Trải nghiệm tu luyện sau một vụ tai nạn xe hơi
Bài viết của học viên Đại Pháp tại Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 23-04-2025] Tháng Hai vừa rồi, tôi đã gặp phải một vụ tai nạn xe hơi. Hôm đó, khi tôi đang đi thẳng ở một ngã tư đèn xanh, một chiếc xe từ phía đối diện đột nhiên rẽ trái, tôi vội phanh gấp nhưng vẫn đâm phải. Va chạm lúc ấy rất mạnh, cả hai chiếc xe đều bị hỏng, may mắn là không có ai bị thương. Cảm tạ ân bảo hộ từ bi của Sư phụ, nếu không thì hậu quả không thể tưởng tượng nổi, lúc đó túi khí trong xe của tôi đã bung ra rồi.
Bề ngoài, tai nạn hoàn toàn là lỗi của đối phương, nhưng tôi đã tự suy ngẫm và nhận ra rằng đó thực chất là sự phản ánh của một số vấn đề tôi đã tích tụ từ lâu. Trong toàn bộ quá trình, tôi cảm nhận rõ rằng Sư phụ đang tận dụng cơ hội này để giúp tôi đề cao, đạt đến tiêu chuẩn mà một người tu luyện cần đạt được. Nay tôi xin chia sẻ trải nghiệm tu luyện này với các đồng tu, hy vọng các đồng tu lấy đó làm bài học cảnh tỉnh bản thân.
1. Về vấn đề trừ bỏ tận gốc văn hoá đảng
Từ góc độ tu luyện, vụ tai nạn này có thể là một đại nạn đoạt mệnh do cựu thế lực an bài, nhờ sự an bài từ bi của Sư phụ mà tôi đã trả được nợ mệnh, do đó rất khó tránh khỏi. Nhưng tôi biết rằng mình phải suy ngẫm về mặt tu luyện, không thể để sự việc như vậy xảy ra vô ích. Bởi vì nợ mệnh của đệ tử Đại Pháp không nhất thiết phải trả bằng cách cực đoan như vậy, cách mà Sư phụ an bài để tiêu nghiệp thường là đề cao tâm tính trong những mâu thuẫn giữa người với người, giữa người với sự việc, đồng thời tiêu trừ nghiệp lực, chứ không phải thực sự cần phải đền mạng.
Sau khi suy ngẫm, tôi phát hiện ra rằng khi lái xe, tôi cũng có nhiều hành vi không tuân thủ quy tắc, thực chất vẫn là do quan niệm văn hoá đảng chưa được trừ bỏ tận gốc trong xương tủy gây ra. Ví như: Tôi cảm thấy mình là đệ tử Đại Pháp, thời gian của tôi là quý giá nhất, việc tôi làm là quan trọng nhất, nên thường coi thường các quy định của xã hội người thường, không tuân thủ luật lệ giao thông. Chẳng hạn, tôi thường xuyên vượt đèn vàng, cảm thấy có khoảng cách an toàn thì cũng giành rẽ trái, thấy người đi bộ còn ở xa thì cũng tranh qua đường trước họ; ở biển báo dừng thì không dừng đủ thời gian; khi dừng đèn đỏ thì xem tin nhắn điện thoại; ở ngã tư thì không quan sát xung quanh, v.v. Lần này, nếu tôi có thể quan sát xe cộ phía đối diện khi đi qua ngã tư, có lẽ đã có thể tránh được vụ tai nạn này.
Tôi nhớ khi mới bắt đầu lái xe ở Mỹ, tôi thấy người Mỹ rất lịch sự nhường nhịn, không chỉ các tài xế thường xuyên nhường đường, mà ngay cả người đi bộ lúc ở biển báo dừng cũng thường ra hiệu bằng tay để tôi đi trước, điều này hoàn toàn trái ngược với ở Đại lục, khiến tôi vô cùng xúc động. Tuy nhiên, tôi chẳng những không học được phong thái đó – thực ra đây không chỉ là phong thái, mà là lối tư duy và thói quen biết nghĩ cho người khác – mà ngược lại còn coi việc được nhường nhịn là điều hiển nhiên. Sau này tôi phát hiện ngày càng có nhiều người trên đường không còn nhường tôi nữa, tôi còn phàn nàn rằng sao bây giờ người ta lại thay đổi như vậy, mà không suy ngẫm lại xem có phải do bản thân mình có vấn đề nên tình hình mới thay đổi không.
Là một người tu luyện, tôi chưa bao giờ hướng nội tìm về vấn đề lái xe, dường như cho rằng trên đường không tồn tại vấn đề tâm tính, không cần phải suy ngẫm và cải biến. Giờ đây nghĩ lại, trên đường tôi hoàn toàn không phải là một người lương thiện. Ví dụ, dù khi tôi tranh đi trước đều đảm bảo khoảng cách an toàn, nhưng nghĩ kỹ lại, việc tranh đi trước chắc chắn sẽ gây áp lực tâm lý cho đối phương, đặc biệt là người đi bộ. Người tu luyện vào bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên làm một người tốt, luôn nghĩ cho người khác, trên đường cũng vậy! Tại sao bản thân tôi không nhận ra rằng trên đường đi cũng phải làm một người lương thiện chứ?
2. Ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết, đi cho chính con đường của đệ tử Đại Pháp
Thực ra những năm gần đây, Sư phụ đã nhắc nhở, điểm hóa cho tôi về vấn đề tuân thủ luật lệ giao thông, người nhà (là đồng tu) lúc đi đường cũng thường nhắc tôi: “Không cần vội! Không cần vội!” Nhưng tôi luôn lấy cớ: “Không kịp giờ rồi” và vẫn làm theo ý mình. Sâu thẳm trong tâm, tôi không coi trọng các quy tắc của xã hội người thường, cho rằng những việc mình làm đều là việc chính, vì để tiết kiệm thời gian mà vi phạm một vài tiểu tiết cũng là điều có thể thông cảm được.
Cách đây hai năm, tôi đã từng hai lần liên tiếp cố vượt đèn vàng nhưng không qua kịp, tức là đã thành vượt đèn đỏ. Lần đầu tiên, tôi đã nộp tiền phạt và tham gia lớp học lái xe trực tuyến, lúc học cũng không chú ý nghe giảng, dùng chút khôn vặt mà thi đỗ với điểm tối đa. Với tâm thái như vậy, tất nhiên tôi đã không nghiêm túc rút kinh nghiệm, vài tháng sau lại một lần nữa vượt đèn vàng thất bại và thành vượt đèn đỏ. Khi tôi đến sở cảnh sát để nộp phạt, dù thế nào cũng không thể tìm thấy vé phạt thứ hai này trong hệ thống, sau đó cảnh sát đành bỏ qua, nói rằng cứ coi như sự việc chưa từng xảy ra. Về sau tôi mới biết, nếu trong vòng 12 tháng mà bị trừ 4 điểm, bằng lái xe sẽ bị tạm giữ 6 tháng. Lúc ấy tôi mới nhận ra Sư phụ đã bảo hộ tôi, xoá đi vé phạt thứ hai, nếu không bằng lái bị giữ, hoàn toàn không thể lái xe, thì thực sự sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc cũng như các hạng mục cứu người của tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thật hổ thẹn, đệ tử quá kém cỏi, đã làm ra việc sai trái như vậy, để Sư phụ trong lúc trăm công nghìn việc còn phải bận tâm vì tôi mà xoá bỏ vé phạt! Nhưng điều hổ thẹn hơn nữa là, sau đó tôi chỉ chú ý hơn đến việc vượt đèn vàng, chứ không hề thay đổi tận gốc thói quen lái xe của mình, lý do luôn là thời gian của tôi quá eo hẹp, nên phải tranh thủ thời gian trên đường.
Thực ra Sư phụ đã sớm dạy chúng ta rằng “Ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết” (Thánh Giả, Tinh Tấn Yếu Chỉ), chỉ là bản thân tôi ở vấn đề này chưa bao giờ tu sửa chính mình, dẫn đến cuối cùng xảy ra vấn đề lớn. Thực ra rất nhiều sự việc đều là như vậy. Không thể vì việc chúng ta làm là quan trọng nhất trong vũ trụ mà coi thường các quy tắc của xã hội người thường, xã hội người thường cũng là một tầng thể hiện của Pháp!
Sau sự việc lần này, tôi hạ quyết tâm, ở trước Pháp tượng của Sư phụ, tôi đã bảo đảm với Ngài: “Thưa Sư phụ, xin hãy tha thứ cho đệ tử, lần này đệ tử nhất định sẽ sửa đổi! Ở bất cứ đâu con cũng không làm ô danh danh hiệu đệ tử Đại Pháp, trên đường cũng vậy.” Điều kỳ diệu là, từ khi tôi chú ý đến các quy tắc khi lái xe, tôi phát hiện ra đa số mọi người lại bắt đầu nhường nhịn tôi, hoá ra đúng là “Tướng do tâm sinh” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên, Giảng Pháp tại các nơi X)
3. Tâm lợi ích
Trong các loại tâm chấp trước, tôi luôn chú ý tu bỏ tâm tật đố, tâm oán hận, tâm sắc dục, những điều đại kỵ đối với người tu luyện, nhưng tôi luôn cho rằng mình không có tâm lợi ích, bởi vì khi tôi phó xuất cho các hạng mục hoặc giảng chân tướng đều không tính toán chi phí, không tính toán thiệt hơn. Mặc dù trong xã hội người thường tôi là người tháo vát, biết tính toán, ví dụ như khi mua sắm tôi sẽ dùng các loại thẻ tín dụng khác nhau để mua các mặt hàng khác nhau nhằm nhận được điểm thưởng cao nhất, tôi sẽ sử dụng phiếu giảm giá của các cửa hàng, cũng sẽ giúp cha mẹ lĩnh các phúc lợi dành cho người cao tuổi, v.v., nhưng trước đây tôi chưa bao giờ cho rằng đó là tâm lợi ích, bởi vì tôi cảm thấy đem các nguồn tài nguyên trong xã hội người thường vào tay mình thì sẽ trở thành tài nguyên Đại Pháp, đây là một việc vô cùng tốt. Thực ra bên trong đó ẩn chứa tâm lợi ích, và còn là một loại tâm lý đối lập với xã hội người thường.
Khi vụ tai nạn xảy ra, cảnh sát bảo tôi thông tin bảo hiểm của đối phương sẽ có trong báo cáo của cảnh sát, hai ngày sau sẽ có báo cáo, vì vậy tôi đã không trực tiếp hỏi đối phương, bởi vì lúc đó cũng có chút cảm giác “sống sót sau kiếp nạn”. Nhưng ngày qua ngày, báo cáo của cảnh sát vẫn bặt vô âm tín, tôi bắt đầu có chút sốt ruột. Bởi vì không có được thông tin bảo hiểm thì không thể xử lý chiếc xe bị tai nạn, mà xe để ở bãi của sở cảnh sát mỗi ngày đều phát sinh chi phí cao; lại nghĩ nếu đối phương không có bảo hiểm, liệu tôi có được nhận khoản bồi thường nào không? Bởi vì chắc chắn bản thân tôi sẽ không đi kiện.
Một hôm, khi đang nghĩ về chuyện này, một đoạn Pháp của Sư phụ trong sách “Chuyển Pháp Luân” đột nhiên hiện ra trong đầu tôi:
“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái. [Nếu] thật sự có thể làm được vậy, thì chư vị đã đạt đến quả vị sơ cấp của La Hán.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Sau đó đoạn Pháp này lại tự động lặp lại vài lần trong đầu tôi, tôi lập tức minh bạch ra rằng: Đây là yêu cầu của Sư phụ và Đại Pháp đối với tôi, trước đây tôi chưa đạt được, và bây giờ tôi phải đạt được tiêu chuẩn này! Thế là tôi nghĩ, cái cảm giác khó chịu đó căn bản không phải là tôi, nó là quan niệm và chấp trước của con người hình thành hậu thiên, là tâm lợi ích, nó sợ bị thiệt nên nó mới khó chịu, nó không phải là tôi, tôi không cần nó! Khi tôi nhận rõ nó, không cần nó nữa, cảm giác khó chịu ấy lập tức biến mất, thật thần kỳ! Hoá ra khi tôi muốn tu, tâm chấp trước kia liền được tu bỏ trong Đại Pháp nhanh đến vậy!
4.Trừ bỏ thói quen xấu là tâm nóng vội
Trong sự việc lần này còn giúp tôi tu bỏ vấn đề tâm nóng vội. Thực ra, tâm nóng vội của tôi vẫn luôn có, chỉ là bình thường bị cái vỏ bọc tu dưỡng của người trí thức che đậy đi, nên đa số thời gian biểu hiện không rõ ràng. Ví như khi tôi xếp hàng thanh toán lúc mua sắm, tôi sẽ không ngừng tìm hàng nào đi nhanh nhất, rồi đổi qua đổi lại, thường thì tôi vừa đổi sang hàng nào, hàng đó liền trở thành hàng chậm nhất. Trên đường tôi cũng thường muốn đổi sang làn đường có tốc độ nhanh nhất.
Lần này vì mãi chưa nhận được báo cáo của cảnh sát, tôi bắt đầu trở nên nóng vội, khi gọi điện thoại để hỏi thăm đôi lúc tôi tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Đợi đến ngày thứ 20, người nghe điện thoại thậm chí không thể đưa ra lý do gì, nhưng vẫn chưa có báo cáo. Hôm đó tôi thật sự có chút sốt ruột, bèn nghĩ chồng của một vị phụ huynh là một sĩ quan cảnh sát cấp cao đã về hưu, tôi có nên tìm cô ấy giúp đến sở cảnh sát hỏi han chút không? Vừa nghĩ như vậy, một câu Pháp của Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân lại hiện ra trong đầu tôi:
“Nó mà khôn kiểu ấy, chính là chạy theo lợi ích cá nhân. “Đứa nào nạt dối con, con hãy tìm thầy giáo nó, tìm cha mẹ nó”; “thấy tiền [rơi] con hãy nhặt [bỏ túi]”, toàn giáo dục trẻ như thế. Từ bé đến lớn đứa trẻ tiếp thụ những thứ như thế rất nhiều, dần dần tại xã hội người thường tâm lý tự tư của nó càng ngày càng lớn; nó chỉ muốn chiếm lợi riêng cho mình, và nó sẽ tổn đức.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi minh bạch rồi, Sư phụ không cho phép tôi làm như vậy. Lúc này vừa đúng đến giờ phát chính niệm, tôi nghĩ, mình là một người tu luyện, hơn nữa còn là đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp, sao mình lại có thể vì những việc vặt vãnh nơi nhân gian này mà nóng lòng chứ? Trạng thái sốt ruột, bất bình trong tâm này sao có thể là trạng thái chân thực của mình được? Vậy thì nó nhất định là cái tôi giả, vẫn là cái tôi giả được hình thành hậu thiên do quan niệm và nghiệp lực của con người tạo thành, tôi không thể thừa nhận nó, tôi không cần nó. Tôi cố gắng tĩnh tâm lại, dùng 5 phút đầu để thanh trừ cái tôi giả này, cảm thấy cảm giác khó chịu kia đã không còn nữa, 10 phút tiếp theo tôi thanh trừ tà ác như bình thường.
Tiếng chuông kết thúc phát chính niệm vừa vang lên, một cuộc điện thoại gọi đến, chính là từ sở cảnh sát, báo cho tôi biết báo cáo của cảnh sát đã có và sẽ gửi cho tôi ngay. Hóa ra báo cáo của cảnh sát bị trì hoãn là bởi việc tu luyện của tôi vẫn chưa hoàn thành, thử nghĩ xem nếu báo cáo không phải 20 ngày sau mới có, chắc chắn tôi đã không đào ra được những quan niệm nhân tâm và chấp trước đã ăn sâu bén rễ này, đây thực sự là một quá trình tu luyện thấu tận tâm can.
Báo cáo của cảnh sát nói rất rõ rằng tài xế kia phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tôi đã gửi biên bản này cho công ty bảo hiểm của đối phương, nhân viên công ty đã liên lạc với tôi nói rằng sẽ bắt đầu thủ tục bồi thường ngay lập tức, và nói rằng họ rất xin lỗi vì tài xế kia đã không trình bày đầy đủ sự thật, muốn giảm nhẹ trách nhiệm, nhưng họ sẽ căn cứ vào báo cáo của cảnh sát. Tôi nhận ra rằng: Đây lại là một lời nhắc nhở cho việc tu luyện của tôi, đó là tôi đã làm đủ tốt về chữ “Chân” chưa? Có khi nào khi trình bày vấn đề tôi lại trình bày theo sự lý giải hoặc ý muốn của bản thân không? Có khi nào vì để trốn tránh trách nhiệm mà lảng tránh một số tình huống thực tế không? Tôi sẽ suy ngẫm kỹ về bản thân ở vấn đề này.
Thực ra nhìn lại bao nhiêu năm qua, chúng ta lẽ ra nên sớm biết rằng bất kỳ việc gì trên thế gian đều không cần dùng nhân tâm để lo lắng, để tranh giành, để phiền muộn, chỉ cần thuận theo tự nhiên, đem tâm đặt vào tu luyện, gặp chuyện thì dùng Pháp để đối chiếu, để đo lường, hướng nội tìm và tu chính bản thân, sau đó phát chính niệm phủ định sự can nhiễu và bức hại của cựu thế lực, kết quả cuối cùng Sư phụ nhất định sẽ có an bài tốt nhất.
Vào thời khắc then chốt của Pháp nạn, đệ tử càng đạt được tiêu chuẩn của một người tu luyện chân chính, thì càng có thể thanh trừ tà ác tốt hơn, hoàn thành trách nhiệm và sứ mệnh của mình tốt hơn, nếu không, hiệu quả của việc trợ Sư Chính Pháp, cứu độ chúng sinh sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Một lần nữa đệ tử khấu đầu bái tạ ân cứu độ và bảo hộ từ bi của Sư tôn!
(Phụ trách biên tập: Lý Minh)
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/23/492388.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/30/228286.html