Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-12-2024] Dưới đây là những trải nghiệm tu luyện của tôi trong việc hóa giải oán hận với con trai nhờ tuân theo các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi đã bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án phi pháp chỉ vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Vậy nên, tôi đã không thể ở bên cạnh chăm sóc con trai vào lúc cháu cần tôi nhất. Sau khi tôi được trả tự do, con trai tôi—vốn từng ủng hộ Đại Pháp—lại trở nên oán hận tôi và oán hận Đại Pháp. Đặc biệt trong khoảng một năm trở lại đây, do những chấp trước và quan niệm người thường của tôi, con trai tôi kịch liệt phản đối việc tôi giảng chân tướng để cứu người. Chỉ cần tôi nhắc đến Đại Pháp, cháu lập tức mắng chửi tôi. Tôi cảm thấy đau buồn và lo lắng cho cháu. Thậm chí tôi đã nghĩ, giá như tôi đắc Pháp sớm hơn, có lẽ tôi đã không kết hôn và không phải đối mặt với mối quan hệ rắc rối thế này với con trai mình.
Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu buông bỏ những đau đớn, chua xót, oán giận trong lòng và nhận ra nguyên nhân nằm ở chính bản thân tôi. Trong một thời gian dài, tôi đã không thực sự chiểu theo tiêu chuẩn của một người tu luyện Đại Pháp, khiến trường không gian của tôi đầy những nhân tố bất hảo như dục vọng, oán hận, tranh đấu, nôn nóng, tư lợi, truy cầu danh lợi, cái tôi quá lớn, và nhiều nhân tố biến dị khác của cựu vũ trụ. Vì vậy, những lời tôi nói ra không đủ thuần tịnh, gần như không có tác dụng, và hoàn toàn không thể hóa giải các nhân tố tà ác đang thao túng chúng sinh. Nói cách khác, tôi tu chưa tốt. Dù gần đây tôi đã chú trọng phát chính niệm để thanh lý trường không gian của mình, nhưng đôi khi tôi vẫn không kiềm chế được ngôn hành của bản thân.
Khoảng một tháng trước Tết năm 2024, con dâu tôi có thai và bị ốm nghén rất nặng. Con trai gọi điện nhờ tôi đến chỗ cháu để giúp đỡ. Trong tâm tôi tự nhủ: “Lần này mình sẽ làm thật tốt, nghiêm túc tu bản thân và cứu độ họ.” Trước đây, con trai thường chê món ăn tôi nấu, nên tôi đã cẩn thận tìm công thức nấu ăn ngon và nấu từng bữa thật chu đáo. Tôi cũng lo liệu hết các việc nhà như mua sắm, giặt giũ, dọn dẹp. Con trai tôi rất hài lòng, còn nói món ăn tôi nấu bây giờ ngon hơn nhiều so với trước.
Một hôm, lúc con trai tôi chưa về, tôi nói chuyện với con dâu về Pháp Luân Đại Pháp. Cháu lấy cớ đi vệ sinh để nhắn tin cho con trai tôi, tỏ ý không hài lòng. Con trai tôi lập tức gọi điện, mắng tôi và thốt ra nhiều lời bất kính với Đại Pháp. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, khuyên nhủ cháu, nhưng cháu không chịu nghe. Tôi cũng nhắn tin bảo cháu đừng nói bất kính về Đại Pháp, nhưng cháu lại mắng tôi trong tin nhắn. Tối hôm đó, khi đi làm về, cháu tiếp tục mắng tôi. Tôi rất buồn và lo cho tương lai của con trai lẫn con dâu.
Tôi bắt đầu học Pháp nhiều hơn, nghe chia sẻ kinh nghiệm của các học viên và hướng nội. Tôi nhận ra mình có chấp trước muốn nhanh chóng đạt được kết quả mà không nghĩ đến cảm nhận của người khác. Tôi cũng phát hiện mình đang cố ép người khác chấp nhận quan điểm của mình mà không dùng lý trí và trí huệ. Tôi tự hỏi, nếu con của người khác không muốn nghe tôi chia sẻ về Pháp Luân Đại Pháp, liệu tôi có phản ứng tiêu cực như vậy không? Câu trả lời là không. Vậy tại sao tôi lại căng thẳng và lo lắng như vậy? Rõ ràng tôi quá nặng tình. Lời nói của tôi làm sao có sức mạnh khi xuất phát từ quá nhiều nhân tâm như vậy?
Tôi đã buông bỏ những oán hận đối với con dâu cũng như tình mẫu tử mang đầy chấp trước. Con trai tôi nói: “Mẹ đừng nói gì cả, chỉ làm tròn bổn phận người mẹ là được, thế là ổn rồi.” Lời cháu khiến tôi ngộ ra rằng mình cần buông bỏ các chấp trước của người thường. Tôi bắt đầu phát chính niệm thường xuyên hơn để thanh lý những nhân tố bất chính trong trường không gian của mình, cũng như các nhân tố tà ác ngăn cản con trai và con dâu tôi lắng nghe chân tướng.
Trong thời gian này, con trai tôi gặp khá nhiều ma nạn: Đang lái xe thì đâm vào cây, đang ăn thì đũa gãy, rồi cháu bị sốt và ho nặng, v.v. Tôi biết đây là quả báo do cháu bất kính với Đại Pháp, nhưng tôi không vội vàng nói điều đó với cháu, mà kiên trì phát chính niệm để tiêu trừ tư tưởng bất hảo trong cháu.
Dần dần, cháu dường như hiểu ra lỗi lầm của mình. Một hôm, cháu bảo tôi: “Mẹ ơi, những người tu luyện [Pháp Luân Đại Pháp] như mẹ, họ đi làm thuê trong nhà người khác nhưng không bao giờ trộm cắp, làm việc cũng rất chăm chỉ.” Tôi nhận ra trong tâm cháu biết Đại Pháp là tốt. Vì tôi tu chưa tốt, nên đã khiến các nhân tố bất chính trong cháu trỗi dậy, làm cháu buông lời chống đối Đại Pháp. Xét cho cùng, đó cũng là lỗi của tôi.
Nhìn sâu hơn, tôi phát hiện mình có oán hận với mẹ (mẹ tôi cũng là học viên). Lâu nay, tôi luôn cho rằng mẹ tôi không lý trí và hay làm những việc không thích hợp, chẳng hạn như ngủ gật lúc đả tọa hoặc khi phát chính niệm, rồi cách mẹ ăn uống cũng thiếu lịch sự. Khi trường không gian của tôi chứa đầy những tư tưởng bất thiện và oán hận, giống như rác rưởi của cựu vũ trụ, nó đã kích phát sự oán hận mạnh mẽ trong con trai tôi.
Thực ra, con trai tôi giống như một tấm gương phản chiếu, hành vi của cháu cũng là lời cầu cứu. Cháu muốn tôi quy chính quan niệm, buông bỏ chấp trước, đập tan những xiềng xích đang cản trở cháu được cứu. Tôi đã kiên định phát chính niệm để bài trừ các nhân tố biến dị và an bài hòng hủy diệt các sinh mệnh.
Có lần, chiếc bát con trai đang cầm để ăn cơm bỗng dưng vỡ. Tôi liền mượn chuyện này để giảng cho cháu nghe về hậu quả của việc bất kính với Đại Pháp. Cháu dường như đã hiểu và đồng ý để tôi giúp cháu đăng nghiêm chính thanh minh trên mạng, tuyên bố hủy bỏ mọi lời bất kính mà cháu từng nói về Đại Pháp, với điều kiện tôi ngừng nhắc đến Đại Pháp với cháu. Tôi hiểu rằng mình chưa đạt tiêu chuẩn của tầng thứ này. Toàn bộ quá trình này quả thật khó khăn, nhưng tôi biết đó là một phần trong con đường tu luyện, và tôi nhất định phải kiên trì tu bản thân.
Đó thực sự là một cuộc chiến giữa nhân tâm và thần tính của tôi. Khi mang nhân tâm, mỗi ngày trôi qua thật mệt mỏi, dài dằng dặc. Nhưng thần tính trong tôi lại thấy rằng mọi khảo nghiệm đều là cơ hội đề cao tâm tính, chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh. Cuối cùng, thần tính đã chiến thắng, giúp tôi bình thản làm những gì một đệ tử Đại Pháp cần làm.
Ngoài những lúc lo việc nhà, tôi tận dụng mọi thời gian rảnh để học thuộc Pháp và phát chính niệm. Nếu con trai và con dâu thích món ăn nào đó, tôi liền nhường để hai cháu ăn, còn mình thì ăn rất ít hoặc không ăn. Đợi khi hai cháu đi làm, tôi ăn lại thức ăn thừa hôm trước. Khi đồ ăn thừa ít, tôi chỉ ăn dưa muối, rồi tranh thủ thời gian còn lại để làm những việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm. Dần dần, tôi cảm giác cái tôi và sự ích kỷ trong mình giảm xuống, tôi chỉ nghĩ đến lợi ích của người khác. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự bình yên, giản dị và nhẹ nhàng như lúc này.
Gần Tết, con dâu tôi đỡ nghén hơn, nên tôi nói với con trai rằng vài ngày nữa tôi sẽ về nhà.
Vào ngày cuối cùng ở đó, tôi tổng vệ sinh nhà cửa, giặt giũ những thứ cần giặt và dọn dẹp lại những nơi bừa bộn. Buổi tối, tôi nấu ba món ăn và hâm nóng một chiếc đùi cừu còn lại—món mà con trai tôi rất thích. Thế nhưng, khi ngồi vào bàn ăn, con trai bỗng nổi giận: “Con nhờ mẹ đến giúp, vậy mà ngày nào mẹ cũng để con ăn đồ thừa!”
Vợ cháu lên tiếng bênh vực và khuyên cháu đừng nói nữa. Đây là lần đầu tiên con dâu bênh vực tôi. Trước kia, mỗi khi con trai và tôi nảy sinh mâu thuẫn, cháu đều phớt lờ hoặc đứng ngoài, hoàn toàn thờ ơ.
Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ phát chính niệm. Tôi hiểu cơn giận của cháu cũng là giúp tôi đề cao. Con trai càng bực mình, càng to tiếng, rồi đặt đũa xuống, đẩy bát ra và cho chiếc đùi cừu vào túi rác, đem ra ngoài cửa. Cháu nói: “Đây là kết cục của việc để con ăn đồ thừa!”
Sau khi con dâu ăn xong, tôi dọn rửa bát đũa. Con trai bước vào bếp, mở tủ lạnh và nói: “Mấy trái cây để trong tủ lạnh mấy hôm rồi, mẹ còn chẳng thèm rửa cho vợ chồng con ăn.”
Lúc này, tôi không nhịn được mà bật cười. Trước đây, khi mâu thuẫn xảy ra, tôi sẽ tranh cãi đến cùng và cuối cùng hai mẹ con giận dữ bỏ về phòng riêng.
Lần này, phản ứng của tôi hoàn toàn khác, khiến cháu bối rối: “Mẹ bị làm sao đấy?” Cháu hỏi. Tôi vừa cười, vừa nói: “Mẹ làm việc cả ngày, đau hết cả lưng mà còn bị mắng.” Nghe vậy, con trai bỗng nhiên cũng bật cười. Rồi chúng tôi cười với nhau.
Đột nhiên, cháu ngừng cười và xúc động nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con không cố ý nổi giận với mẹ. Con biết mẹ vất vả lắm.” Cháu không biết nói tiếp thế nào. Thế là tôi ôm cháu, an ủi: “Không sao, nếu mẹ có chỗ nào chưa tốt, cứ nói để mẹ sửa.” Cháu cũng ôm tôi và nói: “Không đâu mẹ. Mẹ làm rất tốt.”
Tối hôm đó, chúng tôi ngồi ở phòng khách trò chuyện vui vẻ hơn một tiếng đồng hồ. Đây là lần đầu tiên hai mẹ con trò chuyện kể từ khi tôi đến nhà cháu. Con trai tôi không hề cầm điện thoại, mà lặng lẽ lắng nghe khi tôi kể về việc các đệ tử Đại Pháp luôn nghĩ cho người khác, giúp đỡ lẫn nhau vô tư, cũng như những trường hợp người thân của đệ tử Đại Pháp bảo hộ họ khỏi sự sách nhiễu của cảnh sát đã được phúc báo như thế nào. Tôi cũng nói về tầm quan trọng của việc quay về văn hóa và giá trị truyền thống. Tôi giãi bày mà không mang tâm mong mỏi cháu lập tức tiếp nhận, cũng không cố gắng áp đặt suy nghĩ của mình. Tôi nói với ngôn từ mà cháu có thể tiếp nhận. Thỉnh thoảng, cháu cũng thêm ý kiến, tôi thấy cháu thật sự bị lay động. Cuối cùng, cháu nói: “Những người tu luyện [Pháp Luân Đại Pháp] rất thật thà và thuần tịnh.”
Kể từ đó, con trai tôi đã thay đổi nhiều. Cháu bớt phàn nàn, trở nên lý trí hơn và biết suy nghĩ cho người khác. Khi gọi điện cho ông nội, cháu nói: “Người có tín ngưỡng thường tốt hơn.” Vợ cháu cũng nói với con trai tôi: “Để mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đi, tốt mà.” Quan hệ mẹ con tưởng chừng như một trận cuồng phong nay đã trở nên êm đẹp và đẹp đẽ như chiếc cầu vồng, khi tôi có thể đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn.
Khi nhìn lại những trải nghiệm trong thời gian ở nhà con trai, tôi vô cùng xúc động. Tôi thật lòng cảm ơn con trai và tất cả những khảo nghiệm đã giúp tôi nhận ra thiếu sót trong tu luyện, để tôi có thể đề cao hơn nữa trong Pháp.
Nhiều năm qua, tôi đã không thực sự tu tâm tính chiểu theo Pháp. Mỗi khi mâu thuẫn với người khác, tôi luôn hướng ngoại để tìm ai đúng ai sai dựa trên tiêu chuẩn và lý lẽ của người thường. Hậu quả là tôi không tịnh hóa được những yếu tố biến dị trong trường không gian của mình, khiến các loại chấp trước gia tăng. Tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian quý báu mà Sư phụ đã dành cho chúng ta, trong khi Sư phụ đã phải chịu đựng vô lượng thống khổ. Việc tôi tu không tốt cũng cản trở việc cứu độ chúng sinh.
Giờ đây, tôi hiểu rằng chỉ khi hướng nội và đồng hóa với Pháp, chúng ta mới có thể vượt qua khảo nghiệm và cứu độ nhiều chúng sinh hơn. Chỉ bằng cách tu bản thân cho tốt, chúng ta mới thật sự có thể cứu độ được nhiều người hơn nữa. Mọi mâu thuẫn và mọi khổ nạn đều là cơ hội và khích lệ để chúng ta giúp chúng sinh phá tan từng tầng chướng ngại, trở về chân ngã của mình.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mg/articles/2024/12/9/478355.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/6/223464.html
Đăng ngày 19-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.