Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-07-2024] Một cư dân ở Thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, phải chịu sự ngược đãi liên tục trong khi thụ án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện bị chế độ Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Tháng 3 năm 2018, ông Thành Hiếu Bảo, 67 tuổi, bị mất tích. Chính quyền không cho gia đình ông biết về tình trạng vụ án của ông. Mãi đến tháng 5 năm 2020, gia đình ông mới biết ông đã bị kết án bí mật 12 năm tù. Họ vẫn không biết ông bị truy tố bởi Viện Kiểm sát nào vào thời gian nào, hoặc bị Tòa án nào kết án.
Theo nguồn tin nội bộ, ông Thành hiện đang bị giam giữ tại khu số 5 của Nhà tù Phạm Gia Đài. Vì ông không từ bỏ Pháp Luân Công, không đeo thẻ tù và lao động không công, nên các cai ngục thường bỏ đói ông, cấm ông ngủ, bắt ông đứng trong nhiều giờ và không cho ông nói chuyện với người khác.
Ông Thành là cựu nhân viên của phòng điện nước thuộc Phòng Đường sắt Tương Phàn, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Nhiều căn bệnh của ông, bao gồm viêm gan B, viêm túi mật và thoát vị đĩa đệm đã biến mất trong vòng chưa đến 10 ngày. Luôn ước thúc bản thân theo các nguyên lý của Pháp Luân Công để trở thành một người tốt hơn, ông giúp sửa chữa đường nước miễn phí cho nhiều gia đình gặp khó khăn về tài chính trong thời gian rảnh rỗi, và nhận được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp.
Vì ông Thành không từ bỏ đức tin khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông bị đuổi việc và liên tục bị sách nhiễu, bắt giữ và giam cầm. Ông từng bị tra tấn dã man trong khi thụ án 4 năm tù (từ năm 2001 đến 2005) và 1 năm trong Trại lao động cưỡng bức (từ năm 2008 đến 2009).
Bị ép tham gia hai phiên tẩy não liên tiếp vào năm 2000
Ngay sau khi cuộc bức hại diễn ra, Trương Triệu Bân, Bí thư Đảng ủy, và Trưởng phòng Thái Liên Hỷ của cơ quan ông Thành nói với ông: “Anh đang làm việc rất tốt. Nhưng vì anh tu luyện Pháp Luân Công, chúng tôi bị phạt 200.000 Nhân dân tệ mỗi năm. Chỉ cần anh dừng tu luyện, chúng tôi sẵn sàng trả mọi chi phí y tế cho anh nếu anh tái phát các căn bệnh cũ (đã được chữa khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công).” Ông Thành không đồng ý.
Tháng 6 năm 2000, ông Thành đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông bị bắt, và bị giam tại Trại tạm giam Đường sắt Thành phố Tương Dương. Giữa tháng 7 năm 2000, Điền Quảng Phú, Phó Giám đốc Công an Đường sắt thành phố Tương Dương, đích thân chỉ đạo lính canh trại giam và tù nhân tra tấn ông Thành. Cơ thể ông đầy vết bầm tím, và chân ông bị sưng tấy nghiêm trọng. Lính canh cũng còng tay ông ra sau lưng và đập đầu ông vào tường.
Đầu tháng 8 năm 2000, ông Thành bị đưa đến một phiên tẩy não. Vào đêm đầu tiên, cảnh sát Vương của Đồn Công an đường Trung Nguyên đánh và đá ông vì ông không từ bỏ Pháp Luân Công. Trong phiên tẩy não này có khoảng 80 học viên bị giam tại đó. Nhiếp Hiểu Vũ, Trưởng khoa Chính trị của Công an Thành phố Tương Dương, là người phụ trách phiên tẩy não.
Ngày 9 tháng 12 năm 2000, ông Thành bị đưa đến một phiên tẩy não khác. Vì ông vẫn không từ bỏ Pháp Luân Công, nên 1 tháng sau, vào ngày 12 tháng 1 năm 2001, cảnh sát chuyển ông đến trại tạm giam. Tù nhân Lý Gia Binh đánh ông mạnh đến nỗi răng cửa hàm dưới của ông bị gãy.
Bị kết án bốn năm tù
Tháng 3 năm 2001, ông Thành lại bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát Cao Nguyên của Công an đường sắt Tương Dương thẩm vấn ông, cùm ông vào ghế và đánh ông.
Vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, ngày 21 tháng 6 năm 2001, ông Thành bị bắt một lần nữa. Đầu tiên, ông bị giam giữ tại trại tạm giam Đường sắt Tương Dương trong 6 ngày, sau đó bị đưa đến Đồn Công an Mễ Công. Ba ngày sau, cảnh sát chuyển ông đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Tương Dương. Ông tuyệt thực để phản đối, và bị bức thực. Trưởng phòng Công của Phòng 610 Thành phố Tương Dương và các nhân viên của Viện Kiểm sát quận Phàn Thành cố gắng buộc ông nhận tội vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng ông không chấp nhận. Tháng 8 năm 2002, Tòa án quận Phàn Thành kết án ông 4 năm tù.
Ngày 21 tháng 8 năm 2002, ông Thành bị chuyển đến Nhà tù Phạm Gia Đài. Đêm đầu tiên, Tiếu Thiên Ba, Trưởng khu số 4, xúi giục các tù nhân Mã Gia Nguyên và Lý Ngọc Hưng tra tấn ông. Từ ngày thứ tư trở đi, họ chỉ cho phép ông ngủ 3 giờ mỗi đêm, từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng. Khi ông vẫn kiên định với đức tin của mình, Tiếu đưa ông đến bệnh viện, với lý do là ông bị lao. Ông bị ép phải tiêm và truyền dịch. Các tù nhân tiếp tục tra tấn ông trong bệnh viện trong suốt 3 tuần ông ở đó, bao gồm bắt đứng úp mặt vào tường, cấm ngủ, đánh và đập đầu ông vào tường. Bác sỹ nhắm mắt làm ngơ trước sự tra tấn. Tù nhân Mã được giảm án 1 năm vì tích cực tham gia tra tấn ông Thành.
Ngày 21 tháng 8 năm 2004, ông Thành bị tù nhân Phan Diệu Bình đánh. Khi một học viên khác trong cùng phòng giam, ông Chu Đại Hoa, cố gắng ngăn cản Phan, Tiếu gọi các tù nhân Thao Văn Bân, Điền Hướng Dương, Chu Thánh Văn, Chu Tự Kiền và Phan đến lôi ông Thành ra lò gạch. Họ bắt ông chạy vòng quanh trong khi đánh ông.
Không cho ông ăn trưa, đến buổi chiều, lính canh và tù nhân lại lôi ông Thành ra lò gạch, khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 40°C. Sau đó, họ lại bắt ông chạy quanh lò gạch. Sau đó, họ đưa ông trở lại lò gạch. Các tù nhân liên tục tra tấn ông cho đến khi họ kiệt sức. Khi tính mạng ông sắp nguy kịch, mắt cá chân của ông Thành còn bị một chiếc xe chở hàng cán qua. Để che đậy việc tra tấn, lính canh cô lập ông Thành, không cho người khác nhìn thấy vết thương của ông.
Tháng 9 năm 2004, ông Thành tuyệt thực để phản đối việc bức hại. Chỉ khi đó, lính canh mới đưa ông đến bệnh viện để điều trị. Ông kể lại việc tra tấn với Lưu Mạt Dương, chính trị viên của nhà tù. Tuy nhiên, Lưu trả lời: “Những gì anh nói không thể là sự thật”.
Tháng 2 năm 2005, vào khoảng Tết Cổ truyền, ông Thành tuyệt thực một lần nữa. Lính canh đưa ông đến bệnh viện nhà tù để bức thực, và trói ông ở tư thế “đại bàng sải cánh” trên giường trong 5 ngày.
Tái hiện cảnh tra tấn: Bị trói trong tư thế “đại bàng sải cánh”
Một năm lao động cưỡng bức
Ngày 22 tháng 9 năm 2008, ông Thành bị cảnh sát của Đồn Công an Bình Tương Môn bắt giữ vì luyện công ngoài trời cùng các học viên khác. Cảnh sát sử dụng hơi cay trong quá trình bắt giữ tập thể.
Ông Thành bị giam tại Nhà tạm giữ Thành phố Tương Phiền trong 6 ngày, sau đó bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương. Ông bị biệt giam, bị ép ngồi xổm và bị đánh đập.
Đầu tháng 10 năm 2008, các tù nhân Hướng Vỹ và Hoàng Đức Cương bị lính canh Lưu Quốc Đống xúi giục không cho ông Thành ngủ. Họ cũng đá ông trong quá trình tra tấn ngồi xổm, khiến ông phải khập khiễng trong nhiều tháng.
Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2009, ông Thành bị lính canh Tôn Ba biệt giam vì nói chuyện với những tù nhân khác về Pháp Luân Công. Tù nhân Hướng cũng đá vào ngực ông khi ông từ chối báo cáo với hắn ta trước khi sử dụng nhà vệ sinh.
Tháng 7 năm 2009, ông Thành lại bị tra tấn khác sau khi từ chối ký vào một biểu mẫu vu khống Pháp Luân Công. Ông bị ép phải ngồi xổm trong nhiều giờ mỗi ngày mà không được cử động hay thay đổi tư thế. Các tù nhân đánh ông ngay khi ông cử động một chút. Khi án lao động của ông kết thúc, lính canh giam ông thêm 5 ngày nữa trước khi thả ông.
Ba lần bắt giữ nữa
Ngày 21 tháng 9 năm 2012, ông Thành bị bắt nữa vì nói chuyện với người dân ở thị trấn Dục Sơn về Pháp Luân Công. Cảnh sát lại đưa ông vào trại lao động, nhưng bị từ chối tiếp nhận vì sức khỏe của ông không đảm bảo. Do đó, ông được thả ra.
Ngày 24 tháng 12 năm 2013, khi đang trên đường đến tỉnh Tứ Xuyên để thăm mẹ, ông Thành bị bắt tại Ga xe lửa Hướng Dương khi an ninh phát hiện tài liệu về Pháp Luân Công trong hành lý của ông. Cao Nguyên, Trưởng phòng An ninh Nội địa Đường sắt Hướng Dương, chỉ huy một nhóm cảnh sát lục soát nhà ông, và giam ông trong 5 ngày.
Ngày 17 tháng 9 năm 2015, ông Thành bị bắt thêm một lần nữa và bị tạm giữ.
Báo cáo liên quan:
Hai cư dân Hồ Bắc bị bí mật bắt giữ và kết án nặng
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
Falun Gong Practitioners Persecuted by the Wuhan Railroad Bureau
Nine Years of Persecution Endured by Practitioner Cheng Xiaobao from Xiangfan City, Hubei Province
Criminals in Shayang Forced Labor Camp Ordered to Beat Falun Gong Practitioners
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/11/479570.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/18/219092.html
Đăng ngày 10-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.