Bài viết của Nhất Ngôn

[MINH HUỆ 06-05-2024] Mỗi khi đến Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, trang Minghui.org lại đăng hàng trăm lời chúc mừng của các học viên trên khắp thế giới để gửi lời tri ân chân thành tới Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Ngoài những lời chúc mừng, còn có những bài viết chứng thực những lợi ích mà các học viên có được nhờ tu luyện Đại Pháp, và bày tỏ sự trân quý cơ duyên vạn cổ khó gặp này.

Bài viết “Niệm đầu vững chắc của tôi rằng tu luyện là cách duy nhất để vượt qua khổ nạn” thu hút sự chú ý của tôi. Đây không phải là một bài chia sẻ điển hình trên Minghui.org. Ở góc độ tu luyện, học viên này vẫn còn nhiều điều cần đề cao về tâm tính cũng như thể ngộ về Pháp.

Tác giả là một thanh niên từng chứng kiến cuộc bức hại trong quá trình trưởng thành. Vì chịu ảnh hưởng của đủ loại quan niệm hiện đại, anh liên tục dao động có nên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hay không. Điều đáng nể phục nhất ở anh là mặc dù không trải qua cải biến về sức khỏe, vốn là động cơ của nhiều người bước vào học Đại Pháp, nhưng anh vẫn trân quý cơ hội tu luyện và tin rằng thực tu là cách duy nhất để vượt qua khổ nạn.

Theo tôi, chữa bệnh khỏe người không phải là mục đích của tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, mà chỉ là “sản phẩm phụ” sau khi đề cao tâm tính. Đó là sự gia trì và khích lệ từ bi của Sư phụ sau khi học viên có chính tín vào Đại Pháp.

Kỳ thực, tôi thấy nhiều học viên dường như cảm thấy tu luyện Đại Pháp cũng như “khí công chữa bệnh” thôi, kể cả một số học viên nghiên cứu khoa học hiện đại ở phương Tây, và họ cảm thấy mình rất lý trí.

Chúng ta phải phân biệt rõ rằng đọc Pháp không đồng nghĩa với tiếp thụ Pháp hay đắc Pháp. Luyện công mà không đề cao tâm tính thì không phải là tu luyện. Tuy nhiên, nhiều học viên vẫn cho rằng mình “xứng đáng” có được lợi ích về sức khỏe vì đã đọc Pháp, luyện công, nhất là với người tu luyện Đại Pháp những năm trước muốn được trị bệnh hiểm nghèo. Có lẽ bởi vậy nên “bệnh tật” của họ đã tái phát và tồn tại dai dẳng, bất kể họ đã học Pháp hay luyện công bao lâu.

Mặt khác, khi chúng ta giảng chân tướng cho người thường, người thường dễ tiếp nhận những ví dụ về chữa bệnh khỏe người hoặc hóa giải mối quan hệ căng thẳng trong gia đình nhờ tu luyện Đại Pháp. Đối với tác giả của bài viết trên, ngay cả khi không trải qua sự cải biến về sức khỏe, anh ấy vẫn có thể chia sẻ thể ngộ về lý do, mục đích tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Anh không cần đề cập đến các Pháp lý uyên thâm, nhưng một lời giải thích cơ bản về tu luyện Đại Pháp vẫn có sức lôi cuốn với mọi người.

Dù là nói về chủ đề gì, điều quan trọng nhất là chúng ta không coi tu luyện Đại Pháp là phương tiện để truy cầu phúc báo, hay danh, lợi, tình. Nội hàm đích thực của tu luyện uyên thâm hơn nhiều, không phải là điều ở tầng thứ mắt thấy tai nghe.

Là học viên, chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta tồn tại vì lẽ gì? Tu luyện để làm gì? Pháp Luân Đại Pháp là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Sứ mệnh và trách nhiệm của người tu Đại Pháp là gì? Nếu cho rằng người tu Đại Pháp là để nhận được phúc báo, thì thể ngộ của họ quá nông cạn, và họ chưa thực sự có tín niệm.

Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện trong Kinh Thánh. Job là người giàu có nhất vào thời của ông. Ông có 7.000 con cừu, 3.000 con lạc đà, 500 cặp bò, 500 con lừa cái, nhiều tôi tớ và người hầu gái. Ông cũng có bảy con trai và ba con gái.

Chúa nói với Satan (Sa-tăng): “Thế gian không có ai giống Job, hoàn hảo và ngay thẳng, kính sợ Chúa và xa lánh điều ác.” Nhưng Satan nói: “Liệu Job có kính Chúa vô điều kiện không? Chẳng phải Ngài bảo vệ cho ông ta, gia đình ông ta, và mọi thứ ông ta có sao? Ngài ban phước cho công việc của ông ta, đến nỗi gia súc gia cầm của ông ta đâu đâu cũng có. Nhưng nếu Ngài thu hồi lại những gì ông ta có, chắc chắn ông ta sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt.”

Nhưng ngay cả sau khi Satan lấy đi con cái, sự giàu có, sức khỏe và danh tiếng của Job – tất cả những gì mà ông trân quý, nó vẫn không làm lung lay được đức tin của Job vào Chúa.

Một lần khác, để hủy hoại đức tin của Job, Satan “đã khiến Job bị lở loét đau đớn khắp người, từ đỉnh đầu đến lòng bàn chân. Job lấy một mảnh gốm vỡ để gãi, rồi ngồi đau khổ trong đống tro”. Vợ Job nói với ông: “Sao ông cứ ngờ nghệch vậy? Hãy nguyền rủa Chúa rồi chết đi!” Job trả lời: “Bà nói như kẻ thiếu hiểu biết vậy. Chúng ta chỉ nhận những điều tốt đẹp từ Chúa, mà không chịu nhận điều phiền muộn hay sao?”

Job tranh luận về những đau khổ này với ba người bạn đến an ủi ông. Dù họ cố gắng thuyết phục ông thế nào đi nữa, Job vẫn một mực không nguyền rủa Chúa.

Trải qua bao hoạn nạn lớn, Job vẫn thành tín với Đức Chúa Trời. Ông nói: “Tôi sinh ra trắng tay, và sẽ tay trắng khi ra đi. Chúa đã ban cho, rồi Chúa lại lấy đi, lành thay khi được Chúa ban phúc.“

Đức Chúa Trời xuất hiện trong cơn gió lốc, và thay vì trả lời các câu hỏi của Job, Ngài lại hỏi ông về những bí ẩn của thiên nhiên. Job nhận ra sự kém cỏi của mình, và hiểu rằng nỗi đau khổ ông phải chịu cũng là ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài phán với ông: “Kính sợ Chúa là trí huệ, tránh xa điều ác là thông thái”. Sau đó, Job có cuộc sống còn sung túc hơn trước, và thọ đến 140 tuổi.

Nếu một người tu hành cho rằng mình xứng đáng được phúc báo, nếu không thì sẽ không tu luyện nữa thì thật nông cạn, là người không có chính tín. Khi tư tưởng chỉ ở tầng thứ con người, thì khó mà hiểu được an bài của Thần.

Một người không thể khiêm cung trước Thần thì không thực sự tín Thần. Nếu một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chỉ vì để được lợi ích và phúc lành, thì người đó không hiểu gì về Đại Pháp. Mục đích cuộc đời của người tu luyện không phải là để làm rạng danh tổ tiên, giàu có, hay nổi danh, mà là để tìm về chân ngã của mình. Với người tu Đại Pháp thì còn có sứ mệnh lớn lao hơn nữa.

Điều chúng ta tin là chân lý vũ trụ tạo ra và chi phối vạn vật; nơi mà chúng ta muốn trở về không chỉ là nơi khởi thủy sinh mệnh của chúng ta, mà còn là gia viên chân chính của chúng ta sau khi được Pháp tẩy tịnh. Mỗi học viên tu luyện tốt thế nào sẽ quyết định tương lai của vô số sinh mệnh.

Đối với học viên, “Chúng ta tồn tại vì lẽ gì” là một chủ đề sâu sắc, xin được chia sẻ đôi điều cùng các đồng tu. Chúng ta hãy ghi nhớ cần thực tu bản thân!

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/6/476250.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/9/216964.html

Đăng ngày 20-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share