Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Canberra
[MINH HUỆ 08-11-2024] Từ ngày 4 – 7 tháng 11 năm 2024, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tập trung trước Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc để tổ chức thỉnh nguyện ôn hòa kêu gọi Hạ viện Úc thông qua một sửa đổi luật giúp chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các học viên đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 6 tháng 11 năm 2024. Cả các học viên và luật sư nhân quyền Úc đã lên tiếng phản đối nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ đang diễn ra và phân tích rõ về tầm quan trọng của việc chính phủ liên bang thông qua luật liên quan để ngăn chặn có thêm người Úc vô tình tham gia vào nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp.
Vào buổi chiều, các thành viên liên đảng của Quốc hội đã tổ chức một diễn đàn về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống, thu hút nhiều người tham gia, trong đó có các chính trị gia Úc, chuyên gia pháp lý và ủy viên nhân quyền. Ông Trình Bội Minh, một người sống sót sau vụ cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, đã làm chứng thông qua một cuộc gọi video. Ông kể lại trải nghiệm rùng rợn của mình khi bị thu hoạch nội tạng và trả lời các câu hỏi.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp kêu gọi chính phủ Úc hành động để chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ trong các sự kiện trước Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, ngày 4-7 tháng 11 năm 2024.
Tầm quan trọng của việc thông qua các biện pháp pháp lý để giúp chấm dứt hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống
Bà Madelene Bridget, luật sư nhân quyền người Úc, tham dự buổi họp báo vào ngày 6 tháng 11 năm 2024.
Bà Madelene Bridget, một luật sư nhân quyền người Úc, đã phát biểu trong buổi họp báo ngày 6 tháng 11 năm 2024 rằng: “Hôm nay, tôi có mặt ở đây để nói về một số điều khoản luật tại nước Úc đây cần phải thay đổi. Quốc hội hiện đang xem xét một dự luật, theo đó, nếu bạn đi du lịch nước ngoài, khi trở về, bạn sẽ phải điền vào phiếu nhập cảnh của mình rằng bạn đã ghép tạng ở nước ngoài hay chưa”.
Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua dự luật này và cho biết, “Úc có thể cần lưu tâm hơn đến số người thực sự đi nước ngoài ghép tạng. Hiện tại, Úc không thu thập dữ liệu đó. Là một quốc gia, nhưng chúng ta không biết có bao nhiêu người đi nước ngoài để ghép tạng, nguồn tạng họ lấy từ đâu và liệu các tạng đó có được lấy hợp pháp và có đạo đức hay không. Vì vậy, dự luật này hết sức quan trọng. Chúng tôi kêu gọi Quốc hội liên bang thông qua luật này, và điều đó cũng có nghĩa là Úc sẽ đồng thuận với nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới có luật tương tự. Việc Quốc hội liên bang thông qua luật để ngăn chặn và phòng ngừa nạn buôn bán nội tạng ở nước ngoài, đặc biệt là nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc thực sự quan trọng.”
Thương mại không nên đánh đổi bằng Nhân quyền và các nguyên tắc cơ bản
Tiến sĩ Lucy Triệu, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc
Tiến sĩ Lucy Triệu, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, phát biểu: “Pháp Luân Đại Pháp đã bị bức hại và nội tạng của các học viên đã bị thu hoạch trong 25 năm qua. Nhiều quốc gia đã hành động. [Những] quốc gia này bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Canada. Những quốc gia này đã thông qua luật cấm cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống. Tháng 8 năm 2024, Thượng viện Úc đã thông qua phần đầu của dự luật về chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống. Chúng tôi hy vọng rằng dự luật này sẽ được Hạ viện ủng hộ và được thông qua thành luật chính thức.“
“Việc chấm dứt hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống là vấn đề nhạy cảm đối với chính phủ Úc vì họ phải cân nhắc đến mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Chúng tôi không phản đối việc giao thương với Trung Quốc, nhưng không nên giao thương bằng cách đánh đổi nhân quyền. Nếu nhân quyền và các nguyên tắc cơ bản bị bỏ qua trong quá trình giao thương, nước Úc không được lợi gì cả, mà còn có hại”, bà cho biết.
Thảm kịch vẫn đang tiếp diễn
Ông John Deller, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc
Ông John Deller, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc, cho biết: “Một số bệnh nhân Úc đã đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng. Hiện vẫn chưa xác định được liệu các nội tạng đó là hợp pháp hay từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp hoặc các tù nhân lương tâm khác bị giết ở Trung Quốc – chỉ biết do Đảng Cộng sản Trung Quốc bán ra. Thật là một thảm kịch khi hệ thống bệnh viện quân y và các bác sĩ có thể kiếm tiền từ việc giết các tù nhân lương tâm để mổ lấy nội tạng, rồi bán chúng cho những người tuyệt vọng trên khắp thế giới. Chúng tôi rất mong các nghị sĩ và thượng nghị sĩ hiểu được thảm kịch này và áp dụng luật pháp Úc để khắc phục tình trạng đó. Tôi hy vọng chính phủ Úc sẽ đứng lên và lên tiếng phản đối việc cấy ghép nội tạng phi pháp”.
Học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ phi pháp và bị ép xét nghiệm máu và khám sức khỏe nhiều lần
Cô Trang, một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã kể lại những trải nghiệm của cô và người nhà bị ép phải lấy máu trong khi bị giam giữ tại các trại giam, trại lao động, nhà tù và đồn công an. Cô cho biết: “Tôi đã bị kết án phi pháp vào trại lao động cưỡng bức trong hai năm, từ tháng 1 năm 2001 đến tháng 12 năm 2002. Trong thời gian này, tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tại Thượng Hải đều bị lấy máu ít nhất hai lần. Tôi lại bị kết án phi pháp hai năm, từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 12 năm 2013. Trước khi bị chuyển từ Trại tạm giam Phố Đông Thượng Hải đến Nhà tù Nữ Thượng Hải vào tháng 8 năm 2012, lính canh trại giam đã đưa tôi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng thể chi tiết bao gồm lấy máu, siêu âm, chụp CT và chụp X-quang. Lính canh của trại giam nói với tôi rằng chỉ những học viên Pháp Luân Đại Pháp mới phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế kỹ lưỡng như vậy”.
Cô ấy cũng kể rằng khi mẹ và chồng cô bị kết án bất hợp pháp vào trại lao động cưỡng bức, họ cũng bị lấy máu. Cô nói, “Chúng tôi biết rằng các cuộc kiểm tra sức khỏe chỉ là bước chuẩn bị cho mưu đồ cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống”.
Diễn đàn về tội ác của ĐCSTQ thúc giục Úc thông qua dự luật giúp chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng
Chiều ngày 6 tháng 11 năm 2024, các nhà lập pháp liên bang từ các đảng khác nhau đã phối hợp tổ chức một diễn đàn tại Tòa nhà Quốc hội, và chủ đề về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ lại một lần nữa trở thành tâm điểm.
Ông Trình Bội Minh, được biết đến là người đầu tiên sống sót sau vụ cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, đã làm chứng qua video. Ông kể lại trải nghiệm đau thương của mình khi bị mổ lấy nội tạng trong khi vẫn đang sống. Những người tham gia đã thúc giục chính phủ Úc hành động theo luật và tham gia phòng trào quốc tế chống lại nạn thu hoạch nội tạng sống.
Bà Madeleine Bridgett, luật sư nhân quyền và diễn giả tại hội thảo, đã ca ngợi lòng dũng cảm của ông Trình. Bà kêu gọi chính phủ Úc thực hiện các biện pháp pháp lý cứng rắn hơn để ngăn chặn tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống.
Ông Trình cho biết, “Một đêm nọ, tôi bị chuyển từ Nhà tù Đại Khánh đến Bệnh viện Đại Khánh số 4. Tôi bị sáu cảnh sát khống chế và gây mê mà không có sự đồng ý của tôi. Tôi tỉnh dậy sau vài ngày hôn mê và cơn đau từ ca phẫu thuật thật khủng khiếp”.
Ông Trình có một vết rạch dài 35 cm ở bên trái ngực. Cho đến nay, ông vẫn bị đau âm ỉ ở cánh tay trái và xương sườn, nhất là vào những ngày mưa hoặc khi ông mệt mỏi. Các chuyên gia cấy ghép và chuyên gia y tế đã xác nhận qua các lần chụp CT gần đây rằng ông Trình đã bị mất một phần gan trái và một nửa thùy dưới của bên phổi trái.
Lời kể của ông Trình đã cung cấp bằng chứng thuyết phục khiến những người tham gia bàng hoàng. Trải nghiệm của bản thân ông đã làm tăng niềm tin và quyết tâm cho tất cả các đảng phái chính trị tại Úc trong việc thúc đẩy thông qua các luật cấm cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống.
Tháng 8 năm 2024, Thượng viện Úc đã thông qua Dự luật sửa đổi di trú (Tiết lộ về cấy ghép nội tạng ở nước ngoài và các biện pháp khác) năm 2023. Dự luật này yêu cầu hành khách đến Úc phải khai báo trên phiếu nhập cảnh liệu họ đã cấy ghép nội tạng ở nước ngoài trong năm năm qua hay không. Họ cũng sẽ cần phải khai báo quốc gia, tiểu bang và địa phương mà họ đã được cấy ghép và tên của cơ sở y tế nơi diễn ra ca phẫu thuật.
Dự luật đã được đề xuất lên Hạ viện Úc để tranh luận thêm. Nếu được thông qua, dự luật sẽ sớm được đưa vào thực hiện.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/8/484809.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/12/221619.html
Đăng ngày 14-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.