Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-04-2025]
Họ và tên: Tôn Ái Hiệp
Tên tiếng Trung: 孙蔼侠
Giới tính: Nữ
Tuổi: 85
Thành phố: Tô Châu
Tỉnh: Giang Tô
Nghề nghiệp: Kỹ sư về hưu
Ngày mất: Ngày 2 tháng 7 năm 2024
Ngày bắt giữ gần nhất: Ngày 16 tháng 11 năm 2017
Nơi giam giữ gần nhất: Nhà tù Nữ Nam Thông
Ngày 2 tháng 7 năm 2024, bà Tôn Ái Hiệp ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đã qua đời khi chỉ còn vài tháng nữa là đến sinh nhật lần thứ 86. Sự ra đi của bà Tôn (sinh ngày 15 tháng 10 năm 1938) đã khép lại hàng chục năm đau khổ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Là một kỹ sư đã về hưu, bà Tôn bị chấn thương cột sống nghiêm trọng do tai nạn lao động và phải nằm liệt giường gần 10 năm. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, bà đã hoàn toàn bình phục và có thể đi lại được. Khi chính quyền cộng sản phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, bà vẫn kiên định đức tin của mình và đã bị bắt giữ nhiều lần trong những năm sau đó, khiến bà bị cầm tù ba lần với tổng thời gian là 5 năm 4 tháng.
Trong thời gian thụ án tù lần ba, bà Tôn bị tra tấn đến gần như mù lòa và bị biến dạng cột sống. Ngày 14 tháng 4 năm 2019, bà được trả tự do. Chưa đầy hai năm sau, ngày 1 tháng 1 năm 2022, phòng an sinh xã hội địa phương đã đình chỉ lương hưu của bà, với hơn 4.000 Nhân dân tệ mỗi tháng. Bà đã kháng cáo để được khôi phục phúc lợi của mình nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Do cột sống bị biến dạng, bà Tôn đi lại không vững. Chiều ngày 2 tháng 7 năm 2022, bà đã bị ngã. Bởi ở nhà một mình, bà đã kêu cứu rất lâu trước khi người hàng xóm đi ngang qua nghe thấy. Hàng xóm này đã liên lạc với con gái bà, cô vội vã về nhà để đưa bà đến bệnh viện. Bà được chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi và xuất huyết nội tạng nghiêm trọng. Thật không may, các bác sĩ không thể phẫu thuật vì bà còn được phát hiện bị nhồi máu não nhẹ.
Một tuần sau, bà Tôn được xuất viện và hoàn toàn nằm liệt giường, mất khả năng đi lại. Bà qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 2024, hưởng thọ 85 tuổi.
Ba án tù với tổng thời gian 5 năm 4 tháng
Khi còn sống ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, bà Tôn đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 13 tháng 11 năm 2000 và bị bắt giữ tại đó. Bốn người từ nơi làm việc của bà, Nhà máy Cơ khí Bạch Ngân, đã đưa bà trở lại Cam Túc và khấu trừ 10.000 Nhân dân tệ tiền lương hưu của bà cho chi phí đi lại.
Khoảng năm 2001, bà Tôn cùng chồng chuyển đến sống với con gái ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô và phải đối mặt với sự bức hại liên tục tại đây vì kiên định đức tin của mình. Năm 2007, bà bị kết án 3 năm tù và bị kết án lần nữa 10 tháng tù vào năm 2016. Trong khoảng thời gian giữa hai lần thụ án tù đầu tiên, bà bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 4 năm 2012. Trong khi bà bị giam giữ, chồng bà quá sợ hãi đến mức suy sụp tinh thần. Ngày 29 tháng 4, ông mất tích và không bao giờ trở về nhà. Ngày 29 tháng 12 năm 2012, cảnh sát thông báo cho con gái bà đến nhận dạng thi thể của ông.
Chỉ sau sáu tháng bà Tôn mãn hạn án tù lần thứ hai, bà bị bắt giữ lần nữa vào khoảng ngày 16 tháng 11 năm 2017 và bị kết án 1,5 tù giam vào năm 2018. Bản án đã ghi sai nghề nghiệp của bà từ kỹ sư đã nghỉ hưu thành công nhân đã nghỉ hưu.
Ngày 10 tháng 1 năm 2018, bà Tôn được đưa đến bệnh viện trực thuộc Nhà tù Nữ Nam Thông. Bà được phát hiện có chỉ số huyết áp tâm thu là 180 mmHg ( mức bình thường là 120 hoặc thấp hơn), nhưng nhà tù vẫn tiếp nhận bà và phân bà vào phòng giam số 10 thuộc phân khu số 2.
Phòng giam có 16 giường nhưng giam giữ 17 người. Bà Tôn bị buộc phải ngủ chung giường với một tù nhân khác trong khoảng ba tháng. Cả hai người đều phải nằm nghiêng nếu không sẽ bị ngã khỏi giường.
16 tù nhân còn lại đều được lệnh phải giám sát bà Tôn cả ngày lẫn đêm. Có lần, tù nhân Na Phổ cho bà một ít thức ăn và bị trưởng phòng giam Tôn Mông Dương (không có quan hệ họ hàng với bà Tôn) khiển trách vì tỏ ra đồng cảm với các học viên Pháp Luân Công. Tù nhân Tôn nói rằng họ thà vứt thức ăn vào thùng rác còn hơn là cho bà Tôn.
Bà Tôn từ chối lao động khổ sai và bị buộc phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mỗi tối cho đến giờ đi ngủ vào lúc 9 giờ 30 phút tối. Bốn tù nhân giám sát để ngăn bà cử động.
Tháng 5 năm 2018, lính canh đưa bà Tôn đến đội bức hại tăng cường và cho phép hàng chục tù nhân tấn công bà bằng những lời tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Họ còn buộc bà phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Bất chấp tất cả những điều này, bà Tôn vẫn kiên định đức tin của mình.
Một ngày vào tháng 6 năm 2018, con gái đến thăm bà, nhưng cô bị buộc phải “chuyển hóa” chính mẹ mình. Con gái bà quá sợ hãi đến mức khóc không ngừng. Bà Tôn nói với con gái rằng bà không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công.
Tháng 11 năm 2018, nhà tù phát động một đợt bức hại mới đối với các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù. Bà Tôn không được phép ngủ cho đến 11 giờ đêm. Các tù nhân giám sát bà cũng không thể ngủ sớm và họ trút giận lên bà vì đã làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Trưởng phòng giam Tôn ra lệnh cho các tù nhân tra tấn bà bằng nhiều hình thức khác nhau. Có lần, tù nhân Tạ Tố Hà bất ngờ hất chăn của bà Tôn khỏi giường khi thấy mắt bà hơi nhắm lại. Lúc đó đang là mùa đông giá rét và bà Tôn cảm thấy rất lạnh. Thị lực của bà cũng suy giảm đáng kể và bà phải chật vật mới nhìn rõ.
Một tù nhân khác tên là Lưu Đức Lan đã chửi rủa bà Tôn bằng những lời lẽ tục tĩu và yêu cầu bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà kiên quyết từ chối.
Nữ lính canh Vũ Truyền Liên thường xuyên lăng mạ bà Tôn trên hệ thống truyền thanh công cộng. Bà vẫn kiên định đức tin của mình.
Ngày 14 tháng 4 năm 2019, bà Tôn được trả tự do trước thời hạn một tháng. Một ngày trước khi được thả, lính canh vẫn yêu cầu bà từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà từ chối lần nữa.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/13/492583.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/14/226235.html
Đăng ngày 21-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.