Một vài thể ngộ về việc tu tâm bỏ chấp trước sau khi học thuộc Pháp
Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-04-2025] Tôi là một nữ đệ tử Đại Pháp ở nông thôn đã tu luyện được 26 năm, do ngộ tính kém nên đề cao rất chậm. Tôi nghĩ căn nguyên của tình trạng này là do bản thân chưa học thật thấu Pháp. Khi nghe Pháp, đọc Pháp, dẫu có minh bạch ra một chút Pháp lý, nhưng xong rồi tôi lại quên mất, đến khi gặp vấn đề thì không nhớ ra Pháp. Cứ như vậy, việc tu luyện của tôi trì trệ, không có đột phá; nhân tâm, nhân niệm, nhân tình còn rất nặng. Tôi thực sự lo lắng về việc tu luyện của mình.
Theo đề xuất của một đồng tu, gần đây tôi đã bắt đầu học thuộc sách “Chuyển Pháp Luân”. Học thuộc Pháp tuy chậm hơn đọc thông rất nhiều, nhưng sau khi học thuộc xong một đoạn Pháp, tôi có thể minh bạch ra một tầng Pháp lý. Cùng với việc học thuộc Pháp, Pháp lý vô biên của Sư phụ không ngừng điểm hóa cho tôi, ngộ tính của tôi cũng được đề cao, và tôi đã bắt đầu thực sự biết tu luyện như thế nào. Dưới đây, tôi xin viết ra những thay đổi của mình sau khi học thuộc Pháp để tạ ơn Sư phụ đã từ bi khổ độ và để giao lưu cùng các đồng tu.
1. Ngộ ra chịu khổ là việc tốt
Những năm qua, trong quá trình vượt quan, tôi đã không coi việc chịu khổ là điều tốt. Mỗi khi thân thể không thoải mái, tôi lại mong cho nó qua nhanh, việc phát chính niệm, cầu xin Sư phụ đã trở thành chuyện cơm bữa. Kỳ thực, tôi đã không nhận ra mình không hiểu Pháp lý về vấn đề này.
Mỗi lần vượt quan nghiệp bệnh, Sư phụ từ bi đều cho tôi thấy trong mơ những cảnh tượng khủng khiếp trong quá khứ của tôi, khi đó, tôi đã từng làm những việc xấu xa như: giết người hại mệnh không nương tay, nợ vô số mạng người. Những chủ nợ ấy sao có thể không tìm tôi đòi nợ chứ? Sư phụ đã gánh chịu cho tôi rất nhiều, phần tôi phải chịu chỉ còn rất nhỏ, thế mà tôi vẫn cầu xin Sư phụ giúp tôi, không muốn chịu khổ; hoặc là phát chính niệm tiêu diệt chủ nợ, mỗi lần phát chính niệm xong, nghiệp bệnh lại gia tăng, khiến tôi cảm thấy như không sống nổi. Vốn đã làm hại người ta, nợ mạng người ta, lại không muốn trả, còn dùng thần thông để cho qua chuyện, đây chẳng phải là ác chồng thêm ác, tội chồng thêm tội sao? Căn nguyên chính là tôi đã coi chịu khổ là việc xấu.
Sư phụ giảng:
“Có một câu thế này: ‘Đại Pháp vô biên’; tất cả là tuỳ vào cái tâm của chư vị mà tu; xét chư vị tu cao được đến đâu, tất cả là dựa theo lực nhẫn nại và năng lực chịu khổ của chư vị. [Nếu] vật chất màu trắng của bản thân chư vị dùng hết, [thì] vật chất màu đen của bản thân chư vị có thể qua chịu khổ mà chuyển hoá thành vật chất màu trắng.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)
Học thuộc đến đây, tôi cảm thấy đoạn Pháp này như thể đang nhắm vào tôi, Sư phụ bảo tôi phải có khả năng chịu khổ, vật chất màu đen qua chịu khổ có thể chuyển hóa thành vật chất màu trắng. Không có vật chất màu đen thì dựa vào đâu để chuyển hóa thành vật chất màu trắng đây? Người tu luyện chúng ta đều biết vật chất màu đen là nghiệp lực, nghiệp lực chính là những thứ tích tụ lại do làm việc xấu, việc không tốt trong quá khứ, nó theo bạn đến đây, nó dính chặt không rời bạn, ở không gian khác thân thể bạn bị nó bao bọc, vì đó là món nợ nghiệp mà bạn đã nợ người ta. Có nợ mà không trả sao, Pháp lý của vũ trụ tuyệt đối không cho phép điều ấy. Bạn tu Đại Pháp rồi, thông qua chịu khổ, bạn không những trả được nợ, mà còn có thể chuyển hóa vật chất màu đen này thành vật chất màu trắng, tốt biết bao; Sư phụ lại diễn hóa vật chất màu trắng của bạn trở thành công, đây chẳng phải là việc tốt sao? Bạn muốn tu thành Phật, có thể chịu một chút khổ, mà không phải chịu khổ vô ích, đây quả là một việc có lợi biết bao! Vì vậy Sư phụ dạy chúng ta: “Cật khổ đương thành lạc” (“Khổ kỳ tâm chí”, Hồng Ngâm)
Điều Sư phụ giảng chính là Thiên Pháp, đó là ban cho chúng ta thiên cơ để trở về trời! Tâm trí tôi rộng mở, trong lòng vô cùng chấn động! Cuối cùng tôi đã minh bạch được một tầng nội hàm của Pháp lý coi chịu khổ là việc tốt.
2. Buông bỏ tâm cầu trị bệnh
Năm xưa, tôi vì bệnh nặng mà bước vào tu luyện Đại Pháp. Sau khi đắc Pháp, Sư phụ không ngừng tịnh hóa thân thể cho tôi, tôi đã có được sức khỏe và một cuộc sống mới. Từ trong tâm, tôi cảm tạ Sư phụ, cảm tạ Pháp Luân Đại Pháp. Ban đầu, tôi từ nhận thức cảm tính về Đại Pháp, về sau đã thăng hoa lên nhận thức lý tính, biết rằng Sư phụ đang dẫn dắt con người tu luyện lên cao tầng, trong tâm cũng minh bạch rằng Đại Pháp là tu luyện Phật Pháp, và chúng ta đang tu thành Phật.
Thế nhưng, trong hơn 20 năm qua, thân thể tôi thường xuyên xuất hiện trạng thái nghiệp bệnh, một cảm giác phiền muộn cứ luẩn quẩn đeo bám, trong vô thức tôi cho rằng chắc là nghiệp của mình nặng lắm, và Sư phụ đã phải làm rất nhiều việc để tịnh hóa cho mình. Các đồng tu bảo tôi hướng nội tìm, tôi cũng không ngừng tìm ở bản thân, biết rõ tâm tính của mình có vấn đề, nhưng tìm bao nhiêu năm như vậy, nghiệp bệnh vẫn không tiêu. Ba việc tôi vẫn luôn làm, không hề chậm trễ, cứ luôn kiên trì làm, cắn răng chịu đựng mà làm. Đặc biệt là khi ra ngoài cứu người, tôi hầu như đều phải cầu xin Sư phụ gia trì, lúc nào cũng dựa dẫm vào Sư phụ.
Thông qua học thuộc Pháp, tôi như từ trong mộng tỉnh ra, cái tâm một mực mong Sư phụ loại bỏ hết bệnh tật cho mình vẫn chưa buông bỏ, đây chẳng phải là tâm chấp trước sao? Tôi đã không thực sự nhận ra mình đang tu Đại Pháp của vũ trụ, mà không tu tâm tính theo yêu cầu trong Pháp của Sư phụ, hóa ra bấy lâu nay tôi vẫn luôn ôm giữ tâm hữu cầu mà học Pháp luyện công. Khi học Pháp, tôi thường nghĩ, thân thể hẳn sẽ sớm khỏe lại, Sư phụ nhất định sẽ quản tôi; trong lúc luyện công, tôi cũng thường nghĩ, công này chắc chắn không thể luyện suông, Sư phụ nhất định sẽ quản mình. Kết quả là thân thể không có biến chuyển gì. Ôm giữ tâm thái này thì làm sao có thể tăng công? Lúc này, tôi lại hướng ngoại: do nghiệp lực của tôi lớn. Tôi dùng quan niệm bất chính “nghiệp lực lớn” này để tự phong bế chính mình. Thật là không biết tu, xác thực là chưa hề chân tu.
Sau khi tìm ra được cái tâm hữu cầu muốn trị bệnh đã giày vò mình bao nhiêu năm qua, tôi cảm thấy mọi thứ sáng tỏ, thân thể nhẹ nhàng, trong tâm vô cùng vui mừng. Thân thể tôi cũng có chuyển biến. Khi luyện động công, chân trái lạnh buốt đã ấm lên, cảm thấy ấm áp; khi luyện tĩnh công, cả chân trái cho đến bàn chân đều có luồng khí lạnh thoát ra ngoài, vùng ngực trái bị tức cũng dễ chịu hơn nhiều, không còn khó chịu như trước nữa.
Từ khi học thuộc Pháp, trạng thái thân thể của tôi ngày càng tốt lên, tôi cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, làm việc không còn e ngại, đi bộ cũng không còn thở hổn hển nữa. Tôi cảm thấy trong quá trình học thuộc Pháp, mỗi một chữ trong sách đều đi vào não tôi, đi vào vi quan của tôi, hòa tan vào tâm tôi, hòa tan vào tất cả các tế bào trong cơ thể tôi. Bởi vì mỗi một lời Sư phụ giảng, đều là Pháp, là chân Pháp chỉ đạo cho chúng ta tu luyện.
Gần đây thông qua học thuộc Pháp, tôi thể hội sâu sắc rằng học thuộc Pháp tuy chậm hơn đọc sách, số lượng ít hơn, nhưng lại minh bạch Pháp lý nhiều hơn, có thể thực sự khiến bản thân hòa tan trong Pháp, nói cách khác, chính là bản thân có thể biết được phải ngộ như thế nào, phải tu ra sao. Vì vậy, sau này tôi sẽ học Pháp bằng cách học thuộc, và sẽ kiên trì học thuộc Pháp. Tôi nghĩ rằng, làm như vậy sẽ tiến gần hơn một chút đến tiêu chuẩn của Pháp.
Một đêm nọ, sau khi học thuộc xong một trang Pháp, tôi vừa mới nằm xuống, chưa kịp ngủ thì một giọng nói bảo tôi: “Con theo Sư phụ đến thế gian, chính là vì để đắc được bộ Đại Pháp vũ trụ này, đồng thời trợ Sư Chính Pháp, cứu độ chúng sinh”. Tôi ngộ ra rằng, đây là Sư phụ đang khích lệ tôi học thuộc Pháp, tôi nhất định phải tiếp tục học thuộc Pháp, dùng Pháp để tu tốt bản thân, cứu nhiều người hơn nữa, không phụ sự kỳ vọng mong mỏi của Sư phụ đối với tôi, thực hiện lời thệ ước, hoàn thành sứ mệnh của mình.
Trên đây chỉ là một chút thể ngộ nông cạn gần đây của tôi, nếu có điểm nào chưa thỏa đáng, mong đồng tu từ bi chỉ rõ.
Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi cứu độ!
Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/13/492122.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/6/22/228589.html