[MINH HUỆ 30-12-2022] Trong ba năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cạn kiệt các nguồn lực y tế để xét nghiệm COVID và các biện pháp hà khắc khác để có thể duy trì chính sách zero-COVID. Khi chính sách này thất bại trong việc kiềm chế virus và dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng, ĐCSTQ đã đột ngột chấm dứt chính sách này vào ngày 7 tháng 12 mà không có kế hoạch gì sau đó. Các ca nhiễm và tử vong nhanh chóng tăng vọt trên khắp Trung Quốc, gây ra tình trạng thiếu thuốc hạ sốt, và tình trạng quá tải ở các bệnh viện cũng như lò hỏa táng.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ước tính tỷ lệ lây nhiễm ở Bắc Kinh có thể đã vượt quá 80%. Một cuộc khảo sát gần đây ở tỉnh Tứ Xuyên cho thấy 63,25% cư dân của tỉnh này đã bị nhiễm bệnh. Thành phố Cù Châu của tỉnh Chiết Giang, một đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây và An Huy, dự đoán rằng tình trạng lây nhiễm sẽ lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 12 năm 2022. Cho đến nay, hơn một nửa số nhân viên y tế của Cù Châu đã bị nhiễm bệnh.

Ba cơ quan ở Bắc Kinh, bao gồm Ủy ban Y tế, Cục Nội chính và Sở Cảnh sát, đã đồng ban hành một công văn ngày 12 tháng 12. Với tiêu đề “Hướng dẫn xử lý thi thể bệnh nhân nhiễm virus corona”, công văn này quy định rằng thi thể bệnh nhân COVID cần phải được hỏa táng không quá ba giờ sau khi gia đình liên hệ với lò hỏa táng. Công văn này cũng quy định các thi thể phải được hỏa táng trên địa bàn thành phố, không được chôn cất hay đưa ra khỏi thành phố. Thi thể của bệnh nhân ngoại thành không được phép hỏa táng ở Bắc Kinh. Tang lễ và dịch vụ tưởng niệm cũng bị cấm. Các nhóm dân tộc thiểu số cũng phải hỏa táng thi thể nếu nguyên nhân tử vong là do COVID, cho dù truyền thống của họ có hình thức mai táng khác. Người nước ngoài chết vì COVID ở Bắc Kinh cũng phải hỏa táng thi thể và gia đình của họ có thể mang tro cốt của họ về nước.

Hậu quả của chế độ độc tài toàn trị

“Trong ba năm qua, chính phủ [ĐCSTQ] đã cạn kiệt các nguồn lực y tế để xét nghiệm axit nucleic, đình chỉ các hoạt động sản xuất và hậu cần dưới hình thức phong tỏa, đồng thời phá hủy chuỗi cung ứng dược phẩm thông qua việc điều chỉnh việc bán thuốc hạ sốt”, một cư dân mạng viết.

Bài đăng này cũng chỉ ra rằng, “Chính quyền Trung Quốc từ chối nhập khẩu vắc-xin từ nước ngoài, không lập kế hoạch dự trữ thuốc hạ sốt, bỏ qua việc giáo dục công dân về cách hạn chế lây nhiễm và tự chăm sóc bản thân trong trường hợp bị nhiễm bệnh, không có quỹ dành riêng cho chi tiêu y tế, và đã không đưa ra kế hoạch thuốc khẩn cấp. Chính phủ đã phong tỏa mọi hoạt động vào mùa hè khi khả năng lây lan vi-rút thấp hơn. Giờ là mùa đông, khi bệnh cúm và các loại vi-rút khác tấn công, họ cũng mở cửa mọi thứ. Liên tục hết thất bại này đến thất bại khác!”

Một số chuyên gia y tế cũng đang phản ánh về các vấn đề. Nguyên Phó Viện trưởng Mâu Hiểu Huy của Bệnh viện Trường Chinh ở Thượng Hải, mới đây đã xin lỗi trên mạng xã hội vì trước đây đã gây hiểu lầm cho công chúng. Ông và các quan chức y tế khác tin tưởng vào chính sách zero-COVID và không lên kế hoạch cho các ca bệnh gia tăng hoặc tình trạng thiếu thuốc khẩn cấp. Bản thân ông Mâu đã bị nhiễm bệnh, và đông đảo bác sỹ và y tá trong bệnh viện cũng vậy. Cũng như các bệnh viện quân sự khác, có tin cho hay Bệnh viện Trường Chinh đã tham gia sâu vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Trùng Khánh cho đến Thẩm Dương, Thường Châu, các nhà tang lễ chật kín thi thể và danh sách chờ hỏa táng rất dài. Theo thông tin công khai, nhiều đảng viên ĐCSTQ gần đây đã chết vì COVID bao gồm các quan chức chính phủ, học giả và các chuyên gia khác. Ví dụ, các cáo phó từ Đại học Trung Sơn ở tỉnh Quảng Đông chỉ ra rằng nhiều nhân viên đã qua đời chỉ trong tháng 12, trong đó, một số còn khá trẻ như:

  • Âu Dương Lệ Tư, giảng viên Khoa Giải phẫu Người của Đại học Y Tôn Trung Sơn, qua đời ở tuổi 43 vào ngày 19 tháng 12.
  • Phó Giáo sư Giang Chí Cường của Đại học Y Tôn Trung Sơn, qua đời ở tuổi 40 vào ngày 10 tháng 12.
  • Giáo sư Bành Bảo Cương, Trưởng khoa Gan mật và Trung tâm Phẫu thuật Tụy từ Bệnh viện Liên kết Đầu tiên của Đại học Tôn Trung Sơn, qua đời ở tuổi 59 vào ngày 30 tháng 11.

Tương tự như Bệnh viện Trường Chinh, Bệnh viện Liên kết Đầu tiên của Đại học Tôn Trung Sơn cũng tham gia cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Mối đe dọa toàn cầu

Bắc Triều Tiên, một đồng minh của ĐCSTQ, cũng hoảng hốt trước số ca nhiễm gia tăng gần đây ở Trung Quốc, và đã tạm thời cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh. Ngoài ra, tất cả những người mới đến từ Trung Quốc, kể cả công dân Triều Tiên, đều phải trải qua 30 ngày cách ly và theo dõi, VOA đưa tin hôm 29/12.

Một số quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng đã áp đặt các hạn chế nhập cảnh hoặc yêu cầu đặc biệt đối với du khách Trung Quốc do Covid. Philippines và Malaysia cũng đang xem xét các hạn chế đối với du khách đến từ Trung Quốc.

Ngày 26 tháng 12, khi Sân bay Milan Malpensa ở Ý bắt buộc xét nghiệm COVID đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc, họ đã phát hiện gần một nửa số hành khách trên hai chuyến bay từ Bắc Kinh và Thượng Hải, đã bị nhiễm bệnh. Ngày 29 tháng 12, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni thông báo rằng một nửa số mẫu đã được giải trình tự gen cho thấy chủng Omicron của virus corona.

Thủ tướng Meloni và Bộ trưởng Y tế Orazio Schillaci của Ý đã hối thúc Liên minh Châu Âu thực hiện xét nghiệm COVID đối với tất cả khách du lịch đến từ Trung Quốc. Đến ngày 29 tháng 12, EU vẫn chưa đồng ý. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảnh giác và sẽ sẵn sàng sử dụng phanh khẩn cấp nếu cần thiết”, Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố ngày 29 tháng 12.

Công ty dữ liệu y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh Airfinity ước tính Trung Quốc có thể có đến 9.000 người chết mỗi ngày vì COVID, gần gấp đôi ước tính một tuần trước đó. “Số ca tử vong lũy kế ở Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng 12 có thể lên tới 100.000, với tổng số ca nhiễm là 18,6 triệu, Airfinity cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm. Công ty này đã sử dụng mô hình dựa trên dữ liệu từ các tỉnh của Trung Quốc”, The Guardian đưa tin ngày 30 tháng 12. Ngoài ra, Airfinity dự kiến ​​các ca nhiễm COVID của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào ngày 13 tháng 1 với 3,7 triệu ca mỗi ngày.

Một nghiên cứu chung của các nhà nghiên cứu tại Đại học Ma Cao và Trường Y Harvard ước tính “Trung Quốc có thể giảm số ca tử vong xuống dưới 200.000 nếu thực hiện các biện pháp y tế công cộng để giúp làm chậm sự lây lan của COVID-19, tăng tỷ lệ tiêm chủng và đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc men”, Business Standard đưa tin vào ngày 27 tháng 12. Với tình hình hiện nay, nghiên cứu này dự đoán có tới 1,5 triệu người có thể chết vì COVID-19 trong sáu tháng tới.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/30/454071.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/31/205724.html

Đăng ngày 03-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share