư phụ. Suốt đêm qua con đã rất hối tiếc. Hôm nay Sư phụ đã đến, và con vẫn muốn bắt tay với Sư phụ. “Sư phụ mỉm cười và đưa tay của Ngài ra khỏi cửa sổ xe, gật đầu và nói: “Được rồi, được rồi, chúng ta bắt tay nào”. Tôi bắt tay của Sư phụ, bàn tay thật lớn và mềm mại, tim tôi đập nhanh hơn. Sư phụ hỏi: “Con sẽ đến sân bay cùng chúng ta chứ?” Tôi cảm thấy rất vui và không biết phải nói gì. Tôi lắp bắp: “Con không đi ạ. Con đã làm Sư phụ bị trễ mất rồi. Con chúc Sư phụ thượng lộ bình an.”

Xe của Sư phụ bắt đầu rời đi, và sau khi nó đã đi được hơn 10 mét, Sư phụ vẫn còn vẫy tay chào tôi. Tôi đứng lặng khá lâu, dõi theo chiếc xe rời xa, và khuôn mặt của tôi ửng đỏ. Sau khi tôi trở về phòng của mình trên tầng hai, tim tôi vẫn còn đập nhanh. Nghĩ về việc mong muốn Sư phụ có một chuyến bay an toàn, tôi cảm thấy hổ thẹn, “Sư phụ là một vị Phật, Ngài cần tôi chúc Ngài một chuyến đi an toàn sao? Chắc chắn Ngài sẽ bình an, và không ai có thể làm tổn hại đến Sư phụ.”

Khi biết rằng Sư phụ sẽ giảng Pháp ở New York, vào lúc nửa đêm một số người trong chúng tôi quyết định đi đến New York vào ngày hôm sau. Chúng tôi lái xe đến New York vào sáng ngày 18 tháng 10. Trời mưa nặng hạt trên đường. Tuy nhiên, nghĩ về việc sớm được gặp Sư phụ, chúng tôi chú tâm lái xe và chỉ hy vọng đến sớm.

Sư phụ đến khán phòng của Trung tâm hoạt động sinh viên Trung Quốc vào lúc 1h15 chiều vào ngày hôm sau. Trước khi bài giảng bắt đầu, nhiều người xin chụp ảnh cùng Sư phụ. Sư phụ nói: “Tôi sẽ dành một chút thời gian để chụp ảnh với các học viên đến từ các vùng khác nhau.” Chúng tôi vỗ tay tán thưởng. Khán phòng chật ních người, một số người thậm chí còn đứng ở lối đi. Nó có thể lên tới hơn 1.000 người.

Sau Pháp hội, ban tổ chức sắp xếp cho các học viên từ các khu vực khác nhau lên bục giảng và chụp hình cùng với Sư phụ. Đến lượt các học viên từ Atlanta, hơn mười người đi lên bục giảng. Một nữ học viên không cầm được nước mắt. Cô ấy nói: “Tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy Sư phụ. Tôi không thể có mặt trong bức hình.” Sau đó, cô ấy che mặt của mình và đi xuống khỏi bục giảng. Một vài ngày trước đó, tôi nghe một học viên nói rằng muốn được chụp hình với Sư phụ cũng là một chấp trước. Tôi là một học viên mới. Tôi muốn có một bức hình, nhưng cùng lúc đó, tôi sợ đó là một chấp trước. Cuối cùng, tôi không thể kìm nén việc đứng gần Sư phụ. Sau đó, tôi nghĩ rằng: “Tôi là một học viên mới, vì vậy tôi không nên có một vị trí đẹp.” Sau đó tôi lùi về phía sau, và để cho cựu học viên di chuyển về phía trước một chút. Tôi nghe nói rằng Sư phụ chưa ăn bất cứ thứ gì kể từ 6h00 sáng cho đến khi Sư phụ kết thúc một bài giảng và chụp hình với các học viên, khi mà Sư phụ chỉ dùng một bát mỳ.

Suy ngẫm về việc tôi đã đắc Pháp như thế nào, tôi có thể thấy rằng Sư phụ an bài việc này từng bước từng bước một. Tôi lớn lên trong văn hóa chủ nghĩa cộng sản và không tin vào bất cứ điều gì. Nếu tôi ở Trung Quốc, tôi đã không thể đắc được Pháp. Ở Mỹ, tất cả những người tôi vô tình gặp đều là đệ tử Đại Pháp kiên định có học vị Tiến sĩ và Thạc sĩ. Họ giải thích bản chất kỳ diệu và sâu sắc của Đại Pháp từ góc độ khoa học. Tôi thấy nhiều học giả học Pháp Luân Đại Pháp, và những gì họ giải thích rất có ý nghĩa. Tôi cũng cảm nhận được sự chân thành, từ bi, và khoan dung của họ. Vì vậy, tôi tin rằng Pháp này là chân Pháp của vũ trụ. Nếu tất cả mọi người học Đại Pháp, chuẩn mực đạo đức của họ sẽ được đề cao. Tôi đã quyết định học Pháp và tu luyện trong Pháp.

Trong vài tháng ở Mỹ, ngoài việc đảm nhận công việc và nghiên cứu như thường lệ, tôi tập trung vào việc học Pháp, luyện công, và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn đồng tu. Trong thời gian này, tôi coi Đại Pháp là điều quan trọng và duy nhất trong tâm mình. Tôi rất nóng lòng muốn kể cho bạn bè và gia đình tôi ở Trung Quốc về Đại Pháp tuyệt vời. Vì vậy, một tuần trước ngày về ban đầu của mình, tôi đổi chuyến bay của tôi và trở về Trung Quốc sớm.

Sau đó chủ nhà của tôi đã viết cho tôi một lá thư nói rằng ngay sau khi tôi trở về Trung Quốc, Sư phụ đã đến nhà của họ. Khi nhìn thấy bức hình của tôi, Sư phụ nói: “Cô ấy đến Mỹ chỉ để đắc được Đại Pháp.”


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/24/在美国得法-270346.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/4/138363.html

Đăng ngày 09-04-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share