Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 16-06-2024] Tôi muốn chia sẻ một số sự việc xảy ra tại Trại lao động cưỡng bức Tề Tề Cáp Nhĩ vào khoảng năm 2000, Đại Pháp đã dẫn dắt chúng tôi chứng thực Pháp, phản bức hại, cứu độ chúng sinh.
Đại Pháp trấn áp tà ác
Vào khoảng thời gian từ cuối năm 1999 đến năm 2001, có khoảng 1.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ phi pháp trong trại lao động cưỡng bức. Hầu hết chúng tôi bị giam giữ trong một năm, họ phân chúng tôi vào hai đội khác nhau. Tôi bị giam giữ ở đội thứ hai. Môi trường ở đây rất hà khắc, đồng thời trại lao động cưỡng bức này cũng nhanh chóng mở rộng quy mô. Những học viên nào chưa chịu chuyển hóa sẽ bị giam giữ trong các phòng giam nhỏ, trước đây từng dùng làm chuồng gà, nếu luyện công sẽ lập tức bị còng tay xuống đất. Họ chỉ cho chúng tôi ăn bánh bao mốc với canh rau loãng.
Vào tháng 10, thời tiết ở Hắc Long Giang rất lạnh. Hầu hết các học viên đều phải tắm nước lạnh ngoài trời, tóc vừa gội xong đã đóng băng ngay lập tức. Vì bị giam giữ trong các phòng biệt giam nên chúng tôi không tham gia lao động, chúng tôi liền tận dụng thời gian cùng nhau học thuộc Pháp. Thời gian đó trại lao động cưỡng bức tra tấn các học viên vô cùng man rợ. Nhờ tăng cường học thuộc Pháp mỗi ngày, chính niệm của chúng tôi cũng được củng cố. Trại lao động cưỡng bức đã không thể bức hại chúng tôi.
Một ngày nọ, tất cả học viên từ các phòng biệt giam (hơn 20 người) bị gọi tới nhà ăn. Phó giám đốc Hồng, phụ trách chuyển hóa học viên, đã dẫn đầu một nhóm lính canh bao vây chúng tôi với vẻ mặt hung hãn. Họ đọc to các bài viết vu khống và xúc phạm Pháp Luân Đại Pháp. Chúng tôi khuyên giải và yêu cầu họ dừng lại nhưng họ không lắng nghe mà vẫn tiếp tục. Để ngăn họ tiếp tục phỉ báng Đại Pháp, học viên Trần (bí danh) đã hô lớn: “Hãy cùng đọc Luận Ngữ.” Hơn 20 học viên cùng nhau đồng thanh đọc lớn Luận Ngữ, khiến tất cả mọi người tại đó chấn động.
Lúc này, tà ác không thể chịu đựng được nữa. Họ dùng dùi cui điện sốc điện các học viên ngồi hàng ghế đầu. Chúng tôi vẫn tiếp tục đọc Pháp và không lay động mặc cho dùi cui điện nổ lách tách và phát ra tia lửa ngay trước mắt. Lính canh tìm cách kéo đồng tu Trần và một số học viên khác ra ngoài nhưng các học viên còn lại đã giằng co để giữ họ lại. Tình hình trở nên hỗn loạn. Chúng tôi không chịu khuất phục. Cuối cùng, phó giám đốc Hồng nói: “Cứ để họ niệm đi.” Chúng tôi tiếp tục đọc Luận Ngữ. Thanh âm của chúng tôi vang vọng khắp trại lao động cưỡng bức. Lính canh đã. phải lắng nghe chúng tôi. Nhờ uy lực của Đại Pháp, ý đồ bức hại của tà ác đã thất bại.
Họ đều là những người tốt
Tháng 11 năm 2000, trại lao động cưỡng bức vừa xây xong một toà nhà mới và chúng tôi bị chuyển đến đó. Tù nhân Ái Hoa (bí danh) là một tội phạm hình sự, giường của cô ấy ở ngay bên cạnh giường của một đồng tu tên là Linh (bí danh). Mỗi đêm đồng tu Linh đều học Pháp. Ái Hoa lắng nghe và dần dần trở nên kính ngưỡng Đại Pháp. Cô ấy luôn đối xử tử tế với các học viên. Một số tù nhân còn có thể đọc được các bài thơ trong Hồng Ngâm. Họ rất ngưỡng mộ Đại Pháp. Khi trại lao động cưỡng bức yêu cầu tù nhân bức hại các học viên và truy tìm kinh văn của Sư phụ ở chỗ các học viên, những tù nhân này đã từ chối tham gia.
Một ngày nọ, đội trưởng Vương gọi từng học viên ra để khám xét xem chúng tôi có giấu kinh văn của Sư phụ trên người không. Chúng tôi từ chối hợp tác, không khí trong phòng giam trở nên căng thẳng. Không ai chịu nhượng bộ. Đột nhiên cô Ái Hoa dừng lại trước mặt đội trưởng Vương, cởi áo ra, mỉm cười và nói: “Hãy khám xét tôi đây này! Hãy khám tôi đi.” Đội trưởng Vương thấy không ai chịu hợp tác với mình, nên đã đẩy Ái Hoa ra và bỏ đi.
Sau đó, cô Ái Hoá được chuyển đến một phòng giam khác. Vào ngày cô ấy được trả tự do, cô ấy đã dẫn người nhà đến bên cạnh cửa sổ phòng giam của chúng tôi. Cô ấy gọi tên đồng tu Linh. Chúng tôi vẫy chào tạm biệt cô ấy qua khung cửa sổ. Cô ấy hô lớn: “Xin hãy bảo trọng!” Cô ấy đã khóc và nói với người thân của mình rằng chúng tôi là những người tốt. Cô ấy đứng bên ngoài cửa sổ quyến luyến mãi không muốn rời đi, người nhà thúc giục cô mới chịu về.
Ngừng truy lùng kinh văn
Vào dịp Năm mới 2001, một số học viên đến hạn được trả tự do nhưng vẫn bị giam giữ quá thời hạn. Hai mươi người bị giam giữ ở khu thứ hai nhận được thông báo sẽ không được trả tự do nếu không chịu chuyển hoá. Chúng tôi đã viết thư hoặc trực tiếp đến gặp giám đốc trại lao động cưỡng bức để yêu cầu được thả tự do ngay lập tức. Giám đốc Bạch ở đó đã nói chuyện với chúng tôi nhiều lần. Ông ấy nói rằng đó là lệnh từ cấp trên và ông ấy không có quyền quyết định cuối cùng, nói rằng sẽ chuyển kiến nghị của chúng tôi lên cấp trên. Ông ấy bày tỏ sự thông cảm với chúng tôi. Chúng tôi khuyên bảo ông ấy không được tham gia vào cuộc đàn áp và nói với ông ấy rằng Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời như thế nào. Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục ông ấy không được lục soát thu giữ hoặc hủy hoại các kinh văn của Sư phụ Lý.
Phía minh bạch của ông đã thức tỉnh. Một ngày nọ, ông tuyên bố trước mặt tất cả lính canh rằng ông sẽ không truy tìm các quyển kinh văn của Sư phụ nữa. Chúng tôi vỗ tay cho ông còn các lính canh ở đó rất ngạc nhiên. Ông Bạch đã chọn chính nghĩa và lương tâm, cũng là chọn một tương lai tốt đẹp cho chính mình. Trong những tháng tiếp theo, chúng tôi đã có thể học Pháp, chép Pháp và học thuộc Pháp một cách công khai.
Ca sĩ giọng nữ cao hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trước khi cất tiếng hát
Một học viên tên là Vy là một ca sĩ chuyên nghiệp với giọng nữ cao. Trước dịp Tết năm 2001, đội trưởng Vương đã đề nghị học viên Vy hát một bài hát, cũng yêu cầu các học viên khác tham gia dàn hợp xướng trong buổi biểu diễn mừng năm mới. Chúng tôi đã thảo luận về việc này và muốn nhân cơ hội này để chứng thực Pháp. Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi sẽ hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trước khi bắt đầu hát. Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết bài hát nào do các học viên sáng tác.
Vào ngày biểu diễn, khi hội trường đã chật kín người xem. Các tù nhân nam cũng đến. Bài hát của Vy được lên lịch sẽ là tiết mục biểu diễn đầu tiên, trong khi dàn hợp xướng của chúng tôi được lên lịch biểu diễn muộn hơn nhiều.
Đồng tu Vy bước lên sân khấu, cầm lấy micro và nói: “Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người trở thành người tốt. Chúng tôi đang bị bức hại. Xin hãy nhớ rằng ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo.’” Hội trường trở nên yên tĩnh như thể không khí và hơi thở của mọi người đều bị đóng băng.
Phó giám đốc Hồng cùng một nhóm lính canh đã chạy về phía sân khấu. Hơn 20 học viên chúng tôi cũng đứng dậy. Ngay lúc đó, có người chặn phó giám đốc Hồng lại và nói gì đó với ông ấy, các lính canh cũng dừng lại. Một số lính canh tiến đến chỗ các học viên và bảo họ ngồi xuống. Khi tất cả chúng tôi đã ngồi xuống, nhạc nổi lên. Đồng tu Vy hát một bài hát có tựa đề “Đỉnh núi Everest”. Giọng hát của cô mạnh mẽ ngân vang. Mọi người đều vỗ tay, đặc biệt các tù nhân nam vỗ tay rất nhiệt tình. Mắt chúng tôi ngấn lệ. Chúng tôi biết ơn Sư phụ từ bi đã luôn bảo hộ, thật may mắn khi được sống trong thời kỳ Đại Pháp hồng truyền khắp thế gian.
Sau đó chúng tôi được thông báo rằng tiết mục hợp xướng của chúng tôi đã bị hủy vì họ không có đủ thời gian. Chúng tôi hiểu lý do đằng sau là họ đang lo sợ.
Trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc bức hại, Sư phụ và Pháp Luân Đại Pháp đã bảo vệ chúng tôi và giúp chúng tôi vững bước trên con đường chứng thực Pháp. Sư phụ và Đại Pháp đã giúp chúng tôi vượt qua bóng tối và bước tới tương lai tươi sáng phía trước.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/16/478517.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/21/219608.html
Đăng ngày 10-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.