Bài viết của Thanh Liên, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-08-2024] Tôi là một bà nội trợ chưa từng đến trường một ngày nào và giờ tôi đã trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Dưới đây, tôi xin chia sẻ với các đồng tu trải nghiệm của bản thân về việc không ngừng đề cao trong Pháp, buông bỏ tâm oán giận và tu khứ tâm tật đố thông qua học Pháp và tu luyện. Tôi cũng dùng bài viết này để bày tỏ lòng cảm ân tới Sư phụ.

Cuối thu năm ngoái, tôi trải qua quan nghiệp bệnh nặng chưa từng có, bao gồm sốt cao, ho, hoa mắt chóng mặt, khô miệng, và suy nhược toàn thân. Tôi không thể nấu ăn và không ăn được trong ba ngày liền. Bất cứ khi nào hồi tưởng lại điều gì đó, tôi lại cảm thấy muốn khóc. Tôi cũng không thể đọc Pháp, mà chỉ có thể nghe các bài giảng của Sư phụ.

Sau khi thấy tôi không đến điểm học Pháp trong mấy ngày liền, hai đồng tu đã đến thăm tôi. Ngay khi đồng tu bắt đầu nói chuyện, tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi nói: “Tôi chỉ muốn tìm một nơi nào đó mà không có ai cả và khóc thật to lên thôi”. Một đồng tu lập tức nói: “Không phải chính chị muốn khóc đâu! Đừng nghĩ gì cả. Chúng ta đọc Pháp thôi”. Cứ như vậy, ba người chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu học Pháp.

Sáng hôm đó, chúng tôi đọc hai bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân và hai bài giảng vào buổi chiều. Buổi tối đồng tu lại đến và học thêm với tôi một bài giảng nữa. Hai đồng tu còn tranh thủ thời gian để chia sẻ với tôi. Chúng tôi tiếp tục học Pháp tăng cường như vậy và phát chính niệm trong vòng năm ngày liên tiếp. Trạng thái của tôi ngày càng tốt hơn.

Tu khứ tâm oán hận với con dâu và bà thông gia

Mặc dù cảm thấy khỏe hơn nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Hàng ngày tôi hướng nội tìm chấp trước đã gây ra nghiệp bệnh cho tôi. Tôi cảm thấy mình đã tìm ra những chấp trước đó nhưng chắc chắn là vẫn còn. Tôi nhận ra tôi đã không hoàn toàn tu khứ được tâm oán hận đối với con dâu và bà thông gia. Qua việc học Pháp, cuối cùng tôi đã trừ bỏ được oán hận với họ. Sư phụ đã gỡ bỏ những vật chất xấu cho tôi khi tôi tìm ra chấp trước này.

Nhà con dâu và nhà tôi chung một cái sân, con trai tôi đi làm ở thành phố khác trong nhiều năm. Khi chồng tôi còn sống, chúng tôi có cuộc sống riêng và có thu nhập riêng. Cháu trai lớn nhất của chúng tôi sống với chúng tôi từ hồi ba tuổi, và chúng tôi lo cho cháu cơm ăn, áo mặc, và những nhu yếu phẩm hàng ngày. Khi tôi 60 tuổi, chồng tôi mắc bệnh và qua đời. Ông ấy để lại cho tôi một khoản tiền đủ để tôi sống quãng đời còn lại. Trong lúc lâm chung, ông ấy còn dặn tôi: “Giờ bà không có thu nhập và không thể kiếm sống. Đừng đưa số tiền này cho các con. Hãy giữ lấy cho bản thân”.

Một năm sau khi chồng tôi qua đời, con dâu tôi đã hỏi đến số tiền đó. Khi tôi từ chối thì con dâu giận giữ và không nói chuyện với tôi. Hồi đó tôi chưa bỏ được chấp trước vào tiền bạc nhưng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác là đưa tiền cho các con. Sau khi tôi đưa tiền cho con dâu, ông bà thông gia đến và nói họ muốn tìm cho tôi một ông chồng mới. Tôi tức giận và nói: “Chẳng phải các vị đang bắt nạt tôi sao? Các vị đã có tiền rồi, và giờ lại muốn đuổi tôi ra khỏi nhà nữa!” Kể từ giây phút đó, tôi bắt đầu ghét họ. Lần tới khi bà thông gia đến, tôi đã lờ bà ấy đi. Con dâu cũng tức tôi.

Các đồng tu xung quanh thường khuyên tôi hành xử chiểu theo Pháp và đừng chấp nhặt với người thường. Một đồng tu nói: “Con dâu chị đang giúp chị tu luyện đấy. Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả. Mọi điều đều đã được an bài rồi”. Tôi biết điều này nhưng tôi đã không đạt được tiêu chuẩn mà Sư phụ đặt ra, tôi cứ vấp ngã mãi mà không thể làm tốt được. Các đồng tu khác cũng lo lắng cho tôi.

Một đồng tu thường nhắc nhở tôi: “Hãy tu bản thân và đừng hạ thấp mình xuống tầng thứ của con dâu chị. Chị xem, bình thường chị có mấy khi tiếp xúc với ai ngoài người nhà đâu. Nếu con dâu không tạo mâu thuẫn cho chị thì chị làm sao đề cao trong tu luyện được?” Tôi biết điều này là đúng. Khi tôi tu luyện tinh tấn, con dâu thường tạo ra mâu thuẫn và khiến tôi tức giận. Tôi biết rõ nhưng vẫn cố phạm, khư khư bám lấy quan niệm của mình. Tôi muốn thay đổi người khác mà không muốn thay đổi bản thân. Bất cứ khi nào tôi không thể vượt qua khảo nghiệm, các đồng tu khác lại nhắc nhở tôi tu bản thân.

Bởi vì không được đi học, tôi cảm thấy giữa tôi và các đồng tu có một khoảng cách trong việc học Pháp, tôi phải nắm chắc thời gian học Pháp nhiều hơn. Trước kia, buổi tối, sau khi học hết một bài giảng ở điểm luyện công, về nhà tôi còn học thêm một tiếng nữa. Khi bước vào tu luyện tôi không biết chữ. Nên sau đó, khi tôi có thể đọc từng chữ trong Chuyển Pháp Luân, tôi đã học Pháp rất nhiều. Tôi nhờ một đồng tu in tất cả kinh văn của Sư phụ, và tôi bắt đầu đọc lần lượt một cách hệ thống. Có nhiều chữ mà tôi không biết. Khi không có ai ở cạnh để hỏi, tôi đã bỏ qua những chữ đó. Lúc nào cháu trai đi học về, tôi liền chạy sang hỏi. Tôi đọc các sách theo thứ tự thời gian. Thỉnh thoảng tôi đọc 30 đến 40 trang. Nhiều nhất là tôi đọc được 50 trang. Dần dần tôi có thể hiểu được các Pháp lý mà trước kia tôi không hiểu. Không giống các đồng tu khác có thể đọc một cuốn sách một ngày, tôi chỉ có thể đọc được vài chục trang, điều đó không phải là quá ít đối với tôi.

Mùa đông năm ngoái, tôi đọc lại tất cả các kinh văn của Sư phụ. Càng đọc, tôi càng thích đọc hơn. Sư phụ đã giúp tôi đọc những chữ mà tôi không biết. Giờ đây gần như tôi biết hết tất cả các chữ. Khi Sư phụ công bố kinh văn: “Vì sao có nhân loại”, ngày nào tôi cũng đọc một lần. Các đồng tu khác có thể đọc xong trong vài phút, nhưng tôi cần nửa tiếng. Tôi cứ đọc như thế trong hơn hai tháng.

Trong hai năm qua, tôi đã kiên trì đọc ba lượt tất cả các sách Đại Pháp và vẫn đọc Chuyển Pháp Luân hàng ngày. Qua việc tăng cường học Pháp, tâm tính của tôi đã đề cao và tôi không còn cảm thấy tức giận khi gặp con dâu nữa. Trước kia tôi thường cảm thấy khó chịu khi gặp con dâu. Giờ đây tôi đã thay đổi, và con dâu cũng vậy. Con dâu đã chủ động nói chuyện với tôi. Tôi cũng tu khứ tâm oán hận với bà thông gia.

Trong lòng tôi thấy khá nực cười, tại sao tôi lại ghét con dâu nhỉ? Chẳng phải Sư phụ dùng những người xung quanh để đề cao tâm tính của tôi sao? Vậy mà tôi lại đẩy những cơ hội đó đi. Tôi ghét con dâu. Chẳng phải như vậy cũng là oán trách Sư phụ sao? Năm nay, khi con dâu sang nhà tôi, tôi đã chủ động cùng con dâu nói chuyện. Tấm màn u ám che phủ gia đình tôi đã biến mất sau khi tôi đề cao.

Con trai tôi làm việc xa nhà trong nhiều năm, và hai năm qua con dâu tôi cũng làm việc xa nhà. Vì các con đi xa hết nên tôi giúp các con mua quà tặng cho họ hàng và hàng xóm. Trước kia con dâu tôi không sẵn lòng đưa tôi tiền và không bao giờ mua gì cho tôi cả. Tuy nhiên, kể từ khi tôi tu khứ được tâm oán hận, vào dịp Tết năm ngoái con dâu đã mua đồ tặng tôi và biếu tôi tiền. Tôi thực sự cảm nhận được niềm hạnh phúc được đắm mình trong Pháp.

Trừ bỏ tâm tật đố với các đồng tu khác

Mặc dù tôi chưa từng được đến trường, nhưng tôi biết phép tắc cư xử. Tuy nhiên, tôi có một quan niệm là không thích thừa nhận mình bị thua, và tôi đã đưa quan niệm này vào trong tu luyện Đại Pháp. Vì không được học hành, nên tôi chỉ đọc các sách Đại Pháp. Khi tôi thấy các đồng tu khác chép tay cuốn Chuyển Pháp Luân và Hồng Ngâm, tâm tật đố của tôi nổi lên vì tôi không biết viết. Tôi rất tức giận mỗi khi có đồng tu nói hôm đó cô ấy chép được bao nhiêu trang Pháp.

Một hôm, tôi nói thẳng với một đồng tu: “Nhìn hai người chép Pháp mà tôi chỉ muốn cắn cho hai người một cái”. Nói xong lời này, bản thân tôi cảm thấy không có gì sai. Đồng tu nghe xong cũng không nói gì, còn an ủi tôi: “Chị không chép Pháp thì có thể đọc Pháp nhiều hơn. Cũng như nhau cả mà”. Tuy nhiên, tôi vẫn tức giận và không đến nhà các đồng tu nữa. Thay vào đó, tôi ở nhà và học Pháp nhiều hơn.

Còn có mấy lần, tôi ngồi nghe khi các đồng tu khác đọc Hồng Ngâm, nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu. Tôi ghét bản thân mình vì không biết đọc. Các đồng tu bảo tôi cứ đọc đi và sẽ dạy tôi những chữ mà tôi không biết. Tôi cố gắng đọc từng chữ một nhưng cảm thấy thật khổ sở khi đọc qua những chữ mà tôi ấp úng. Đôi khi tôi bực mình và nổi giận, có lúc tôi bật khóc vì tật đố với các đồng tu có văn hóa, và ghét bố mẹ đã không cho tôi đến trường.

Các đồng tu nói rằng họ hiểu được cảm giác của tôi. Một đồng tu nói: “Chị hiểu mọi điều, chỉ là chị không được đến trường thôi. Sư phụ đã an bài điều này cho chị. Nếu chị được đi học, có thể chị sẽ không dễ đắc Pháp đâu”. Tuy nhiên, không kể họ nói gì, tôi vẫn cảm thấy phẫn uất và tật đố.

Qua việc học Pháp nhiều hơn, tôi ngộ ra rằng oán hận bố mẹ và các đồng tu nghĩa là tôi oán hận Sư phụ. Tôi nên chỉ tập trung vào tu luyện thôi, và Sư phụ sẽ giúp tôi. Tôi không được đi học thì chắc hẳn là phải có lý do.

Tôi đã hoàn toàn tu bỏ được tâm tật đố khi tôi thấy các đồng tu chép Pháp. Khi một đồng tu hỏi tôi: “Chị còn tật đố không khi nhìn thấy chúng tôi chép Pháp?” Tôi mỉm cười và nói: “Tôi không còn tật đố đâu. Bởi vì hàng ngày tôi đã đắm mình trong Pháp, các Pháp lý đã làm tan chảy chấp trước của tôi. Tôi ngày càng có thể cảm nhận được vẻ thù thắng của việc tu luyện Đại Pháp”.

Mặc dù đã ở độ tuổi 70 nhưng tôi vẫn đi bộ khá nhanh. Mọi người thường hỏi tôi: “Chị đi nhanh như thanh niên vậy. Chị bao nhiêu tuổi rồi?” Khi tôi trả lời tôi đã ngoài 70 tuổi thì họ nói: “Chị quả thực trông không giống ở độ tuổi đó”. Tôi bảo họ rằng đó là nhờ tôi tu luyện Đại Pháp, thân thể tôi nhẹ nhàng vô bệnh.

Con tạ ơn Sư phụ đã dạy cho con biết đọc và dẫn dắt con bước vào tu luyện Đại Pháp. Con càng phải tinh tấn hơn nữa, đề cao bản thân, làm tốt ba việc và trở về gia viên cùng Sư phụ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/25/479030.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/25/221002.html

Đăng ngày 10-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share