Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-06-2024] Bà Mạnh Khánh Phương đến từ thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, chuyển đến nhà con gái ở huyện Cự Dã, tỉnh Sơn Đông, cách đây vài năm. Ngày 5 tháng 10 năm 2019, vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công nên bà bị cảnh sát ở Cự Dã bắt giữ và bị kết án 1,5 năm tù. Trong khi bị giam giữ, bà phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau, và thường xuyên bị lấy máu.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang thu hoạch một cách có hệ thống các nội tạng quan trọng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống trái với ý muốn của họ nhằm phục vụ ngành công nghiệp ghép tạng béo bở của Trung Quốc.
Vụ bắt giữ mới nhất và nhiều lần lấy máu trong Trại tạm giam
Ngày 5 tháng 10 năm 2019, bà Mạnh, ngoài 50 tuổi, bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một phố đi bộ, và bị cảnh sát từ Phòng Công an huyện Cự Dã bắt giữ. Họ tịch thu điện thoại di động, tiền và sách Pháp Luân Công của bà từ nhà con gái bà.
Ngay khi bà Mạnh bị đưa đến trại tạm giam Hà Trạch, lính canh lấy một ống máu lớn từ người bà. Bà bị giam ở phòng 36. Bà tuyệt thực để phản đối. Vào ngày thứ 4, bà bị đưa đến phòng y tế, nơi y tá lấy một ống máu lớn khác và bức thực bà.
Sau đó, họ bức thực bà hàng ngày. Vào ngày bức thực thứ 5, bà xuất hiện nhịp tim nhanh, đau bụng và đi tiêu phân lỏng. Tuy nhiên, lính canh Dương Diễm lại đến lấy máu của bà, và từ chối giải thích lý do liên tục lấy máu. Lo sợ họ định làm điều gì đó với mình, bà Mạnh ngừng tuyệt thực và bắt đầu ăn. Nhưng lính canh vẫn bức thực bà vào buổi tối và lấy máu của bà một lần nữa. Họ nói vẫn tiếp tục bức thực ngay cả sau khi bà ăn.
Họ sắp xếp người theo dõi bà. Bà bị nôn mửa, và họ đưa bà trở lại phòng y tế để tiếp tục bức thực. Bà nhìn thấy họ trút một túi bột màu trắng vào thức ăn. Bà nghi ngờ họ đang cố đánh thuốc mê bà nên cố gắng nôn ra khi họ không để ý. Nhưng thay vì nôn ra thức ăn, bà lại nôn ra máu.
Ngày hôm sau, khi lính canh Dương nhận ra bà Mạnh vẫn ổn, cô ta tức giận và cố bức thực bà lần nữa. Sau đó, một lính canh khác đến và nói việc bức thực đã kết thúc.
Bị tra tấn ở phòng giam 43
Sau đó, bà Mạnh bị chuyển đến phòng 43. Ngay khi bà được đưa đến đó, lính canh Tống Văn Chi lấy một ống máu lớn khác từ bà, nhưng không cho bà biết nó dùng để làm gì. Tống sắp xếp các tù nhân Lý Mạnh và Tăng Mỹ Linh theo dõi bà suốt ngày đêm, kể cả khi bà đi vệ sinh, ngủ hoặc tắm. Họ không cho phép bà nói chuyện, và buộc bà phải lao động không công. Bà bị cấm ngủ nếu không tuân theo mệnh lệnh của họ. Các tù nhân còn bắt bà phải đứng nhiều giờ mỗi ngày. Toàn thân bà đau nhức. Bà cũng bị táo bón hoặc có máu trong phân. Bà mất cảm giác muốn ăn vì bị tra tấn và lại bị bức thực.
Luật sư mà gia đình bà Mạnh thuê đến thăm bà 2 lần, và cố gắng thuyết phục bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Các lính canh cũng thúc giục bà từ bỏ đức tin. Tuy nhiên bà đều từ chối.
Một lính canh quyết định thả bà Mạnh sau một buổi thẩm vấn. Sau khi lính canh Dương biết được, cô ta can thiệp và không cho phép bà Mạnh rời đi.
Do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, phòng 43 bị đóng cửa, và bà Mạnh bị đưa trở lại phòng giam 36. Khi một lính canh khác, Lưu Ly, đưa bà vào phòng thẩm vấn để tra tấn, bà Mạnh nói rất to với cô ta rằng việc bức hại người tốt là sai trái. Để trả đũa, Lưu còng tay và cùm chân, bỏ đói bà và cấm người khác nói chuyện với bà.
Ngày 8 tháng 12 năm 2020, bà Mạnh bị xét xử, và sau đó bị kết án 1,5 năm tù. Thẩm phán ra lệnh cho bà thụ án tù tại trại tạm giam. Vì bà luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công để phản đối việc bức hại, lính canh Dương yêu cầu bà lao động khổ sai.
Khi bà Mạnh ra tù vào ngày 5 tháng 4 năm 2021, con rể của bà cho biết anh dự định ly hôn với con gái bà vì sợ bị liên lụy. Bà Mạnh cũng rất đau buồn khi biết chồng mình bị đuổi việc vì bà bị cầm tù.
Bức hại trong quá khứ
Năm 2001, bà Mạnh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Ngoài án tù gần đây nhất, bà từng bị bắt 2 lần vào năm 2006 và năm 2010.
Vào một ngày năm 2006, một nhân viên ở tiệm giày của bà Mạnh tìm thấy một chiếc ví bị thất lạc, trong đó có sổ tiết kiệm tiền gửi 40.000 Nhân dân tệ, giấy tờ tùy thân và danh thiếp của chủ sở hữu. Nhân viên đề nghị chia tiền với bà Mạnh. Bà từ chối và gọi cho chủ sở hữu. Nhân viên của bà rất tức giận, và yêu cầu bà Mạnh đưa cho anh ta 20.000 Nhân dân tệ. Bà không nghe theo lời anh ta. Để trả đũa, anh ta gọi cảnh sát, thông báo bà tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát của Đồn Công an Phao Nhai bắt giữ và tống tiền bà 1.000 Nhân dân tệ trước khi thả bà.
Ngày 25 tháng 4 năm 2010, một cảnh sát mặc thường phục giả làm khách hàng đến cửa hàng giày của bà Mạnh. Anh ta đưa cho bà Mạnh một cuốn sách nhỏ về Pháp Luân Công, và hỏi bà có thêm nữa không. Bà đưa cho anh ta một chiếc đĩa DVD, và anh ta rời đi.
Không lâu sau, 4 cảnh sát xông vào cửa hàng của bà Mạnh và tịch thu 600 Nhân dân tệ tiền mặt của bà và một số tài sản cá nhân khác. Một cảnh sát cho biết tên anh ta là Tống Thiên Tường, và anh ta sẽ bắt bà để lĩnh thưởng. Tống đưa bà đến Đồn Công an Phao Nhai và tát vào mặt bà.
Tối hôm đó, bà Mạnh bị đưa đến trại tạm giam Diêu Gia. Một cảnh sát khác cố gắng lấy máu bà, nhưng bà từ chối hợp tác. Sau đó, một nam cảnh sát ra lệnh cho một nữ cảnh sát lục soát người bà Mạnh, nhưng nữ cảnh sát từ chối.
Bà Mạnh tuyệt thực để phản đối. Sau đó, lính canh trừng phạt hơn 10 tù nhân trong phòng giam của bà bằng cách cấm họ xem TV hoặc mua đồ ăn nhẹ. Các tù nhân kích động, cắt tóc bà Mạnh, xé quần áo của bà, bức thực bà và ép bà làm việc. Mặt bà sưng tấy vì họ véo bà quá nhiều.
Cảnh sát từ chối yêu cầu thăm thân của gia đình bà Mạnh. Mẹ của bà, ngoài 70 tuổi, lo lắng cho bà và không ngừng khóc. Bà cụ khóc nhiều đến nỗi mất thị lực cả 2 mắt. Gia đình chi hơn 10.000 Nhân dân tệ để chữa trị cho bà cụ, nhưng không có tiến triển gì. Trong khi đó, chồng bà Mạnh bị tàn tật do biến chứng của bệnh tiểu đường, và ông không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị y tế. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tống tiền gia đình hơn 20.000 Nhân dân tệ. Ngoài ra, con gái của họ đang học lớp 1 cũng không có ai chăm sóc.
Sau đó, cảnh sát chuyển bà Mạnh đến trung tâm tẩy não, và giam bà tại đó gần 2 tháng. Không có người quản lý cửa hàng giày, gia đình bà phải đóng cửa hàng.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/17/478761.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/25/218755.html
Đăng ngày 09-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.