Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-10-2024] Có lần, một học viên Pháp Luân Đại Pháp đã nói với tôi rằng vì một học viên khác chưa từng bị bức hại nên cô ấy cảm thấy học viên đó tu luyện tốt hơn mình, còn cô ấy đã từng bị bức hại rồi. Tôi không đồng ý với cô, vì Sư phụ chưa bao giờ dạy rằng chúng ta nên đánh giá việc tu luyện của mình tốt ra sao dựa trên việc chúng ta có bị bức hại hay không.

Tôi đã chia sẻ thể ngộ của mình rằng là các học viên Đại Pháp, những suy nghĩ của chúng ta nên xuất phát từ Pháp, chứ không phải từ những ý thích cá nhân, những cảm xúc hay suy luận của người thường. Ý niệm của chúng ta phải dựa trên Pháp. Chỉ khi đó lời nói của chúng ta mới có thể mang theo lực lượng của Đại Pháp. Học viên đó đã đồng ý với tôi.

Nhiều năm trước, một học viên khác khẳng định rằng do con trai cô đã hành động đúng đắn ở một phương diện nào đó, nên sau đó cậu ấy được phúc báo khi có một công việc tốt và thu nhập khá. Tôi nghĩ rằng thể ngộ này có vẻ là trái ngược hẳn với các nguyên lý của Pháp. Tôi đã nhắc nhở cô ấy rằng cô không nên đo lường những hành động của con trai mình qua thành công về mặt tài chính, mà phải bằng những tiêu chuẩn của Pháp.

Tương tự như hai sự việc trên, tôi đã quan sát thấy nhiều học viên có những quan điểm bị ảnh hưởng bởi tâm tật đố, tâm oán hận, hoặc bởi quan điểm của những người khác, thay vì phù hợp với Pháp.

Gần đây, tôi đã trải qua một tình huống khiến tôi nảy sinh tâm sợ hãi, và tâm trí tôi tràn ngập những suy nghĩ bất an. Khi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã tự hỏi: Sư phụ đã giảng gì về điều này trong Pháp?

Sư phụ giảng:

“Đã mang danh đệ tử Đại Pháp, cớ sao trong khi chịu bức hại lại phải sợ bè lũ tà ác?” (“Chính niệm của đệ tử Đại Pháp có uy lực”,Tinh Tấn Yếu Chỉ II )

Điều đó nhắc nhở tôi rằng: Là một đệ tử Đại Pháp, tại sao tôi phải khiếp sợ? Được tiếp thêm sức mạnh bởi chính niệm từ Pháp, tôi đã giải thể tâm sợ hãi của mình, và nó biến mất ngay lập tức. Sau đó, một học viên khác đã khích lệ và giúp tôi gia cường chính niệm. Tôi thấy nhẹ nhõm hơn, cảm thấy biết ơn sự chỉ dẫn của Sư phụ và sự hỗ trợ của các đồng tu.

Vài năm trước, một học viên đã đối xử tệ với tôi. Lúc đó, mặc dù tôi giữ im lặng, nhưng tôi rất tức giận. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng loại bỏ những cảm xúc tiêu cực về cô ấy nhưng không được. Điều đó khiến tôi rất đau khổ. Tôi quyết định học thuộc cuốn Chuyển Pháp Luân, tìm kiếm câu trả lời từ những lời dạy của Sư phụ.

Khi tôi học tới đoạn: “Chúng tôi giảng Chân Thiện Nhẫn; ‘Thiện’ của chư vị cũng chẳng còn có nữa” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân). Lúc đó, tôi đã ngộ ra được. Ngay cả khi phải chịu đau khổ, nếu không có tâm từ bi thì tôi sẽ thành người thế nào đây? Vào khoảnh khắc đó, Sư phụ đã xóa bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực của tôi về cô ấy. Sức mạnh của Pháp đã thanh lọc tâm trí tôi ngay lập tức.

Khi viết bài chia sẻ này, tôi nhớ lại một khổ nạn mà tôi đã phải đối mặt sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1997. Vào mỗi buổi tối, tôi tham gia học Pháp nhóm và nhờ chồng chăm sóc đứa con hai tuổi của chúng tôi. Chồng tôi thường gây rắc rối và không muốn tôi rời nhà để tham gia học Pháp. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng có lẽ anh ấy không muốn chăm sóc con một mình hoặc anh ấy cảm thấy không công bằng khi phải chăm con như vậy sau cả ngày làm việc. Khi thiếu đi chính niệm mạnh mẽ, tôi chỉ có thể nhìn nhận tình huống từ góc độ người thường. Nếu tôi không dung dưỡng những quan niệm người thường, chính niệm của tôi đã nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn giữa chúng tôi.

Các học viên địa phương chúng tôi đang nỗ lực giải cứu những học viên bị bắt giữ gần đây, nhưng nhiều hành động của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những quan niệm người thường. Một số học viên tin rằng số lượng tài liệu Đại Pháp bị tịch thu có liên quan trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của bản án tù của họ, đó là một ý niệm sai lệch. Và vì chúng tôi nghe nói rằng một học viên bị bắt đã tiết lộ thông tin về một học viên khác, chúng tôi đã bắt đầu mất hy vọng vào nỗ lực giải cứu đối với học viên đó.

Sư phụ đã giảng:

“Phía mặt chư vị tu tốt đều biết đó là gì rồi, tôi không thừa nhận hết thảy an bài của cựu thế lực và cuộc bức hại hiện nay”. (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Vào những lúc như thế, nếu chúng ta nhớ lại những lời dạy trên của Sư phụ, chúng ta có thể vượt qua được cái logic của người thường. Chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng những suy nghĩ này đến từ đâu: Chúng có phải là những quan niệm người thường không? Có phải chúng là do cựu thế lực cưỡng ép vào không? Liệu ý niệm của chúng ta có phù hợp với Pháp không?

Tương tự như vậy, khi giúp các đồng tu vượt quan nghiệp bệnh, những quan niệm người thường thường nảy sinh. Chúng ta phải luôn tìm kiếm những lời dạy của Sư phụ về vấn đề này và ngộ ra từ Pháp.

Phần kết

Khi những mâu thuẫn xảy ra, thay vì tập trung nhìn vào lỗi của người khác, chúng ta nên ngồi lại với nhau và đối chiếu xem Pháp giảng điều gì, điều này sẽ giúp chúng ta cùng nhau đề cao. Nếu hai học viên chia sẻ những quan điểm tiêu cực về người thứ ba và tiếp tục thảo luận về điều đó, thì đó là một dấu hiệu cảnh báo. Trong mọi tình huống, cho dù là việc giải cứu đồng tu hay giúp đỡ các học viên vượt quan nghiệp bệnh, chúng ta phải đo lường những suy nghĩ và hành động của mình dựa trên Pháp và chiểu theo lời dạy của Sư phụ. Bằng cách đó, môi trường tu luyện của chúng ta sẽ trở nên chân chính hơn, và các chấp trước, suy nghĩ và cảm xúc của người thường sẽ không ảnh hưởng đến chúng ta.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta:

“Này các đệ tử! Chư vị không được tuỳ tiện lấy bất kể danh từ nào mà mọi người đều dùng, đều nói, đó chẳng phải là thêm những thứ của con người vào trong Đại Pháp sao?

“… trong tu luyện tôi giảng như thế nào thì chư vị nói như thế” (“Phật tính vô lậu”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Chúng ta chỉ có thể thực sự đồng hóa với Pháp khi chúng ta loại bỏ các quan niệm người thường và suy nghĩ mọi việc dựa trên Pháp.

Đây là những thể ngộ cá nhân của tôi. Xin hãy chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/19/483073.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/21/221313.html

Đăng ngày 20-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share