[MINH HUỆ 27-08-1999] Gần đây, trong cuộc vận động trấn áp Pháp Luân Công ngày càng leo thang ở Trung Quốc Đại Lục, chính phủ Trung Quốc lại ban hành thông báo của chính phủ, trong đó tuyên bố sẽ truy tố những học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ vì tội danh “phá hoại ổn định xã hội” và “lật đổ chính quyền” để “xử phạt theo pháp luật”. Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc khi chính phủ Trung Quốc công nhiên vi phạm hiến pháp, chà đạp nhân quyền, hành động bất nhân và thiếu lý trí này.
Tu luyện Pháp Luân Công không chỉ giúp người ta trừ bệnh khỏe người, thân thể tráng kiện, mà còn khiến tinh thần thăng hoa, làm một người tốt, một người tốt hơn nữa trong xã hội, lẽ nào như vậy là sai? Ngày 25 tháng 4, trong tình trạng bị đàn áp, vu khống trong thời gian dài mà chân tướng chân thực không được làm rõ, các học viên Pháp Luân Công, trong phạm vi pháp luật quốc gia quy định, đã dùng phương thức hòa bình nhất để phản ánh tình hình lên lãnh đạo quốc gia, vậy thì có tội gì? Từ khi xảy ra đợt bắt giữ trên quy mô toàn quốc vào rạng sáng ngày 20 tháng 7, và cuộc vận động toàn lực nhằm trấn áp, tiêu diệt Pháp Luân Công bắt đầu từ ngày 22 tháng 7, những người tu luyện Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã, cũng như trước đây, không tiếc công sức để liên tục làm rõ chân tướng chân thực với chính phủ Trung Quốc bằng phương thức hòa bình, để nói rõ lập trường nhất quán của Pháp Luân Công là không tham gia chính trị, không chống đối chính phủ. Thử hỏi có đám người “phá hoại ổn định xã hội”, “lật đổ chính quyền” nào tốt như vậy không?
Nhìn lại một loạt hành động đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc trong mấy tháng gần đây, thực sự khiến người tu luyện Đại Pháp và những người thiện lương khác thấy lạnh lòng. Sau sự kiện hơn 10.000 học viên Đại Pháp đến Trung Nam Hải vào ngày 25 tháng 4 để thỉnh nguyện hòa bình cho những học viên Đại Pháp ở Thiên Tân bị cảnh sát đánh đập và bắt giữ, chính quyền trung ương chẳng những không thấy được sai lầm trong việc một nhóm nhỏ trong Bộ Công an đàn áp Pháp Luân Công trong thời gian dài; chưa vạch trần được âm mưu của nhóm này trong việc hãm hại Pháp Luân Công, phong tỏa tin tức tới các lãnh đạo trung ương, rắp tâm khuếch đại sự việc hòng gây ảo giác rằng học viên Đại Pháp “đột nhiên” “bao vây” Trung Nam Hải; chưa thể cất tiếng nói chính nghĩa cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp, ngược lại còn võ đoán mà định danh trong nội bộ rằng Pháp Luân Công là “tà giáo”, nhất quyết trừ bỏ cho bằng được. Cũng từ đó bắt đầu liên tục xuất hiện hàng loạt bài về cái gọi là “kiên trì với khoa học”, “bài trừ mê tín” trên phạm vi toàn Trung Quốc nhằm kích động dư luận. Rồi theo đà, đến cuối tháng 7, họ dán nhãn “tuyên truyền mê tín” cho Pháp Luân Đại Pháp vốn lấy “Chân-Thiện-Nhẫn” làm tôn chỉ tu luyện đã mang lại vô vàn lợi ích cả về thân lẫn tâm cho hàng trăm triệu người tu luyện suốt bảy năm qua, nhằm chính thức triển khai một cuộc vận động chính trị trấn áp, loại bỏ Pháp Luân Đại Pháp trên phạm vi toàn Trung Quốc.
Lâu nay, các học viên Pháp Luân Đại Pháp vẫn luôn kiên nhẫn chia sẻ tình huống chân thực của Pháp Luân Đại Pháp với các cơ quan hữu quan, chỉ để giảm thiểu hiểu lầm, để chính phủ và người dân hiểu được một cách khách quan về thực tế rằng Pháp Luân Đại Pháp đã mang lại lợi ích cả về thân lẫn tâm và nhiều phương diện khác cho đông đảo người tu luyện, để xã hội hiểu được Pháp Luân Đại Pháp được lưu truyền rộng rãi nhất định sẽ mang lại lợi ích vô tận cho nhiều người tu luyện hơn nữa cũng như quốc gia. Các cơ quan hữu quan của chính phủ Trung Quốc cũng đã tiến hành điều tra quy mô lớn, và đã hiểu tường tận về tính chân thực của những tình huống này. Tuy nhiên, đáng tiếc là, xuất phát từ nhu cầu chính trị của một số ít người, chính quyền Trung Quốc đã gạt qua một bên những sự thật chân thực về Pháp Luân Công mà họ đã biết, để rồi công bố với thế nhân một quyết định sai lầm cực đoan sau khi tùy tiện xuyên tạc. Đây chẳng phải là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần cầu thị và khoa học mà chính phủ vẫn luôn coi trọng hay sao? Với thái độ như vậy, làm sao có thể làm sáng tỏ sự thật và thực sự kiên trì với khoa học chứ? Trong nhiều tài liệu phê phán Pháp Luân Đại Pháp sau này, những con số được sử dụng còn được chắp vá từ những trường hợp cá biệt vô căn cứ, mà không có cuộc điều tra thống kê nghiêm túc nào. Lẽ nào “kiên trì với khoa học” chỉ là khẩu hiệu để đả kích người khác?
Chính quyền Trung Quốc nói Pháp Luân Đại Pháp tôn sùng “Chân-Thiện-Nhẫn”, khuyên người hướng thiện thành “tuyên truyền mê tín”. Dường như cái mũ lớn này đã được bộ máy tuyên truyền của nhà nước khâu vá trong mấy tháng, một khi đã chụp lên thì khó thoát khỏi tội. Ai cũng biết, những người từng trải qua nhiều cuộc vận động chính trị ở Đại lục thì không dễ bị lừa trước thủ đoạn “chụp mũ mà đánh” này, còn với người ở các quốc gia và những nơi có nhiều tôn giáo đang lưu hành, loại tội danh này lại càng quái dị, hoang đường đến cùng cực.
Tu luyện là một bộ phận đặc sắc, thâm sâu trong văn hóa truyền thống phương Đông vốn có lịch sử lâu đời, trước đây vẫn luôn là điều mà rất ít người trong các chùa chiền hay thâm sơn cùng cốc mò mẫm, tìm tòi. Một số hiện tượng, kỳ tích kỳ lạ về người tu luyện, qua hàng nghìn năm lưu truyền tôn giáo, vẫn mang màu sắc hết sức thần bí. Pháp Luân Đại Pháp mà Sư phụ Lý Hồng Chí khai truyền là lần đầu tiên dùng ngôn ngữ thông tục, kết hợp với nhận thức khoa học của nhân loại để trình bày một cách toàn diện và hoàn chỉnh về phương pháp, mục đích… của tu luyện. Đây cũng là lần đầu tiên hàng nghìn vạn người có thể đắc Pháp tu luyện và thu được lợi ích từ Đại Pháp. Nhiều người tu luyện như vậy đã đề cao, thăng hoa cả thân lẫn tâm, trên thực tế cũng đã mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội khi khiến nhân tâm hướng thiện, đạo đức quay trở lại, và kinh tế phát triển. Cho nên nói, Pháp Luân Đại Pháp không phải là “phá hoại ổn định xã hội”, mà là thúc đẩy ổn định xã hội, người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là nhóm người ổn định và thiện lương nhất trong bất kỳ xã hội nào; Pháp Luân Đại Pháp càng không phải là “tuyên truyền mê tín” mà đã giải thích được nhiều hiện tượng thần bí trong tu luyện và tôn giáo xưa nay, phá trừ được nhiều điều “mê tín”, và triển hiện một cách chân thực về pháp tu luyện Phật Pháp khó gặp hàng nghìn năm qua cho mỗi từng người tu luyện.
Đương nhiên, thế gian con người vô cùng phức tạp, một chính Pháp lớn thế này đang lưu truyền, thì ắt cũng sẽ có đủ loại tà môn oai đạo mới cũ can nhiễu và phá hoại. Tuy nhiên, người ta có tu luyện hay không là quyết định của cá nhân, là được mất của người đó; còn quyết định của chính quyền lại có thể ảnh hưởng đến tiền đồ của hàng triệu người. Thử nghĩ, chính quyền cứ một mực muốn làm theo ý mình mà đẩy đông đảo quần chúng tu luyện vốn yêu cầu bản thân làm người tốt theo “Chân-Thiện-Nhẫn” sang phía đối lập, thì có lợi ích gì cho quốc gia, cho nhân dân? Một xã hội mà ngay cả “Chân-Thiện-Nhẫn” cũng không dung nạp nổi thì còn nói gì đến chính khí nữa? Mà khiến hàng triệu người mất đi cơ hội tu luyện Chính Pháp thì tội càng to lớn khôn tả! Huống hồ cuộc thỉnh nguyện hợp pháp của đông đảo học viên Pháp Luân Đại Pháp không hề mang mục đích cá nhân, cũng không phải vì không nhẫn được mà phẫn nộ, mà là họ mang tâm đại thiện đại nhẫn, không sợ lao khổ hiểm nguy, kiên nhẫn giải thích chân tướng chân thực cho chính phủ và người dân thế giới, với hy vọng chân thành rằng mọi người có thể nhận thức đúng đắn về Pháp Luân Đại Pháp, để nhiều người hơn nữa được thụ ích từ Đại Pháp.
Gần đây, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc lại tung tin rầm rộ về sự kiện Trung Nam Hải ngày 25 tháng 4, nhằm chuẩn bị dư luận cho phiên xét xử cuối đối với một số người tu luyện Đại Pháp. Một cuộc thỉnh nguyện tập thể quy mô lớn bất đắc dĩ nhưng hoàn toàn hợp lý hợp pháp, cực kỳ hòa bình, lại bị nói thành hành động chính trị có tổ chức. Sau khi xác định kiểu chỉ hươu bảo ngựa, đảo ngược trắng đen, họ liền bắt đầu truy cứu ai đang “bày mưu tính kế” và “tổ chức thao túng”.
Sự kiện Trung Nam Hải ngày 25 tháng 4 năm nay đã diễn ra tự phát và khép lại nhanh chóng, quả thực đã gây chấn động lớn ở cả trong và ngoài nước. Trong sự kiện này, ngoài việc một nhóm nhỏ người trong Bộ Công an biết mà không báo cáo đã tạo ra hiệu ứng hơn 10.000 người “thần không biết, quỷ không hay” “bao vây” Trung Nam Hải, thì người ta còn phát hiện ra rằng nhân dân và chính phủ Trung Quốc có tố chất cao đến đáng kinh ngạc. Nhiều người như vậy tụ lại với nhau đi thỉnh nguyện mà có thể an tĩnh, trật tự, lý trí, văn minh đến vậy khi chờ đợi được tiếp đón. Họ không gây ùn tắc giao thông, không chắn đường người đi bộ, không ảnh hưởng đến việc kinh doanh bình thường của các cửa hàng, còn tự nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường. Trong thời buổi đạo đức nhân loại ngày càng trượt dốc, người ta thấy khó mà tin được nhiều người như vậy tự nguyện đổ về từ các nơi, tuy không quen biết nhau, không có tổ chức, nhưng lại vì cùng một việc – đó là bởi họ hy vọng thông qua thành ý của bản thân vì muốn chứng minh và đề xuất chính phủ tạo một môi trường tu luyện hợp pháp cho Pháp Luân Công.
Có người từng viết bài ca ngợi: Đây là điều chưa từng có trong lịch sử văn minh hàng nghìn năm của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã xử lý thỏa đáng, khiến sự kiện được giải quyết nhanh chóng, đồng thời đã nhận được những bình luận tích cực của quốc tế, và được ca ngợi là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã cởi mở và thành thục. Đây vốn là sự kiện lớn có ý nghĩa vượt thời đại trên con đường đưa Trung Quốc tiến tới văn minh, kiện toàn pháp chế, song lại bị bộ máy tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc ngang nhiên bóp méo thành hoạt động chính trị “có âm mưu, có tổ chức” nhằm “phá hoại ổn định xã hội”, “lật đổ chính quyền”. Thử hỏi trên đời này có hoạt động lật đổ chính quyền nào hòa bình đến vậy không? Hoạt động lật đổ chính quyền có “âm mưu” và “tổ chức” có thể nào tường hòa, văn minh như vậy không? Đúng là “muốn gán tội thì lo gì thiếu từ ngữ”!
Việc trấn áp, tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp, bất kể là xuất phát từ mục đích chính trị nào, bất kể có rêu rao là “hành xử theo pháp luật” như thế nào, thì đều không có căn cứ pháp lý để tiến hành, hơn nữa còn vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Nhân quyền mà chính phủ Trung Quốc đã ký kết. Chính phủ Trung Quốc cũng đã bị dư luận thế giới lên án và chế giễu vì hành vi này. Cách làm theo kiểu vận động chính trị này khiến những người từng trải qua Cách mạng Văn hóa nhớ đến thời đại vô pháp vô thiên ấy. Những người còn sống sót sau kiếp nạn Cách mạng Văn hóa, sau khi trải qua kinh nghiệm xương máu ấy, ai mà không muốn đề xướng phải kiện toàn pháp chế, tôn trọng nhân quyền, trị quốc theo pháp luật, không để tái diễn những án oan sai do một số ít người lạm dụng quyền lực mà tùy ý bức hại nhân dân nữa. Vậy mà ngày hôm nay, sau hơn 20 năm, một số học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị giam giữ trái phép hơn một tháng. Chính quyền Trung Quốc vì để che đậy dư luận mà giả bộ tiến hành xét xử, “xử phạt theo pháp luật” những người tu luyện Đại Pháp này. Thực tế là, chưa xét xử mà chính quyền đã định sẵn tội danh cho họ rồi; nghiêm trọng hơn, chính quyền Trung Quốc còn ra lệnh cho các văn phòng luật sư không được thụ lý yêu cầu tư vấn và ủy thác của các học viên Pháp Luân Công và người nhà của họ. Khi làm vậy, nào đâu thấy bóng dáng của “trị quốc theo pháp luật” nữa? Lẽ nào bài học lịch sử mà toàn thể nhân dân Trung Quốc đã phải trả giá đắt trong mười năm “Cách mạng Văn hóa” còn chưa đủ để rút kinh nghiệm, lẽ nào còn muốn tái diễn bi kịch thời đại lấy người trị thay cho pháp chế, rồi coi pháp chế chỉ như vật trang trí bên ngoài để thực hiện nhu cầu chính trị của cá nhân thôi sao?
Trong lịch sử hiện nay, chính phủ Trung Quốc không tiếc dốc bao nhiêu nhân lực vật lực, dùng thủ đoạn chính trị lỗi thời này để lừa mị, vận động nhân dân, loại hành vi này cuối cùng chỉ có thể bị tất cả những người chính trực thiện lương khinh bỉ. Tuyệt đối đừng cho rằng người tốt thì dễ bắt nạt, đừng cho rằng có quyền trong tay là có thể làm xằng làm bậy. Giấy không gói được lửa, chân tướng đang dần sáng tỏ với thiên hạ. Thực ra, tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp dưới hình thức vận động chính trị này đã gây ảnh hưởng rất xấu cho chính quyền Trung Quốc trên trường quốc tế. Nếu cứ như vậy, những tiến bộ và uy tín mà Trung Quốc đã đạt được trong việc kiện toàn pháp chế và các phương diện khác từ khi cải cách mở cửa đều sẽ mất hết vì những hành động trái ngược này. Hơn nữa, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, hiếp đáp, bức hại những người tu luyện thiện lương, công kích, đàn áp tu luyện Phật Pháp, phỉ báng, bức hại Giác Giả, thì sớm muộn gì cũng sẽ khiến Trời trách người oán, người và Thần đều phẫn nộ.
Chúng tôi kêu gọi tất cả những người, đoàn thể, và quốc gia thiện lương, có thể dùng biện pháp của mình để tận lực hối thúc chính phủ Trung Quốc sớm thay đổi cách làm hoang đường bất lợi cho quốc gia, cho nhân dân, cho xã hội này, dùng phương thức đối thoại hòa bình để giải quyết vấn đề Pháp Luân Công, khôi phục tự do của những người tu luyện Đại Pháp theo đuổi chân lý và tín ngưỡng, trả lại sự trong sạch cho danh dự của nhà sáng lập Pháp Luân Công.
Ban Biên tập Minh Huệ
Ngày 27 tháng 8 năm 1999
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/1999/8/27/5230.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/1999/8/27/140738.html
Đăng ngày 23-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.