Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Washington D.C.

[MINH HUỆ 27-02-2025] Các học viên Pháp Luân Công đã được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit) diễn ra từ ngày 4 – 5 tháng 2 năm 2025, tại Washington D.C. Với hơn 1.500 đại biểu đến từ 41 quốc gia, đây là một trong những hội nghị lớn nhất thế giới quy tụ những người ủng hộ tự do tôn giáo.

Thông qua một loạt các phiên thảo luận chuyên đề, các bài thuyết trình và các hoạt động giao lưu, các học viên đã thông tin tới khách tham dự về cuộc bức hại đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công. Đặc biệt là cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ đang đe dọa các học viên ở ngoài Trung Quốc như thế nào.

Pháp Luân Công đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh IRF, trong buổi tiệc khai mạc, ban tổ chức đã giới thiệu trải nghiệm của ông Trình Bội Minh. Câu chuyện của ông đã được dựng thành một phim hoạt hình ngắn dài 5 phút, minh họa việc ông Trình bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức mổ lấy một phần gan và phổi mà không có sự đồng ý của ông, cũng như quá trình ông trốn thoát đầy nguy hiểm để tìm đến tự do. Cho đến nay, ông Trình là người duy nhất còn sống sót sau vụ cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.

Một số nhà lãnh đạo tư tưởng về tự do tôn giáo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng tình hình ở Trung Quốc sẽ được cải thiện.

Cam kết của Hoa Kỳ đối với Tự do Tôn giáo

Vào phiên cuối cùng của hội nghị, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, J.D. Vance, đã có bài phát biểu trên sân khấu hội trường chính, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do tôn giáo.

Ông Vance phát biểu: “Chính quyền của chúng tôi tin rằng chúng tôi phải bảo vệ tự do tôn giáo – không chỉ trên nguyên tắc pháp lý, dù điều đó rất quan trọng, mà còn phải trở thành một thực tế sống, cả ở trong lãnh thổ Hoa Kỳ và đặc biệt là trên thế giới.“ ‘Mọi người không đáng phải từ bỏ tín ngưỡng của mình vì sự ép buộc của chính phủ, và dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, điều này sẽ không xảy ra.”

Ông cũng đề cập rằng chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực trước đây trong lĩnh vực tự do tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho tất cả những người có đức tin một cách toàn diện hơn.” Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã tuyên bố cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ là một cuộc diệt chủng, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, và đích thân gặp gỡ hơn hai chục nạn nhân sống sót sau cuộc bức hại tôn giáo tại Nhà Trắng để lắng nghe câu chuyện của họ.

Bức hại ở Trung Quốc: Sự sách nhiễu của cảnh sát, việc bắt giữ tùy tiện và tử vong

Cô Lydia Vương (Vương San San), một học viên Pháp Luân Công, đã phát biểu tại buổi thảo luận chuyên đề ngày 5 tháng 2 về tầm quan trọng của việc bảo vệ những người sống sót sau khi bị bức hại tôn giáo. Cô kể về việc ĐCSTQ đã đe dọa và ngược đãi gia đình cô một cách có hệ thống như thế nào, không chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công, mà còn vì em trai cô, Steven, làm việc cho Đoàn Nghệ thuật Shen Yun.

46fc9d20b37a39c27d0fefacda058899.jpg

Cô Lydia Vương phát biểu trong một cuộc thảo luận chuyên đề

Đoàn Nghệ thuật Shen Yun do các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ thành lập với mục đích cho khán giả thấy Trung Quốc trước thời cộng sản, đồng thời nâng cao nhận thức về sự tàn bạo mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải chịu đựng. Từ khi thành lập, Shen Yun đã trở thành mục tiêu đàn áp ở nước ngoài của ĐCSTQ, cho đến nay đã có hơn 130 vụ việc nghi ngờ có sự can thiệp của ĐCSTQ được ghi nhận tại 38 quốc gia.

Trong 25 năm qua, mẹ của cô Lydia, bà Lưu Ái Hoa, đã bị bắt giữ 11 lần. Cha cô đã qua đời vào năm 2009 sau nhiều năm bị tra tấn dã man dưới bàn tay của chính quyền ĐCSTQ. Mẹ cô bị kết án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công và hiện đang bị giam tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam.

Từ khi anh Steven gia nhập Đoàn Nghệ thuật Shen Yun với vai trò là một nghệ sỹ múa vào năm 2008, sự sách nhiễu với gia đình cô ngày càng gia tăng. Vào ngày cưới của cô Lydia, cô đã nhận được một cuộc điện thoại từ cảnh sát để điều tra và sách nhiễu, đồng thời yêu cầu cô tiết lộ tung tích của Steven. Sau khi cô sinh đứa con đầu lòng vào năm 2011, các cảnh sát đã xông vào nhà cô và đe dọa sẽ bắt giữ cô nếu cô không cung cấp thông tin về em trai mình.

Các quan chức còn gây áp lực buộc chồng cô ép cô phải từ bỏ đức tin. Cuối cùng, do bị sách nhiễu liên tục, chồng cô đã chọn ly hôn. Năm 2012, cô Lydia trốn sang Hoa Kỳ khi đang mang thai đứa con thứ hai, và hạ sinh đứa bé ở nơi đất khách quê người. Từ khi rời khỏi Trung Quốc đến nay, cô chưa từng được gặp lại con gái đầu cũng như mẹ cô. Tuy nhiên, mặc dù cô đã ở nước ngoài, sự sách nhiễu ĐCSTQ vẫn không dừng lại.

Cô nói: “Trong năm qua, (Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, nơi em trai tôi làm việc) đã nhận được rất nhiều lời đe dọa giết người. Những lời đe dọa này mô tả chi tiết các kế hoạch tấn công khủng bố nhắm vào Shen Yun, bao gồm đe dọa đánh bom, xả súng hàng loạt và bạo lực tình dục. Chỉ riêng tháng trước, đã có ít nhất 5 vụ đe dọa như vậy, trong đó còn bao gồm cả việc đe dọa đối với các Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ Pháp Luân Công. Mặc dù những lời đe dọa này chưa được thực hiện, nhưng chúng đã thực sự gây ra nỗi kinh hoàng”.

58109da60f0924b462f9e60cd92f7284.jpg

Những người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh IRF chụp ảnh với cô Lydia. Nghị sỹ Quốc hội Gus Bilirakis (bên trái), cựu Nghị sỹ Quốc hội và hiện là Ủy viên USCIRF Vicky Hartzler (ở giữa), và Đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh IRF Katrina Lantos-Swett (bên phải).

Đàn áp ở nước ngoài: Vũ khí hóa các tổ chức phương Tây

Chiều ngày 4 tháng 2, học viên Pháp Luân Công Levi Browde đã phát biểu tại một phiên thảo luận khác, về sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ nhắm vào các tín ngưỡng khác nhau.

Ông Browde là một công dân Hoa Kỳ, chưa từng sống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do những nỗ lực của ông trong việc điều tra, nghiên cứu và lên tiếng chống lại cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các đồng tu của mình ở Trung Quốc, gần đây, ông và gia đình đã nhận được nhiều lời dọa giết.

Ông giơ cho khán giả xem một đoạn email đe dọa và nói: “Tiêu đề của email này là ‘Anh sẽ được gặp Chúa’, nội dung email đe dọa tôi, cuộc sống của tôi, gia đình tôi và những người đang làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp”.

fe01b6522eed67302add1ae6831a0435.jpg

Ông Levi Browde cầm một email đe dọa mà ông nhận được, trong đó có ảnh một viên đạn.

Các hình ảnh đính kèm trong email là đạn dược và nòng súng ngắn. Theo ông Browde, đây chỉ là một “trong số khoảng 60 email đã được gửi đến các học viên Pháp Luân Công và các doanh nghiệp của họ trong năm qua, chủ yếu là đe dọa đánh bom, đe dọa bạo lực, đe dọa cưỡng hiếp đối với các nhân viên nữ”

Ông cho rằng những lời đe dọa này là một phần trong chiến lược lớn hơn của ĐCSTQ nhằm “xóa sổ Pháp Luân Công trên toàn cầu”. Gần đây, Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Công an Trung Quốc đã phát động các hành động mới để vũ khí hóa các tổ chức của xã hội phương Tây, bao gồm các tổ chức pháp lý, các cơ quan truyền thông và mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch về Pháp Luân Công và gia tăng thành kiến.

Ông Browde cho biết: “Họ đã tìm ra cách vũ khí hóa các tổ chức của chúng ta để chống lại chính chúng ta, tôi nghĩ rằng đó là điều chúng ta cần xem xét khi đối phó với chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia này.”

Các học viên trẻ lên tiếng

Nhiều học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi cũng tham gia hội nghị thượng đỉnh lần này và kêu gọi sự quan tâm cũng như hành động chống lại cuộc bức hại ở Trung Quốc. Họ là những sinh viên và chuyên gia trẻ tuổi đến từ Virginia, New York, Pennsylvania và Montreal. Trong sự kiện kéo dài hai ngày, họ đã tham dự các phiên họp chuyên đề và tiếp đón khách tại quầy Pháp Luân Công, để giới thiệu môn tu luyện và cuộc khủng hoảng nhân quyền mà họ đang phải đối mặt với khách tham dự.

52926fd92f63cc73225d3f4d9297f249.jpg

Các học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi nói chuyện với khách tham dự hội nghị.

Các học viên trẻ đã được các hãng tin tức cũng như Viện Tự do Tôn giáo phỏng vấn.

c665b59307c96a214cc1ec46edb058dd.jpg476d76f3bd6b6fea23f67803d5949702.jpg

Anh Heru Lawrence nói chuyện với một đài truyền hình và Viện Tự do Tôn giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình quốc gia, anh Heru Lawrence cho biết: “Khi đó Giang Trạch Dân cho rằng môn tu luyện và các bài giảng đạo lý của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị của cộng sản, bởi vậy ông ta đã ra lệnh đàn áp pháp môn này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999”.

Cô Cynthia Sun, một học viên trẻ khác, kêu gọi khán giả truyền hình: “Xin hãy xác minh tất cả thông tin đang được đưa ra về Pháp Luân Công”.

Cô nói: “Điều khiến tôi giật mình và ớn lạnh nhất là chúng tôi thấy những luận điệu sai lệch trên phương tiện truyền thông giống hệt như [điều] đã xảy ra ở Trung Quốc khi cuộc bức hại bắt đầu 25 năm trước”.

Ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ

Đối với nhiều người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh IRF, cuộc bức hại Pháp Luân Công là một chủ đề mà họ đã rất quen thuộc. Ông David Curry, cựu thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho hay ông đã bị sốc trước mức độ mà ĐCSTQ sẽ tấn công người dân Trung Quốc, ngay cả ở nước ngoài.

Ông cho biết: “Sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ đối với người Trung Quốc đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Thật kinh khủng. Trong mấy năm trở lại đây, các cuộc tấn công của ĐCSTQ vào các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài dường như ngày càng trở nên trắng trợn hơn.”

Ông cho biết thêm rằng những nỗ lực xuyên quốc gia của ĐCSTQ nhằm xóa sổ Pháp Luân Công là vi phạm luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế cần phải buộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm về những hành vi bất hợp pháp này.

“Các cuộc tấn công của ĐCSTQ đối với công dân Mỹ phải chấm dứt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần lên tiếng cho các nhóm nạn nhân này”, ông Curry nói.

Bà Pari Ibrahim, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tổ chức Yazidi Tự do, đã phát biểu thay mặt cho các học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong một phiên thảo luận chuyên đề.

“Là một thành viên của cộng đồng Yazidi, tôi sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công vì cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân phẩm là phổ quát”, bà nói. Bà lưu ý rằng bất chấp những nỗ lực xuyên quốc gia của ĐCSTQ, đã có “một làn sóng ủng hộ quốc tế đối với cộng đồng Pháp Luân Công bằng cách thông qua luật, truy tố và đưa ra các tuyên bố công khai.

Bà Ibrahim nói: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có hành động quyết liệt để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chúng ta phải cùng nhau bảo vệ công lý, tự do và nhân quyền cho tất cả mọi người.”

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/27/491156.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/28/225673.html

Đăng ngày 02-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share