Bài viết của Tiếu Dương

[MINH HUỆ 24-10-2023] Hôm ấy, một người đàn ông tầm khoảng 50-60 tuổi đùng đùng nổi giận tới trại tạm giam để giải cứu mẹ mình. “Mẹ tôi là bà lão đã ngoài 80, đến chữ to còn chẳng đọc được bao nhiêu.” Ông ấy lôi ra lệnh bắt giữ của cảnh sát và chất vấn: “Các người bảo bà ấy muốn ‘lật đổ chính quyền nhà nước’ sao, thật tức cười quá đi!”

Mặc dù cảnh sát cũng thấy buồn cười, nhưng họ vẫn trịnh trọng trả lời: “Mẹ ông không phải là một bà mẹ bình thường đâu. Đừng đánh giá thấp bà ấy. Chúng tôi lục soát nhà bà ấy và tìm được một đống đĩa DVD chân tướng, bà cụ còn có nào là máy tính, máy in, đầy đủ các trang thiết bị ấy.”

Người con trai phản bác: “Có bà lão nhà ai hơn 80 tuổi mà biết được những thứ đó? Máy tính này đến tôi còn chẳng biết dùng nữa là.”

Viên cảnh sát ngắt lời ông, nói: “Lúc đầu, chúng tôi cũng không tin đâu! Ông cứ đoán thử xem, bà cụ sợ chúng tôi không tin nên ngay trước mặt mọi người đã làm một lèo cho chúng tôi xem bà làm sao ghi được những chiếc đĩa này đấy!”

Nghe những lời này của cảnh sát, người con trai bật cười, nói với viên cảnh sát: “Anh thấy đấy, thế thì tôi nói Pháp Luân Công tốt thật. Cụ già nhà người ta 80 tuổi thì đi lại còn không vững, mẹ tôi đã hơn 80 tuổi mà còn làm máy tính ghi được đĩa DVD cơ mà!”

Cảnh sát cũng không phản bác, nói: “Đúng vậy, những người già hơn 80 tuổi ở nhà tôi đều nằm liệt giường. Mà người luyện Pháp Luân Công này đúng là phi thường.”

Những người xung quanh nghe cuộc đối thoại của họ không nhịn được mà cười thành tiếng.

Tuy nhiên, vì cuộc đàn áp vô cớ của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công vẫn ngang ngược diễn ra, nên cuối cùng bà lão 80 tuổi đã bị kết án phi pháp. Chỉ là viên cảnh sát bị buộc phải tham gia cuộc bức hại cũng hiểu rõ tốt xấu. Nghe nói sau này, người cảnh sát ấy đã nhờ một học viên Pháp Luân Công dạy cho người nhà anh ta luyện Pháp Luân Công. Ngoài ra còn có các lính canh khác lén học các bài công pháp từ các học viên Pháp Luân Công trong tù để cứu người nhà họ đang mắc bệnh.

Có thể bạn cảm thấy kỳ quái tại sao cụ bà 80 tuổi này vẫn phải tốn công học cách sử dụng máy tính để sao đĩa DVD? Ở tuổi ngoài 80, xem TV, đi dạo, ăn ngon và làm gì khác không tốt hơn sao?

Thực ra, trong rất nhiều học viên Pháp Luân Công, có rất nhiều người cao tuổi như vậy mà mỗi ngày vẫn vô cùng bận rộn. Nói một cách giản đơn, sau khi tu luyện Pháp Luân Công, thân lẫn tâm họ được thụ ích, nếu không bị bức hại thì đương nhiên họ sẽ vui vẻ an hưởng tuổi già. Nhưng chứng kiến ​​môn công pháp mang lại lợi ích cho họ bị vu khống và các học viên Pháp Luân Công – những người tốt chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn – phải chịu tra tấn cực hình, nhất là có bao nhiêu người dân không biết rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra và bị lừa gạt trước những dối trá của ĐCSTQ, làm sao họ có thể nhìn mà như không thấy được?

Vì để có thể giúp nhiều người hơn nữa liễu giải Pháp Luân Công rốt cuộc là gì và tại sao môn công pháp này lại bị bức hại. Họ đã dốc lòng học hỏi các kỹ thuật, in ấn tài liệu và sao chép đĩa DVD, có học viên bước ra nói chuyện với người qua đường và phân phát tài liệu chân tướng, kỳ thực họ chỉ mong nhiều người hơn không bị ĐCSTQ lừa dối nữa. Tuy nhiên, Trung Cộng lại định cho họ là “phạm tội lật đổ chính quyền nhà nước”.

Nếu lắng nghe câu chuyện của họ, sẽ thấy mỗi người trong số họ đều có những trải nghiệm riêng. Bà Từ Hương (hóa danh), 81 tuổi, một học viên Pháp Luân Công ở đại lục, sống độc thân, chính là một trong số đó. Mỗi ngày, bà bận rộn đến mức chẳng còn chút thời gian nào để cảm thụ cô đơn là gì.

Một ngày của bà bắt đầu bằng việc luyện công vào sáng sớm. Ngày nào bà cũng dậy sớm để luyện năm bài công pháp một mạch trong hai giờ đồng hồ, chẳng mong cầu nhàn hạ, 20 năm qua không mấy khi bỏ lỡ.

Nhờ tác dụng thần kỳ của Pháp Luân Công, mùa đông, bà Từ Hương vẫn có thể rửa tay và rửa mặt, thậm chí rửa chân bằng nước lạnh. Chỉ cần cởi giày, tất, bà duỗi chân trần dưới vòi nước, vèo cái là rửa xong, rất nhanh gọn.

Người nhà thấy bà vậy mà cười, bảo bà cụ đúng là tuyệt vời! Quanh năm rửa mặt bằng nước lạnh, không cần thoa mỹ phẩm chăm sóc da mà làn da của bà vẫn luôn mịn màng, nhẵn bóng.

Bạn có thể không tưởng tượng được rằng trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bà Từ Hương bị bệnh tật dày vò triền miên. Khi đó, người nhà nói với bà: “Bà ngoài phần đầu là ít khi bị đau ra, còn lai chỗ nào cũng đau bệnh hết!” Bà đáp: “Không phải, chỉ hơi kéo chân tóc thôi là cũng bị đau rồi, khắp người tôi không chỗ nào là không đau cả.”

Lúc đó, bà đã ngoài 50, quanh năm khổ sở với đủ loại bệnh tật, từ bệnh thần kinh, viêm khớp dạng thấp, bệnh tim, bệnh dạ dày, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa, v.v., khổ không tả xiết. Theo lời bà nói: “Bao nhiêu năm qua, tôi không có ngày nào được vui vẻ, lúc nào cũng bực dọc, tâm phiền ý muộn, nhìn ai cũng không thuận mắt, cảm thấy ai cũng có lỗi với mình.”

May mà trời không tuyệt đường người. Năm 1996, bà Từ Hương gặp được Pháp Luân Công. Sau khi học Pháp, luyện công, mọi bệnh tật của bà đều khỏi hẳn, lòng dạ khoáng đạt hơn, thấy ai cũng tốt, lúc nào cũng vui vẻ. Chứng kiến những thay đổi của bà, cả gia đình đều ủng hộ bà học luyện Pháp Luân Công.

Sau một biến đổi lớn về thể chất lẫn tinh thần như vậy, làm sao bà Từ có thể làm ngơ khi chứng kiến ​Trung Cộng vu khống Pháp Luân Đại Pháp khắp nơi, dàn dựng vụ án giả “tự thiêu Thiên An Môn” để giá họa cho Pháp Luân Công, thậm chí còn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Bà Từ sống một mình, in ấn và sản xuất tài liệu chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp tại nhà, không chỉ tự đi phát, bà còn cung cấp tài liệu cho các học viên Pháp Luân Công khác không biết in. Khi bận rộn, bà chạy đua với công việc, một tay cầm bánh bao, một tay cầm đồ ăn kèm, lúc ăn mà thấy khô miệng, bà liền uống ngụm nước đun sôi. Cuộc sống của bà giản đơn mà đủ đầy.

Tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng càng tu luyện thân thể bà càng trẻ ra. Bà đi treo áp phích, dựng biểu ngữ cùng học viên trẻ tuổi, phải đi cả chặng đường dài, đường đi gập ghềnh mà bà không hề bị bỏ lại phía sau, cũng không hề mệt mỏi.

Đối với bà, giúp nhiều người hơn biết được thông tin chân thực để không bị ĐCSTQ lừa dối và cảm nhận được vẻ đẹp của Chân-Thiện-Nhẫn là việc thần thánh. Theo lời bà nói: “Làm việc thần thánh như thế này có thể thấy cô đơn nữa sao?!”

Lời kết

Rất nhiều người cao tuổi như bà Từ Hương, kiên định với tín ngưỡng, phó xuất thời gian và tinh lực của bản thân, bận rộn mỗi ngày để mang lại lợi ích hơn cho nhiều người. Tuy nhiên, ĐCSTQ bức hại tàn nhẫn các học viên Pháp Luân Công, ngay cả người già cũng không bỏ qua. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, đã có 35 học viên Pháp Luân Công từ 60 tuổi trở lên bị kết án phi pháp; người cao tuổi nhất là 87 tuổi. Trong đó, 4 người ở độ tuổi từ 80-90, 14 người ở độ tuổi 70-80, và 17 người ở độ tuổi 60-70.

Vào ngày Tết Trùng Dương, ngày 23 tháng 10 năm 2023 (ngày 9 tháng 9 âm lịch), vốn dĩ nên gửi lời chúc phúc và sự kính ngưỡng đến những cụ già cao tuổi, nhưng nghĩ về những người già chỉ vì kiên định với tín ngưỡng của mình mà bị giam giữ trái phép, thậm chí bị tra tấn cực hình, lại khiến người ta không khỏi tự hỏi, những kẻ tàn bạo kia sao có thể hạ thủ như vậy? Thiện ác cuối cùng rồi khắc có báo, đừng để vì chấp hành mệnh lệnh của cấp trên mà khiến bản thân khó thoát khỏi chế tài của pháp luật và sự trừng phạt của thiên lý.

Mặt khác, Pháp Luân Công khiến con người thân tâm thụ ích. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, nhiều người già thân thể và tinh thần ngày càng trẻ ra, trí tuệ và năng lực không thua kém gì người trẻ. Nếu không có cuộc bức hại của Trung Cộng thì nhiều người cao tuổi hơn đã có thể tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và có cơ hội cải thiện về thể chất lẫn tinh thần, đó quả là một điều may mắn cho họ và gia đình. Đáng tiếc là ngày nay, vì cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ suốt 24 năm qua, mà biết bao người đã đánh mất cơ hội này.

Nếu bạn đang đọc bài viết này và nếu có cơ hội nhận được tài liệu giảng chân tướng từ các học viên Pháp Luân Công, hãy đọc câu chuyện của họ và lắng nghe tiếng nói của họ, biết đâu bạn cũng sẽ được truyền cảm hứng từ họ.

Người xưa coi số lẻ là dương, nên ngày và tháng cùng là 9 (九) gọi là “Trùng Dương (重阳) hay Trùng Cửu (重九)“, ngoài ra còn mang ý nghĩa lâu dài (久久 đồng âm với 九九), ngụ ý rằng sinh mệnh trường cửu, mang đến sức khỏe và trường thọ, bởi vậy Tết Trùng Dương còn được gọi là “Tết của người già”. Vào lễ hội truyền thống này, nguyện cho những người cao tuổi khắp mọi gia đình có được một ngày để kính lão đoàn viên, mong tất cả người già trên thế giới có thể an hưởng tuổi già, cũng mong rằng những người cao tuổi có thể tự do tu luyện Đại Pháp và kiên định với tín ngưỡng của mình.

(Ghi chú: Nội dung trong bài viết này là trải nghiệm chân thực của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/24/467447.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/25/212629.html

Đăng ngày 08-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share