Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-03-2023] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi là sinh viên khoa âm nhạc của Học viện Nghệ thuật Phương Bắc. Tôi từng chỉ có mong muốn duy nhất là trúng tuyển chương trình đào tạo âm nhạc tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên và gia nhập Đoàn biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun. Tôi chỉ muốn tập đàn nhiều hơn, và đã không chịu làm bài tập về nhà của các thầy cô. Sau này tôi mới nhận ra đây là tâm truy cầu. Vì vậy, việc luyện tập đàn violin của tôi không những không tiến bộ mà còn thụt lùi.
Nếu chúng ta không tuân theo các tiêu chuẩn của đệ tử Đại Pháp, thì không thể hoàn thành các nhiệm vụ của đệ tử Đại Pháp. Tôi nhận thấy rằng mình không nên đi sang cực đoan và cần thuận theo tự nhiên. Con đường tu luyện của mỗi người là khác nhau. Sư phụ Lý Hồng Chí sẽ an bài tốt nhất cho mỗi đệ tử, miễn là chúng ta tinh tấn tu luyện.
Sư phụ giảng:
“Bản thân công pháp tu luyện không hề khó, bản thân việc đề cao tầng cũng không khó gì hết, mà chính là tâm con người không vứt xuống được.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi ngộ ra rằng, mình không thể chỉ tập trung vào tập đàn, mà còn cần phải luyện công và hoàn thành các bài tập về nhà. Chỉ như vậy tôi mới có thể đạt được kết quả tốt.
Tôi cũng cần tuân theo yêu cầu của giáo viên âm nhạc và không được tự cao tự đại. Trước đây, tôi không nghe lời thầy cô và chỉ làm những gì mình cho là đúng. Tôi không nên chú trọng quá nhiều vào những thứ bề mặt. Sư phụ đã điểm hoá cho tôi thông qua giáo viên của tôi, rằng cần “tùy kỳ tự nhiên” và đi theo an bài của Sư phụ. Nghĩ nhiều không đem lại tác dụng gì. Đôi khi suy nghĩ nhiều có thể cản trở sự an bài của Sư phụ. Việc được tuyển vào chương trình âm nhạc tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên và đăng ký đại học đều do Sư phụ an bài. Tại sao tôi lại phải lo lắng chứ? Nên hễ khi nào tôi lo lắng liệu có trúng tuyển vào chương trình âm nhạc tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên hay không, tôi lại nhẩm bài thơ sau của Sư phụ.
Sư phụ giảng:
Tu luyện lộ bất đồng
Đô tại Đại Pháp trung
Vạn sự vô chấp trước
Cước hạ lộ tự thông
(Vô trở, Hồng Ngâm II)Tạm diễn nghĩa:
Không Có Cản Trở
Đường tu luyện khác nhau
Đều ở trong Đại Pháp
Vạn sự không chấp trước
Đường dưới chân tự thông\\
Tôi cũng thấy rằng, khi tập đàn mà mắc lỗi, thì tôi cũng không nên buồn bực hay tức giận. Là đệ tử Đại Pháp, tôi cần bảo trì tâm thái điềm tĩnh và từ bi. Tất nhiên, tôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn ở trường. Tôi bắt đầu thấy mất tự tin khi phát hiện ra nhiều thiếu sót của bản thân. Trước mỗi lần tập đàn violin, tôi đều thanh lý hết thảy các nhân tố tiêu cực trong trường không gian của mình và cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Mục đích tập đàn của tôi khác với người thường. Người thường luyện tập là để mang lại lợi ích cho bản thân họ, còn học viên chúng ta luyện tập là để cứu người. Chúng ta đang làm điều chân chính nhất. Chẳng phải chúng ta đã thệ ước sẽ trợ giúp Sư phụ cứu độ chúng sinh sao.
Sư phụ giảng:
“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Sư phụ đã trải sẵn đường cho chúng ta rồi. Chúng ta không có việc gì khác cần làm, ngoài việc giữ tâm cho chính và bước tiến trên con đường tu luyện.
Tôi cũng ngộ ra rằng việc thi tuyển vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên và tham gia Đoàn Nghệ thuật Shen Yun không phải là con đường duy nhất để cứu độ chúng sinh. Chúng sinh luôn ở khắp mọi nơi và chúng ta có thể tu luyện trong bất kỳ môi trường nào. Tôi sẽ tuân theo an bài của Sư phụ. Tâm cứu độ chúng sinh của tôi sẽ không bao giờ dao động. Tôi không nên nghi ngờ liệu mình có đang đi đúng đường hay không. Trước đây tôi hay sợ phạm sai lầm và thường chờ đợi Sư phụ điểm hoá. Đó là biểu hiện của trạng thái buông lơi bởi vì chúng ta cần phải kiên định trên con đường tu luyện của mình và không nên lúc nào cũng dựa vào Sư phụ. Ngoài ra, tôi cũng không nên chấp trước vào điểm số ở trường. Mục đích thực sự của việc học đàn violin của tôi là để chứng thực Đại Pháp, chứ không phải để chứng thực bản thân rằng tôi thông minh hay chăm chỉ như thế nào.
Trên đây là thể ngộ và trải nghiệm của tôi về việc xét tuyển và thi đỗ chương trình âm nhạc của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
Ngừng phán xét mọi người
Gần đây tôi gặp nhiều khổ nạn liên khiến tôi ngộ ra rằng mình cần thiện hơn. Tôi cũng không được phán xét người khác hoặc nói xấu sau lưng họ.
Sư phụ giảng:
“Lúc chư vị phối hợp với nhau là vì nhân tâm mới sản sinh ma sát với nhau, đấy là trạng thái và quá trình của người tu luyện, quyết không phải ai đó trong chư vị thật sự không tốt. Phía mặt tốt đã không nhìn thấy, đã cách ra rồi, những gì chư vị nhìn thấy vĩnh viễn là phía mặt chưa tu xong, nhưng chư vị không được không ôm giữ tâm từ bi, không được nhìn người một cách cố định. Tôi nhắc lại, phía mặt tốt thì chư vị nhìn không thấy, bên đó đã phi thường tốt rồi, đạt tiêu chuẩn rồi. Đạt tiêu chuẩn là sao? Tiêu chuẩn của Thần. Còn phía chưa tu xong kia của họ, càng hướng ra bề mặt thì càng hiển ra không tốt, tuy nhiên, họ đã tu được rất tốt. Hy vọng mọi người trân quý chính mình, trân quý người khác, trân quý hoàn cảnh này của chư vị. Trân quý con đường mà chư vị đi, đó chính là trân quý bản thân chư vị.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp, Giảng Pháp tại các nơi XI)
Bị đắm chìm trong thùng thuốc nhuộm lớn của xã hội người thường, nhiều người, bao gồm cả các học viên chúng ta đang bị mê mờ. Với tư cách là đệ tử Đại Pháp, chúng ta chẳng phải có trách nhiệm thức tỉnh họ sao? Chẳng phải chúng ta đang tạo ra một thế giới mới cho nhân loại sao? Tôi thật không đúng khi tẩy chay, hoặc nói xấu sau lưng một số bạn cùng lớp. Sư phụ không bỏ rơi một ai, kể cả những người đang bị nhiễm thói hư tật xấu trong xã hội người thường. Sư phụ không bao giờ chọn chúng sinh để cứu độ và chúng ta cũng cần phải vậy. Chúng ta cần thiện đãi những người đang gặp khó khăn.
Tôi thường ngần ngại chỉ ra lỗi của người khác. Tôi không muốn họ oán giận mình và ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng tôi. Tuy nhiên, ‘phía minh bạch’ của người ấy sẽ thực sự oán giận tôi nếu tôi không chỉ ra những thiếu sót của họ! Tôi cần chân thành chỉ ra lỗi của người khác nếu thực sự quan tâm đến họ. Có lẽ Sư phụ cố ý để lộ những thiếu sót của người nào đó cho tôi thấy để tôi có thể giúp người ấy. Không có gì là ngẫu nhiên. Tôi không nên lo lắng về những được mất trên bề mặt. Khi ngẫm lại hành xử của mình, tôi nhận ra rằng, do tôi đến từ Trung Quốc, nên tôi đã mang theo rất nhiều thói quen và quan niệm xấu của người Trung Quốc. Thông qua việc không ngừng học Pháp, tôi ngộ ra rằng tôi nên luôn lắng nghe các giáo viên chỉ bảo cho mình. Tôi cũng thấy mình nên động viên các bạn cùng lớp học Pháp.
Tôi cũng có xu hướng chỉ vì bản thân. Nếu tôi chỉ nghĩ cho riêng mình, thì sẽ không thể xuất ra thiện tâm. Trong các buổi giao hưởng của dàn nhạc, tôi đã luôn cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Tôi nhận ra đây là tâm vị tư. Lẽ ra tôi nên xin Sư phụ gia trì cho toàn bộ dàn nhạc chứ không chỉ mỗi bản thân tôi. Đây là nhận thức tại tầng thứ hiện tại của tôi về tâm từ bi.
Tôi đã nhận thấy viết bài chia sẻ trải nghiệm tu luyện này có lợi cho tu luyện của mình như thế nào. Tôi đã hướng nội và học Pháp nhiều hơn khi quyết định tham gia viết bài chia sẻ. Tôi tìm thấy những chấp trước như hiển thị, cực đoan và xem thường mọi thứ. Tôi đã sửa đi sửa lại bài chia sẻ của mình. Mỗi lần sửa, tôi nhận ra mình đã được đề cao trong tu luyện. Các bạn cùng lớp cũng đã từ bi chỉ ra nhiều lỗi lầm của tôi và điều này đã giúp tôi chính lại những quan niệm xấu tôi từng ôm giữ về họ. Nếu không có Pháp hội chia sẻ này, tôi đã không thể tìm ra được nhiều chấp trước của bản thân như vậy và theo đó sẽ không thụ ích được nhiều. Tôi biết rằng Sư phụ đã an bài tỉ mỉ tất cả những điều này cho tôi.
Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!
(Bài đọc tại Pháp hội Chia sẻ Tâm đắc Thể hội của Học viện Phương Bắc 2023)
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/27/458151.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/7/207981.html
Đăng ngày 28-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.