Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-09-2024] Trong cuộc sống, nhất là trong cuộc sống gia đình, khi xử lý những mâu thuẫn nhỏ hay xung đột nhỏ giữa người với người thì mỗi một suy nghĩ mỗi một niệm đầu là vì đối phương hay vì bản thân, thì biểu hiện của bản thân trong mỗi việc sự việc nhỏ nhặt đó nhìn thì bình thường, dường như chỉ là tình cờ, nhưng kỳ thực chúng đều là những bài thi. Thần đều đang nhìn vào biểu hiện của chúng ta, tập trung ghi lại và đánh giá cực kỳ nghiêm túc, bởi vì đây là một phần trong quá trình tu luyện của chúng ta.

Con trai và gia đình cháu về thăm chúng tôi. Nhiều người hơn thì sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn và khảo nghiệm đối với một người tu luyện cũng tăng lên. Vậy khi khảo nghiệm nhiều lên thì tôi phải làm thế nào để vượt qua đây? Không để ý thì không thấy có vấn đề gì, nhưng một khi để tâm xem xét lại hành vi của mình, tôi nhận ra trạng thái tu luyện của mình khá rối ren. Chỉ cần suy ngẫm về những điều nhỏ nhặt hàng ngày trong vài tuần qua đã đủ thấy rằng cuộc sống thường ngày của tôi đã tách rời với việc tu luyện. Điểm số của tôi trong bài thi này gần như bằng không mất rồi.

Tâm oán hận và mong muốn được công nhận

Tôi và vợ tôi (là học viên) ghé qua nhà của một học viên khác. Họ bật hai cái quạt, một cái cho họ và một cái cho tôi trong lúc tôi đang làm một hạng mục Đại Pháp. Lúc gần đến giờ phát chính niệm, cả hai đều bước ra khỏi phòng. Tôi nán lại thêm vài phút và thấy họ vẫn chưa tắt quạt. Tôi nghĩ: “Sao họ phải vội thế? Không tắt quạt mà đã đi ra rồi”. Tôi vừa tắt quạt vừa nghĩa: “Mình phải nói với họ về việc này”. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra rằng phía sau việc tôi muốn phê bình họ chính là tâm oán hận và gốc rễ của nó là tâm muốn thể hiện bản thân. Là một người tu luyện, tôi nên yên lặng viên dung và làm những gì cần làm, tôi chẳng phải chỉ cần tắt quạt đi là xong sao?

Một chuyện nhỏ phơi bày tâm hiển thị

Gần đây, khi xử lý một số công việc, tôi muốn nhân cơ hội này để đưa một cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp cho một học viên mới. Tôi tính chia sẻ ngắn gọn với anh ấy về tầm quan trọng của việc học Pháp. Tuy nhiên, sau khi đến nơi, tôi thấy anh ấy đang sửa ấm nước nóng. Tôi hỏi anh ấy có vấn đề gì vậy và anh ấy nói rằng công tắc bị hỏng. Vì tôi thường làm việc sửa chữa đồ đạc trong các hạng mục và trước đây đã từng sửa chữa nhiều đồ đạc cho nhà anh ấy, nên tôi nghĩ: “Việc này đơn giản thôi!”

Tôi không chút do dự liền nhảy vào giúp. Tuy nhiên, tháo ấm ra thì dễ mà lắp vào mới khó. Sau một hồi loay hoay tôi vẫn không lắp được. Vì vẫn còn việc cần giải quyết nên vợ tôi hối thúc tôi nhanh lên một chút. Vậy là tôi đành phải bỏ dở việc sửa chữa và rời đi và mục đích chính đến gặp anh ấy tôi cũng chưa kịp nói. Khi nghĩ lại chuyện đó, tôi nhận ra rằng: Anh ấy đang yên ổn sửa đồ thì tôi không được nhờ mà tự nhảy vào, đây chẳng phải là muốn khoe khoang bản thân sao? Tôi chẳng phải là muốn phô diễn những kỹ năng của mình và muốn được khen ngợi một chút sao?

Tự cho mình là trung tâm

Vợ tôi thường nói rằng cái tâm coi mình là trung tâm của tôi rất mạnh mẽ, nhưng tôi không phục và bảo cô ấy hãy đưa ra ví dụ. Cô ấy nói: “Mọi chuyện đều phải anh là người đưa ra quyết định cuối cùng. Một số việc nhìn thì như là chúng ta đang thảo luận, nhưng nếu không hợp ý anh, anh sẽ nói mãi cho đến khi người khác phải đồng ý với anh thì mới thôi.

“Hôm đó, khi chúng ta đưa cháu trai đến công viên ven sông, em đã bảo anh đừng đỗ xe ở khu vực bãi cỏ và để em xuống xe trước. Thế nhưng anh vẫn đỗ xe trên bãi cỏ và để em xuống xe ở đó khiến chúng ta phải đi bộ. Anh biết rõ là em không thích bãi cỏ là bởi nó đầy bụi bẩn và côn trùng mà”.

Tôi nghĩ: “Đúng vậy! Lúc đó lý do của tôi là bãi cỏ ở gần sân chơi. Nếu tôi dừng xe thêm một lần nữa thì chẳng phải là lãng phí nhiên liệu sao? Tôi luôn nghĩ mọi thứ từ góc độ của bản thân và không cân nhắc đến người khác, đây là tự cho mình là trung tâm và ích kỷ!

Sư phụ dạy chúng ta: “tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã” (“Phật tính vô lậu”Tinh tấn yếu chỉ). Chẳng phải những chi tiết nhỏ nhặt này chính là sự phản ánh chân thực nội tâm tôi hay sao? Nếu tôi không chân chính thực tu thì làm sao tôi còn có thể gọi mình là người tu luyện được?

Không thể tiếp nhận lời phê bình

Khi vợ tôi đang làm việc nhà thì tôi ở trong bếp nấu ăn. Lúc tôi vừa bưng đồ ăn lên bàn và chuẩn bị đi lấy đũa thì cô ấy nói: “Anh không lấy đũa cho em rồi”. Tôi ngay lập tức nổi giận và quát: “Em không thể tự lấy được à?” Cô ấy chỉ ra rằng tôi đang tức giận. Sau này nghĩ lại, tôi thấy cô ấy nói không hề vô lý, vậy tại sao tôi lại cáu giận? Tôi nhận ra tôi cảm thấy rất hài lòng về bữa ăn mà bản thân chuẩn bị, nhưng tôi lại bực bội khi cô ấy chỉ ra những thiếu sót của mình. Có vẻ như tôi không thể chấp nhận lời được lời phê bình, tôi chỉ muốn người khác khen ngợi mình. Nếu tôi sợ bị chỉ trích, làm sao tôi có thể thực sự đề cao? Đây chẳng phải là một chấp trước lớn sao?

Âm thầm viên dung người khác

Sau khi vợ tôi giặt quần áo, cô ấy nhờ tôi đem phơi chúng và nói: “Anh hãy giũ quần áo nhé, nhiều mảnh vụn của giấy ăn còn dính trên đó. Bọn trẻ đút giấy ăn vào túi quần áo mà quên không lấy ra”. Tôi nổi cáu nói: “Em bảo với chúng rằng giấy ăn vương ra kín máy giặt rồi”.

Vợ tôi nhẹ nhàng đáp: “Bọn trẻ biết mà; là em quên kiểm tra lại để lấy ra. Chúng ta nên lặng lẽ viên dung cho nhau. Nếu có điều gì đó chưa làm được tốt, chúng ta chẳng phải nên giải quyết nó thay vì đổ lỗi cho người khác sao? Đổ lỗi cho người khác chính là biểu hiện của tâm bất thiện”.

Hướng nội tìm, cải biến bản thân và không đổ lỗi cho người khác

Khi con trai đưa gia đình đến thăm chúng tôi, cháu trai tôi thường được bố mẹ nó tắm rửa cho rồi đưa về phòng riêng của bố mẹ cháu. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng con trai lại bắt đầu đưa cháu đến phòng chúng tôi và nói rằng cháu bé đang tìm chúng tôi. Vào đêm trước khi gia đình con trai tôi rời đi, lúc đó đã hơn 10 giờ mà vợ chồng cháu vẫn chưa đến đón đứa nhỏ.

Tôi thấy hơi khó chịu, đã muộn như vậy rồi mà sao vợ chồng con trai còn không đến đón cháu? Chúng tôi cần phát chính niệm vào lúc nửa đêm và chúng tôi thường luyện công vào lúc 3 giờ sáng. Tôi đã bực mình và nói rằng tôi sẽ đưa cháu trai đến chỗ bố mẹ cháu, nhưng vợ tôi ngay lập tức ngăn tôi lại và nói: “Xem cái tính khí nóng nảy của anh kìa; anh không nhẫn một chút được ư? Đây là đêm cuối các con ở chơi; chỉ là chúng ta phải ngủ ít hơn một chút thôi. Hơn nữa, anh luôn đổ lỗi cho người khác chứ không nhìn vào bản thân mình. Anh cứ chơi đùa nhiều với cháu trai, nên cháu rất hào hứng và muốn ở lại”. Quả nhiên, khi chúng tôi ngừng chơi với cháu, chưa đầy hai phút sau cháu đã bắt đầu gọi tìm mẹ.

Chúng ta cần phải chú ý đến ngay cả những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của mình, vì chúng là những bước không thể thiếu trên con đường tu luyện của chúng ta, tất cả đều liên kết với nhau và là các bậc thang giúp chúng ta đề cao. Mỗi khoảnh khắc nên được xem như một bài kiểm tra quan trọng và chúng ta không nên tùy tiện nộp giấy trắng mà bỏ qua những cơ hội này. Mặc dù tôi không thể mong cầu mọi lần mình đều vượt qua được tốt, nhưng tôi quyết tâm xem bản thân là một người tu luyện và cố gắng không bỏ qua bất kỳ một bài kiểm tra nào.

Để giúp bản thân đề cao, tôi đã viết ra những suy xét của mình về cách tôi xử lý những vấn đề nhỏ nhặt. Tại mỗi thời khắc và đối mặt với mỗi một sự việc, tôi sẽ luôn nhắc nhở bản thân không được quên mình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/27/483342.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/19/221285.html

Đăng ngày 22-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share