Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-05-2024] Ngày 20 tháng 5 năm 2024, bà Tần Diễm Thu, một phụ nữ 64 tuổi ở thành phố Thái Thương, tỉnh Giang Tô đã bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Ngày hôm đó, khi bà Tần đang khuyên mọi người niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, thì một người phụ nữ lớn tuổi đã viết chín chữ ra một mảnh giấy và cho người khác xem. Người được cho xem đó đã trình báo bà Tần với cảnh sát. Ngay sau đó, vài cảnh sát của Đồn Công an quận Cao Tân đã có mặt, bắt giữ bà và sau đó lục soát nhà bà.

Cảnh sát không tìm thấy bất kỳ tài liệu Pháp Luân Đại Pháp nào trong nhà bà Tần nhưng họ vẫn đưa bà tới trại tạm giam địa phương. Hiện bà vẫn đang bị giam giữ.

Đây không phải là lần đầu bà Tần trở thành mục tiêu vì kiên định đức tin kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc từ tháng 7 năm 1999. Bà cùng chồng là ông Thạch Trạch Huệ cùng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và nhanh chóng hồi phục các vấn sức khỏe. Họ vẫn kiên định đức tin sau khi cuộc bức hại bắt đầu và cả hai đều bị sai thải. Bà Tần là nhân viên bưu điện và ông Thạch là giáo viên tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Kiện Hùng.

Khi hai vợ chồng bà cố gắng lấy lại việc làm, cảnh sát đã đưa bà Tần tới bệnh viện tâm thần vào tháng 4 năm 2000 và giam giữ bà 162 ngày tại đây. Hồ sơ bệnh án của bà chỉ ra rằng: “Bà bị cảnh sát buộc tội ngoài ý muốn vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Bà có tinh thần khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn và suy nghĩ sáng suốt.”

Ngoài mất việc, bà Tần và ông Thạch đều bị giam giữ nhiều lần. Ông Thạch bị bắt giữ ít nhất 7 lần, khiến ông một lần lĩnh án lao động cưỡng bức ba năm và hai lần lĩnh án tù với tổng thời gian 8,5 năm. Ông bị ung thư gan, gặp vấn đề về thận và phổi. Các cơ quan nội tạng khác của ông cũng bị tổn hại do tù nhân đánh đập.

Trước bản án lần này, bà Tần cũng từng bị bắt giữ bảy lần, khiến bà một lần lĩnh án lao động cưỡng bức ba năm và hai án tù với tổng thời gian 8 năm. Tại trại lao động cưỡng bức, bà bị đánh đập, sốc điện bằng dùi cui điện, cưỡng bức đứng dưới trời nắng cả ngày dài, không được phép tắm và cấm ngủ.

Sau đây là tóm tắt nhanh về bảy vụ bắt giữ trước đây của bà Tần:

– Vụ bắt giữ đầu tiên vào ngày 28 tháng 11 năm 1999: Bị giam giữ 82 ngày, được trả tự do vào ngày 3 tháng 2 năm 2000.

– Vụ bắt giữ thứ hai vào ngày 21 tháng 4 năm 2000: Bị giam giữ 162 ngày tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Thái Thương, được trả tự do vào ngày 30 tháng 9 năm 2000.

– Vụ bắt giữ thứ 3 vào ngày 4 tháng 1 năm 2001: Bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức từ ngày 23 tháng 3 năm 2001 tới ngày 3 tháng 4 năm 2004.

– Vụ bắt giữ thứ tư vào ngày 7 tháng 9 năm 2004: Bị giam giữ một tháng tại trại tạm giam thành phố Thái Thương.

– Vụ bắt giữ thứ năm từ tháng 7 tới tháng 8 năm 2005: Đã thụ án bốn năm tại Nhà tù Nữ Nam Thông từ ngày 19 tháng 8 năm 2005 tới ngày 18 tháng 8 năm 2009.

– Vụ bắt giữ thứ sáu vào ngày 1 tháng 9 năm 2012: Bị giam giữ 9 ngày.

– Vụ bắt giữ thứ 7 vào khoảng ngày 1 tháng 10 năm 2017: Đã thụ án bốn năm tù giam.

Hãy xem bài liên quan để biết chi tiết về cuộc bức hại trong quá khứ.

Bài liên quan:

Chồng bị cầm tù, vợ phải đối mặt với việc bị kết án – tất cả chỉ bởi họ kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/25/478002.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/29/218363.html

Đăng ngày 06-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share