Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Canada
[MINH HUỆ 04-08-2023] Kính chào Sư phụ. Xin chào các bạn đồng tu.
Tôi là một học viên đến từ Montreal. Tôi đắc Pháp ở Canada vào năm 2009. Lúc đó, tôi gặp một phụ nữ trên mạng mà tôi có mối liên hệ sâu sắc. Cô ấy khuyên tôi đừng tin vào những lời dối trá về “vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn” và hãy nhìn Pháp Luân Công mà không có định kiến. Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân, tôi nhận ra rằng con người có thể chân chính tu luyện và Thần Phật tồn tại. Tôi không còn tin vào những lời dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt đầu bước vào tu luyện.
Trong suốt thập niên tu luyện vừa qua, tôi đã gặp vô số thử thách. Ví dụ, tôi bị bệnh về da nghiêm trọng ngay sau khi bắt đầu tu luyện. Những mảng phát ban lớn giống như bệnh chàm xuất hiện khắp cơ thể và gương mặt, rỉ nước, ngứa ngáy và đau dữ dội, hệt như vết bỏng. Nhờ liên tục học Pháp và tăng cường chính niệm, tôi đã vượt qua khổ nạn này sau gần một năm.
Trong những năm gần đây, thử thách quan trọng nhất mà tôi gặp phải trong quá trình tu luyện của mình là những khó khăn của con gái tôi trong quá trình trưởng thành. Thật may là trong một năm qua, cháu đã dần hồi phục khỏi trạng thái gần như không thể đứng dậy, lấy lại được niềm hạnh phúc mà lẽ ra phải có ở tuổi của mình. Cháu cũng lấy lại được sự tự tin, cải thiện đáng kể kết quả học tập, thậm chí đạt điểm trên 90 và kết được nhiều bạn. Đây là điều mà trước đây tôi không thể tưởng tượng được.
Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm này với mọi người. Đầu tiên, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự an bài từ bi của Sư phụ, và thứ hai, tôi hy vọng những trải nghiệm của mình có thể cung cấp một số hướng dẫn cho các bậc cha mẹ và các đồng tu có cùng trải nghiệm.
Những thay đổi ở con gái tôi
Từ nhỏ, con gái tôi đã là một đứa trẻ thông minh và đáng yêu. Cháu đặc biệt thích cười và có bản tính hiền lành, tốt bụng. Cháu rất thiện lương. Khi còn nhỏ, cháu học Pháp, luyện công và tham gia nhiều hoạt động liên quan đến Đại Pháp. Cháu luôn ngoan ngoãn và cư xử tốt. Vào năm 2019, chúng tôi đã tham dự hoạt động xếp chữ Hán trong Pháp hội New York. Đó là một ngày hè nóng bức và cháu phải mặc một chiếc áo mưa dày. Cháu đã ngồi đó hơn hai tiếng đồng hồ mà không rời khỏi chỗ của mình, dù đổ mồ hôi rất nhiều.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm lớp ba, cháu bắt đầu thay đổi sau khi bị bắt nạt ở trường. Tôi nhớ cháu nói với tôi rằng những đứa trẻ khác đang bắt nạt cháu nhưng cháu không cho tôi biết nhiều chi tiết. Ban đầu tôi nghĩ đó là chuyện nhỏ nên ít để ý. Tôi hời hợt khuyên cháu rằng, là người tu luyện, chúng ta không nên tức giận với mọi người và rằng các bạn bắt nạt đang tạo nghiệp cho chính mình, v.v. Tôi nghĩ rằng miễn là cháu có thể nhìn nhận hoàn cảnh đó từ góc độ của người tu luyện, cháu sẽ không bị ảnh hưởng và có thể dễ dàng bước tiếp. Tuy nhiên, tôi đã xem nhẹ khả năng chịu đựng của cháu. Cháu là một đứa trẻ rất nhạy cảm mà vợ chồng tôi luôn bảo bọc từ nhỏ và cháu hiếm khi gặp chuyện gì suy sụp. Cháu phụ thuộc mạnh mẽ vào người khác.
Năm lớp năm, con gái tôi được nhận vào một trường tư thục nổi tiếng ở địa phương. Tôi đã nghe những điều tốt đẹp về ngôi trường, thích danh tiếng tuyệt vời, sự quản lý nghiêm khắc của trường và cơ hội chuyển trực tiếp lên trường cấp hai của họ. Tôi cảm thấy tự tin hơn về việc học tập và giáo dục của con gái tôi tại trường này. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của tôi, cháu vẫn gặp khó khăn trong việc kết bạn ở đó. Trải nghiệm bị bắt nạt trước đây khiến cháu thiếu tự tin và do dự khi bắt đầu các tương tác xã hội. Tệ hơn nữa, cháu kết bạn với một đứa trẻ xuất thân từ một gia đình khó khăn và có hành vi không đúng đắn. Cháu trở nên nghiện trò chơi điện tử trực tuyến, mất hứng thú học tập, không thể tập trung và điểm số bắt đầu giảm sút. Do đó, các giáo viên trong trường đã đối xử khác với cháu, và cuối cùng họ đề nghị chúng tôi đưa cháu đến gặp bác sĩ tâm lý thần kinh để khám bệnh.
Trong thời gian đó, trạng thái tu luyện của con gái tôi cũng xuống thấp, vì cháu hầu như không thể học Pháp hay luyện công. Hơn nữa, cháu trở nên nổi loạn, ăn mặc sành điệu, đầu tóc bù xù và không thích sạch sẽ. Người bạn có vấn đề của cháu nói: “Đừng nghe lời cha mẹ nói gì; bạn có cuộc sống của riêng mình.” Vì vậy, bất cứ khi nào tôi nói với cháu những gì cháu nên làm hoặc không nên làm, cháu sẽ nói: “Đừng ép buộc con; con có cuộc sống của riêng mình.”
Đối mặt với trạng thái của cháu, tôi cảm thấy lo lắng và tâm tính của tôi trở nên tệ. Tôi thường không kiềm chế được cơn tức giận và quát mắng con gái mình. Sau khi bình tĩnh lại, tôi nhớ những gì Sư phụ đã giảng:
“Có người khi quản giáo con cái cũng nóng giận, nổi cơn tam bành; khi quản giáo con cái thì chư vị đừng làm thế, chư vị không được thật sự nóng giận; chư vị cần giáo dục con cái một cách có lý trí, như thế mới có thể thật sự giáo dục chúng được tốt.” (Bài giảng thứ Chín, Chuyển Pháp Luân)
Hướng nội, tôi biết rằng là người tu luyện, tôi không nên tức giận. Tôi nên kiên nhẫn giao tiếp với con mình nhưng thường thì tôi không thể làm được điều này khi mâu thuẫn nảy sinh.
Thỉnh thoảng, con gái tôi có những lúc thanh tỉnh và cảm thấy không vui về cách hành xử của mình. Cháu nói: “Mẹ ơi, con cần rất nhiều sự khích lệ,” và “Mẹ ơi, con muốn tu luyện nhưng điều đó rất khó.” Nghe điều này khiến tôi cảm thấy rất khổ sở.
Trong hoàn cảnh như vậy, vào tháng 7 năm ngoái, tôi lần đầu tiên đưa con đến Toronto để cháu có thể tham dự Trại hè Minh Huệ ở đây. Trước đây, một đồng tu trong khu vực của chúng tôi đề nghị con gái tôi tham gia trại hè ở Toronto, nói rằng một tiểu đệ tử tham gia trong ba tuần đã trải qua những thay đổi tích cực. Tôi không hào hứng với ý tưởng này. Tuy nhiên, thấy tình trạng của con ngày càng đáng lo ngại và nhận ra mình không có giải pháp tốt để thay đổi mọi thứ, tôi quyết định thử cho con tham gia trại hè xem thế nào.
Lúc đầu, con tôi không muốn đến Toronto. Cháu biết rằng trại hè ở Trường Minh Huệ sẽ liên quan đến việc học Pháp và luyện công hàng ngày, và cháu đã từ chối ý tưởng đó vì cảm thấy rằng mình không thể làm được. Tôi nói với cháu hãy thử tham gia trại hè chỉ trong một tuần. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên, cháu đã rất thích. Khi tôi hỏi cháu tại sao, cháu nói với tôi là cháu không cảm thấy bị bỏ rơi ở đó, cháu hòa đồng với nhiều bạn nhỏ ở trại hè nên vui hơn rất nhiều.
Cuối cùng, con gái nói với tôi: “Con muốn học tiểu học ở đây.” Tôi đấu tranh tư tưởng trong tâm. Tôi do dự vì mình là nhân viên bán hàng chủ chốt của The Epoch Times và sự ra đi của tôi sẽ dẫn đến tổn thất cho công ty. Tôi đã nhiều lần suy nghĩ và cân nhắc những lựa chọn tốt nhất: Vợ chồng tôi đã gửi con đến trường được coi là “tốt nhất”, nhưng cuối cùng cô bé lại rơi vào hoàn cảnh như vậy. Hơn nữa, có vẻ như cháu sắp bị xếp loại là một đứa trẻ “có nhu cầu đặc biệt.” Cháu là con gái của tôi, nhưng quan trọng hơn, cháu là một tiểu đệ tử đến để đắc Pháp. Sư phụ giao cháu cho tôi, và tôi chịu trách nhiệm giúp cháu tu luyện và phát triển khỏe mạnh.
Trực giác tôi tin rằng con gái mình chỉ có thể quay trở về và cải thiện hành vi trong một môi trường thuần khiết và chân chính. Thật may, sau khi chồng tôi hiểu ra sự việc, anh cũng đã tin tưởng vào Trường Minh Huệ. Anh ấy ủng hộ mong muốn của con chúng tôi được học ở trường.
Vì vậy, tôi quyết định chuyển đến Toronto để con gái có thể học tại Trường Tiểu học Minh Huệ. Đồng thời tôi cũng quyết tâm hoàn thành trách nhiệm của mình đối với hạng mục. Tôi dự định trở lại Montreal một tuần mỗi tháng ngoài việc làm việc từ xa. Tôi tin rằng như vậy có thể ổn.
Con gái tôi trở lại tu luyện và lấy lại chính niệm tại trường Minh Huệ
Tôi và con gái chuyển đến Toronto, cháu bắt đầu học lớp sáu ở khối tiểu học của Trường Minh Huệ. Trong khi đó, chồng tôi ở lại Montreal vì công việc. Anh đã gọi điện và hỏi con gái cảm thấy thế nào sau ngày đầu tiên đến trường. Cháu nói rằng cháu rất hạnh phúc. Chồng tôi cười hạnh phúc và cảm thấy nhẹ nhõm.
Vào thời điểm đó vì Trường Tiểu học Minh Huệ mới thành lập được một năm nên chỉ có hai lớp: lớp lớn và lớp nhỏ. Mặc dù độ tuổi và khả năng của trẻ khác nhau, các giáo viên đã sắp xếp phù hợp và cố gắng hết sức để cung cấp hướng dẫn phù hợp với trình độ của các cháu. Sách giáo khoa toán được sử dụng ở trường là của Singapore, khó hơn sách được sử dụng ở các trường phương Tây. Chương trình giảng dạy khoa học không bao gồm thuyết tiến hóa, do đó bảo vệ trẻ em khỏi sự lây nhiễm của chủ nghĩa vô thần ngay từ khi còn nhỏ. Các giáo viên đã biên soạn chương trình giảng dạy bằng tiếng Trung và hướng dẫn các em về văn hóa truyền thống, các nguyên tắc đạo đức. Tất nhiên, điều tốt nhất là họ đảm bảo các tiểu đệ tử học Pháp và luyện công ở trường.
Ban đầu, điều này rất khó khăn đối với con gái tôi và đặt ra một thách thức lớn. Tôi biết rằng khi ở nhà, cháu chỉ có thể luyện một bài công pháp và không thể ngồi yên để thiền định. Học Pháp cũng là một thử thách vì tâm cháu không tĩnh và cháu sẽ trở nên thiếu kiên nhẫn sau khi đọc một lúc. Việc phát chính niệm thậm chí còn khó khăn hơn.
Sau một năm nỗ lực của con gái tôi và sự trợ giúp kiên nhẫn của các giáo viên, cháu có thể ngồi yên và thiền định trong một giờ đồng hồ và nhắm mắt lại. Cháu nói rằng cháu bị đau sau nửa giờ nhưng có thể kiên trì hết một giờ.
Cách các giáo viên giải quyết mâu thuẫn giữa các em học sinh cũng truyền cảm hứng cho tôi. Con gái tôi là một đứa trẻ nhạy cảm và dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, luôn dựa dẫm vào những người bạn thân của mình. Khi mâu thuẫn nảy sinh, hoặc bạn bè đối xử không tốt với cháu, cháu sẽ suy sụp, khóc không kiểm soát và tìm kiếm sự an ủi từ Hiệu trưởng. Ban đầu, các giáo viên sẽ an ủi và xoa dịu trái tim bị tổn thương của cháu. Nhưng dần dần, khi họ nhận ra sự phụ thuộc của cháu, họ đã thay đổi cách tiếp cận. Họ đã dạy cháu lý tính đối mặt với mâu thuẫn, tìm kiếm giải pháp, mạnh mẽ và không dựa dẫm quá nhiều vào người khác. Họ khuyến khích cháu dũng cảm bày tỏ cảm xúc của mình và không làm những điều cháu không thích vì sợ mất bạn bè. Các giáo viên đã dạy cháu về ý nghĩa của tình bạn chân chính và cách kết bạn chân chính. Theo thời gian, con gái tôi đã trải qua nhiều lần thử thách về tính cách và dần dần có thể đối mặt với thử thách bằng nghị lực.
Vào tháng 5 năm nay, trong một sự kiện của Pháp Luân Đại Pháp, cháu đã tham gia vũ đạo do lớp biên đạo sắp xếp và thậm chí còn can đảm biểu diễn trước nhiều khán giả. So với mới chỉ một năm trước, sự thay đổi của cháu thực sự rất khó tin.
Kiên trì làm tốt hạng mục The Epoch Times
Tôi là nhân viên bán hàng chính của The Epoch Times ở Montreal. Phần lớn thời gian tôi phải đưa con gái đến trường, tôi đã cố gắng trở lại Montreal một tuần mỗi tháng để gặp gỡ khách hàng và giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra do không thể gặp họ khi làm việc từ xa ở Toronto.
Đây là một thử thách đối với tôi. Trước đó, chuyến đi một mình dài nhất của tôi là từ Montreal đến Thành phố Quebec, hành trình kéo dài ba giờ này tôi kiệt sức. Còn lái xe đi từ Toronto đến Montreal mất gần sáu giờ. Trên đường đi, tôi nghe chia sẻ về tu luyện trên chương trình Phát thanh Minh Huệ, nhạc giao hưởng Shen Yun và các bài giảng của Sư phụ. Tôi dần quen với lộ trình và cảm thấy thời gian ngắn lại. Những ngày ở Montreal cũng khá bận rộn, tôi sẽ tìm mọi cách để gặp được càng nhiều khách hàng càng tốt trong thời gian ngắn nhất.
Có lần tôi đã cố gắng đến thăm 20 khách hàng chỉ trong bốn ngày và gặp hầu hết mọi khách hàng đã lên kế hoạch gặp, trong đó có một số người tôi đã cố gắng gặp vài năm trước. Trước cuộc hẹn, tôi thầm cầu xin Sư phụ: “Xin Sư phụ cho con gặp họ. Con đã vất vả một chuyến và con hy vọng nó sẽ không vô ích”. Và thật kỳ diệu, vị khách hàng đặc biệt đó đã đến gặp tôi, mặc dù chúng tôi đã không gặp nhau trong nhiều năm. Tôi biết ơn sự an bài từ bi của Sư phụ và quyết tâm làm việc chăm chỉ hơn nữa và bán báo The Epoch Times thật tốt.
Trong suốt cả năm, chồng tôi và các học viên ở Montreal và Toronto đã hỗ trợ và khích lệ tôi rất nhiều. Khi tôi tạm thời rời Montreal, các đồng nghiệp tại The Epoch Times ở Montreal đã giúp chuyển báo cho khách hàng của tôi và thay mặt tôi gặp họ. Tương tự như vậy, khi tôi tạm thời rời Toronto, các học viên ở Toronto đã chăm sóc con gái tôi, hoặc chồng tôi đã từ Montreal đến Toronto. Chồng tôi là một nhà môi giới bất động sản và cũng cần gặp khách hàng, nhưng anh ấy đã cố gắng sắp xếp lịch trình của mình để tôi có thể trở lại Montreal gặp khách hàng của The Epoch Times. Và cứ thế, hàng tháng, chúng tôi đi lại giữa hai thành phố như chong chóng.
Tôi nhớ tới đoạn Pháp Sư phụ giảng:
“Làm việc gì thì hãy làm nó cho tốt. Trong quá trình thực thi cái được nhìn là nhân tâm chư vị, chứ không nhìn bản thân sự thành công của chư vị. Trong quá trình chư vị thực hiện thì hãy cứu người ta! Trong quá trình chư vị thực hiện thì là quá trình chư vị tu luyện đề cao, đồng thời khởi tác dụng cứu độ chúng sinh!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Được khuyến khích bởi điều này, tôi tự nhủ phải cố gắng hết sức, bất kể cuối cùng tôi có ký được hợp đồng hay không. Tôi hiểu rằng chính quá trình này là quá trình cứu người. Vì vậy, bất chấp những khó khăn khi làm việc từ xa và sống trong hai ngôi nhà, tôi cơ bản vẫn đạt được mục tiêu bán hàng của mình.
Tăng cường học Pháp và tu tâm
Năm nay, khi tôi làm việc từ xa và phần lớn thời gian sống trong những chỗ ở tạm, cuộc sống trở nên đơn giản hơn và tôi có thời gian rảnh nhiều hơn. Nhân cơ hội này, tôi tăng cường học Pháp, lắng nghe chia sẻ tu luyện của các đồng tu, ngẫm nghĩ về những vấn đề và khó khăn mà tôi gặp phải trong hành trình tu luyện, đồng thời tìm ra các chấp trước và cố gắng thanh lý chúng.
Tôi nhận ra rằng con gái tôi là một tiểu đệ tử đến vì Pháp; duyên phận mẹ con giữa chúng tôi là để chúng tôi cùng trưởng thành trong Pháp. Tôi cũng nhận ra rằng trong quá khứ khi giáo dục con, tôi đã vô thức dùng phương thức ép buộc và căn bệnh thành tích chịu ảnh hưởng từ văn hóa Đảng. Giờ đây, tôi có thể đồng cảm với cháu bởi vì cháu vẫn còn nhỏ và đánh giá cao những thách thức mà cháu phải đối mặt trong quá trình trưởng thành cũng như nỗ lực đề cao và tu luyện bản thân. Con gái cũng nói rằng tâm tính của tôi đã được cải thiện và tôi không còn nóng nảy hay tức giận nữa.
Tôi cũng nhận thức được tâm oán hận ẩn sâu của mình đối với chồng và điều này cần phải được thanh lý thông qua tu luyện. Vì vậy, tôi bắt đầu quan tâm đến anh nhiều nhất có thể. Ngay cả khi anh có thái độ không tốt, tôi vẫn cố gắng đối xử tốt với anh ấy và không còn phàn nàn nữa. Tôi có thể cảm thấy một số tảng băng giữa tôi và chồng đang tan chảy. Đồng thời, thái độ của anh ấy đối với việc tu luyện của con gái cũng có sự thay đổi tích cực.
Suy ngẫm về hành trình này tôi tràn ngập cảm xúc. Con biết ơn vì Sư phụ đã luôn ở bên cạnh chúng con, dẫn dắt chúng con trên con đường tu luyện. Mặc dù tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì ở các không gian khác, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự gia trì và bảo hộ toàn diện của Sư phụ cũng như sự an bài có trật tự và vi diệu của Ngài.
Cảm tạ Sư phụ. Cảm ơn các bạn đồng tu. Xin từ bi chỉ ra nếu có bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.
(Bài đọc tại Pháp hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Canada năm 2023)
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/4/463658.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/11/210725.html
Đăng ngày 24-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.