Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Nhật Bản
[MINH HUỆ 01-12-2024] Diễn đàn về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được tổ chức tại hai thành phố của Nhật Bản, một ở thành phố Iwakuni vào ngày 28 tháng 11, và một ở thành phố Fukuoka vào ngày 29 tháng 11. Ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế người Canada, đã có bài phát biểu và giải đáp thắc mắc, và bộ phim State Organs (Nội tạng Quốc doanh) cũng đã được trình chiếu. Tại diễn đàn, nhiều quan chức đắc cử, chuyên gia và học giả đã kêu gọi chấm dứt các tội ác của ĐCSTQ, và những người ở hàng ghế khán giả đã ký bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Diễn đàn tại thành phố Iwakuni
Diễn đàn tại thành phố Fukuoka
Năm 2006, lần đầu tiên luật sư Matas tập trung sự chú ý của công chúng tới nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Từ đó đến nay, vấn nạn này ngày càng thu hút được sự chú ý trên trường quốc tế khi nhiều đạo luật đã được thông qua ở Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan và nhiều quốc gia khác. Song, ở Nhật Bản, người dân biết rất ít về vấn đề này và họ vẫn du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng.
Nhiều khách tham dự diễn đàn đã bàng hoàng trước nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc. Họ nhận ra rằng tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn là một tội ác chống lại loài người và cần bị ngăn chặn ngay lập tức. Họ đã ký bản kiến nghị gửi tới các nước G7+7.
Ủy viên hội đồng thành phố Iwakuni sẽ đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ tới các nhà lập pháp quốc gia
Địa điểm tổ chức diễn đàn ở Iwakuni đã kín chỗ và phải kê thêm ghế bổ sung. Nhiều khán giả cho hay họ rất kinh ngạc và đặt nhiều câu hỏi. Khi biết tội ác thu hoạch nội tạng sống, chủ yếu từ các học viên Pháp Luân Công, vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc, nhiều người đã chấn động và bàng hoàng. Hầu hết những người tham dự diễn đàn đã ký bản kiến nghị nhằm chấm dứt tội ác này.
Ông Matas đã phát biểu tại diễn đàn và cho biết ông quan ngại sâu sắc về cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải đối mặt. Trong phần hỏi đáp của mình, ông giải thích rằng các học viên không hút thuốc lá, không uống rượu và có một thân thể khỏe mạnh, vậy nên được là đối tượng hiến tạng phù hợp. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự bức hại mà các học viên Pháp Luân Công phải gánh chịu là vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi sự can thiệp tích cực từ cộng đồng quốc tế .
Ông Matas phát biểu tại diễn đàn ở thành phố Iwakuni.
Ông Matas chỉ ra rằng việc người Nhật Bản tới Trung Quốc ghép tạng là vấn đề hiện hữu. Ông khuyến nghị Nhật Bản nên cải thiện hệ thống tiếp nhận người tị nạn bởi cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công là rất nghiêm trọng.
Ông Ishimoto, một ủy viên hội đồng thành phố Iwakuni, cho biết: “Tôi nghĩ trước hết chúng ta cần phải tăng cường mối liên hệ giữa các ủy viên địa phương để những yêu cầu của chúng ta tới hội đồng lập pháp quốc gia được xem xét. Nhưng trước đó, chúng ta cần phải thiết lập sự phối hợp chặt chẽ giữa các ủy viên hội đồng địa phương. Với tư cách là các ủy viên hội đồng và dân biểu địa phương, chúng ta cần chủ động đối mặt và giải quyết những vấn đề này. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu càng có nhiều người tham gia hơn thì chúng ta sẽ chắc chắn trở thành một lực lượng lớn mạnh”.
Ông Ishimoto, ủy viên hội đồng thành phố Iwakuni, ký bản kiến nghị gửi tới các nước G7+7.
Ông cho biết: “Nếu thế giới này có ma quỷ thì chắc chắn đó phải là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đứng từ góc độ nhân quyền, tôi rất muốn đấu tranh cho các học viên Pháp Luân Công. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực”. Ông còn cho hay các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn đặc biệt quan trọng đối với nước Nhật trong thời đại hiện nay.
Ông Miyamoto nói: “Tôi nghĩ những người dân bình thường ở Nhật Bản không biết gì về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. Trong khi đó, việc biết đến cuộc bức hại này là tối quan trọng nên tôi rất mong được chia sẻ những điều tôi biết được ngày hôm nay với nhiều người hơn nữa”.
Ông Miyamoto và con trai đã ký bản kiến nghị gửi tới các nước G7+7.
Bà Fujimoto, lãnh đạo chi bộ của một đảng chính trị, cho biết: “ Điều quan trọng là kiên định với đức tin của mình. Chúng ta cần phải đối đãi với các vấn đề mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt như chính các vấn đề của bản thân chúng ta, đồng thời nghĩ cách làm thế nào để khiến thế giới này trở thành nơi hạnh phúc hơn. Xin các bạn hãy tiếp tục những nỗ lực của mình!”
Bà Fujimoto ký bản kiến nghị gửi tới các nước G7+7.
Bà Edward Hiromi nói: “Tôi nghĩ điều chúng ta có thể làm là lan tỏa thông điệp này để người Nhật không đến Trung Quốc để tìm kiếm nội tạng nữa. Bởi các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại nên chúng ta cần phải phát động chiến dịch ngăn chặn cấy ghép tạng ở Trung Quốc. Xin các bạn hãy cố gắng hết mình”.
Bà Ogawa bày tỏ: “Những học viên ở Trung Quốc đó đã không màng nguy hiểm đến tính mạng của mình để phổ biến chân tướng, thật đáng khâm phục. Chúng ta cần phải trân trọng tinh thần kiên định với đức tin này của họ. Nếu tôi ở hoàn cảnh giống như các học viên Trung Quốc, tôi tin rằng tôi cũng sẽ lựa chọn như họ”.
Người chủ trì diễn đàn: Xin hãy phổ biến thông tin này cho càng nhiều người càng tốt
Tại sự kiện, bà Yamazaki, chủ trì diễn đàn, đã kêu gọi mọi người: “Xin hãy phổ biến về điều mà quý vị đã thấy hôm nay cho càng nhiều người càng tốt, để nhiều người hơn nữa biết điều này”.
Bà Yamazaki đã ký bản kiến nghị gửi tới các nước G7+7.
Bà còn cho biết thêm: “Tôi tin rằng mọi người ở đây đều có lòng trắc ẩn và nhờ lòng trắc ẩn chúng ta có thể ngăn chặn tội ác này. Tôi cũng hy vọng mỗi người sẽ làm phần việc của mình và chúng ta có thể phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề. Có tín ngưỡng của chính mình là điều tuyệt vời. Các học viên Pháp Luân Công đã luôn kiên định với đức tin của họ bất chấp tất cả những hình thức bức hại mà họ phải đối mặt. Chính sức mạnh này đã truyền cho tôi dũng khí ngày hôm nay. Tôi cầu nguyện rằng nhân quyền và đức tin của các học viên Pháp Luân Công sẽ được bảo vệ trong tương lai”.
Người khiếm thị: Ngay cả khi không thể tìm được một người hiến tặng, tôi sẽ không bao giờ sang Trung Quốc để ghép tạng
Phản hồi của những người tham dự diễn đàn tại Fukuoka rất sôi nổi. Một số kênh truyền thông đã tiến hành phỏng vấn và đưa tin về lễ khai mạc diễn đàn. Có người đã viết trong sổ lưu bút: “Tôi cảm thấy rất đau lòng về sự thật rằng những người vô tội đã bị thu hoạch nội tạng trong khi họ vẫn còn sống”. Một số người sau khi lần đầu biết đến tình huống chân thực của cuộc bức hại Pháp Luân Công đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thêm. Nhìn chung, những người tham dự thường nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phổ biến rộng rãi sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công và bày tỏ mong muốn chia sẻ thông điệp này.
Ông Kawai nói: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công là vấn đề nhân đạo và là một vấn đề liên quan đến phẩm giá con người. Các học viên Pháp Luân Công không phạm tội và cũng không tham dự chính trị. Họ chỉ muốn được khỏe mạnh và muốn xã hội có thể trở nên tốt hơn, vậy mà họ đang bị bức hại. Điều này không được biết đến rộng rãi ở Nhật Bản”.
Ông Kawai đã ký bản kiến nghị gửi tới các nước G7+7.
Ông Kawai, một người khiếm thị, bộc bạch: “Bác sỹ bảo rằng tôi có thể phục hồi thị lực nếu được ghép giác mạc, nhưng tôi vẫn chưa tìm được người hiến tặng. Mặc dù vậy, tôi cũng sẽ không bao giờ sang Trung Quốc để cấy ghép, bởi nếu giác mạc được lấy từ một người hiến tạng không tự nguyện hay từ ai đó mà sinh mệnh bị tước đoạt để lấy nội tạng thì tôi sẽ phải mang gánh nặng trong suốt quãng đời còn lại của mình. Tôi chỉ có thể trách cứ bản thân nên tốt hơn là không thực hiện cấy ghép. Việc mổ lấy nội tạng là hành vi vô nhân đạo và sự sống được kéo dài sau khi cấy ghép không phải là phẩm giá mà cuộc sống con người nên có”.
Bà Komori nói: “Con người trên toàn thế giới cần đứng dậy và lên tiếng phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công”.
Bà Nakamura cho biết: “Tôi hy vọng các học viên Pháp Luân Công có thể tiếp tục sống sót. Tôi cầu nguyện để họ được tự do. Tôi rất mong họ sẽ tiếp tục nỗ lực và tôi sẽ luôn ủng hộ họ”.
Bác sỹ Yoshida nói: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công là hành động của quỷ dữ”.
Bác sỹ Yoshida ký bản kiến nghị.
Ông Soma nói: “Tôi hy vọng các bạn sẽ không bỏ cuộc. Xin hãy tiếp tục cố gắng”.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/1/485641.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/3/221922.html
Đăng ngày 08-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.