Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 7-11-2018] Một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thái Thương đã bị bắt giữ tại huyện Như Đông trong khi đang thăm các học viên ở đó. Công an đã đe doạ sẽ bắt giữ vợ ông nếu bà tiếp tục tìm cách giải cứu chồng.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Học viên Pháp Luân Công bà Tần Diễm Thu biết rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công và chồng bà, ông Thạch Trạch Huệ, không nên bị bắt giữ khi gặp gỡ các học viên khác. Bà đã kiên quyết kêu gọi giải cứu chồng mình và đã bị bắt giữ nhiều ngày trước khi diễn ra phiên xử thứ hai của chồng bà. Hai học viên khác ở Thái Thương mà bà hay tiếp xúc cũng bị bắt giữ vào cùng thời điểm.

Ông Thạch sau đó đã bị kết án 3,5 năm tù. Bà Tần và hai học viên khác vẫn đang đợi phán quyết sau hai phiên xử.

Gia đình bị đe doạ sau khi người chồng bị bắt giữ

Cuối tháng 1 năm 2017, ông Thạch Trạch Huệ bị bắt giữ tại huyện Như Đông, cách quê nhà ông là thành phố Thái Thương khoảng 70 dặm. Vợ ông, bà Tần Diễm Thu, đã đến Như Đông nhiều lần để thăm ông nhưng chưa bao giờ được phép gặp ông.

Bà Tần đã thuê hai luật sư để biện hộ cho chồng, điều này đã khiến bà bị công an Thái Thương bắt giữ vào ngày 1 tháng 10 năm 2017. Công an đã cố ép con trai và con dâu bà ngưng thuê luật sư, nhưng họ đã phớt lờ lời đe doạ của công an.

Toà án Huyện Như Đông đã xét xử ông Thạch hai lần, vào ngày 19 tháng 9 và 12 tháng 10 năm 2017. Hai luật sư đã biện hộ cho quyền tự do tín ngưỡng của ông và đề nghị tha bổng ông. Vài tháng sau, toà đã kết án ông 3,5 năm tù.

Người vợ và hai học viên khác đang đối mặt với bản án

Bà Trần Vĩnh Lâm và bà Đổng Mỹ Anh bị bắt giữ cùng với bà Tần Thục Diễm vào ngày 10 tháng 1 năm 2017. Bà Trần đã được bảo lãnh tại ngoại, trong khi bà Tần và bà Đổng bị giam tại Trại tạm giam Thái Thương.

Toà án Thành phố Trương Gia Cảng đã được chỉ định xử lý vụ án của ba người phụ nữ này. Bà Tần và bà Đổng ra hầu toà vào ngày 10 tháng 7 năm 2018. Bà Trần bị đưa ra toà cùng họ trong phiên xử thứ hai vào ngày 24 tháng 10 năm 2018.

Bốn luật sư đã biện hộ vô tội cho ba học viên vào phiên xử thứ hai. Các luật sư chỉ ra rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công thiếu cơ sở pháp lý và nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” là các giá trị phổ quát vốn không gây hại cho bất kỳ ai hay xã hội nào.

Khi công tố viên thất bại trong việc bác bỏ lập luận của các luật sư, thẩm phán chủ toạ đã cho hoãn phiên toà và nói rằng ông sẽ tổ chức một phiên xử khác sau đó.

Các lần bức hại trước đó

Ông Thạch và bà Tần, 56 tuổi, đã liên tục bị giam giữ bởi kiên định đức tin của họ kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999.

Trước đây bà Tần đã bị bắt giữ sáu lần. Bà bị giam sáu tháng trong một bệnh viện tâm thần vào năm 2000, 15 tháng lao động cưỡng bức năm 2001 và bị kết án bốn năm tù vào năm 2005.

Chồng bà, ông Thạch, là một cựu giáo viên trường Đại học Kiện Hùng, đã từng bị bắt giữ bảy lần trong quá khứ. Ông đã ngồi sau song sắt hơn phân nửa quãng thời gian 19 năm bức hại, cùng với ba năm lao động cưỡng bức và hai lần ngồi tù với thời gian thụ án tổng cộng 8,5 năm.

Ông Thạch đã phát bệnh ung thư gan trong khi bị giam ở Nhà tù Tô Châu vào năm 2014. Ông cũng bị sưng thận và phổi. Bác sỹ từng nói rằng ông chỉ có thể sống ba tháng nữa.

Gần như khánh kiệt sau nhiều năm bị cầm tù, ông Thạch không thể chi trả chi phí y tế và đã được trả tự do. Ông đã luyện Pháp Luân Công trở lại và dần dần hồi phục, nhưng lại bị bắt giữ và kết án ba năm sau đó.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/7/376803.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/12/173228.html

Đăng ngày 15-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share