Bài viết của Chân Tâm, đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Hà Bắc, Đại lục

[MINH HUỆ 24-02-2024] Tôi đã trải qua sinh nhật lần thứ 60 của mình trong trại giam, trong mắt người thường thì đây là một chuyện hết sức bi thảm. Sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi vui mừng đắc Đại Pháp, rồi bị bắt phi pháp hai lần, lần thứ nhất ở cơ sở tạm giam, lần thứ hai bị tù phi pháp 14 tháng ở Trại tạm giam.

Khi bị giam giữ phi pháp trong trại tạm giam lần thứ hai, thời điểm đó thực có chút sợ hãi, tâm nào cũng nổi lên, chính niệm cũng không còn mạnh mẽ nữa, chỉ nghĩ đến khi nào đồng tu bên ngoài mới giải cứu mình? Một niệm còn lại là, đây không phải là nơi mình ở, sao mình có thể ở cùng tù nhân nhỉ? Muôn vàn suy nghĩ và tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì? Đối mặt với cai ngục, tiếp theo tôi nên làm sao? Bắt chước cách tuyệt thực của các đệ tử Đại Pháp trước đây? Hay là hợp tác với cách làm của tà ác? Đối mặt với nhóm tù nhân cố tình vi phạm pháp luật, tôi có thể làm gì? Nên thiện đãi họ không? Hay nên tiếp tục làm những gì mà đệ tử Đại Pháp nên làm? Hay chẳng làm gì cả trước những bức bách và áp lực? V.v.. Tôi đã suy nghĩ suốt ba ngày.

Sau ba ngày, tôi đã nghĩ minh bạch, rằng không thể bắt chước. Tôi nên hướng nội tìm, lấy tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để yêu cầu bản thân, không thể bị thế lực tà ác dọa sợ, càng không thể hoang phí thời gian cứu người, tôi phải phấn chấn lên, buông bỏ đủ mọi nhân tâm và chấp trước, tận dụng cơ hội ở đây để cứu nhiều người hơn, triển hiện cho mọi người thấy hình ảnh tốt đẹp của đệ tử Đại Pháp, từ đó đặt nền tảng cho bước tiếp theo khuyên tam thoái. Tôi quyết định mặc đồng phục tù, không tuyệt thực, dùng hình ảnh tốt đẹp nhất để chứng thực Pháp; dùng tâm thái tốt nhất để thiện đãi những người trong tù; dùng từ bi lớn nhất để khai sáng hoàn cảnh giảng chân tướng cứu người.

I. Chứng thực Pháp trong tù, mở ra con đường cứu người

Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là, dù làm gì cũng phải ‘dĩ Pháp vi Sư’, phải dùng ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” để nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Những người ở trại tạm giam đến từ khắp nơi, có đủ loại người với tính khí và tính cách kỳ quặc, nhiều vấn đề ở đây thực sự rất phức tạp, tuy tôi đã sống hơn nửa đời người nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải những điều này. Có người không nói đạo lý, có người trộm cắp, gian xảo, mánh lới, lừa ăn lừa uống, cãi vã đánh nhau, cũng có người thật thà và im lặng, loại người nào cũng có. Trước khi nghỉ hưu, tôi làm việc ở công đoàn, và thường không nói nên lời khi đối diện với những người thế này.

Vì để chứng thực Pháp trước mặt mọi người, để họ có thể liễu giải Pháp Luân Công rốt cuộc là gì, người tu luyện Pháp Luân Công rốt cuộc là người như thế nào, tôi buông xuống tác phong cán bộ đã dưỡng thành suốt những năm qua, dùng hình ảnh người tu luyện để bày tỏ sự quan tâm đến họ mọi lúc mọi nơi. Không nên cho rằng những người bị giam trong tù đều là người xấu, không cần cứu, mặc kệ họ, điều này không đúng, họ cũng là những sinh mệnh mà Sư phụ muốn cứu.

1. Những ví dụ chứng thực Pháp

1. Người thứ nhất bị buộc tội oan vì liên quan đến một vụ lừa đảo, trước khi vào trại tạm giam, cô ấy có hành vi tự sát, vì vậy khi đến đây, cô bị còng tay vào giường để không thể gây rối. Người thứ hai nghiện ma túy và thuốc lá đến mức chân tay bị trói vào giường, không thể cử động được và phải nhờ người khác chăm sóc. Chuyện xảy ra với hai người này ở mỗi thời điểm khác nhau.

Tù nhân trưởng phòng giam bố trí người trực luân phiên chăm sóc họ, nhưng thời gian trôi qua, không ai chịu giặt quần áo, gội đầu, thu dọn phân và nước tiểu, thay băng vệ sinh, cho ăn, v.v.. Tôi đã chủ động giúp người trực ban làm tất cả những việc đó cho họ. Mọi người thấy tôi lớn tuổi nhường ấy còn có thể chủ động làm những việc dơ bẩn mà hầu như không ai muốn làm, một số người cảm thấy ái ngại, thậm chí hành động của tôi đã truyền cảm hứng cho một số người vốn không muốn chăm sóc cho họ, có người còn giơ ngón cái lên khen ngợi tôi. Hai người họ cũng cảm kích nói: Khi ra ngoài, cháu nhất định sẽ báo đáp dì. Tôi nói không cần, cháu nên báo đáp Pháp Luân Công, cháu cảm tạ Sư phụ của dì là được, là Sư phụ muốn dì làm như thế.

2. Mỗi người trong phòng giam có một chiếc ghế đẩu, được yêu cầu tự đặt và cất đi, nhưng có người chỉ ngồi mà không cất đi, để lung tung, ảnh hưởng đến việc đi lại của mọi người, khiến mọi người phải sải bước qua lại trên ghế, cũng không có ai chủ động cất ghế. Việc này xảy ra thường xuyên, có người vấp phải nên gây ra cãi vã, đánh nhau. Những chuyện nhỏ không đáng kể này, chỉ cần nhìn thấy thì tôi sẽ cất chiếc ghế đẩu đi. Có người không cho tôi dọn, lớn tiếng nói: Hãy nhìn mấy người lười biếng này, nên trừng phạt họ, để họ nhớ lâu hơn. Tôi chỉ cười và nói: Không mệt, tiện cho người khác, cũng tiện cho chính mình. Huống chi tôi là người tu Chân-Thiện-Nhẫn và chiểu theo đó làm người tốt. Mọi người khen ngợi không ngớt, rằng người luyện Pháp Luân Công đều có tố chất.

3. Trong phòng giam luôn có một số người nhếch nhác khiến mọi người coi thường, họ nghèo rớt mồng tơi, không ai để ý đến họ, thậm chí người nhà cũng không gửi cho họ chi phí sinh hoạt. Tù nhân trưởng phòng giam cũng là người coi sóc mọi người và các việc, cho mượn những nhu yếu phẩm mới hàng ngày nếu họ có tiền trả, hễ thấy không có tiền trả thì sẽ đưa cái cũ hoặc không cho mượn, rất đáng thương. Tôi nghĩ nhìn người không thể nhìn bề ngoài, hoặc nguyên thần của họ là người rất tốt, không thể đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Tôi chủ động đưa cho họ thức ăn và nhu yếu phẩm hàng ngày, khi mua hàng, tôi cũng giúp họ mua một số thứ cần thiết. Tôi không ghét họ, chủ động giao tiếp với họ, lan tỏa từ bi và thiện lương đến họ. Động thái này khiến mọi người đều cảm động, ngay cả cai ngục cũng cảm động và biểu dương tôi. Tôi nói trước mặt mọi người và cai ngục: Vì tôi là người tu luyện. Cai ngục mỉm cười nói: Đừng nói điều đó. (Tôi biết ý của cai ngục là ở đây có giám sát)

4. Chăn bông trong trại tạm giam được yêu cầu quản lý theo kiểu quân đội, mỗi ngày phải gấp chồng như khối đậu phụ vậy, công việc này gây khó dễ cho tất cả mọi người, bao gồm cả tôi, thường xuyên bị la mắng, bị phạt đứng, phạt trực ca trưa vì gấp chăn không tốt, thậm chí còn bị phạt trực ca nửa đêm; còn có trường hợp ác liệt hơn: cai ngục ném chăn xuống hồ và ngâm trong nước như một hình phạt, nếu không gấp chăn đúng cách thì không được dùng. Tôi may mắn chưa bao giờ bị phạt. Tôi cảm thấy chuyện này cũng không phải chuyện nhỏ, cần thay đổi nó. Chợt nhớ cách đây mấy năm tôi có gặp một người lính kể cho tôi nghe về cách tổ chức dọn phòng của họ. Để tránh mọi người bị phạt, tôi đã cố gắng luyện tập thao tác, có lẽ do tôi nghiêm túc và dụng tâm, chẳng mấy chốc, mọi người nhận thấy chăn bông của tôi được gấp rất khéo và trông thật giống những khối đậu phụ.

Kể từ đó, một số người nhờ tôi gấp chăn cho họ, tự nhiên cũng hình thành thói quen, người mới đến thích nhờ tôi dạy họ cách gấp chăn, tôi không ngại phiền mà ra sức giúp đỡ mọi người, đây là điều mà một người bình thường không thể làm được. Phòng giam của chúng tôi được giám đốc biểu dương vì tôi đã xếp chăn rất khéo, từ đó trở đi không còn ai bị phạt vì gấp chăn nữa. Một số người nói: Dì ơi, dì làm cách nào để đáp ứng các yêu cầu? Thực sự không thể nhìn thấy bất kỳ khuyết điểm nào ở dì, không phàn nàn, suốt ngày âm thầm phục vụ mọi người mà không cầu báo đáp, dì thật thiện lương. Tôi nói đây là sức mạnh của Chân-Thiện-Nhẫn, nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Công, tôi sẽ không thể làm được những điều này.

5. Chúng tôi phải hoán đổi giường mỗi nửa tháng, không ai muốn ngủ dưới cửa sổ cả, vì mùa hè muỗi đốt, còn gió mùa đông khiến đau vai và phát lạnh, tuy nhiên, những người ngủ dưới cửa sổ không muốn mở cửa sổ, dẫn đến không khí trong phòng ngột ngạt vào ban đêm. Một số người không muốn ngủ gần nhà vệ sinh, vì luôn ngửi thấy mùi hôi và nghe tiếng nước xả vào lúc nửa đêm, khi mở mắt ra có thể trực tiếp nhìn thấy một người đang ngồi xổm trong nhà vệ sinh. Khi tôi được sắp xếp đến chiếc giường thứ hai trước mặt, mỗi ngày đều có người chen chúc tôi, vô hình trung khiến tôi lấn sang người bên phải, liền bị mắng vô cớ (còn có người hay cãi vã vì chuyện này), tôi đều nhẫn, người thường sẽ không thể chịu thiệt như vậy.

Và khi tôi ngủ dưới cửa sổ hoặc trước nhà vệ sinh, tôi cố gắng hết sức làm hài lòng yêu cầu của mọi người, mở cửa sổ và dựa thẳng vào tường để ngủ, tuy nhiên người bên cạnh sẽ không làm như vậy, nhưng cô ấy lại sợ đắc tội với người khác nên sẽ mở khe cửa sổ 5 cm, cô ấy sợ gió thổi vào người cô ấy, nhưng không quan tâm tôi sẽ ra sao? Cửa sổ mở càng nhỏ thì gió càng mạnh, người thường tự tư tự lợi, khi trong tâm tôi không nhẫn vững, cũng muốn cãi nhau với cô ấy. Nhưng chợt nghĩ mình là người tu luyện, có Sư phụ bảo hộ, sẽ không bị gió thổi thành bệnh được, không giống như người thường, phải triển hiện cho mọi người thấy được cảnh giới tư tưởng luôn biết nghĩ cho người khác, đây là sức mạnh chứng thực Pháp.

Từ đó, mọi người trong phòng giam đều có cái nhìn khác về tôi, trong số họ có một người (từng) luôn có thành kiến ​​với Pháp Luân Công, cô ấy nói: Người tu luyện Pháp Luân Công không có tình người, dân làng chúng tôi đều không thích những người luyện Pháp Luân Công, vì họ không tham dự đám cưới và đám tang, không chăm sóc cháu nhỏ cho người nhà, đặc biệt keo kiệt và tự tư, v.v., lần này vào đây mới thực sự thấy người luyện Pháp Luân Công là vô tư vô ngã như thế nào, không cầu báo đáp, không hề keo kiệt và tự tư, lại tốt nữa. Kể từ đó, cô ấy hoàn toàn thay đổi cách nhìn về Pháp Luân Công. Cô ấy còn nói: Đặc biệt ở đây dì là người lớn tuổi nhất nhưng không hề có thái độ bề trên, khiến cháu hoàn toàn thay đổi ấn tượng về người tu luyện Pháp Luân Công.

2. Kết quả chứng thực Pháp

A nói: Dì tu luyện Pháp Luân Công thật có tố chất, phẩm đức cao thượng, khác với người bình thường. Lúc trước cũng có một người luyện Pháp Luân Công vào đây, không giống dì, cả ngày từ sáng đến tối không nói chuyện mà chỉ ngồi đả tọa một mình, còn dì có thể hòa nhập với mọi người, chúng cháu cảm thấy rất thoải mái. Có dì ở đây, công việc trưởng phòng giam của cháu cũng ít gặp khó khăn hơn trong việc quản lý. Tôi vừa vào chưa được mấy hôm thì được yêu cầu hát, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt chứng thực Pháp, và tôi đã hát cho họ nghe các ca khúc Đại Pháp như “Đến vì bạn”, “Đại Pháp hảo”, “Mau tìm chân tướng”, “Nhớ cố hương”. Sau này vì lý do giám sát nên người trưởng phòng giam không cho tôi hát nữa, nhưng có người vẫn muốn nghe tôi hát nên tôi đã hát thầm cho riêng họ nghe, làm hài lòng họ. Khi đó tôi cũng hối hận đã không học thêm nhiều ca khúc Đại Pháp ở nhà, thật đáng tiếc!

B nói: Những người Pháp Luân Công sao có thể kiên nhẫn đến vậy? Sao có thể nhẫn đến vậy? Tính cách của chị quá tốt, khiến người ta cảm thấy chị là người hòa ái suốt cả ngày. Còn em không thể nào nhẫn được? Tôi nói: Chuyện gì cũng phải nhẫn, nhẫn một bước biển rộng trời cao. Cô ấy nói: Em hiểu rồi. Và nói: Nếu mọi người đều có thể làm người tốt như chị thì đã không vào đây, trong lúc xúc động, cô ấy giơ cao nắm tay lên hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, và hỏi tôi rằng đọc vậy đúng không? Tôi nói: Đúng rồi, em có thể hô như vậy, thì tương lai sẽ có phúc phận. Mỗi khi cô ấy hô một tiếng “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, tôi thực sự mừng cho cô ấy.

C nói: Pháp Luân Công này tốt thật, có thể thay đổi một người trở nên tốt như vậy, biết nghĩ cho những gì người khác nghĩ, biết lo lắng cho những gì người khác lo lắng và còn có thể cai nghiện ma túy, sau khi ra tù cháu sẽ tìm dì, cháu cũng muốn học luyện Pháp Luân Công, cũng không dùng thuốc nữa. Tôi nói: Được, nhất định vậy nhé.

D nói: Kể từ khi cháu tiếp xúc với dì, dì nói rằng vì dì tu luyện Pháp Luân Công nên dì coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình, mẹ chồng bị liệt 5 năm, và dì đã chăm sóc bà mà không hề phàn nàn. Ở đây cháu tận mắt chứng kiến dì không hề nói dối, dì lớn tuổi vậy rồi còn dọn phân dọn nước tiểu cho họ, dì không bao giờ tranh chấp với người khác, chịu ủy khuất lớn như thế, chịu thiệt lớn như thế, nhưng dì không bận tâm, lại đặt biệt siêng năng, cháu rất cảm động. So sánh dì với cháu, cháu đơn giản là kém xa, vì sao cháu luôn cứng nhắc với mẹ chồng? Bây giờ mới biết do cháu vừa lười vừa mồm mép lẻo lự, luôn bắt lỗi người khác, chỉ nhìn vào khuyết điểm của mẹ chồng, không tìm lỗi của bản thân, càng không thể chịu thiệt một chút nào. Nếu cháu có thể siêng năng một chút như dì thì mẹ chồng sẽ thích cháu, phải không? Ngay cả khi có mâu thuẫn, vẫn tìm lỗi ở bản thân, vậy còn có thể cãi nhau hay đánh nhau với mẹ chồng không? Chẳng phải đã hóa giải mâu thuẫn rồi sao? Cô ấy nói: Pháp Luân Công thật kỳ diệu, khi cháu ra tù, dì nhất định đưa cháu một quyển “Chuyển Pháp Luân” nhé, cháu cũng muốn tu luyện. Tôi nói: Thật tốt, chỉ cần cháu có tâm nguyện này, dì nhất định sẽ giúp.

E, F và G nói: E muốn học thuộc lòng thơ của Sư phụ, tôi dạy cô ấy học thuộc bốn bài thơ trong “Hồng Ngâm” và “Hồng Ngâm III” của Sư phụ: “Thiểu biện”, “Ai thị ai phi”, “Khổ kỳ tâm chí”, “Tố nhân”. Trưởng phòng giam nói: Bài thơ “Ai thị ai phi” của Sư phụ dì viết rất hay, Sư phụ dì thật có tài năng. Cháu nhất định sẽ học thuộc, bài thơ này sẽ là động lực thúc đẩy cháu từ nay đến hết cuộc đời. Khi F rảnh rỗi, cô ấy bảo tôi đọc thuộc Pháp của Sư phụ cho cô ấy nghe, cô ấy muốn tôi đọc cho cô ấy nghe tất cả Pháp mà tôi đã học thuộc, cô ấy cũng thích nghe những gì Sư phụ viết, nhìn thấy biểu hiện của tôi, cô ấy rất muốn tìm hiểu “Pháp Luân Công” là như thế nào.

G thường gây gổ với người khác, lan truyền tin đồn, tham lợi nhỏ, mọi người không mấy chú ý đến cô ấy, tuy nhiên ban đầu cô ấy cũng coi thường tôi, cô ấy rất kiêu căng, thích bói toán cho người khác, bình thường tôi cũng phớt lờ cô ấy, cảm thấy cô ấy mang trên thân những thứ bất hảo. Thời gian lâu, cô ấy nghĩ, sao ai ai cũng thích dì ấy? Không thích mình? Đến đây đã gần một năm rồi cũng không có nhiều bạn bè. Vì vậy, cô ấy thay đổi cách nhìn về tôi, trước khi cô ấy rời đi, đã chủ động gặp tôi và muốn học thuộc Pháp của Sư phụ, tôi vô cùng cảm động, khi dạy cô ấy học thuộc, cô ấy học rất nghiêm túc, còn liên tục nhờ tôi kiểm tra xem cô ấy đọc có đúng không, thái độ nghiêm túc của cô ấy khiến tôi cảm động. Qua đó chứng minh một điều, người mình không thích chưa hẳn là người xấu. Cô ấy chủ động tìm tôi học thuộc Pháp, có thể thấy duyên phận của cô ấy với Đại Pháp lớn biết bao! Tôi còn không thích cô ấy, tôi đã sai rồi, thực sự không thể đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.

Tôi nói với họ rằng Sư phụ từ bi vĩ đại, không bao giờ xét đến lỗi lầm trong quá khứ, bất cứ ai cũng được độ, sau khi mọi người ra tù, đừng nghĩ rằng bản thân không thể học Pháp Luân Công vì đã từng ở tù, mọi người chỉ cần có thể đọc quyển sách “Chuyển Pháp Luân”, mọi người đều có thể được độ, đều có thể thụ ích vô biên, ngay cả người nhà của mình cũng được độ.

Thông qua chứng thực Pháp, tôi thu hoạch được rất nhiều, trước đây tôi nào có thể làm được những việc vừa dơ bẩn vừa tiểu tiết như vậy! Trước đây tính cách tôi cũng không tốt, hễ có điều gì đó không thuận tâm liền tức giận đùng đùng, mặc dù đã có một số thay đổi sau khi tu luyện, nhưng vẫn còn cách quá xa so với yêu cầu của Pháp. Đặc biệt là khi ngủ bên cạnh cửa sổ và nhà vệ sinh, một số người mắng mỏ và bắt nạt tôi, ngoài mặt, mọi người cho rằng tôi là người nhẫn nhịn, nhưng trong tâm tôi vẫn rất tức giận, không thoải mái, cảm thấy ủy khuất không chịu được, không hề nhẫn vững. Sau đó tôi nghĩ, ồ! Mình đang làm gì ở đây? Còn là đệ tử Đại Pháp chăng? Đây chẳng phải là cơ hội tốt để mình đề cao tâm tính sao? Nghĩ đến đây, lập tức không còn ủy khuất nữa. Đột nhiên lại cảm thấy cơ thể được Sư phụ tịnh hóa thêm một tầng nữa.

Mặc dù lần này bị hành hạ trong tù, nhưng cũng là hảo sự, ma luyện ý chí của tôi, kiên định tín niệm của tôi đối với Pháp, càng chứng thực Đại Pháp hơn nữa, nếu không, tôi đến đâu tìm được cơ hội chứng thực Pháp thế này, đồng thời còn có thể hướng nội tìm mỗi khi gặp vấn đề, khi gặp đủ dạng mâu thuẫn có thể ý thức rằng đây là cơ hội đề cao tâm tính mà Sư phụ ban cho, cũng nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời để giảng chân tướng và chứng thực Pháp cho rất nhiều người trẻ! Tôi nhận ra rằng cho dù gặp phải khó khăn lớn đến đâu, phiền phức lớn đến đâu, có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, tất cả đều có thể giải quyết.

II. Trong thời gian ở tù, khuyên tam thoái, cứu nhiều người nhất có thể

trại tạm giam có nửa tiếng mỗi sáng để xếp hàng và báo cáo số lượng, nửa tiếng ngồi tĩnh tọa trước giờ ngủ trưa, và bốn tiếng ngồi tĩnh tọa vào buổi tối, đây là những thời gian có thể giảng chân tướng cho người hữu duyên, thậm chí có thể giảng chân tướng cho cả những người ngồi làm việc bên cạnh tôi. Tóm lại, tôi đã tìm mọi cơ hội để giảng chân tướng, như đã đề cập trước đó, việc chứng thực Pháp mở đường cho việc giảng chân tướng, sau đây tôi sẽ kể một vài câu chuyện về việc giảng chân tướng và khuyên tam thoái.

A vừa đến, tôi giảng chân tướng nhưng không nghe, sau đó phát hiện cô ấy rất thích cãi nhau, mở miệng là nói lời dơ bẩn, thực sự như một phụ nữ chanh chua, tôi không thích cô ấy, hơn nữa cảm thấy người kém cỏi như vậy, không xứng làm tam thoái, tự sinh tự diệt. Tôi mặc kệ cô ấy một thời gian, sau đó cảm thấy mình làm vậy không đúng, đối tượng tôi cứu là sinh mệnh ở không gian khác, không thể nhìn thấy tầng thứ của sinh mệnh là tốt hay xấu. Tôi lại giảng chân tướng cho cô ấy một lần nữa, nói những gì nên nói, có thể nói rằng giảng chân tướng cho cô ấy là toàn diện nhất, nhưng cô ấy vẫn không thoái, cô ấy cũng ngưỡng mộ tính cách và biểu hiện của tôi, cũng không phản đối Pháp Luân Công, nói rằng ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” đối với cô ấy quá xa vời, không thể làm được, nếu có thể làm được thì không phải là con người, tôi nói: Cháu thực sự có thể làm được ba chữ này, cháu không phải là người, mà là Thần.

Tôi nghĩ: Trên đời này không ai có thể hòa hợp được với cô ấy (cô ấy vào tù vì đánh nhau, cô ấy không sợ trời không sợ đất, thậm chí còn dám đánh cảnh sát). Mọi người đều không thích cô ấy, tôi cũng không thích cô ấy, nhưng giảng chân tướng cho cô ấy là trách nhiệm của tôi. Thực sự là từ lúc bắt đầu giảng đến lúc kết thúc (giữa chừng cô ấy phải đổi phòng vì đánh nhau, cuối cùng cô ấy quay lại phòng giam của chúng tôi với còng tay và xích chân), tôi nghĩ rằng đời này sẽ không gặp lại cô ấy nữa, không ngờ lại gặp nhau, thật tốt, vậy sẽ tiếp tục câu chuyện cũ, kết quả vẫn không thuyết phục được. Cuối cùng, hai ngày trước khi cô ấy chuẩn bị rời đi, tôi nghĩ mình sẽ khuyên tam thoái lần cuối cùng. Tôi nói: Kể từ giờ có lẽ chúng ta sẽ không gặp nhau nữa, hôm nay nếu cháu mất đi cơ hội làm tam thoái, dì sẽ cảm thấy tiếc và buồn cho cháu, sau khi cháu ra tù, nếu ai đó lại bảo cháu tam thoái, hy vọng cháu đừng bỏ lỡ điều đó, cháu thấy thế nào? Hay dì thoái Đội Thiếu niên Tiền phong cho cháu nhé? Được không? Điều khiến tôi bất ngờ đã xảy ra, cô ấy thực sự đã nói: Dì thoái cho cháu nhé. Lúc đó tôi thở phào nhẹ nhõm, thực sự có công mài sắt có ngày nên kim! Quý ở sự kiên trì.

Trước khi đi, cô ấy bỗng nhiên ôm tôi, khóc và nói không nỡ chia tay với tôi, nói rằng tôi quá tốt, tôi cũng rơi nước mắt và nói: Cháu đã chọn cho mình một tương lai tốt đẹp, cháu hãy thay đổi, khi ra tù nhất định phải bỏ tính cộc cằn nóng nảy, gặp chuyện phải nhớ đến “Chân-Thiện-Nhẫn”. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là vào ngày tôi ra tù, cô ấy và tù nhân trưởng phòng giam đã đến gặp tôi ở trước trại giam, điều đó khiến tôi xúc động rơi nước mắt.

B và tôi có duyên phận rất lớn, chúng tôi vào cùng một ngày, ngủ cạnh nhau và cách nhau chưa tới 10 cm trong 9 tháng, chúng tôi lẽ ra phải chuyển giường nhiều lần, nhưng do một sự kết hợp kỳ lạ nào đó, cuối cùng chúng tôi lại ngủ cạnh nhau, duyên phận này cũng lớn biết bao? Tôi nằm trên giường và khẽ giảng chân tướng cho cô ấy, cô ấy không lên tiếng, sau đó tôi hỏi cô ấy đã từng gia nhập gì chưa? Cô ấy nói chưa, tôi không tin, vì cô ấy nhỏ hơn tôi một tuổi, là người thành phố, làm việc ở cơ quan lớn, lẽ nào chưa từng gia nhập (đảng, đoàn, đội). Sau đó tôi lại nói, cô ấy không thích nghe, kết quả là tôi không muốn quan tâm đến cô ấy nữa và bắt đầu oán hận cô ấy, cũng không muốn giúp cô ấy dọn dẹp chăn bông.

Cô ấy khác hẳn với A, A có tố chất thấp, rất thô lỗ, dẫu nói nhiều lần cũng không thoái, nhưng tôi cũng không quá tức giận. Còn cô ấy trông rất thanh lịch, có học thức và tố chất, nhưng lại không thuyết phục được, điều này khiến tôi rất tức giận. Sau đó tôi nhận ra tư tưởng này không đúng, không thể vì người ta không thoái mà tức giận hoặc phớt lờ họ, ngay cả giúp đỡ cũng không giúp nữa, đây chẳng phải tâm oán hận đang tác quái sao? Mình có tâm oán hận này, sao cô ấy có thể thoái được? Không được có tâm oán hận.

Sau khi nhận thức ra, tôi lập tức quy chính, có lẽ cô ấy thực sự chưa gia nhập gì cả, tôi lại chủ động quan tâm cô ấy, đối xử với cô ấy tốt nhất có thể và giúp đỡ cô ấy nhiều nhất có thể. Khi cô ấy chuẩn bị rời đi, tôi lại cố gắng nói với cô ấy về việc tam thoái, cô ấy nói rằng: Em thực sự chưa bao giờ gia nhập đảng, đoàn, đội, mà chỉ gia nhập Hồng tiểu binh, vậy có tính không? Tôi nói có tính, Hồng tiểu binh cũng là một bộ phận của tổ chức Đảng Cộng sản, cô ấy nói: Vậy chị thoái cho em nhé. Hành động của cô ấy khiến tôi thật bất ngờ. Nếu tôi bỏ qua cô ấy, chẳng phải cô ấy sẽ mất cơ hội được cứu sao?

C thực sự có duyên với Đại Pháp, hơn nữa Đại Pháp còn cứu mạng cô ấy, cô ấy cũng biết. Chuyện là cô ấy đã từng vào một trại tạm giam ở Bắc Kinh và ở đó 40 ngày, trong đó có một đệ tử Đại Pháp cao tuổi đã nói với cô ấy về chân tướng và sự tốt đẹp của Đại Pháp, nhưng chưa có giảng tam thoái. Lần này cô ấy xảy ra chuyện bị đối tác lừa, nhất thời bế tắc nên đã nhảy từ lầu năm xuống, không chết nhưng cánh tay bị gãy làm ba đoạn, cô ấy bị còng tay vào giường, và tôi tìm cơ hội giảng tam thoái cho cô ấy, cô ấy nói: Từ lâu cháu đã biết Pháp Luân Công là tốt, có người từng nói với cháu rồi, hơn nữa học viên Pháp Luân Công đều rất thiện lương. Tôi nói: Vị học viên Pháp Luân Công đó đã tam thoái cho cháu chưa? Cô ấy nói chưa, cô ấy chưa từng nghe qua tam thoái, vậy là tôi nói với cô ấy tam thoái là như thế nào, chưa nói mấy câu, cô ấy đã đồng ý thoái Đội Thiếu niên Tiền phong.

Tôi nói với cô ấy, vì cháu biết Pháp Luân Công tốt, minh bạch chân tướng, nên lần này nhảy từ lầu năm xuống mà không nguy hiểm tính mạng, là Pháp Luân Đại Pháp đã cứu mạng cháu. Có ai nhảy từ lầu năm xuống mà không chết không? Cô ấy nói: Thật sao? Lúc đó cháu chỉ muốn chết, những không biết sao vẫn không chết, cũng cảm thấy rất kỳ lạ. Tôi nói: Vì cháu nhận thức được Đại Pháp, biết Đại Pháp tốt, Đại Pháp mới cứu cháu, đây là sự kỳ diệu của Đại Pháp. Từ nay về sau cháu đừng có niệm đầu tự sát nữa nhé, tự sát cũng là sát sinh, cháu nhất định không thể sát sinh. Và cô ấy đã hiểu.

D bị sưng phù ở phần dưới thắt lưng, da thịt sưng tấy bóng loáng, không thể tự đi lại, phải được dìu đi vệ sinh, dẫu vậy cô ấy vẫn bị buộc phải ngồi làm việc trong xưởng, cô ấy nói đó là thoát vị đĩa đệm thắt lưng, cần được phẫu thuật gấp, đã ấn định thời gian phẫu thuật nhưng không ngờ lại bị bắt. Tôi giảng chân tướng và khuyên tam thoái cho cô ấy, cô ấy rất vui vẻ đồng ý, tôi nói: Khi ra tù cháu nhất định phải tìm đọc quyển sách “Chuyển Pháp Luân” nhé, bây giờ chỉ có thầm niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” mới mang lại điều kỳ diệu cho cháu. Sau khi nói xong, tôi cũng không quản, vì không biết liệu cô ấy có thành tâm niệm hay không, nhỡ bệnh tình không chuyển biến, cô ấy có thể sẽ sinh ra suy nghĩ tiêu cực về Đại Pháp. Nhưng trải qua một tuần, cô gái trẻ này khẽ nói vào tai tôi: Dì ơi, bệnh đau lưng của cháu đã đỡ hơn nhiều, chỗ sưng ở chân và bàn chân cũng giảm bớt, đi lại không còn vất vả nữa. Niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” thật hữu dụng. Tôi nói: Không chỉ niệm “chín chữ chân ngôn”, cháu còn làm tam thoái, ngay giây phút cháu làm tam thoái, Thần Phật đã bắt đầu bảo hộ cháu rồi. Cháu tiếp tục niệm “chín chữ chân ngôn” nhé, sau khi ra tù nhất định hãy nói với bọn trẻ và người nhà làm tam thoái nhé. Cô ấy vui vẻ nói: Vâng ạ. Cô ấy ở trong đó bốn tháng, và được tại ngoại chờ xét xử với hình thức bệnh nặng.

E đến rất muộn vào đêm hôm trước, sáng hôm sau đứng xếp hàng báo số, được sắp xếp đứng cùng tôi, nên mới biết cô ấy đang bị tạm giam (thường bị giam từ một đến ba ngày rồi được thả), tôi vội giảng chân tướng cho cô ấy, và khuyên tam thoái bảo bình an, tuy nói có phần vội vàng nhưng cô đã chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Điều khiến tôi bất ngờ là, sau khi báo số một tiếng rưỡi thì cô ấy được thả, lúc đó tôi nói với Sư phụ rằng: Sư phụ ơi, thật trùng hợp, chỉ trong thời gian xếp hàng buổi sáng mà con đã cứu được một người, nếu không phải là Sư phụ giúp con, an bài cô ấy đến bên cạnh con, thì cô ấy đã mất đi cơ hội được cứu. Tạ ơn Sư phụ giúp đỡ. Trong tù có rất nhiều thời gian, nên nếu hôm nay không giảng chân tướng xong, hôm sau sẽ giảng tiếp, nhưng đôi khi cũng mất đi cơ duyên, vì tôi chưa kịp giảng thì họ đã được thả hoặc chuyển phòng giam, đại khái đã bỏ lỡ hơn 40 người. Vì vậy tôi rất buồn, tự trách bản thân, cảm thấy có lỗi với những người chưa được cứu, thậm chí không có cơ hội để cứu vãn, tôi rất hối hận.

Khi ở đây, tôi đã thoái được 116 người, tôi ghi nhớ tên của những người này hàng ngày theo thứ tự họ tam thoái cho đến khi tôi có cơ hội gửi danh sách đi. Tôi sẽ không thể làm được điều này nếu không có sự gia trì của Sư phụ, nếu không có các đồng tu ở bên ngoài liên tục phát chính niệm, và không có chính niệm chính hành của bản thân. Vì vậy, nhân đây con xin cảm tạ Sư tôn luôn bảo hộ con! Cũng cảm ơn luật sư chính nghĩa đã biện hộ cho tôi ở tòa, cảm ơn tất cả các đồng tu giải cứu đã nỗ lực không ngừng nghỉ, cảm ơn người nhà đã quan tâm và hỗ trợ.

Tóm lại, cuộc bức hại này khiến tôi trải qua khổ nạn chưa từng có trong đời. Trước đây tôi chưa từng bị đối xử vô nhân đạo như thế, tôi phải ngồi bất động hàng giờ liền, đến giai đoạn giữa mông tôi đã lở loét vì ngồi, nên chỉ có thể ngồi xổm. Khó chịu đựng nhất là trực đêm, lưng và chân của tôi đau khi đứng, cuối cùng không thể kiên trì tiếp được nữa, cảm thấy thống khổ quá lớn. Giữa chừng thì răng tôi bị rụng, cũng không thể đeo răng giả được, đành để chiếc răng trong khoang miệng (để nâng đỡ cấu trúc khuôn mặt của mình), hễ ăn cơm liền rớt ra, khiến ăn không được, thân thể trở nên rất gầy, còn phải làm việc, làm việc quá sức nên bị viêm bao gân ngón tay cái, xương ngón tay cái bên trái bị đỏ và sưng tấy, rất đau mỗi khi làm việc, thêm việc giúp đỡ mọi người gấp chăn bông, thực sự là mệt mỏi không chịu nổi, chưa kể còn bị bất công và ủy khuất, bản thân nếm trải đủ mọi dư vị cay đắng ngọt bùi. Chính là để xem tôi có thể chịu khổ hay không, có thể kiên trì tiếp tục hay không. Tôi nhận thấy đây là khảo nghiệm lớn nhất trên con đường tu luyện của mình.

Tưởng chừng lần vào tù này là chuyện xấu nhưng thực chất là hảo sự, trong hoàn cảnh gian khổ như vậy ma luyện ý chí kiên cường của tôi, trong hoàn cảnh phức tạp mà đề cao tâm tính và cảnh giới tư tưởng của tôi, trong sự đan xen quan niệm của những suy nghĩ phức tạp mà rèn luyện khả năng thuyết phục – khuyên tam thoái của tôi. Tất cả điều này giúp tôi vượt qua ma nạn và khó khăn nguy hiểm, ‘kiến chân tính’ trước những khảo nghiệm gay go. Nếu tôi không có những ma nạn này, biết đến đâu để chịu khổ như vậy chứ? Ở đâu có được nhiều người như vậy suốt ngày cho tôi cơ hội đề cao tâm tính? Sau khi minh bạch, tôi lấy khổ làm vui, coi bức hại như khảo nghiệm, coi ma nạn như cơ hội đề cao tâm tính, đâu đâu cũng lấy tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” nghiêm khắc yêu cầu bản thân, không ngừng tu tâm hướng thiện, bước trên con đường tu luyện của bản thân, làm những việc Sư phụ yêu cầu, hoàn thành đại nguyện tiền sử của bản thân.

Trên đây là thể hội tu luyện trong thời gian tôi ở trong tù. Nếu có chỗ nào không đúng, mong đồng tu từ bi chỉ chính.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2024/2/24/在被非法關押中-證實法勸三退-439261.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/19/216641.html

Đăng ngày 11-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share