[MINH HUỆ 04-03-2025] Ngày 3 tháng 3 tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ Ted Cruz đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (Falun Gong Protection Act)nhằm lên án hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Luật này sẽ trừng phạt các cá nhân liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng và đồng phạm của họ. Để truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về tội ác này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ được yêu cầu cập nhật cho Quốc hội Hoa Kỳ về chính sách và hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Ông Ted Cruz, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ (Đảng Cộng hòa, tiểu bang Texas) và là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công tại Thượng viện vào ngày 3 tháng 3 năm 2025.
Thượng nghị sỹ Ted Cruz phát biểu trong một thông cáo báo chí: “Cuộc bức hại của Trung Quốc nhắm vào các học viên Pháp Luân Công là một cuộc tấn công vào tự do tôn giáo và nhân quyền. Đã đến lúc phải giải thể ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng do nhà nước cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn này.”
Ông nói tiếp: “Tôi kêu gọi các đồng nghiệp của tôi cùng tôi chống lại những vi phạm nhân quyền này và đảm bảo rằng ĐCSTQ phải bị truy cứu trách nhiệm.” Một số Thượng nghị sỹ đã cùng tham gia với tư cách là người đồng bảo trợ, gồm các Thượng nghị sỹ Ron Johnson (Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin), Rick Scott (Đảng Cộng hòa, bang Florida) và Thom Tillis (Đảng Cộng hòa, bang North Carolina).
Các đồng bảo trợ của Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công tại Thượng viện Hoa Kỳ bao gồm Thượng nghị sỹ Ron Johnson (Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin), Rick Scott (Đảng Cộng hòa, bang Florida) và Thom Tillis (Đảng Cộng hòa, bang North Carolina).
Dự luật lưỡng viện được giới thiệu tại Hạ viện
Vài ngày trước đó, Hạ nghị sỹ Scott Perry (Đảng Cộng hòa, bang Pennsylvania) đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công tại Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 2.
Ông nói: “Hoa Kỳ, với tư cách là ngọn hải đăng của tự do trên khắp thế giới, không thể im lặng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nhúng tay vào việc tra tấn, giam cầm và cưỡng bức thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống đối với các học viên Pháp Luân Công“. “ĐCSTQ và những kẻ tiếp tay cho nó phải bị truy cứu trách nhiệm về những hành động tàn bạo này.”
Năm ngoái, Hạ nghị sỹ Perry cũng đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công và Đạo luật này đã được Hạ viện thông qua vào ngày 25 tháng 6 năm 2024. Dự luật cần được thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện trước khi được Tổng thống ký ban hành thành luật.
Hạ nghị sỹ Scott Perry (Đảng Cộng hòa, bang Pennsylvania), lần đầu giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công vào ngày 24 tháng 2 năm 2025.
Hạ nghị sỹ Perry giải thích điều này trong một video gửi cho các cử tri của mình: “Đạo luật này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc về tội Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng và đó chính xác là mục đích của nó. “Thật tồi tệ. Họ lấy đi nội tạng của con người theo nghĩa đen —những người còn sống, khỏe mạnh— rồi đem bán.”
Bởi vì phải tìm được người có tạng phù hợp nên việc chờ đợi để được ghép tạng ở Mỹ thường rất lâu. Nhưng ở Trung Quốc, các bác sỹ chỉ cần lấy tạng từ các học viên Pháp Luân Công, thật là “man rợ”. “Đó chính là lý do khiến tôi cho rằng điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các vị. Đó là lý do khiến tôi nghĩ các vị cần phải biết đến nó,” ông nói thêm.
Phiên bản Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công tại Hạ viện đã được các hạ nghị sỹ của cả hai đảng cùng giới thiệu. Hạ nghị sỹ Pat Ryan (Đảng Dân chủ, bang New York), người đồng lãnh đạo phiên bản Hạ viện của dự luật này, cho biết: “Chúng ta phải làm mọi cách để truy cứu trách nhiệm của những kẻ xấu và những kẻ buôn bán nội tạng của ĐCSTQ về những tội ác không lời nào có thể diễn tả của họ.”
Khi xem dự luật lưỡng đảng này là “một bước tiến lớn hướng tới điều đó”, ông sẽ “tiếp tục lên tiếng một cách kiên định chống lại tình trạng hạn chế nhân quyền và bức hại các nhóm tôn giáo tín ngưỡng, bất kể chúng xảy ra ở đâu.”
Hạ nghị sỹ Pat Ryan (Đảng Dân chủ, bang New York) là người đồng bảo trợ của Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công tại Hạ viện.
Toàn văn Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công được giới thiệu tại Thượng viện
DỰ LUẬT
Quy định về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và để phục vụ các mục đích khác.
MỤC 1. TÊN TẮT.
Đạo luật này có thể được gọi là “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công” (Falun Gong Protection Act).
MỤC 2. TUYÊN BỐ VỀ CHÍNH SÁCH.
Chính sách của Hoa Kỳ là—
(1) tránh bất kỳ sự hợp tác nào với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong lĩnh vực ghép tạng trong thời gian Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn nắm quyền;
(2) thực hiện các biện pháp thích hợp, bao gồm sử dụng các cơ quan xử phạt hữu quan, để buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt mọi chiến dịch thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn;
(3) hợp tác với các đồng minh, đối tác và các tổ chức đa phương để phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và
(4) phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong việc tiến hành các biện pháp trừng phạt cụ thể và hạn chế thị thực.
MỤC 3. ÁP ĐẶT CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT LIÊN QUAN ĐẾN NẠN CƯỠNG BỨC THU HOẠCH NỘI TẠNG TẠI CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA.
(a) ÁP ĐẶT CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT.—
Tổng thống sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt được mô tả trong tiểu mục © đối với mỗi người nước ngoài có tên trong danh sách được đệ trình gần đây nhất theo tiểu mục (b).
(b) DANH SÁCH CÁC CÁ NHÂN.—
(1) QUY TẮC CHUNG.—Không muộn hơn 180 ngày sau ngày ban hành Đạo luật này, Tổng thống sẽ đệ trình lên các ủy ban của Quốc hội có liên quan một danh sách những người nước ngoài mà Tổng thống xác định là đã cố ý và trực tiếp tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc thu hoạch nội tạng không tự nguyện tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(2) CẬP NHẬT DANH SÁCH.—Tổng thống sẽ trình lên các ủy ban liên quan của Quốc hội danh sách cập nhật trong đoạn (1)—
(A) khi có thông tin mới;
(B) không muộn hơn một năm sau ngày ban hành Đạo luật này; và
(C) hàng năm sau đó cho đến ngày chấm dứt theo tiểu mục (h).
(3) HÌNH THỨC.—Danh sách theo yêu cầu của đoạn (1) phải được đệ trình dưới hình thức không yêu cầu bảo mật (unclassified), nhưng có thể bao gồm một phụ lục dạng có yêu cầu bảo mật (classified).
(C) CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT.—Các biện pháp trừng phạt trong tiểu mục này gồm:
(1) PHONG TỎA TÀI SẢN.—Tổng thống sẽ thực thi mọi quyền hạn được trao cho Tổng thống theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (50 U.S.C. 1701 và các luật liên quan khác) (trừ các yêu cầu của mục 202 của Đạo luật (50 U.S.C. 1701) này sẽ không áp dụng) trong phạm vi cần thiết để phong tỏa và cấm tất cả các giao dịch về tài sản và lãi từ tài sản của một người nước ngoài có tên trong danh sách được đệ trình gần đây nhất theo tiểu mục (b) nếu tài sản và lãi từ tài sản đó ở Hoa Kỳ, đến Hoa Kỳ, hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ.
(2) TỪ CHỐI NHẬP CẢNH ĐỐI VỚI NHỮNG CÁ NHÂN NHẤT ĐỊNH.—
(A) KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CẤP THỊ THỰC, NHẬP CẢNH, HOẶC TẠM THA.—Người nước ngoài có tên trong danh sách được đệ trình gần đây nhất theo tiểu mục (b) là—
(i) không được phép vào Hoa Kỳ;
(ii) không đủ điều kiện nhận thị thực hoặc giấy tờ khác để nhập cảnh vào Hoa Kỳ; và
(iii) không đủ điều kiện để được nhập cảnh hoặc tạm tha để vào Hoa Kỳ hoặc nhận bất kỳ lợi ích nào khác theo Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (8 U.S.C. 1101 và các luật liên quan).
(B) THU HỒI THỊ THỰC HIỆN TẠI.—
(i) QUY TẮC CHUNG.—Người nước ngoài như mô tả trong tiểu đoạn (A) có thể bị thu hồi bất kỳ thị thực hoặc giấy tờ nhập cảnh nào bất kể thị thực hoặc giấy tờ nhập cảnh khác được cấp vào thời điểm nào.
(ii) CÓ HIỆU LỰC NGAY LẬP TỨC.—Thu hồi theo điều khoản (i) sẽ—
(I) có hiệu lực ngay lập tức; và
(II) tự động hủy bỏ mọi thị thực hoặc giấy tờ nhập cảnh hợp lệ khác mà người nước ngoài này đang sở hữu.
(3) NGOẠI LỆ.—Các biện pháp trừng phạt được nêu trong đoạn (2) sẽ không áp dụng đối với người nước ngoài nếu việc cho phép hoặc tạm tha người nước ngoài vào Hoa Kỳ là cần thiết để cho phép Hoa Kỳ tuân thủ Thỏa thuận liên quan đến Trụ sở của Liên Hợp Quốc, được ký kết tại Lake Success vào ngày 26 tháng 6 năm 1947, và có hiệu lực vào ngày 21 tháng 11 năm 1947, giữa Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ, hoặc các nghĩa vụ quốc tế hiện hành khác của Hoa Kỳ.
(d) HÌNH PHẠT.—Các biện pháp trừng phạt được quy định tại tiểu mục (b) và © của mục 206 của Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (50 U.S.C. 1705) sẽ áp dụng cho người nào vi phạm, cố tình vi phạm, âm mưu vi phạm, hoặc gây ra sự vi phạm các quy định được ban hành để thực hiện tiểu mục (a) cùng mức độ áp dụng những hình phạt đó đối với một người có hành vi phạm pháp như mô tả trong mục 206(a) của Đạo luật đó.
(e) TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ ĐỂ TUÂN THỦ AN NINH QUỐC GIA.—Các hoạt động sau đây sẽ được miễn trừ các biện pháp trừng phạt theo mục này:
(1) Các hoạt động phục vụ các yêu cầu báo cáo theo tiêu đề V của Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 (50 U.S.C. 3091 và các luật liên quan).
(2) Bất kỳ hoạt động tình báo hoặc thực thi pháp luật nào được ủy quyền của Hoa Kỳ.
(f) TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ VÌ CỨU TRỢ NHÂN ĐẠO.—Các biện pháp trừng phạt theo mục này không được áp dụng đối với các giao dịch hoặc hỗ trợ các giao dịch trong—
(1) bán nông sản, thực phẩm hoặc thuốc men;
(2) hỗ trợ nhân đạo thiết yếu;
(3) các giao dịch tài chính liên quan đến hỗ trợ nhân đạo hoặc vì mục đích nhân đạo; hoặc
(4) vận chuyển hàng hóa hoặc dịch vụ cần thiết để thực hiện các hoạt động liên quan đến hỗ trợ nhân đạo hoặc mục đích nhân đạo.
(g) THẨM QUYỀN MIỄN TRỪ.—
(1) MIỄN TRỪ.—Tổng thống có thể, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, miễn trừ việc áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào theo mục này nếu Tổng thống xác định rằng việc miễn trừ đó là vì lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Hoa Kỳ.
(2) BÁO CÁO.—Không muộn hơn 120 ngày sau ngày Tổng thống đệ trình danh sách đầu tiên theo tiểu mục (b)(1), và cứ sau 120 ngày cho đến ngày chấm dứt theo tiểu mục (h), Tổng thống sẽ đệ trình lên các ủy ban có liên quan của Quốc hội một báo cáo về mức độ mà Tổng thống đã sử dụng thẩm quyền miễn trừ theo đoạn (1) trong khoảng thời gian 120 ngày trước khi đệ trình báo cáo.
(h) MÃN HẠN.—Thẩm quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt theo mục này sẽ chấm dứt sau 5 năm kể từ ngày ban hành Đạo luật này.
(i) ĐỊNH NGHĨA.—Trong mục này:
(1) NHẬP CẢNH; ĐƯỢC NHẬP CẢNH; NGƯỜI NƯỚC NGOÀI; ĐƯỢC PHÉP NHẬP CẢNH HỢP PHÁP ĐỂ CƯ TRÚ VĨNH VIỄN.—Các thuật ngữ “nhập cảnh”, “được nhập cảnh”, “người nước ngoài”, và “được phép nhập cảnh hợp pháp để cư trú vĩnh viễn” mang nghĩa như được quy định trong mục 101 của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (8 U.S.C. 1101).
(2) NGƯỜI NƯỚC NGOÀI.—Thuật ngữ “người nước ngoài” có nghĩa là một cá nhân hoặc tổ chức không phải là người Hoa Kỳ.
(3) CỐ Ý.—Thuật ngữ “cố ý”, liên quan đến hành vi, hoàn cảnh hoặc kết quả, có nghĩa là một người có kiến thức thực tế hoặc lẽ ra phải biết về hành vi, hoàn cảnh hoặc kết quả đó.
(4) NGƯỜI HOA KỲ.—Thuật ngữ “người Hoa Kỳ” có nghĩa là—
(A) công dân Hoa Kỳ hoặc người nước ngoài được phép nhập cảnh hợp pháp để cư trú vĩnh viễn tại Hoa Kỳ;
(B) một tổ chức được thành lập theo luật của Hoa Kỳ hoặc bất kỳ khu vực tài phán nào thuộc Hoa Kỳ, bao gồm cả chi nhánh nước ngoài của tổ chức đó; hoặc
(C) bất kỳ người nào ở Hoa Kỳ.
MỤC 4. BÁO CÁO VỀ CHÍNH SÁCH VÀ THỰC TIỄN GHÉP TẠNG CỦA CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA.
(a) QUY TẮC CHUNG.—Không muộn hơn một năm sau ngày ban hành Đạo luật này, Ngoại trưởng, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, sẽ đệ trình lên các ủy ban liên quan của Quốc hội một báo cáo về chính sách và thực tiễn ghép tạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(b) CÁC VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC BÁO CÁO.—Báo cáo theo yêu cầu của tiểu mục (a) phải bao gồm—
(1) một bản tóm tắt các chính sách trên danh nghĩa và thực tế về hoạt động ghép tạng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kể cả đối với tù nhân lương tâm (bao gồm Pháp Luân Công) và các tù nhân khác;
(2) (A) số ca ghép tạng được biết là xảy ra hoặc ước tính xảy ra hàng năm ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
(B) số người hiến tạng tự nguyện được biết đến hoặc ước tính ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
(C) đánh giá các nguồn nội tạng để ghép ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và
(D) đánh giá thời gian, tính bằng ngày, để mua một cơ quan nội tạng để cấy ghép trong hệ thống y tế Trung Quốc và đánh giá xem thời gian đó có khả thi hay không dựa trên số lượng người hiến tạng được biết đến hoặc ước tính ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
(3) danh sách tất cả các khoản trợ cấp của Hoa Kỳ trong 10 năm trước ngày ban hành Đạo luật này hỗ trợ nghiên cứu ghép tạng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc hợp tác giữa một tổ chức Trung Quốc và một tổ chức Hoa Kỳ; và
(4) xác định xem cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có cấu thành “hành động tàn bạo” hay không (vì thuật ngữ này được định nghĩa trong mục 6 của Đạo luật Phòng chống Diệt chủng và Tàn bạo Elie Wiesel năm 2018 (Công luật 115–441; 22 U.S.C. 2656 ghi chú)).
© HÌNH THỨC.—Báo cáo theo yêu cầu của tiểu mục (a) phải được đệ trình dưới hình thức không yêu cầu bảo mật (unclassified), nhưng có thể bao gồm một phụ lục có yêu cầu bảo mật (classified).
MỤC 5. TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ LIÊN QUAN ĐẾN NHẬP KHẨU HÀNG HÓA.
(a) QUY TẮC CHUNG.—Thẩm quyền và các yêu cầu để áp đặt các biện pháp trừng phạt được ủy quyền theo Đạo luật này sẽ không bao gồm thẩm quyền hoặc yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu hàng hóa.
(b) ĐỊNH NGHĨA VỀ HÀNG HÓA.—Trong mục này, thuật ngữ “hàng hóa” có nghĩa là bất kỳ vật phẩm, chất tự nhiên hoặc nhân tạo, nguyên liệu, nguồn cung cấp hoặc sản phẩm được sản xuất nào, bao gồm cả thiết bị kiểm tra và thử nghiệm, và không bao gồm các dữ liệu kỹ thuật.
MỤC 6. ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC ỦY BAN LIÊN QUAN CỦA QUỐC HỘI.
Trong Đạo luật này, thuật ngữ “các ủy ban liên quan của Quốc hội” có nghĩa là—
(1) Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện; và
(2) Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/4/491335.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/5/225737.html
Đăng ngày 07-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.