Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Sydney

[MINH HUỆ 01-02-2022] Ngày 30 tháng 1 năm 2022, các học viên Pháp Luân Đại Pháp thuộc Đoàn nhạc Tian Guo ở Sydney đã tập trung để gửi lời chúc mừng năm mới đến nhà sáng lập pháp môn, Sư phụ Lý Hồng Chí.

0143a40e04a9867ae30ccb93310b1c35.jpg

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp thuộc Đoàn nhạc Tian Guo của Sydney tạ ơn Sư phụ đã từ bi bảo hộ họ và kính chúc Sư tôn một Tết Nguyên Đán vui vẻ!

Video: Các đệ tử Đại Pháp thuộc Đoàn nhạc Tian Guo Sydney: Chúng con xin cảm tạ Sư phụ!

Học cách buông bỏ tự ngã

Sau khi gia nhập Đoàn nhạc Tian Guo vào năm 2007, ông Cao Đức Minh đã tập luyện chăm chỉ để nâng cao kỹ năng của mình. Ông đã theo học ba giáo viên chuyên nghiệp, tham gia bảy ban nhạc và rồi trở thành trợ lý của nhạc trưởng, cũng như trở thành nghệ sỹ chơi kèn trombone cho một dàn nhạc chuyên nghiệp ở Sydney. Ông cho biết: “Tôi đã biểu diễn trong nhiều ban nhạc khác nhau để tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng của mình nhằm tăng thêm hiệu quả trong việc cứu người trong các hạng mục Đại Pháp.”

Ông Cao hiện là trưởng nhóm trombone của đoàn nhạc, và đã nhận được bằng Thạc sỹ về âm nhạc. Tuy nhiên, ông nghĩ phần thưởng lớn nhất mà ông nhận được khi trở thành thành viên của đoàn nhạc trong 15 năm qua là cơ hội tu luyện. “Tôi luôn tự nhủ mình phải hợp tác vô điều kiện. Tôi đang chứng thực Pháp, chứ không phải chứng thực bản thân. Tôi đã từng kiêu ngạo, và chỉ tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng của mình. Điều này gây ra căng thẳng trong nhóm, nhưng cuối cùng tôi đã học được cách buông bỏ các chấp trước của mình.”

Ông biết ơn vì có cơ duyên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và cải thiện tâm tính của mình. “Đại Pháp đã cải biến tôi. Tôi dần dần học cách nghĩ cho người khác và cho nhóm. Bây giờ tôi nhận ra mọi thành viên của đoàn nhạc nên hòa vào chỉnh thể, thay vì chú ý đến việc thể hiện kỹ năng của từng cá nhân.“

Gắn bó với hạng mục từ đầu đến cuối

Khi bà Hoàng Giai Trân tham gia Đoàn nhạc Tian Guo vào năm 2006, bà biết rất ít về âm nhạc. Bà học chơi saxophone và nghĩ trình độ của bà đủ tốt để biểu diễn. Bà đã không nỗ lực để cải thiện các kỹ năng cơ bản của mình. Hai năm trước, bà gặp khó khăn trong việc luyện tập các kỹ năng cơ bản, và từng nghĩ đến việc rời bỏ đoàn nhạc.

Bà cho biết: “Tôi đã phải bắt đầu học lại từ đầu, và phải quên những gì tôi đã học trước đây. Đôi lúc khi chơi kèn, tôi cắn môi mạnh đến mức bị chảy máu. Tôi trở nên rất lo lắng. Tôi đã mất rất nhiều thời gian và công sức mà vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn. Tôi từng nghĩ đến việc bỏ cuộc. Tôi nghĩ mình cũng có thể sử dụng thời gian để gọi điện thoại đến Trung Quốc và trực tiếp cứu được nhiều người hơn.”

Bà nhớ lại lời hứa với bản thân khi mới bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996, “Nếu có điều gì xảy ra và ba người đến nói chuyện với tôi, tôi cần phải nghĩ xem tôi đang bám cứng vào chấp trước nào. Tôi ngừng tranh luận sau khi ba học viên đến chia sẻ thể ngộ của họ với tôi. Từ góc độ tu luyện, tôi không nên khăng khăng cho rằng mình đúng.”

Thông qua việc học Pháp, bà Giai Trân nhận ra bà nên coi quá trình này là một phần của tu luyện. “Chẳng hạn, mọi người nghĩ tôi không đạt tiêu chuẩn của đoàn nhạc. Mặt khác, tôi đã quen với nhóm gọi điện thoại và tôi cảm thấy mình đang đóng góp cho hạng mục đó. Những quan niệm người thường đằng sau những suy nghĩ này là gì? Theo đuổi danh, tật đố, chấp trước tự ngã… những niệm đầu này khiến tôi muốn bỏ cuộc. Nếu tôi thuận theo chúng, tôi sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhưng nếu tôi muốn tu luyện, tôi cần phải tu bỏ những chấp trước đang cản trở tôi đề cao.”

Bà quyết định làm theo những lời khuyên. “Tôi đã buông bỏ tự ngã của mình, và không còn lo lắng liệu mình có chơi tốt hay không. Tôi mắc lỗi khi luyện tập ở nhà. Tôi đã quyết tâm tập luyện hàng ngày mà không đi đường tắt.”

Dần dần bà đã tu bỏ từng chấp trước của mình trong các buổi luyện tập. Càng nhanh chóng buông bỏ chúng thì bà chơi càng hay hơn. Với việc nắm chắc các kỹ năng cơ bản, khi quay lại chơi các bản nhạc của Pháp Luân Đại Pháp, bà đã bắt nhịp đúng và đã đạt tiêu chuẩn biểu diễn.

Bà chia sẻ: “Vì tôi đã chọn tu luyện, tôi không nên viện lý do cho mình. Tôi đã chọn tham gia đoàn nhạc, vì vậy tôi cần phải làm tốt. Nếu tôi bỏ cuộc, đó sẽ là một tổn thất cho toàn bộ đoàn nhạc. Những người mới phải dành thêm nhiều thời gian và nỗ lực để học từ đầu. Ngoài ra, một khi tôi có những chấp trước này, chúng sẽ xuất hiện trong các hạng mục khác và tôi vẫn sẽ phải trải qua quá trình tương tự.”

Kiên trì làm tốt mọi việc

Ông Hồ Kiệm là một trong những học viên đầu tiên tham gia Đoàn nhạc Tian Guo ở Sydney, và ông chơi kèn tuba. Với ông, lợi ích lớn nhất mà ông nhận được kể từ khi bắt đầu tu luyện vào năm 1997 là tinh tấn và kiên trì. “Bất cứ điều gì tôi làm trong tu luyện, tôi đều tự nhủ mình phải tiếp tục. Sức chịu đựng của tôi cũng trở nên mạnh mẽ hơn.”

“Chẳng hạn như khi tôi tham gia cuộc diễu hành ngày 20 tháng 7 ở Hồng Kông năm 2019, thời tiết vô cùng nóng nực. Trên hết, tuyến đường được cho là dài nhất. Hầu hết các học viên tham gia cuộc diễu hành đó đều cảm thấy điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy có vấn đề về mặt thể chất. Từ đầu đến cuối cuộc diễu hành, bất chấp thời tiết như thiêu đốt, tôi không uống một ngụm nước nào. Và tôi đã có bước đột phá lớn trong việc trình diễn của mình. Tôi đã có thể chơi nhuần nhuyễn những bản nhạc mà tôi đã gặp khó khăn khi chơi. Tôi không còn sợ khi liên tục chơi những giai điệu mà tôi cảm thấy khó nữa. Tôi nghĩ điều này là do sự gia trì và bảo hộ của Sư phụ. Tôi đã xóa bỏ được một số rào cản tâm lý khi chơi một số giai điệu nhất định.“

Ông Lý Kỳ Trung bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996, và cũng cảm thấy điều quan trọng là phải tiếp tục và hoàn thành tốt mỗi hạng mục. “Vì tôi không có nền tảng về âm nhạc nên tôi đã gặp nhiều khó khăn. Đây là một hạng mục nhóm, và phối hợp tốt với nhau là điều quyết định, vì vậy điều quan trọng là phải cải thiện kỹ năng của mỗi người. Một thách thức khác mà tôi phải đối mặt là cân bằng công việc, học Pháp, luyện công và luyện tập nhạc cụ của mình.”

Ông Kỳ Trung đã tham gia đoàn nhạc từ sáu năm trước. Để tập chơi saxophone và không làm phiền gia đình, ông đã đến một công viên địa phương để tập luyện. “Trong thời gian phong tỏa, đoàn nhạc đã yêu cầu mọi người luyện các kỹ năng cơ bản của họ. Tôi chỉ tập những bài hát chúng tôi đã biểu diễn trước đây và bỏ qua việc tập những giai điệu cơ bản. Tôi đã dành hơn một giờ liên tục luyện một bản nhạc, và một người đang dắt chó đi dạo đã hỏi liệu tôi có thể chơi các bản nhạc khác không!”

Ngày hôm sau, ông lại bị phàn nàn khi tập luyện ngoài trời. Ông về nhà và hướng nội để xem mình đã làm gì sai. “Là một học viên, tôi biết không có điều gì là ngẫu nhiên. Tôi phát hiện ra mình có tâm tật đố. Tôi nghĩ mình giỏi hơn những người mới vì tôi đã là thành viên của đoàn nhạc được mấy năm. Sau đó, tôi biết họ đã dành nhiều thời gian luyện tập hơn tôi. ‘Bất thất bất đắc’. Tôi biết Sư phụ đang lợi dụng việc này để giúp tôi tìm ra các chấp trước của mình.”

Ông cảm thấy thanh thản sau khi loại bỏ được chấp trước. Mặc dù những công viên xung quanh không phù hợp để ông luyện tập, một học viên đã nhanh chóng đề xuất cho ông mượn một căn hộ trống đang chuẩn bị rao bán. Ông Kỳ Trung rất biết ơn an bài của Sư phụ.

Hết lòng trợ Sư

Bà Từ Mai gia nhập Đoàn nhạc Tian Guo vào năm 2006, và bà chơi sáo. Bà trân trọng cơ hội được biểu diễn trong đoàn nhạc, và tham gia hầu hết các sự kiện. Trong nhiều năm, mỗi năm bà đều đến Hồng Kông bảy hoặc tám lần để tham gia các cuộc diễu hành lớn. Bà cảm thấy điều đó thật xứng đáng khi thấy người Trung Quốc nhiệt tình cổ vũ và cho biết họ ấn tượng trước sự hoành tráng của đoàn nhạc. Bà hy vọng họ sẽ nhận ra Pháp Luân Đại Pháp là tốt, không giống như những tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm phỉ báng môn tu luyện này.

“Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Tôi đã phát tài liệu thông tin về Đại Pháp ở Trung Quốc trước khi tôi rời đi vào năm 2000. Mẹ tôi đã bị giam giữ phi pháp trong 8 tháng và tôi suýt bị bắt hai lần. Tôi biết áp lực tinh thần mà các học viên ở Trung Quốc phải trải qua trong môi trường bức hại đó. Điều đó cũng thật khó cho gia đình họ. Vậy mà họ vẫn bất chấp nguy hiểm tiếp tục ra ngoài giảng chân tướng cho mọi người. So ra, tôi sống bên ngoài Trung Quốc, tôi có thể đi đến Hồng Kông và không có mối nguy hiểm nào, tôi không nên ngần ngại và cần làm tốt phần việc của mình.”

Bà Mai và chồng đều là nhân viên văn phòng. Ngoài việc trả nợ mua nhà, họ còn có hai con nhưng họ chưa bao giờ cảm thấy thiếu tiền. Một lần, bà Mai mua vé máy bay đến Hồng Kông và trường học của con gái bà bất ngờ hoàn lại các phụ phí mà bà đã đóng. Số tiền ấy gần bằng giá vé máy bay. Bà Mai nói: “Tôi cảm tạ Sư phụ đã quan tâm đến tôi, cung cấp một môi trường tu luyện tuyệt vời như vậy để tôi có thể trợ Sư chính Pháp mà không cần lo lắng gì.”

Vài năm trước, bà Mai trở thành trưởng nhóm sáo của đoàn nhạc. Bà cho biết: “Khi tôi gặp khó khăn hoặc những người bất đồng ý kiến, tôi biết đó không phải là vấn đề của họ. Tôi biết đó là vì tôi quá nhỏ nhen. Tôi cố gắng điều chỉnh lại niệm đầu của mình trước khi xử lý tình huống. Tôi biết mình nên trân trọng những cơ hội mà Sư phụ ban cho để đề cao trong tu luyện. Tôi hy vọng mình có thể làm tốt hơn trong năm mới để Sư phụ bớt lo lắng hơn.”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://greetings.minghui.org/mh/articles/2022/2/1/438165.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/2/198826.html

Đăng ngày 04-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share