Bài viết từ một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-12-2022] Ngày 24 tháng 9 năm 2022, cảnh sát ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bắt giữ một người phụ nữ địa phương bị khuyết tật vì niềm tin của bà vào Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị bức hại ở Trung Quốc kể từ tháng 7 năm 1999.
Cảnh sát đã đưa bà Quách Linh (gần như mất khả năng đi lại) đến Đồn Công an Tây Sơn và giữ lại qua đêm. Cảnh sát đã thẩm vấn bà qua ngày hôm sau và cưỡng chế thu thập mẫu máu, dấu vân tay của bà. Họ không thể đưa bà vào Trại tạm giam vì bà không đạt yêu cầu trong cuộc kiểm tra sức khỏe đầu vào. Sau khi được thả, cảnh sát tiếp tục theo dõi bà và thường xuyên đến nhà để chụp ảnh và sách nhiễu bà.
Bà Quách Linh (65 tuổi) đã nghỉ hưu tại một công ty thực phẩm ở thành phố Côn Minh. Khi còn nhỏ, bà đã bị bệnh bại liệt và từ đó không thể đi lại bình thường. Sau này, bà cũng mắc thêm nhiều căn bệnh khác và phải chịu đựng sự đau đớn suốt nhiều năm trời cho đến khi bệnh tật của bà được chữa khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà trở thành một học viên kiên định, ngay cả sau khi cuộc bức hại xảy ra.
Trong suốt 23 năm của cuộc bức hại, chính quyền đã bắt bà nhiều lần và bỏ tù bà tổng cộng 11 năm vì đức tin của bà. Bên trong Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam, lính canh buộc bà phải ngồi một chỗ trên một chiếc ghế đẩu nhỏ 16 giờ mỗi ngày trong suốt 2 năm trời. Sự tắc nghẽn lưu thông khí huyết đã gây ra tổn thương mô vĩnh viễn dẫn đến hoại tử ở chỏm xương đùi của bà.
Việc thường xuyên bị biệt giam đã ảnh hưởng đến thần kinh của bà và khiến bà bị chứng “rối loạn hoang tưởng dẫn tới kích động”. Chính quyền chỉ thả bà cho đến khi gia đình bà nộp đơn tố cáo ban quản lý nhà tù. Thời điểm được tạm tha y tế vào tháng 11 năm 2011, bà đã bị liệt toàn thân.
Tái hiện cảnh tra tấn: Ngồi một chỗ cả ngày trên chiếc ghế đẩu nhỏ
Sau khi bà Quách về nhà, cảnh sát cùng các viên chức cộng đồng tiếp tục sách nhiễu và còn yêu cầu bà phải thường xuyên báo cáo tình trạng của mình cho cảnh sát. Không chịu được áp lực tinh thần to lớn từ cuộc bức hại, chồng bà đã đệ đơn ly hôn. Bà buộc phải dọn ra ngoài sống và thuê một nhà trọ bằng đồng lương hưu ít ỏi của mình. Để có thể bức hại bà, Cục An sinh Xã hội ở quận Ngũ Hoa, thành phố Côn Minh đã đình chỉ trợ cấp hưu trí của bà và yêu cầu bà hoàn trả số tiền hưu trí đã nhận khi bà ở trong tù.
Chi tiết vụ bắt giữ mới nhất
Chiều ngày 24 tháng 9 năm 2022, bốn người đàn ông đã chặn bà Quách khi bà đang trên đường về nhà. Họ xưng là cảnh sát, nhưng chỉ một người trong số họ xuất trình thẻ cảnh sát. Họ đột nhập vào nhà bà mà không có lệnh khám xét, lục soát nơi ở, tịch thu chìa khóa và tiền mặt của bà. Trong quá trình khám xét, Lý Kiến Khôn, phó giám đốc Đồn Công an Hải Khẩu, đã chìa ra một lệnh khám xét để trống thông tin trước mặt bà Quách. Camera của cảnh sát chỉ quay vào người bà ấy chứ không quay vào các sĩ quan khác. Cảnh sát cũng không đưa cho bà xem danh sách các tài sản bị tịch thu.
Sau đó vào khoảng 10:30 tối, cảnh sát đến lục soát trái phép nhà con gái bà Quách và tịch thu đồ đạc của cô ấy trong lúc không có ai ở nhà. Lần này họ cũng không đưa ra biên bản kiểm kê các đồ vật bị tịch thu. Khi họ đưa bà Quách trở lại Đồn Công an Hải Khẩu thì đã là nửa đêm, và họ để bà trong phòng chờ qua đêm.
Sáng hôm sau, hai cảnh sát thẩm vấn bà mà không cho biết lý do bắt giữ bà. Khi bà từ chối trả lời, cảnh sát đã kéo bà ra ngoài và cưỡng chế chụp ảnh, lấy dấu vân tay và mẫu máu của bà mà không có sự chấp thuận từ phía bà.
Ba cảnh sát đã đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Kết quả cho thấy bà bị hoại tử chỏm xương đùi ở chân trái và gãy xương chân phải. Khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận, cảnh sát đã đưa bà trở lại đồn. Họ bắt bà ký vào một tờ giấy mà không cho bà đọc nội dung. Sau khi bà từ chối ký, cảnh sát đe dọa rằng bà sẽ bị giám sát sau khi đưa về nhà và dọa dẫm sẽ tống bà vào tù. Bà ấy đã được thả sau đó vào buổi tối.
Chính quyền tiếp tục sách nhiễu sau khi bà được thả. Bốn cảnh sát từ Đồn Công an Hải Khẩu đã đến chỗ bà vào ngày 30 tháng 9 để cảnh báo bà không được ra ngoài. Ba ngày sau, Lý Kiến Khôn dẫn ba cảnh sát đến nhà và đe dọa bà rằng dù đang được tại ngoại nhưng bà vẫn sẽ bị truy tố vì tu luyện Pháp Luân Công.
Kể từ ngày 5 tháng 10 trở đi, mỗi ngày sẽ có một cảnh sát đến nơi ở của bà để chụp ảnh trong suốt một tuần. Sau đó cứ vài ngày anh ta lại đến để làm điều tương tự. Một ngày nọ, khi bà đến gặp nha sĩ, sĩ quan này đã điện thoại ngay khi bà đến phòng khám nha khoa và yêu cầu bà trở về nhà ngay lập tức.
Sau đây là lời kể của chính bà Quách về việc bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công như thế nào và chính quyền cộng sản Trung Quốc đã bức hại bà ra sao trong 23 năm qua.
* * * * * * *
Toàn thân vô bệnh sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp
Khi được 9 tháng tuổi tôi bị sốt cao và chân phải bị liệt. Năm 20 tuổi, tôi mắc thêm nhiều bệnh tật, tôi có khối u trong não, nhọt trong tai, viêm mũi, loét khoang miệng, tăng sản xương đốt sống cổ… Mọi khớp xương đều đau không chịu nổi. Ba tháng sau khi sinh con gái, tôi bị nhiễm trùng đường tiết niệu và thường xuyên đi ngoài ra máu. Tất cả các phương pháp điều trị mà tôi đã thử đều vô hiệu.
Một ngày tháng 4 năm 1997, một người hàng xóm mang đến cho tôi một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi đọc xong Chuyển Pháp Luân trong 3 ngày. Hàng xóm của tôi đã giới thiệu tôi với một học viên khác và tôi được tặng thêm các sách Đại Pháp. Không lâu sau đó chúng tôi thành lập một điểm luyện công tại nhà tôi. Chúng tôi luyện công vào buổi sáng và học Pháp vào buổi tối. Khởi điểm chỉ có 5-6 học viên, sau đó đã tăng lên hơn 20 học viên. Chỉ 1 tháng sau, tôi đi ngoài và thải ra lượng lớn mủ và máu. Kể từ đó, tất cả các bệnh tật của tôi (ngoại trừ một số di chứng bại liệt) đều biến mất.
Liên tục bị bức hại
Bị bắt và tài sản của gia đình bị tịch thu
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, chính quyền cộng sản bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Một ngày của tháng 9 năm đó, cảnh sát trưởng Khương Thiệu Văn đến nhà tôi và ép tôi giao nộp sách Pháp Luân Đại Pháp, tổng cộng là 5 cuốn. Ba tháng sau, bí thư Đảng ủy Dương Lăng Tiêu trực thuộc công ty nơi tôi làm việc, cùng với trưởng phòng bảo vệ đã đến nhà và yêu cầu tôi viết “bản cam kết bất tu luyện“.
Tôi bị bắt vào ngày 19 tháng 2 năm 2000 vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp ở trong công viên. Hàng chục cảnh sát vây quanh tôi và lấy đi băng ghi âm cùng đài luyện công của tôi. Họ thẩm vấn tôi vào buổi chiều và thả tôi ra. Một tháng sau, tôi lại bị bắt giam một cách phi pháp trong 15 ngày.
Tôi lại bị bắt vào một buổi chiều mùa hè năm 2000. Cảnh sát đã lục soát nhà tôi và lấy đi hàng chục cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp, 3 máy ghi âm và những tài sản khác, trong đó có hơn 900 nhân dân tệ tiền mặt.
Sau đó, cảnh sát đưa tôi đến công an huyện. Một trưởng bộ phận thẩm vấn tôi đến hơn 11 giờ đêm. Cảnh sát đưa tôi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và sau đó đưa tôi đến trại tạm giam Ngũ Hoa.
Khoảng 1 tháng sau, cảnh sát vô cớ ra quyết định giam tôi 1 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Vân Nam. Bởi tôi là người tàn tật nên trại lao động đã từ chối tiếp nhận và tôi được thả về nhà, nhưng rồi 2 tháng sau đó lại bắt và đưa đến một trung tâm tẩy não.
Đầu thu năm 2001, cảnh sát lại đến lục soát nơi ở của tôi. Họ tịch thu sách, băng và các tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Họ cáo buộc tôi phân phát tài liệu Đại Pháp. Khi tôi từ chối đi cùng họ, một nam cảnh sát đã kéo lê tôi hơn 10 mét và đẩy tôi vào xe cảnh sát. Cổ tay tôi bị thương và mắt tôi sưng húp sau khi bị anh ta hành hung.
Ngày 22 tháng 7 năm 2002, khi tôi đang làm việc tại một nhà để xe đạp thì nhiều cảnh sát đã ập vào, lật tung cả nhà để xe. Họ lấy đi các sách Đại Pháp, đài bật nhạc luyện công, tài liệu thông tin, 1.000 nhân dân tệ tiền mặt và các vật dụng cá nhân khác của tôi. Họ đưa tôi về nhà mẹ tôi và khám xét chỗ ở của bà. Mẹ tôi (khi đó đã ngoài 70 tuổi) vô cùng sợ hãi khi thấy cảnh đó.
Khoảng giữa trưa, cảnh sát đến nhà tôi. Chồng và con gái tôi rất sợ hãi và không dám nói chuyện gì với tôi. Cảnh sát đã mang đi những bức ảnh chân dung Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) và các sách Đại Pháp của tôi.
Sau khi rời khỏi nhà riêng của tôi ở Côn Minh, họ đưa tôi đến nơi ở khác của tôi ở huyện Tung Minh và tịch thu thêm nhiều tài liệu Pháp Luân Đại Pháp ở đó.
Sau đó, họ giam tôi qua đêm trong một căn phòng nhỏ tối tăm ở đồn công an. Tôi bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Côn Minh vào sáng hôm sau. Trong 8 tháng bị giam ở đó, tôi bị cưỡng bức lao động hái đậu và ớt mỗi ngày mà không được trả công. Cảnh sát cũng thỉnh thoảng đến thẩm vấn tôi.
Bị kết án 7 năm tù
Tôi bị đưa ra xét xử tại Tòa án huyện Tung Minh vào đầu năm 2003 và sau đó bị kết án 7 năm tù.
Tháng 3 năm 2003, tôi bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam. Ba tù nhân theo dõi tôi suốt ngày đêm. Mỗi buổi sáng lính canh sẽ bắt tôi đọc những cuốn sách phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp. Còn buổi chiều, tôi bị buộc phải lao động không công, bao gồm hái cà phê, làm vòng tay hoặc khâu chuỗi hạt.
Khi tôi từ chối lao động, lính canh nhốt tôi vào phòng biệt giam. Đến 11 giờ đêm, tôi mới được phát một tấm chăn mỏng và tới 6 giờ sáng họ sẽ đến lấy chăn nệm đi. Tôi chỉ biết ngồi im một chỗ như thế. Việc này kéo dài khoảng 10 ngày.
Chưa đầy 2 tháng sau, tôi bị biệt giam lần thứ 2 trong khoảng 2 tháng. Lần thứ 3 là vào tháng 2 năm 2004. Khi tôi tuyệt thực để phản đối, một số tù nhân đã lôi tôi đến bệnh viện của nhà tù. Họ giữ chặt đầu và hai tay tôi, trong khi bác sỹ nhà tù nhét ống truyền thức ăn vào mũi tôi khiến nó chảy máu. Sau khi bị bức thực, tôi bị đưa trở lại phòng biệt giam và bị nhốt ở đó thêm 2 tháng nữa.
Tháng 3 năm 2005, tôi lại bị đưa vào phòng biệt giam trong 2 tháng. Sau đó, họ chuyển tôi đến khu dành cho người già và người tàn tật. Mỗi ngày, lính canh Lưu Yến bắt tôi viết “báo cáo tư tưởng”. Tôi được trả tự do vào ngày 23 tháng 2 năm 2008.
Bị kết án 4 năm tù
Trong khi phát tài liệu Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 15 tháng 1 năm 2009, tôi đã bị báo cáo và bắt giữ. Cảnh sát đã thẩm vấn và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Đại Pháp, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3 và hơn 2.400 nhân dân tệ tiền mặt. Tôi bị đưa đến trại tạm giam Ngũ Hoa vào đêm hôm đó và bị giam ở đó hơn bảy tháng.
Tòa án Trung cấp Côn Minh đã bí mật xét xử vụ án của tôi vào tháng 6 năm 2009. Tôi nhận bản án 4 năm tù vào tháng 8 năm đó.
Hoại tử chỏm xương đùi do bị ngược đãi ở trong tù
Tôi bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam vào ngày 8 tháng 9 năm 2009. Ngay khi đến nơi, tôi bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ rưỡi sáng đến 11 giờ khuya và bị cấm cử động hoặc rời khỏi vị trí. Sau hai năm bị tra tấn như thế, tôi bị hoại tử chỏm xương đùi vào tháng 6 năm 2011 và chỉ hai tháng sau đó một chấn thương ở lưng khiến tôi không thể cử động được.
Chính quyền không bao giờ thông báo cho gia đình về trường hợp của tôi kể từ khi họ bắt tôi vào tháng 1 năm 2009. Gia đình tôi không biết tôi bị xét xử khi nào và tôi bị giam ở đâu. Vài tháng trước khi tôi được thả, một lính canh đã gọi cho gia đình tôi và nói rằng tôi muốn gặp họ vì lý do khẩn cấp. Ngày 15 tháng 6 năm 2011, chồng và con gái tôi đến vào buổi sáng, nhưng phải đợi 1 tiếng rưỡi đồng hồ trước khi họ có thể nhìn thấy tôi. Một tù nhân phải cõng tôi đến phòng họp. Gia đình tôi vô cùng xót xa khi thấy tôi tiều tụy và ốm yếu.
Một lính canh đã đưa chồng tôi sang một phòng khác trong thời gian thăm khám và lệnh cho anh ấy ký vào giấy Thông báo về Tình trạng Y tế, trên đó nói rằng chứng hoại tử chỏm xương đùi của tôi là di chứng của hậu bại liệt, và tôi còn bị “rối loạn hoang tưởng dẫn đến kích động”. Chồng tôi từ chối ký. Anh ấy nói rằng sức khỏe của tôi rất tốt trước khi bị bắt và chân phải của tôi bị liệt do di chứng bại liệt, chứ không liên quan gì đến chân trái bị hoại tử. Anh ấy yêu cầu chính quyền giải trình những gì đã xảy ra với tôi trong hai năm qua.
Sau đó, lính canh đã cố ép con gái tôi ký vào Thông báo, nhưng cháu cũng từ chối làm theo.
Gia đình tôi sau đó đã đệ đơn kiện nhà tù vì đã tra tấn tôi. Họ nhớ lại sự tra tấn mà tôi phải chịu ở Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam khi thụ án 7 năm vào năm 2003. Họ nói: “Lính canh đã lấy đi đôi nạng của Quách Linh và buộc bà ấy phải đi bộ một quãng đường dài để lao động khổ sai. Bà ấy từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Đại Pháp và các lính canh đã nhiều lần áp dụng quản lý nghiêm ngặt và biệt giam bà.
“Trong thời gian bị biệt giam, lính canh không cho phép bà ấy tắm rửa, giặt quần áo, nói năng và bà ấy bị giới hạn đi vệ sinh một ngày ba lần. Lính canh đã biệt giam bà ấy nhiều lần, và chỉ định một tù nhân theo dõi bà suốt ngày đêm để bà không thể nói chuyện với người khác. Khi bị giám sát chặt chẽ, bà phải ngồi yên trên chiếc ghế đẩu nhỏ từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm với hai tay đặt trên đầu gối. Một khi bà di chuyển, lính canh sẽ đánh đập bà. Bà đã tuyệt thực trong 56 ngày để phản đối tra tấn, vì vậy các lính canh đã bắt các tù nhân khác bức thực bà.”
Dựa trên những gì đã xảy ra với tôi trong lần đầu tiên bị cầm tù, gia đình tôi nghi ngờ rằng các lính canh đã tra tấn tôi theo cách tương tự trong lần thứ hai tôi ở trong tù. “Một người khỏe mạnh sẽ cực kỳ khó chịu khi ngồi yên trên ghế sofa 16 tiếng một ngày, huống chi là một người bị khuyết tật ở chân phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Ngoài ra, một người bình thường sẽ hoàn toàn suy sụp tinh thần khi bị theo dõi, bị mắng chửi cả ngày và buộc phải làm theo những điều trái với mong muốn của họ.”
Gia đình tôi yêu cầu nhà tù trả tự do cho tôi và trả chi phí điều trị cho tôi. Họ cũng yêu cầu công tố viên xem xét sự tra tấn mà tôi phải chịu và buộc nhà tù phải chịu trách nhiệm.
Không muốn nhận trách nhiệm, nhà tù đã để tôi được tại ngoại điều trị y tế vào tháng 10 năm 2011.
Liên tục bị sách nhiễu
Trong ngần ấy năm bị cầm tù, cảnh sát thường đến nhà sách nhiễu chồng và con gái tôi. Đến khi được thả, tôi gần như bị liệt hoàn toàn. Lúc đó Yên Hạo của quận Đào Nguyên đã lệnh cho chồng tôi hàng tuần phải đến báo cáo với cô ta về tình trạng của tôi. Sau đó cảnh sát Lý Hưng Hoa cũng liên tục điện thoại bắt anh ấy phải đến trình diện hàng tháng. Không chịu được áp lực to lớn này nên 1 tháng sau chồng tôi quyết định ly hôn tôi. Sau khi tôi bị buộc phải chuyển ra ngoài và bị đình chỉ lương hưu, Yên Hạo tiếp tục gọi điện và ra lệnh cho tôi báo cáo nhất cử nhất động hàng ngày của mình với cô ta.
(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại được đăng tải trong bản gốc tiếng Hán)
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/14/453112.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/11/206120.html
Đăng ngày 08-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.