Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

Họ tên: Đỗ Hoa
Tên tiếng Hán: 杜 桦
Giới tính: Nam
Tuổi: 63
Thành phố: Đại Liên
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Kỹ sư nghỉ hưu của Trung Hoa Unicom
Ngày mất: 13 tháng 1 năm 2024
Ngày bị bắt gần đây nhất: 16 tháng 10 năm 2000
Nơi bị giam cuối cùng: Trại lao động cưỡng bức Đại Liên

Sau 25 năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Đỗ Hoa, sống tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời sau một cơn đột quỵ vào ngày 13 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 63 tuổi.

Ông Đỗ, một kỹ sư nghỉ hưu của Trung Hoa Unicom, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Ông cho rằng môn tu luyện đã giúp ông hồi phục khỏi bệnh khô mắt. Ông sống theo các nguyên lý “Chân–Thiện–Nhẫn ” và luôn cố gắng giúp đỡ người khác.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào năm 1999, cả ông Đỗ và vợ, bà Viên Hiểu Mạn, nhiều lần trở thành mục tiêu bức hại. Năm 2000, ông Đỗ bị kết án ba năm lao động cưỡng bức, cũng như trải qua các hình thức tra tấn dã man. Ngoài tra tấn thể xác, họ còn bắt ông lao động không công, từ đóng gói tăm vào tháng 1 năm 2001, phân loại đậu vào tháng 2 năm 2001, cho đến sản xuất điốt từ tháng 4 năm 2001 đến tháng 10 năm 2003. Sau khi được thả, công an địa phương thường xuyên sách nhiễu và đe dọa ông. Còn bà Viên thì bị bắt năm 2016 vì nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, người đã ra lệnh đàn áp. Sau đó họ đã kết án bà ba năm rưỡi tù giam.

Bị bắt vì không từ bỏ Pháp Luân Công

Ngày 16 tháng 10 năm 2000, ông Đỗ bị bắt tại nơi làm việc lúc khoảng 2 giờ chiều. Sau khi đưa ông tới Đồn công an đường Hưng Công, công an đã hỏi ông còn tu luyện Pháp Luân Công không. Họ nói nếu ông nói không, họ sẽ thả ông; ngược lại, họ sẽ giam cầm ông.

Ông Đỗ chỉ ra rằng ông không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công hay cố gắng trở thành một người tốt. Đáp lại thì công an đã đưa ông tới trại tạm giam Diêu Gia vào chiều hôm đó mà không cung cấp giấy tờ cho gia đình ông.

Vì ông Đỗ là người chăm sóc chính của mẹ ông (bà bị liệt từ ba năm trước), nên tình trạng của bà rất đáng lo ngại.

Công an Tống Ngọc Thần và Trần Hân thường cấm ông Đỗ ngủ trong nhiều ngày và thẩm vấn ông. Ông chỉ được cung cấp mỗi ngày một gói mỳ trong mỗi phiên thẩm vấn. Các bạn tù cùng phòng với ông rất cảm thông nên thường chia sẻ đồ ăn với ông.

Bị tra tấn trong thời hạn ba năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên

Sau 50 ngày bị giam giữ tại trại tạm giam Diêu Gia, ông Đỗ bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên vào đầu tháng 12 năm 2000 để thực hiện bản án ba năm.

Khi mới đến, ông bị giam trong nhóm mới thuộc đội số năm gần hai tháng. Thức ăn vô cùng tệ và các học viên không được cung cấp đủ nước; một số người thậm chí bị buộc phải uống nước không đạt tiêu chuẩn thực phẩm, vốn được dùng để giặt giũ hoặc đổ nhà vệ sinh.

Các cai ngục không cho phép 50 học viên bị giam ở đây tắm rửa hay đánh răng. Thỉnh thoảng họ mới cung cấp một chậu nước, và tất cả phải dùng chung để vệ sinh. Phòng giam bốc mùi đến mức các cai ngục phải che mũi và miệng mỗi khi đi qua. Các tù nhân khác cũng bắt học viên giặt quần áo cho họ và cả cai ngục. Quần áo và giày của học viên, nếu mới hoặc chất lượng tốt, thường bị các tù nhân và cai ngục “mượn” mà không trả lại. Đôi giày đi tuyết mới của ông Đỗ cũng bị mất theo cách này.

Sau khi truyền thông phát sóng “vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn” vào tháng 1 năm 2001, các cai ngục ép buộc học viên phải xem. Biết đây là một chiêu trò tuyên truyền dối trá, các học viên đã mạnh mẽ phản kháng và một số người tuyệt thực để phản đối.

Ngày 19 tháng 3 năm 2001, cai ngục và tù nhân đã ép hàng trăm học viên phải từ bỏ Pháp Luân Công từng người một. Những người từ chối tuân theo bị kéo ra hành lang, đánh đập bằng dùi cui cao su và chích điện bằng dùi cui điện. Tiếng hét đe dọa của những kẻ hành hung, tiếng dùi cui điện lách tách và tiếng kêu thảm thiết của các học viên đã khiến tất cả ai bị giam trong tòa nhà đều khiếp sợ. Sau nhiều giờ tra tấn dã man, nhiều học viên bị ép buộc ký cam kết từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện. Đến gần tối, cuộc tra tấn vẫn chưa dừng lại.

Cai ngục đá vào chân và lưng dưới của ông Đỗ, khiến ông đổ mồ hôi vì đau đớn, nhưng họ vẫn tiếp tục chích điện vào đầu, cổ và tay ông. Ông liên tục ngã quỵ xuống đất.

Dù vậy, ông Đỗ vẫn kiên định với niềm tin vào Pháp Luân Công. Cai ngục Vương Quân đá vào đầu ông khiến ông ngất xỉu và gục xuống sàn. Khi tỉnh lại, ông bị ép cúi gập người trong khi tay bị kéo lên tường. Hình thức tra tấn tương tự lại được lặp lại hai ngày sau, vào ngày 21 tháng 3.

02ef122f98855fcadbe528937c0c3a9d.jpg

Minh hoạ tra tấn: “Bay máy bay”

Tối ngày 22 tháng 3 năm 2001, cai ngục Vương Quân triệu tập ông Đỗ đến phòng làm việc của mình. Cùng với một số cai ngục khác, họ cố ép ông ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi ông từ chối, họ kéo tay ông, bẻ tách chân, treo một tấm bảng có những lời bôi nhọ Pháp Luân Công lên cổ ông và đặt một tờ giấy viết tên Nhà sáng lập Pháp Luân Công dưới chân ông.

Khi ông Đỗ cố gắng tranh luận, họ lột áo và tất của ông, còng tay ra sau lưng, ép ông nằm úp mặt xuống đất, rồi giẫm lên đầu và cổ ông. Ông bị ngạt thở và phải quay đầu để thở. Các cai ngục sau đó đặt một chiếc ghế lên lưng và hông ông, một chiếc khác lên bắp chân và mắt cá chân, rồi cho hai người ngồi lên ghế—khiến ông hoàn toàn không thể cử động. Tiếp theo, họ đổ nước lên người ông và dùng bốn dùi cui điện để chích điện vào các cơ quan nhạy cảm như lòng bàn chân, cổ, lưng, nách và bên trong cánh tay.

Ông Đỗ đau đớn cực độ và hét lên, tiếng kêu thảm thiết đến gây ám ảnh. Một cai ngục đe dọa sẽ nhét dùi cui điện vào miệng ông nếu ông tiếp tục la hét. Nhưng ông không thể kiềm chế được khi họ bắt đầu một đợt tra tấn sốc điện khác.

Một cai ngục chích dùi cui điện vào nách ông, khiến da ông bị bỏng nặng và bốc khói. Sau khi ông ngất vì đau, họ đá vào đầu ông và tháo áo nhét trong miệng ra. Khi ông tỉnh lại, họ tiếp tục chích điện bằng dùi cui điện.

Ngày hôm sau, ông Đỗ vẫn khó khăn khi di chuyển hai chân. Ông đã mất một tháng để hồi phục sức khỏe. Vết sưng ở tay ông không tan trong 10 ngày và mủ thường xuyên chảy ra từ vết thương. Hơn nữa, ông còn bị suy tim nghiêm trọng do hậu quả của những lần tra tấn này.

Trong thời gian ở trại lao động, gia đình chỉ được phép thăm ông vài lần. Đến khi ông được thả vào ngày 15 tháng 10 năm 2003, người ông đầy ghẻ lở và bầm tím. Toàn bộ răng hàm dưới của ông đều bị lung lay.

Quấy rối thờigian dài và bức hại tài chính

Ông Đỗ bắt đầu làm việc tại Cục Bưu chính Viễn thông Đại Liên sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bưu chính Viễn thông Liêu Ninh vào tháng 8 năm 1981. Đến khi nghỉ hưu vào tháng 2 năm 2021, ông đã làm việc được 39 năm 6 tháng. Tuy nhiên, khi tính toán lương hưu, chính quyền đã loại trừ ba năm phục vụ (do thời gian ông bị giam giữ tại trại lao động) khỏi hồ sơ làm việc của ông, khiến khoản thanh toán hàng tháng của ông thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp bắt đầu cùng thời điểm.

Trong Hội nghị quốc tế Davos tổ chức tại Đại Liên năm 2007, công an cố gắng bắt ông Đỗ tại nơi làm việc, nhưng bị nhân viên an ninh ngăn cản, vì họ biết việc bức hại này là bất hợp pháp.

Trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, nơi làm việc của ông Đỗ đã sắp xếp để ông đi công tác ngoài thành phố. Có thể họ biết rằng công an dự định quay lại để bắt ông. Công an có đến nhưng không tìm thấy ông.

Ngày 12 tháng 5 năm 2016, vợ ông, bà Viên, bị bắt tại nhà, sau khi công an phát hiện bà đã nộp đơn kiện cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân một năm trước đó. Mặc dù bà bị cao huyết áp, trại tạm giam địa phương vẫn nhận bà. Bà ra toà tại Tòa án quận Trung Sơn vào ngày 16 tháng 11. Luật sư của bà đã tuyên bố bà vô tội và yêu cầu thả bà. Tuy nhiên, thẩm phán vẫn kết án bà ba năm rưỡi tù và phạt 5.000 nhân dân tệ vào ngày 23 tháng 12 năm 2016. Bà nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Đại Liên, nhưng họ giữ nguyên bản án ban đầu vào ngày 26 tháng 4 năm 2017. Ông Đỗ đã nộp đơn yêu cầu xem xét lại vụ án của vợ mình với tòa phúc thẩm vào tháng 7 năm 2017, nhưng không có kết quả.

Trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022, các nhân viên ở địa phương túc trực trước nhà hai vợ chồng mỗi ngày để giám sát hoạt động hàng ngày và chụp ảnh họ khi ra ngoài.

Báo cáo liên quan:

Washington DC: Mít-tinh kêu gọi trả tự do cho mẹ của công dân Hoa Kỳ, đang bị xét xử ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công

Mẹ của một công dân Hoa Kỳ bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/11/485957.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/17/222107.html

Đăng ngày 29-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share