Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-3-2025] Những vấn đề tu luyện của các học viên khác có thể chỉ ra các chấp trước của chúng ta, vì thế đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta hướng nội và tu luyện bản thân.

Khoảng hai năm trước, tôi để ý thấy đồng tu A có tật là hay khoa trương, nói thì rất mạnh miệng nhưng đến lúc lại không làm được. Ví dụ, thấy học viên khác viết sai khi chép Pháp, bà A nói rằng trước đây khi chép Pháp, hễ viết sai một chữ là bà ấy xé toàn bộ trang giấy đó đi viết lại. Tuy nhiên, tôi để ý thấy khi bà ấy chép Pháp thì trông lại cẩu thả nhất.

Khi một học viên khác nói rằng nhà cô ấy bị dột khi trời mưa và cô ấy cần sửa lại mái nhà, bà A liền nói điều đó có nghĩa là học viên đó có thiếu sót và cô ấy cần phải hướng nội. Tuy nhiên, khi nhà của bà A bị dột, bà ấy đã tiêu vài nghìn Tệ vào việc thay toàn bộ mái nhà bằng tôn.

Khi có học viên không thể vượt qua được quan nghiệp bệnh trong một thời gian dài, bà A hay nói: “Đến nhà tôi đi”, ngụ ý là bà ấy sẽ giúp họ vượt quan. Nhưng có học viên ở nhà bà chỉ được một đêm rồi rời đi.

Khi một học viên địa phương bị bắt cóc và giam giữ, bà A nói: “Chúng ta cần phải đến đó và yêu cầu thả vị đồng tu đó ra!” Nhưng khi những lời đồn xuất hiện và không khí đột nhiên trở nên rất căng thẳng thì bà A và các con của bà ấy đã đến một thành phố khác để trốn, trong khi những học viên khác vẫn ở lại và cố gắng nghĩ tìm giải pháp.

Sau khi nhận thấy những thiếu sót của đồng tu A, tôi bắt đầu coi thường bà ấy. Những hành xử của bà ấy khiến tôi khó chịu. Tôi bị động tâm nhưng tôi không biết là đang nhắm tới chấp trước nào của tôi. Tôi cũng biết rằng hành xử của các đồng tu chính là chiếc gương phản chiếu bản thân tôi. Tôi tự hỏi: “Có phải là vì mình có vấn đề tương tự nên mới nhìn thấy điều này không? Có phải mình cũng thích khoe khoang không?” Tuy nhiên, tôi chỉ dừng lại ở tầng bề mặt chứ không đào sâu vào bản thân mình thêm nữa.

Tìm ra chấp trước của bản thân

Gần đây, một học viên bị ngã nặng đến nỗi xương của cô ấy bị trồi ra. Bà A nói: “Cô cần phải phủ định nó. Đừng thừa nhận nó”. Sau đó chính đồng tu A bị đau hông. Khi vượt quan thì bà ấy cau mày và dường như không có chính niệm gì cả. Tôi cười và bảo: “Khi chị nói người khác sao dễ quá ha. Chị bảo họ đừng thừa nhận nó. Nhưng khi chị bị thì chính niệm của chị đâu rồi?”

Một mặt, tôi lo lắng cho bà ấy, mong rằng bà ấy có thể nhanh chóng vượt qua kiếp nạn này, nhưng mặt khác tôi lại có chút hả hê. Tôi nghĩ: “Khi bà nói người khác thì dễ lắm, để xem lần này bà vượt quan thế nào đây!” Tôi nhanh chóng nhận ra tâm thái này của tôi là sai. Tôi đã hình thành quan niệm về đồng tu A và điều này có thể tạo nên gián cách giữa hai chúng tôi. Hành xử của bà ấy không phải là ngẫu nhiên. Tại sao tôi lại nhìn thấy chứ? Tại sao tôi lại động tâm? Chắc hẳn tôi có vấn đề tương tự như thế rồi.

Mãi cho đến một hôm, tôi phát hiện ra bản thân cũng có những vấn đề tương tự. Phát hiện này đã khiến tôi bị sốc. Ở địa phương chúng tôi, trước vấn đề Pháp nạn và việc giải cứu đồng tu, chúng tôi quyết định phát chính niệm tiếp sức và để mọi người tự chọn khung giờ. Tôi chọn khung giờ từ 10 đến 10 giờ 30 tối vì tôi phải hướng dẫn các con làm bài tập và chúng đi ngủ lúc 10 giờ. Trong hai tối liền, con gái tôi đã có thể tự đi ngủ được rồi thì lại đòi ngủ với tôi. Tôi không thể tham gia phát chính niệm tiếp sức được. Tôi đột nhiên nhận ra rằng tôi đã nói mà không làm được. Tôi có khác gì đồng tu A đâu?

Nghĩ lại, lúc ở nhóm học Pháp, tôi nói liên hồi về việc chúng tôi nên nâng cao nhận thức về Pháp nạn hiện nay như thế nào, về việc phát chính niệm ra sao, và cả về việc giải cứu các học viên đang bị giam giữ nữa. Khi chia sẻ, tôi nói với đầy chính niệm nhưng điều gì đã xảy ra khi tôi thực sự phải làm điều đó? Tôi đã nâng cao thể ngộ của mình chưa? Tôi vẫn chưa thể xem việc giải cứu các đồng tu như chính vấn đề của mình.

Khi nói về việc tu luyện của một học viên khác, tôi nói rằng anh ấy hàng ngày đọc ba bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân và đã chép Pháp được năm, sáu lượt rồi. Tôi so sánh khoảng cách của bản thân với anh ấy và tôi nói lan man rất lâu. Nhưng rút cuộc, tôi vẫn không thay đổi thói quen học Pháp của mình.

Hàng ngày tôi nói với các đồng tu rằng chúng ta đã đến bước cuối cùng của Chính Pháp rồi nên chúng ta cần phải đạt đến tiêu chuẩn. Tôi nhắc nhở họ rằng Sư phụ đã kéo dài thêm thời gian cho chúng ta vì lượng chúng sinh được cứu chưa đủ và rằng các học viên vẫn chưa đạt tiêu chuẩn.

Tôi cũng hướng nội xem tôi chưa đạt chuẩn ở đâu và sau khi tìm kiếm một thời gian tôi nhận thấy mình không thể kiên trì luyện công hàng ngày. Tôi vẫn chấp trước vào điện thoại, vẫn chấp trước vào danh, lợi, tình và tôi vẫn chưa hoàn toàn đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn.

Nghĩ về những ngôn hành của mình, tôi không kìm được mà nước mắt cứ tuôn rơi. Đây chẳng phải tôi đang lừa dối Sư phụ sao? Chẳng phải tôi đang làm Sư phụ thất vọng sao? Trước mặt các đồng tu thì tôi khoa trương khoác lác, nhưng sau lưng lại làm mọi thứ theo ý của mình, hồ đồ giải đãi. Hành vi này thật đáng bị Thần coi thường biết bao. Nói một cách nghiêm trọng hơn thì chính là tôi đang ‘lừa dối’ Sư phụ!

Vậy mà tôi lại coi thường đồng tu A vì cho rằng bà ấy khoác loác, khoe khoang và không làm như những gì bà ấy nói. Hành xử của tôi thậm chí còn tệ hơn của bà ấy nhiều.

Thực ra, đồng tu A tu luyện khá tốt. Bà ấy biết cách hướng nội khi mâu thuẫn xuất hiện và luôn tu tâm tính. Khi tôi nhìn thấy vấn đề của các học viên khác, tôi nên hướng nội và chính lại bản thân. Tuy nhiên, trong hai năm liền tôi đã lờ đi vấn đề này. Thể ngộ của tôi về Pháp thật là quá kém! Tôi thực sự nên cảm ơn đồng tu A vì đã giúp tôi nhận ra những vấn đề khó phát giác của mình!

Con xin tạ ơn Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

Bản quyền © 1999 – 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/31/492108.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/13/227004.html

Đăng ngày 17-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.