Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-12-2024]

Họ tên: Xà Hoài Trung
Tên tiếng Hán: 佘怀忠
Tuổi: 70
Thành phố: Giai Mộc Tư
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Chỉ huy lực lực vũ trang
Ngày mất: Ngày 3 tháng 1 năm 2024
Ngày bị bắt gần nhất: Năm 2021
Nơi bị giam cuối cùng: Bệnh viện

Một cư dân 70 tuổi thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào ngày 3 tháng 1 năm 2024 sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công.

Ông Xà Hoài Trung từng là chỉ huy lực lượng vũ trang của Nông trường Thất Tinh, một trong 15 nông trường thuộc chi nhánh Kiến Tam Giang (một đơn vị thuộc Tập đoàn nhà nước Bắc Đại Hoang, trước đây là Cục quản lý khai hoang nông nghiệp tỉnh Hắc Long Giang). Dù nằm trong khu vực thành phố Giai Mộc Tư, Kiến Tam Giang và các nông trường trực thuộc có hệ thống lực lượng vũ trang, công an, viện kiểm sát và tòa án riêng.

Ông Xà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Hai tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông bị sa thải vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình. Sau đó, ông liên tục bị quấy rối và bắt giữ vì đức tin. Đặc biệt, ông bị giam từ tháng 1 năm 2000 đến tháng 4 năm 2005, trong đó có hai lần bị cưỡng bức lao động liên tiếp và sau khi kết thúc án lao động thì đều bị giam tại các trại tẩy não.

Vợ ông, bà Trương Thủ Phân, cũng là học viên Pháp Luân Công, mất việc giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở số 3 Nông trường Thất Tinh. Bà bị giam tổng cộng bốn năm ba tháng vì tín ngưỡng, bị cưỡng ép nộp 5.000 nhân dân tệ sau một lần bị giam giữ và bị nhà trường trừ đi hơn 5.000 nhân dân tệ sau một lần tạm giam khác. Báo cáo liên quan ở bên dưới là chi tiết về trường hợp bức hại của bà Trương. Bà qua đời ngày 29 tháng 9 năm 2017.

Vì bị giam và ngược đãi thời gian dài nên sức khỏe ông Xà suy yếu nghiêm trọng. Sau khi được thả vào năm 2005, ông bán nhà và làm việc lặt vặt để kiếm sống. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu nên ông lao động khó khăn. Nông trường Thất Tinh và chi nhánh Kiến Tam Giang từ chối giúp đỡ ông. Vào năm 2006, Nông trường Thất Tinh đã trả khoản trợ cấp thôi việc cho các nhân viên bị sa thải vào những năm trước, nhưng ông Xà không được trả.

Hai con gái của họ lớn lên trong sợ hãi và sống nhờ ông bà nội nuôi dưỡng. Con gái út của họ còn bị nhà trường cử học sinh đến giám sát tại nhà ông bà nội. Con gái lớn, sau khi chuyển đến một tỉnh khác, cũng bị nhân viên Nông trường Thất Tinh quấy rối tại nhà.

Cha mẹ ông Xà cũng bị chính quyền liên lụy và liên tục bị sách nhiễu. Mẹ ông, bà Bạch Thúy Bình, qua đời năm 2018. Cha ông, ông Xà Kiến Triêu, từng là nhân viên Trường trung học số 2 Nông trường Thất Tinh, qua đời ngày 3 tháng 1 năm 2023.

Lao động cưỡng bức lần đầu và bị giam tại trại tẩy não (27/1/2000 – 25/12/2001)

Ngày 27 tháng 1 năm 2000, phó bí thư nông trường Thất Tinh, Thôi Vỹ, lại yêu cầu ông Xà Hoài Trung từ bỏ đức tin của mình. Khi ông Xà từ chối hợp tác, họ đưa ông đến trại tạm giữ thuộc Phòng công an trang trại Thất Tinh (gọi tắt là “Trại tạm giữ Thất Tinh”). Tại đây, nhiều học viên địa phương cũng bị giam cầm và có quá nhiều người đến mức không còn chỗ nằm vào ban đêm.

Đầu tháng 2 năm 2000, các sĩ quan Vương Quân Lợi và Chu Kiến Hoa còng tay ông Xà ra sau lưng, bịt mắt và đưa ông đến trại tạm giam thuộc Phòng công an nông trại Sáng Nghiệp (cũng thuộc chi nhánh Kiến Tam Giang). Trong hai ngày đầu, ông không được ăn uống gì. Bắt đầu từ ngày thứ ba, lính canh cho ông mỗi ngày một chiếc bánh bao hấp. Sau một tuần, họ tăng lên bốn chiếc bánh mỗi ngày. Trong phòng giam, chuột chạy lung tung, và ông cùng các tù nhân khác phải đi vệ sinh vào một cái chậu vì không có bô.

Khoảng tháng 4 năm 2000, họ đưa ông trở lại Trại tạm giữ Thất Tinh. Tháng 9 cùng năm, ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức, với thời gian bắt đầu từ ngày 27 tháng 1 năm 2000 và kết thúc vào cuối tháng 1 năm 2001. Tuy nhiên, bản án của ông bị kéo dài đến tháng 7 năm 2001.

Ngày ông dự kiến được thả, lính canh Cao và Phan từ Trại lao động Tuy Hóa bàn giao ông Xà cho Lý Chấn Bưu (trưởng Phòng 610 nông trường Thất Tinh) và Trần Lâm An (phó bí thư nông trường Thất Tinh). Hai người này giam ông Xà trong một khách sạn và sắp xếp nhân viên từ 26 phòng ban của nông trường Thất Tinh thay phiên nhau giám sát ông.

Hai mươi sáu ngày sau, Phòng công an nông trường Thất Tinh chuyển ông Xà đến Đội số 29 của nông trường và bố trí tám người thay nhau canh giữ ông. Tháng 9 năm 2001, ông bị đưa trở lại Trại tạm giữ Thất Tinh và bị giam đến ngày 25 tháng 12 năm 2001.

Lầnlao động cưỡng bức thứ hai và bị giam tại trại tẩy não (30/12/2001 – 4/2005)

Năm ngày sau khi được thả, vào ngày 30 tháng 12 năm 2001, ông Xà bị bắt một lần nữa khi đến thăm ông Điền Bảo Ngọc cùng ông Thạch Mạnh Xương (cả hai đều là học viên Pháp Luân Công).

Hóa ra công an đã nghe lén điện thoại của ông Điền và biết được cuộc gặp này. Vu Vinh, đội trưởng Đội an ninh nội địa chi nhánh Kiến Tam Giang, và Lưu Tông Sơn, phó Phòng công an nông trường Thất Tinh, dẫn theo khoảng năm sĩ quan đột nhập vào nhà ông Điền và bắt giữ ba người. Nhà của cả ba học viên bị lục soát, và vài tuần sau, họ bị kết án ba năm lao động cưỡng bức.

Trại lao động Tuy Hóa từ chối nhận ông Xà sau khi kiểm tra y tế bắt buộc phát hiện ông bị bệnh tim. Tuy nhiên, các sĩ quan Chu Ký và Chu Kiến Hoa, người đưa ông đến đó, đã tận dụng quan hệ để ép buộc trại lao động nhận ông Xà.

Trong trại lao động, các lính canh yêu cầu ông đọc tài liệu và xem video bôi nhọ Pháp Luân Công. Mỗi khi ông từ chối, họ đánh đập ông. Họ còn đe dọa dùng dùi cui điện để tra tấn ông. Sau đó, ông bị biệt giam 19 ngày, với hai tù nhân thay phiên giám sát toàn thời gian.

Những hình thức tra tấn khác mà ông trải qua bao gồm bị ép ngồi bất động trên ghế nhỏ suốt hơn 10 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định với niềm tin của mình. Một ngày mùa thu năm 2004, đội trưởng Phạm Hiểu Đông đã đá vào bụng ông khiến ông ngã xuống đất. Khi ông đứng dậy, đội trưởng Phạm lại đá ông ngã xuống. Khi ông đứng dậy lần nữa, Phạm túm cổ áo, tát mạnh vào mặt ông và đập đầu ông vào tường. Sau đó ông Phạm tiếp tục hỏi ông Xà vẫn kiên định đức tin của mình không và ông trả lời có. Phạm sau đó đánh vào đầu ông Xà rồi bỏ đi.

Khi không bị tra tấn, họ bắt ông lao động không công suốt 16 tiếng mỗi ngày. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, ông bị đánh đập và lăng mạ. Mái tóc ông bạc trắng, khuôn mặt nhăn nheo, lưng còng xuống, và đi lại khó khăn.

Bản án của ông Xà kết thúc vào tháng 1 năm 2005, nhưng Phòng 610 chi nhánh Kiến Tam Giang chỉ đạo Viên Tân Nghiêu từ Phòng 610 nông trường Thất Tinh đưa thẳng ông Xà đến Trại tẩy não nông trường Thất Tinh. Ông bị giam thêm ba tháng trước khi được thả.

Tạm giam 21 ngày trong tháng 10 năm 2006

Lưu Tông Sơn, phó Phòng công an nông trường Thất Tinh, cùng hơn chục người đã đột nhập vào nhà ông Xà trong một ngày tháng 10 năm 2006. Bốn sĩ quan túm lấy ông và đưa ông lên xe. Hai sĩ quan khác giữ chặt vợ ông dưới đất. Một sĩ quan thứ năm tên Doãn Đông đã đẩy và thúc đầu gối vào cha ông Xà, khi đó gần 80 tuổi.

Khi ông Xà chất vấn lý do vì sao công an bắt giữ những người tốt như ông, sĩ quan Vương Quân Lực và những người khác đã vặn tay ông và giữ ông trên xe. Công an Vương thừa nhận rằng nếu không đàn áp những người tốt, ông ta sẽ không thể được thăng chức.

Ông Xà tuyệt thực trong 21 ngày và bị bức thực ba lần. Tình trạng sức khỏe của ông trở nên nguy kịch, ông được thả vào cuối ngày thứ 21 theo yêu cầu mạnh mẽ từ gia đình.

Bị theo dõi năm 2014 vì liên quan đến sự việc Kiếm Tam Giang

Năm 2014, hơn mười học viên từ nông trường Thanh Long Sơn thuộc chi nhánh Kiến Tam Giang bị bắt vì đức tin của họ. Sau khi thông tin này lan truyền, ông Xà cùng các học viên khác đã làm việc với luật sư của những người bị bắt để tìm cách giải thoát cho họ. Một số luật sư sau đó cũng bị bắt và đánh đập. Ông Xà cũng bị giám sát chặt chẽ.

Hai chiếc xe tuần tra được bố trí trước và sau nhà ông, giám sát ông suốt ngày đêm. Đèn pha của các xe luôn bật sáng cả ngày, kể cả ban đêm. Công an thậm chí dùng dây thép để khóa cửa sau nhà ông. Một lần, khi ông và một luật sư đến tham dự phiên tòa của một học viên bị bắt, sĩ quan Lưu Trường Hà đã bám theo và cố ngăn cản xe của ông.

Cưỡng ép lấy máu vào năm 2018

Ngày 20 tháng 4 năm 2018, khi ông Xà vừa về đến nhà thì ba người không rõ danh tính chặn ông bên ngoài nhà xe. Sau hơn mười phút giằng co, Lý Kiện, nhân viên an ninh của nông trường Thất Tinh, và một sĩ quan công an xuất hiện. Họ đưa ông Xà đến Phòng công an nông trại Thất Tinh để lấy mẫu máu. Khi ông từ chối cung cấp mẫu máu, Lý đã chỉ đạo khoảng năm sĩ quan ấn đầu ông xuống bàn và cưỡng ép lấy máu của ông.

15 ngày giam giữ trong chiến dịch “xóa sổ” năm 2021

Trong chiến dịch “xóa sổ” năm 2021, nhằm ép buộc tất cả các học viên nằm trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ đức tin, nông trường Thất Tinh đã thành lập một “lực lượng đặc nhiệm chuyển hóa” gồm sáu thành viên để làm việc trực tiếp với ông Xà. Sau khi ông đến văn phòng của họ để giải thích sự thật, họ tạm dừng việc gây áp lực lên ông.

Tuy nhiên, vì ông vẫn kiên định với đức tin, lực lượng đặc nhiệm bị đánh giá là làm việc không hiệu quả và được lệnh tiếp tục “chuyển hóa” ông. Trong khoảng hai tháng, họ đến nhà ông mỗi ngày. Ông Xà chiếu các video giải thích tính phi pháp của cuộc đàn áp và sự tốt đẹp của Pháp Luân Công. Các thành viên trong lực lượng đặc nhiệm khá tiếp nhận nội dung này. Điều này khiến Phòng công an nông trường Thất Tinh tức giận vì ông Xà đã “chuyển hóa ngược” các thành viên của lực lượng đặc nhiệm và quyết định giam giữ ông 15 ngày. Do ông không qua được bài kiểm tra sức khỏe bắt buộc, công an đã giam ông tại Bệnh viện Thành phố Đồng Giang trong 15 ngày.

Sau khi được thả khỏi bệnh viện, ông bắt đầu cảm thấy tê một chân, sau đó bị đột quỵ và qua đời vào ngày 3 tháng 1 năm 2024.

Báo cáo liên quan:

Tinh thần bà Trương Thủ Phân suy sụp vì bức hại (Ảnh)

Bà Trương Thủ Phân bị đưa đến trại tẩy não. Chồng bà bị giam ở trại lao động

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/8/485890.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/9/222009.html

Đăng ngày 22-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share