Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-01-2022] Thông qua việc hướng nội và trao đổi kinh nghiệm tu luyện với các đồng tu Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã học được rằng việc luôn khen ngợi các đồng tu sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng cho những người liên quan. Tại sao tôi lại nói vậy?

Khi một học viên có tâm ngưỡng mộ một học viên khác, họ có thể đã nuôi dưỡng nhiều quan niệm như tán dương, đánh giá cao, ngưỡng mộ và mặc cảm khi nghĩ rằng mình không tốt bằng những người khác.

Khi một học viên tán dương các học viên khác bằng quan niệm như vậy, họ sẽ thêm vật chất xấu vào trường không gian của học viên kia. Điều này có thể khuyến khích các học viên nảy sinh hoặc gia tăng các chấp trước như hiển thị, tự mãn, muốn hoàn thành việc, và trịnh thượng. Điều này thậm chí có thể khiến đối phương cảm thấy hài lòng và tự hào về bản thân mình.

Khi khen ngợi các đồng tu, chúng ta thường nói: “Bạn biết tu và hướng nội!” “Năng lực nhận thức Pháp của bạn quá tốt!” “Bạn đã rất minh bạch các Pháp lý, bạn thực sự tu rất tốt!”

Kết quả là chúng ta đặt học viên đó ở vị trí rất cao khi thừa nhận họ có năng lực và tài giỏi, nói rằng họ tu luyện tốt hoặc ngộ Pháp tốt như thế nào.

Một hoặc hai học viên nói theo cách này, rồi nhiều học viên cũng nói thế và đặt học viên kia lên cao. Điều này sẽ tạo thành lớp vật chất đen rất dày cho học viên đó và thứ vật chất này sẽ mang lại những khổ nạn không cần thiết cho học viên, có thể là về tinh thần, về thân thể hoặc dưới dạng mâu thuẫn và các vấn đề.Theo cách này, chẳng phải chúng ta đang làm việc xấu hay sao?

Cho dù một đồng tu có thể xuất chúng hay thông minh đến đâu, tất cả đều xuất phát từ việc họ tu trong Đại Pháp. Những năng lực này là do Sư phụ Lý Hồng Chí ban cho họ, để họ có thể trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Nếu chúng ta luôn khen ngợi điểm mạnh của một đồng tu, chúng ta sẽ coi họ như Thầy, thay vì chiểu theo Pháp. Nếu việc chiểu theo đồng tu lại được ưu tiên hơn học Pháp, thì đó không phải là vấn đề lớn sao? Vào lúc đó, tiêu chuẩn tâm tính của chúng ta sẽ rớt xuống mức của người thường.

Khen ngợi người khác cũng chiêu mời khổ nạn cho chính chúng ta

Mặc dù chúng ta học Pháp mỗi ngày, nhưng căn bản tu luyện của chúng ta đã thay đổi, và chúng ta không đặt Sư phụ đúng vị trí trong tâm. Kết quả là, khi gặp vấn đề chúng ta tìm đồng tu để giải quyết thay vì hướng nội và dĩ Pháp vi Sư. Như vậy, chúng ta sẽ đặt Pháp ở vị trí thứ yếu.

Bằng cách này, những sinh mệnh cấp thấp có thể can nhiễu chúng ta để phá hoại. Nó có thể biểu hiện dưới dạng các giả tướng nghiệp bệnh để gây rối loạn nhằm bức hại chúng ta. Khi ở trong những khổ nạn như vậy, chúng ta sẽ không biết rằng sơ hở lớn của mình là do đã tán dương các đồng tu, học theo họ thay vì chiểu theo Pháp.

Nhận thức của tôi là con đường tu luyện mà Sư phụ an bài cho mỗi học viên là khác nhau. Những việc mà mỗi học viên cần làm và cách họ sử dụng năng lực của mình đều được sắp xếp dựa trên những đặc tính sinh mệnh của mỗi học viên. Ngoài ra còn có năng lực tiên thiên của họ và thệ nguyện mà họ đã phát ra khi hạ thế.

Do đó, khi chúng ta nhận xét về việc các học viên khác đã làm tốt như thế nào, thực ra họ đều đang thực hiện dựa trên an bài và gia trì của Sư phụ. Tất cả đều là uy lực của Đại Pháp. Không có Sư phụ và Đại Pháp, nếu chúng ta quá đề cao năng lực cá nhân của học viên, chúng ta đã vô tình đặt học viên ở vị trí quá cao trong khi đặt Sư phụ và Đại Pháp ở vị trí thấp hơn. Từ góc độ này cũng là bất kính đối với Sư phụ và Pháp.

Sư phụ giảng:

“Trước đây thường có học viên nói, ‘ở điểm luyện công của chúng ta, một vị kia biểu hiện tốt lắm, anh ấy thực thi thế nào thì chúng ta làm như thế’. Tôi bảo chư vị rằng, nhất quyết không được làm như thế, cũng nhất quyết không được nghĩ như thế, người tu luyện là không thể học theo người, mà phải ‘dĩ Pháp vi Sư’! (vỗ tay) Một khi chư vị làm như thế, nghĩ như thế, thì sẽ xuất hiện hai loại vấn đề: Một là rất có khả năng chư vị sẽ đẩy học viên đó vào tuyệt lộ, cựu thế lực rất có thể sẽ khiến anh ấy xuất hiện vấn đề thậm chí rời đi [khỏi thế gian], từ đó khảo nghiệm các học viên khác: các vị đều nhìn vào anh kia, vậy trong tình huống thế này các vị còn học nữa chăng, còn tu nữa chăng? Trong tình huống thế này, là thật sự có người nghĩ: anh ấy còn không làm nổi thì tôi còn làm được chăng? Dao động rồi. Đó chẳng phải cựu thế lực dùi vào chỗ sơ hở hay sao? Ngay cả tôi làm Sư phụ cũng không còn lời để nói! Vậy cựu thế lực bèn nói, ‘Ngài coi xem, kết quả khảo nghiệm này thế nào? Chúng tôi làm đúng rồi nhé’. Do đó khi chính niệm không mạnh thì nhân tâm sẽ dấy động lên, nhất định phải chú ý! Phải ‘dĩ Pháp vi Sư’, chư vị không thể coi xem cá nhân nào đó tu thế nào liền từ đó học người mà không học Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Dưới đây, tôi xin chia sẻ một ví dụ thực tế.

Khu vực của chúng tôi có một điều phối viên tên là Phượng (hóa danh), học viên này gần đây xuất hiện các triệu chứng nghiệp bệnh. Cô đã liên tục hướng nội, nhưng tình trạng không có cải thiện. Thay vào đó, “bệnh” của cô dường như nghiêm trọng hơn đến nỗi cô cảm thấy khó thở; cô cảm thấy yếu và cần phải lấy sức khi nói. Do khó thở, đêm nằm không được nên cô ngủ không ngon, tinh thần thật sự xuống dốc. Một số học viên học Pháp cùng cô, chia sẻ kinh nghiệm và nhận thức cũng như cùng nhau hướng nội, nhưng không có đề cao. Điều này có thể là do họ không tìm ra được chấp trước căn bản mà đã gây ra khổ nạn.

Phượng đã rất khó khăn để vượt qua khổ nạn này. Một số học viên đề nghị chúng tôi trao đổi kinh nghiệm tu luyện cùng nhau như một chỉnh thể. Tất cả mọi người đều hướng nội để xem chúng tôi có chấp trước nào đối với Phượng trong suốt những năm qua không.

Trong buổi chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, học viên A nói: “Tôi đã phụ thuộc rất nhiều vào Phượng. Tôi luôn nghĩ đến việc tìm cô ấy để giúp khi có vấn đề xảy ra ở nhà. Bất cứ khi nào cô ấy đến, cô ấy sẽ có thể giúp tôi nghĩ ra một số ý tưởng và giải pháp để giải quyết những khó khăn thực tế. Chồng tôi phản đối việc tôi tu luyện Đại Pháp, vì vậy bất cứ khi nào anh đánh tôi, tôi đều trốn đến chỗ của Phượng và ở lại trong nhiều ngày. Tôi không biết làm thế nào để ngộ Pháp và tu dựa trên Pháp, vì vậy tôi luôn nhờ cô ấy bảo tôi phải làm gì. Và tôi chỉ cần làm theo, nghĩ rằng cô ấy đúng và tin lời cô.”

Học viên B nói: “Trong tiến trình Chính Pháp, tôi có nhiều cơ hội hợp tác với học viên Phượng. Khi các học viên địa phương chúng tôi bị bắt và bức hại, cô ấy luôn đi đầu để giải cứu họ. Cô sẽ lo việc thuê luật sư và đến các cơ quan liên quan để thu thập tin tức. Cô cũng liên tục tìm gặp người thân của các học viên để trao đổi suy nghĩ với họ và thuyết phục họ đến các cơ quan liên quan để yêu cầu trả tự do cho người thân. Một số học viên bị đình chỉ lương hưu cũng đã đến tìm Phượng để giúp họ lấy lại lương hưu.

Phượng đã chủ động gánh vác mọi việc lớn nhỏ. Tôi cảm thấy cô ấy rất có năng lực nên đã nảy sinh một hình thức ngưỡng mộ đối với cô ấy. Bất cứ khi nào đề cập đến cô trong cuộc trò chuyện của tôi với một học viên khác, tôi đều muốn khen ngợi cô một chút. Người học viên này đã nhắc nhở tôi trước đây, nói rằng khen ngợi đồng tu không phù hợp với các tiêu chuẩn của Pháp và tôi phải thay đổi.”

Học viên C nói: “Tôi không tiếp xúc nhiều với Phượng, nhưng tôi nghe rất nhiều người khen ngợi và chứng thực cô ấy. Bất kể hạng mục Đại Pháp hay hoạt động chứng thực Pháp nào cần thực hiện, miễn là Phượng dẫn dắt, mọi người sẽ cảm thấy rằng họ nên làm điều đó. Như thể những lời của Phượng đều là chỉ lệnh. Một học viên từng nói với tôi rằng cô ấy và Phượng giống như người nhà vì họ luôn quan tâm đến nhau. Nếu cô ấy không gặp Phượng một vài ngày, nó sẽ như thể cả người cũng không còn, cảm thấy trống rỗng. Sau đó, cô nhận ra rằng loại tình cảm này cần phải được loại bỏ, vì vậy cô đã hạn chế tiếp xúc với Phượng. Gần đây, cô hiếm khi nói chuyện hay tiếp xúc với Phượng. Mặc dù vậy, cô và Phượng đều vẫn nghĩ về nhau trong tâm. Một học viên trẻ nói rằng chính niệm của Phượng rất mạnh và hiệu quả. Cô ấy có khả năng xử lý mọi vấn đề, dù là chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh hay những vấn đề khác. Miễn là cô có thể nhận thức nó dựa trên Pháp, cô đều có năng lực thực hiện nó.”

Với nước mắt lăn dài trên mặt, học viên D nói: “Tôi thuộc cùng nhóm học Pháp với học viên Phượng. Tôi thực sự rất thân với cô ấy, vì vậy bất cứ khi nào nhìn thấy trạng thái hiện tại của cô, tôi thực sự cảm thấy tệ… Tất cả là vì cái tình này, chính quan niệm khen ngợi cô ấy của tôi đã khiến cô ấy rơi vào trạng thái này. Những thứ vật chất này nên được loại bỏ. Tôi phải nhanh chóng tiêu diệt chúng!” Học viên D lấy tay che mặt và khóc cho đến khi cô không thể nói được nữa.

Học viên E nói: “Trong những năm qua, tôi luôn ở bên Phượng. Chúng tôi đã học Pháp cùng nhau, phối hợp với nhau để giảng chân tướng và cứu độ chúng sinh trên đường phố. Khi cô ấy ở bên cạnh tôi, tôi cảm thấy thoải mái hơn. Vì vậy, sự phụ thuộc của tôi vào cô ấy đặc biệt mạnh mẽ. Bất kể thế nào, tôi luôn nghĩ đến việc xin ý kiến cô ấy. Bất cứ khi nào cô ấy nói việc nên được làm như thế nào, tôi sẽ có niềm tin trong tâm. Khi tiếp xúc với các học viên từ khu vực khác và nhắc đến Phượng, tôi sẽ không ngừng khen ngợi cô, nói rằng cô có khả năng như thế nào, cô có thể chịu khổ tốt như thế nào, cô đã điều phối tốt khu vực của chúng tôi như thế nào, cô phối hợp tốt với chỉnh thể học viên như thế nào, cô cứu độ chúng sinh hiệu quả như thế nào, v.v.. Nếu có học viên biết cô ấy, họ cũng sẽ hùa theo và khen ngợi Phượng. Khi tôi chuẩn bị rời khu vực này vì công việc, tôi đã chỉ dẫn cha mẹ tôi, đã ngoài 80 tuổi, tìm Phượng nếu họ gặp bất kỳ vấn đề gì. Bao năm qua, Phượng thực sự đã phó xuất rất nhiều! Khi tôi trở về và biết tin Phượng đang gặp nghiệp bệnh, tôi nghĩ cô ấy sẽ ổn thôi. Vì Phượng rất có năng lực, nên không ai có thể đụng vào cô ấy. Tuy nhiên, tôi đã tận mắt chứng kiến và tâm tôi đã bị dao động.”

Hầu hết các học viên khác có mặt cũng bị động tâm trước tình trạng của Phượng. Tất cả đều nói về những chấp trước của họ đối với cô ấy, chẳng hạn như tình và tâm ngưỡng mộ đồng tu.

Thông qua việc trao đổi kinh nghiệm tu luyện này và hướng nội như một chỉnh thể, các học viên đều học được sự trang nghiêm của tu luyện và rằng cái tình giữa các học viên và tán dương các đồng tu là chấp trước cần phải loại bỏ. Điều này đặc biệt đúng đối với những học viên thân cận Phượng. Họ đều nói rằng họ phải tu luyện bản thân nghiêm khắc hơn và cố gắng hết sức để phối hợp với các đồng tu trong hạng mục nhưng không để bản thân chấp trước vào các mối quan hệ. Nếu cái tình giữa các học viên bị lôi kéo trong thời gian dài và không được dứt bỏ, nó sẽ lại dẫn đến nhiều vấn đề và khổ nạn trong tu luyện.

Mọi người đều đồng ý rằng không có hình mẫu trong tu luyện. Chúng ta chỉ có thể tu bản thân dựa trên Pháp.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/21/437043.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/8/199445.html

Đăng ngày 29-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share