Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-06-2022] Một cư dân thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mất khả năng ngôn ngữ sau khi bị tiêm chất độc, chỉ hơn một tháng trước thời điểm ông mãn hạn tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị bức hại bởi chính quyền cộng sản Trung Quốc từ năm 1999.

Ông Bành Ngọc Tín, một cựu nhân viên 55 tuổi của Cục Thống kê tỉnh An Huy, đã bị cảnh sát của Đồn Công an Hạnh Lâm bắt tại khu phố nơi ông sinh sống vào ngày 24 tháng 4 năm 2020. Bốn cảnh sát không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân, lệnh khám xét hay tiết lộ danh tính mà đột nhập vào nơi ở của ông, lục soát và lấy đi máy tính xách tay, hai máy in, 50 cuốn sách Pháp Luân Công và 500 nhân dân tệ tiền mặt. Ông Bành đã cố gắng nói rõ chân tướng Pháp Luân Công cho cảnh sát và lập luận rằng việc họ lục soát nhà ông là bất hợp pháp, nhưng các cảnh sát không lắng nghe. Ông được thả vào khoảng 11 giờ tối.

Tháng 5 năm 2020, ông Bành đã đi tới đồn công an để yêu cầu trả lại các tài sản cá nhân của mình, nhưng ông lại bị bắt và giam trong Trại tạm giam thành phố Hợp Phì. Sau đó ông bị kết án tù một cách bí mật, thời hạn bản án có lẽ là 1,5 năm.

Một tháng trước khi được trả tự do, ông Bành bị đưa ra khỏi trại tạm giam địa phương để tiêm chất độc tổng cộng sáu lần. Sau khi được thả, ông gần như mất khả năng ngôn ngữ, không thể nói năng mạch lạc. Ông chỉ có thể thỉnh thoảng thốt ra một vài từ đơn lẻ. Khi được hỏi liệu có phải ông bị tiêm thuốc độc hay không, ông gật đầu. Nhận thức tổng thể của ông cũng giảm sút đáng kể. Ông không thể viết địa chỉ của mình. Nhưng khi những người khác viết vài địa chỉ cho ông, ông có thể nhận ra địa chỉ chính xác. Do tình trạng của ông, không rõ liệu ông Bành có bị tra tấn bằng các hình thức khác trong khi bị giam giữ hay không.

Mặc dù không có ca nhiễm COVID-19 nào được báo cáo ở Hợp Phì, tiểu khu của ông Bành vẫn đang áp đặt các quy định quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Cư dân địa phương phải quét mã QR và xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ để được ra vào, trong khi hầu hết các tiểu khu khác không có yêu cầu như vậy. Vì ông Bành đang sống một mình và cả cha mẹ ông đều đã qua đời, bạn bè của ông đang rất lo lắng cho ông.

Bức hại trong quá khứ

Trước khi bị kết án gần đây nhất, ông Bành đã nhiều lần bị nhắm mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công.

Tháng 9 năm 2008, vì đọc tài liệu Pháp Luân Công trong khi đang đi tàu, ông đã bị an ninh trên tàu bắt giữ. Sau khi xuống tàu, ông bị đưa đến đồn công an và sau đó bị giam tại trại tạm giam Số 1 thành phố Hợp Phì trong một tháng. Ông bị lính canh đánh đập và buộc phải lao động không công trong thời gian bị giam giữ ở đó. Sự ngược đãi thể xác khiến ông không thể nói được trong một khoảng thời gian dài.

Khi ông Bành bị tạm giam, cảnh sát đã khám xét nhà của ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công, 5.000 nhân dân tệ tiền mặt và các tài sản cá nhân khác của ông. Khi hết hạn tạm giam, thay vì thả ông, các nhà chức trách đã đưa ông Bành đến một trung tâm tẩy não và giam ông ở đó thêm hai tuần hòng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 2 tháng 1 năm 2010, ông Bành đi du lịch ở thành phố Hoàng Sơn và khi ông chuẩn bị nhận phòng khách sạn thì cảnh sát xuất hiện và khám xét ông. Khi tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong hành lý, họ đã bắt và giam giữ ông tại trại tạm giam huyện Y trong 11 tháng. Các lính canh đã bức thực và liên tục đánh đập ông. Một người lính canh đã từng trói ông Bành vào ghế kim loại trong ba ngày mùa đông mà không cung cấp bất kỳ thức ăn nào. Đôi khi họ treo ông lên bằng cổ tay. Một lính canh khác, sau một cuộc nhậu nhẹt lúc nửa đêm, đã dùng gậy gỗ đập vào các ngón tay của ông.

Sau đó ông Bành bị Tòa án huyện Y kết án 4 năm tù. Vì kiên định luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công ở trong Nhà tù Tô Châu, nên mỗi ngày ông bị bắt đứng úp mặt vào tường suốt cả ngày, và đợt tra tấn này kéo dài trong vài tháng. Đôi khi ông không được phép ngủ cho đến 2 giờ sáng, nhưng các lính canh đã bắt ông dậy lúc 5 giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc. Ông không được nghỉ giữa giờ, ngoại trừ một vài phút để ăn hoặc khi cần sử dụng nhà vệ sinh.

Ông Bành bị biệt giam ba lần. Ông chỉ được cung cấp hai cái bánh bao nhỏ và nước cho mỗi bữa ăn, khiến ông liên tục bị đói. Hai tháng sau khi được thả ra khỏi nơi giam giữ, người ông chỉ còn da bọc xương.

Lần biệt giam thứ hai cũng kéo dài hai tháng. Hai tù nhân thay nhau tát vào mặt ông và dùng con lăn cao su chà mạnh vào chân ông. Da chân ông bị bong và chân rớm máu. Sau đó, các tù nhân đã xích tay và chân ông lại với nhau, khiến ông không thể đứng dậy hoặc nằm xuống để ngủ vào ban đêm. Đôi khi họ cũng còng tay ông vào một chiếc vòng kim loại gắn ở trên tường.

Tù nhân Bàng Kiến Binh thường đánh ông Bành và từng nói: “Bản thân tôi không muốn đánh ông. Nhưng nếu tôi không làm vậy, tôi sẽ bị lính canh đánh.“ Một số tù nhân khác cũng nói điều tương tự với ông Bành. Một tù nhân còn nói với ông rằng không dễ dàng gì để anh ta có được vị trí quản lý (để giám sát ông thay vì lao động cưỡng bức) và anh ta phải trả cho các lính canh vài nghìn nhân dân tệ cho vị trí này.

Khi sắp mãn hạn tù, ông Bành bị biệt giam lần thứ ba. Lính canh đã biệt giam ông một tháng. Ông nghi ngờ nhà tù không muốn những người khác nhìn thấy ông bị tra tấn tồi tệ như thế nào trong khi bị giam giữ.

Ngay sau khi ông Bành được trả tự do, ông đã bị nơi làm việc của mình sa thải, và lúc đó ông mới ngoài 40 tuổi.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/16/445001.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/24/201945.html

Đăng ngày 25-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share