Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 12-11-2021]

Kính chào Sư phụ!
Kính chào các đồng tu!

Nhóm học Pháp nhỏ chúng tôi có ba đồng tu. Trong gần 10 năm, tôi và đồng tu Ất thỉnh thoảng lại nảy sinh tranh cãi chỉ vì chút sự việc. Cho dù tranh cãi nhỏ thế nào cũng đều dẫn đến tình huống là tôi nghĩ đồng tu Ất nói oan cho tôi, hiểu lầm tôi; còn đồng tu Ất luôn thấy tôi tâm tính kém, cô ấy coi tôi là bạn tốt mà tôi cứ phụ lòng cô ấy; rằng lúc cô ấy gặp khó khăn thì tôi không giúp đỡ. Vì thế, nhiều lần tôi giải thích, cô ấy đều coi là tôi viện cớ, bảo vệ bản thân, nên càng tức khí. Chúng tôi hết lần này đến lần khác kết thúc cuộc cãi vã trong trạng thái không vui.

1. Tìm nhân tâm

Ban đầu, tôi không biết tình huống đó là để tôi tu phương diện gì, trừ bỏ tâm gì. Tôi nghĩ đến Pháp của Sư phụ:

Thiểu biện

Như ngộ cường biện vật tranh ngôn
Hướng nội trảo nhân thị tu luyện
Việt tưởng giải thích tâm việt trọng
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến”

Tạm dịch:

“Gặp thời xảo biện hãy lặng im
Tu luyện ắt phải hướng nội tìm
Càng giải thích nhiều tâm càng nặng
Cởi chấp mở lòng sáng trong tim”

(Hồng Ngâm III)

Tôi nghĩ, tại sao mình lại giải thích chứ? Mình có tâm nào nặng vậy? Xem ra mình có tâm sợ bị người khác nói oan, không chịu được ủy khuất, vũ nhục. Tôi nghĩ, qua sự việc này, Sư phụ là để cho mình tu xuất tâm đại nhẫn chăng, mình vẫn chưa đạt đến cảnh giới chịu nhục chui háng.

Sư phụ giảng:

“Vì đối mặt với người thường, các thứ tâm của người thường đều can nhiễu đến chư vị. Có người chư vị chữa lành bệnh cho họ rồi, họ vẫn không hiểu được chư vị; khi chữa bệnh cho họ chư vị đã trục khỏi thân họ biết bao thứ xấu, trị giúp họ đến một mức độ nào đó, nhưng lúc ấy chưa có thể hiện biến đổi rõ ràng [ra bên ngoài]. Nhưng trong tâm họ không vừa ý, không cảm tạ chư vị; có khi còn nguyền rủa rằng chư vị lừa họ! Chính là đối mặt với những vấn đề ấy, để tâm của chư vị được ‘ma luyện’ trong hoàn cảnh ấy.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Trong tâm tôi có Pháp lý này rồi, khi gặp lại mâu thuẫn, tôi đã có thể làm tốt hơn một chút. Có thời gian, tôi có thể bình tĩnh ứng xử khi đồng tu Ất chỉ trích tôi. Nhưng không lâu sau đó, mâu thuẫn lại xuất hiện. Đồng tu nói: “Tôi không muốn nghe chị nói nữa. Chị hễ nói là tôi thấy khó chịu rồi.” Ở nhóm học Pháp, tôi bị chỉ trích trước mặt đồng tu khác, mà tôi lại là đệ tử Đại Pháp tu luyện lâu nhất so với bọn họ, nên cảm thấy rất mất mặt. Nhưng tôi biết, đó là để tôi buông bỏ tâm giữ thể diện.

Tôi đồng thời hướng nội tìm, đồng tu Ất vì sao không muốn nghe tôi nói? Mình đã nói gì nhỉ? Ngẫm lại những điều tôi đã nói, tôi nhận ra mình có tâm hiển thị, chứng thực bản thân, coi mình cao hơn đồng tu Ất và các đồng tu khác. Tôi không đạt yêu cầu của người tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Tôi vẫn thường giảng rằng một người nếu hoàn toàn muốn tốt cho người khác, chứ không có bất kể chút nào mục đích hoặc nhận thức của mình, thì lời nói ra sẽ khiến người nghe rơi lệ. Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể! ” (Thanh tỉnh, Tinh tấn Yếu chỉ)

Khi đối chiếu với Pháp của Sư phụ, tôi mới minh bạch ra là lúc nói, tôi hay cường điệu lên rằng nhận thức này là đúng, nhận thức kia là đúng, từ đó phủ định lý giải về nhận thức Pháp của đồng tu ở các tầng thứ khác nhau; tôi có đủ loại mục đích, muốn thể hiện bản thân, hay khi kể về sự việc nào đó thì nâng mình lên, chứng thực bản thân, chỉ thích giảng đạo lý; thiếu thiện tâm, không chú ý đến ngữ khí, có lúc thảo luận vấn đề thì không đủ điềm tĩnh, vì thế mà gây xung đột. Tôi tìm ra được điểm nào liền tu khứ điểm đó.

2. Tu thiện

Đồng tu Ất nói tôi không thiện, hay biện giải. Từ nhỏ đến lớn, người khác đều đánh giá tôi là “thiện lương, nhân nghĩa”, mà bản thân tôi cũng đối nhân xử thế như thế. Với lại, tôi còn tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, làm sao lại không thiện được chứ? Nhưng rồi tôi trầm tĩnh suy ngẫm: “Thế nào là thiện? Mình tu thiện thế nào nhỉ? Đồng tu Ất thấy tôi không thiện ở chỗ nào?

Sư phụ giảng:

“Vì tu Thiện có thể tu xuất tâm đại từ bi; một khi xuất hiện tâm từ bi, thì [thấy] chúng sinh rất khổ, do vậy phát sinh nguyện vọng muốn phổ độ chúng sinh.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Nghĩ đến đoạn Pháp này của Sư phụ, tôi cảm thấy mình như trước nay chưa ý thức được điểm này, không biết làm sao để tu thiện, mà chỉ dừng lại ở tầng nhận thức của người thường đối với thiện. Thế là, tôi bắt đầu suy ngẫm về vấn đề này: Vậy thiện ở các tầng thứ khác nhau có biểu hiện thế nào nhỉ? Trong những sự việc nhỏ hàng ngày, lúc khởi tâm động niệm, tôi lại thể hội xem thế nào là thiện, thế nào là “chân thiện”, “thuần thiện”, thế nào là “thiện niệm”. Khi tôi bắt đầu có ý thức tu thiện, tôi mới ý thức được là, nếu như đồng tu Ất cảm thấy tôi làm tổn thương cô ấy, thì khả năng là tôi có ngôn hành nào đó làm tổn thương cô ấy thật. Nếu không, cô ấy vì sao mà cảm thấy khổ sở vì tôi chứ?

Tôi nghĩ đến đoạn Pháp này của Sư phụ:

“Khi tôi giảng Pháp truyền công tại Thái Nguyên, có một [nữ] học viên trên 50 tuổi, hai vợ chồng già cùng đến học. Khi họ đi đến giữa đường cái, một xe ô-tô chạy rất nhanh qua đó; chiếc gương chiếu hậu của xe đột nhiên mắc vào y phục của bà. [Nó] mắc vào và kéo bà lôi đi hơn mười mét, và làm bà ngã xuống đất “phịch” một cái, [còn] chiếc xe chạy xa hơn hai mươi mét mới dừng lại. Người lái xe nhảy vội ra khỏi xe và bực mình nói: ‘Này, bà đi đường mà không nhìn à!’ Hiện nay người ta như vậy đấy, hễ gặp vấn đề là trước tiên [họ] đẩy trách nhiệm, có tại họ hay không thì cũng đẩy cho [người khác].” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Chẳng phải mình có cái tâm này sao? Rằng “việc này không phải tại tôi, lúc ấy tình huống là thế này, thế này…” Tôi bèn nghĩ, dù có tại mình hay không, mình cũng phải xả bỏ tự ngã trước đã, quan tâm xem đồng tu Ất thế nào, xin lỗi đồng tu một câu, chứ không được chưa gì đã thoái thác trách nhiệm. Nhận thức được tầng Pháp lý này, tôi liền đạp xe đến nhà đồng tu Ất, chân thành nói lời xin lỗi với cô ấy, hy vọng như vậy sẽ giảm nỗi khổ tâm mà tôi gây ra cho cô ấy, đồng thời cùng cô ấy giao lưu về nhận thức và lý giải của tôi về đoạn Pháp này của Sư phụ.

Lúc về nhà, tôi lại tiếp tục theo hướng này mà hướng nội tìm. Tôi ngộ ra mình có tâm tật đố của kẻ ác, làm sao là tu thiện đây? Tôi nhận ra mọi khi đã hình thành quan niệm đánh giá tốt xấu, vì thế mà nhìn người khác không thuận mắt, thậm chí còn xem thường người khác. Tôi có cái tâm này, làm sao có thể thực sự thiện với người khác đây? Như thế, ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt của tôi lúc bình thường làm sao có thiện trong đó chứ? Lúc nảy sinh cãi vã, tranh đấu với người khác, có thể không làm tổn thương người ta sao? Tôi có cái tâm, có biểu hiện tệ như vậy, đã làm tổn thương biết bao nhiêu người rồi? Tôi bỗng thấy áy náy khôn cùng với đồng tu Ất và những người tôi đã làm tổn thương. Tôi bèn hạ quyết tâm tu dứt cái tâm bất hảo này.

3. Tu khứ tâm cầu danh

Chưa được bao lâu, mâu thuẫn đã lại xuất hiện. Trong lúc tranh chấp, tôi bỗng nhớ tới sự việc lần trước, nhưng vẫn tranh cãi với đồng tu. Tôi tự hỏi: “Rốt cuộc, mình tranh cái gì nhỉ?” “Tranh danh! Có tiếng đáp lời tôi. Tôi ngạc nhiên: “Mình tranh danh sao?” Tôi biết, đây là điểm hóa của Sư phụ. Trong nháy mắt đó, tôi sững sờ. “Đúng rồi, mình đúng là tranh danh mà, cái tâm tranh danh mãnh liệt nhường ấy! Vậy mà bao lâu nay, mình không phát hiện ra nó.”

Trên đường đạp xe về nhà, tôi có cảm giác đầu óc trống rỗng, thân thể nhẹ bẫng, cả ngày cứ như vậy. Tôi bắt đầu suy ngẫm: Danh, mi là gì?

Ở tầng thứ sở tại của tôi, tôi nhận ra một biểu hiện của chấp trước vào danh là không thể dung nhẫn khi người khác hiểu lầm mình, vì thế cứ muốn giải thích các kiểu để thể hiện là mình đúng, mình không sai, mình tốt. Vì thế mà không nhẫn được, càng không làm nổi tâm đại nhẫn như Hàn Tín chịu nhục chui háng, cũng không đạt được thiện chân chính. Trong lúc tranh đấu như thế, làm sao còn quan tâm đến cảm thụ của đối phương được nữa? Làm sao tốt với người khác được chứ?

Vì đang cầu danh thì không làm nổi mọi sự tùy kỳ tự nhiên, không làm được ai nói tôi tốt hay xấu thì đều không để tâm. Ngược lại, tôi chỉ muốn phô ra mặt tốt và che đậy thiếu sót của mình để giữ thể diện, sợ mọi người không tán đồng với mình, đánh giá mình không tốt. Cho nên có lúc, cho dù làm chút việc, xem ra là việc tốt, nhưng không hẳn là xuất từ chân tâm vì muốn tốt cho người khác, mà vì để duy hộ cái “danh” của bản thân.

Tôi nhận ra tâm cầu danh là vị tư, chính là tư tâm. Vì bảo vệ danh dự của bản thân, mà không ngại tranh đấu với đồng tu, căn bản không bận tâm xem đồng tu cảm thụ thế nào. Tôi đã cách quá xa yêu cầu của Sư phụ.

Sư phụ giảng:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi nhận thức được tầng Pháp lý này, tôi bình thường trong từng tư từng niệm đều chú ý tu bỏ cái tư tâm ngoan cố này. Tôi nhớ Sư tôn khai thị:

“Chấp trước vào danh, sẽ hữu vi tà pháp, nếu danh nổi ở thế gian ắt khẩu thiện tâm ma, mê hoặc người ta và làm loạn Pháp.” (Người tu cần tránh, Tinh tấn Yếu chỉ)

4. Nhận thức về vô tư, vô ngã

Đồng tu Ất còn liên tục thể hiện sự bất mãn đối với tôi, thậm chí mấy lần đuổi tôi đi, không muốn gặp lại tôi, bởi vì nhà cô ấy là điểm học Pháp của nhóm chúng tôi. Tôi một mực không đi.

Sư phụ giảng:

“Các vị ngồi ở đây liệu có bao nhiêu người nếu đột nhiên bị người ta trỏ vào mặt rồi chửi mà vẫn có thể làm được ‘tâm tình thật thản nhiên’? Có mấy người khi đối diện với [tình huống] bị người khác phê bình và chỉ trích mà tâm bất động và [tự] tìm nguyên nhân của bản thân mình?” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])

Mặc dù tôi không rời đi, nhưng không sao đạt được cảnh giới tâm bất động, thản nhiên, đó là bởi tôi chưa đủ nhẫn, còn chưa tu xuất được từ bi để giải thể những nhân tố bất hảo trong trường không gian này. Trong tâm, tôi không ngừng bài trừ niệm đầu bất hảo như: bất mãn, không lý giải được suy nghĩ của đồng tu, cảm thấy oan ức, phiền muộn, và những tư duy phụ diện khác về đồng tu Ất. Tôi nghĩ làm thế nào mới là đối đãi tốt với đồng tu đây?

Thế nhưng sự tình càng tệ hơn. Đồng tu Ất nói: “Nếu tôi tu không tốt thì phải trách chị.” Cô ấy hết lần này đến lần khác đuổi tôi đi. Tôi bắt đầu cảnh giác, chúng tôi là một chiỉnh thể, nếu có tình huống không hay nào, đồng tu tu tốt xấu ra sao, thì mình có trách nhiệm gì sao? Tôi cần phải chịu trách nhiệm gì, có thể làm gì vì chỉnh thể này đây? Tôi nhận ra ở đây có nhân tố tà ác đang can nhiễu, đang dùi vào sơ hở do nhân tâm mà chúng tôi chưa tu bỏ, hòng gây gián cách giữa chúng tôi để phá hoại chỉnh thể này.

Tôi bắt đầu phát chính niệm thanh lý trường không gian của bản thân. Tôi đề xuất với nhóm học Pháp một việc với hy vọng mọi người sẽ nghĩ cho chỉnh thể chung, rằng mỗi người trong chúng tôi khởi tác dụng thế nào, làm sao để chỉnh thể ngày càng tốt hơn.

Trong quá trình đó, có những lúc tôi thấy rất khó nói, trong lòng rất khó chịu, cũng định rời nhóm để tĩnh tâm tu tốt bản thân. Nhưng học Pháp nhóm là hình thức mà Sư phụ để lại cho chúng ta, trong đó có thể có nội hàm sâu xa mà tôi chưa lý giải được. Tôi biết, nếu tôi rời đi thật thì khẳng định là sai. Như thế thì tà ác mừng quá rồi, là tôi không duy hộ tốt nhóm thành môi trường đốc thúc nhau, cộng đồng tinh tấn. Đó chẳng phải là do tu luyện có lậu sao, chẳng phải năng lực quá nhỏ sao?

Có mấy hôm, tôi do dự định rời đi một thời gian, để cho mọi người trầm tĩnh lại xem thế nào. Một đêm, tôi có một giấc mơ. Trong mơ, mọi người đều đang ở trường thi. Tôi vì phần lớn bài thi không làm được, định rời đi sớm, không thi nữa. Tỉnh lại, tôi mới nhận ra Sư phụ đang điểm hóa cho tôi rằng quan khó trước mặt chính là bài thi.

Một sớm nọ, tôi vừa mở mắt ra, Pháp của Sư phụ bỗng nhiên xuất hiện trong đầu:

Viên minh

Tâm hoài Chân Thiện Nhẫn Tu kỷ lợi dữ dân Đại Pháp bất ly tâm
Tha niên định siêu nhân

Tạm dịch:

Tâm mang Chân Thiện Nhẫn
Tự tu và lợi dân
Đại Pháp chẳng rời tâm
Năm ấy định siêu nhân

(Hồng Ngâm)

Trong tích tắc đó, cứ như là Sư phụ đem Pháp rót thẳng vào tâm tôi vậy. Nhưng mà, cụ thể làm thế nào đây? Phải bắt đầu từ đâu đây?

Đại Pháp từng bước đã dẫn dắt tôi, khiến tôi nhìn thấy nội tâm của mình. Nội tâm của tôi cũng không vui, rất khó chịu. Như vậy, đồng tu Ất thì sao đây? Cô ấy cảm thụ thế nào? Có lẽ cô ấy còn không vui hơn tôi, khó chịu hơn tôi ấy. Tôi liền hiểu ra, trước đây, mình hẹp hòi, chỉ chú ý đến cảm thụ, tâm tình của bản thân, không thật sự quan tâm đến cảm thụ của người khác. Như thế làm sao có thể lý giải người khác, vì người khác chứ? Đây chẳng phải là vị tư vị ngã sao?

Tôi bèn buông tự ngã xuống, bắt đầu nghĩ xem đồng tu Ất có tâm tình, cảm thụ thế nào. Tôi nghĩ, tôi phải làm sao mới tốt cho cô ấy đây?

Sư tôn giảng:

“Tôi còn muốn bảo chư vị, bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, thế nên từ nay trở đi chư vị làm gì nói gì đều phải vì người khác, và nghĩ đến cả vì người đời sau nữa!” (“Phật tính vô lậu”, Tinh tấn yếu chỉ)

Dần dần, tôi đã cảm nhận được nội hàm của một tầng Pháp lý “vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã”. Sư phụ cho tôi thấy được dung lượng tâm của tôi quá nhỏ bé, cần phải gia tăng dung lượng. Chút mâu thuẫn này có là gì đâu, cái gì cũng không cần để trong tâm. Tôi phải buông bỏ tự ngã, phối hợp chỉnh thể, hoàn thành sứ mệnh trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh. Đó mới là điều căn bản.

Nghĩ vậy, tôi đạp xe đến nhà đồng tu Ất, giao lưu về nhận thức của tôi, bỏ đi cái tâm lo lắng bấy lâu nay là không biết làm sao để nói chuyện với đồng tu. Tôi mở lòng, quét sạch những ẩn khuất trong lòng, ánh dương lại chiếu rọi. Đồng tu Ất cũng vui vẻ cười, nói với tôi: “Tôi không hận chị nữa.”

Gần chục năm nay, tôi luôn muốn tu xuất ra tâm đại nhẫn, mà không sao làm được. Đến giờ, tôi mới ý thức ra, chân chính buông bỏ nhân tâm, tự ngã, mới có thể có được tâm đại nhẫn. Đó là biểu hiện tự nhiên khi đạt đến cảnh giới đó, chứ không phải cưỡng ép mà được. Đó là sự khoan dung hồng đại đối với sinh mệnh, không kể đếm, không tính toán, cũng không chấp trước ai tốt xấu, đúng sai thế nào. Trong tâm chỉ tồn chứa và đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn thôi. Khi chúng ta có thể đi xuất ra khỏi thuộc tính vị tư của vũ trụ cũ thì mới có thể đạt đến tiêu chuẩn vô tư, vô ngã của vũ trụ mới, mới có thể có tâm đại nhẫn được.

Lời kết

Viết đến đây, tôi tưởng đã viết xong, nghĩ bụng để đó, rồi đánh chữ sau. Đúng lúc đó, tôi đọc được một đoạn trong truyền thuyết về Lục Hồng Tiệm, một ẩn sỹ triều Đường tinh thông đạo trà mà hiểu rõ được đặc tính của nước.

Một hôm, Lục Hồng Tiệm cùng bằng hữu Lý Quý Khanh chuẩn bị đi lấy nước ở Sông Nam Linh, gần Sông Dương Tử để pha trà. Lý Quý Khanh phái quân lính trung thực, cẩn thận chèo thuyền tới chỗ nước sâu để lấy nước. Nước lấy về, Lục Hồng Tiệm lấy muôi múc nước ra, nói: “Nước sông thì đúng là nước sông, nhưng không phải nước Sông Nam Linh, xem ra như nước bên bờ Sông Dương Tử vậy.” Vị quân sỹ đi lấy nước nói: “Tôi chèo thuyền tới đó, gặp cả trăm người, tôi sao dám lừa ngài!”

Lục Hồng Tiệm không nói lời nào, đem nước đổ ra chậu. Đổ được một nửa thì dừng lại, lại lấy muôi múc nước, nói: “Từ đây xuống mới là nước Sông Nam Linh.” Vị quân sỹ bất giác giật mình, quỳ xuống, nói: “Tôi từ Nam Linh ôm mãi bình nước vào tới bờ, nhưng bởi thuyền chòng chành mà sánh mất ra ngoài một nửa. Tôi sợ thiếu nước, bèn lấy nước bên bờ sông đổ cho đầy bình. Năng lực phân biệt của vị ẩn sỹ này quả là như Thần, còn ai dám che mắt ngài chứ!”

Câu chuyện này khiến tôi xúc động sâu sắc. Tôi bèn xét kỹ lại nội tâm mình, ngẫm lại những mâu thuẫn với đồng tu Ất. Tôi nhận ra cách xử sự của mình giống như vị quân sỹ kia, còn đồng tu Ất giống như Lục Hồng Tiệm. Có lẽ phần biết của cô ấy nhìn thấy hết tư tưởng của tôi như nước sông Nam Linh lẫn nước bên bờ Dương Tử kia mà chỉ ra mặt bất thuần, sự vị tư của tôi; mà tôi còn biện giải, khác nào thùng nước Nam Linh lẫn nước bên bờ Dương Tử kia. Thế thì, tại sao tôi lại không nói với cô ấy sự thật về nửa thùng nước bên bờ Dương Tử chứ?

Tôi đào sâu xuống, vẫn là cái tâm cầu danh kia đang tác quái, không muốn đối diện với chính mình, ngay cả một điểm sai cũng không dám nhận, không nguyện ý đối diện, chỉ muốn thể hiện trước người khác hình ảnh “hoàn mỹ” về bản thân. Vì tâm cầu danh là vị tư, muốn duy hộ “tự ngã”, bảo vệ “tự ngã”. Cái “ngã” muốn được người khác khen ngợi, tán thành này không muốn bị nhìn thấu, thậm chí còn muốn lấy giả ngã đánh tráo “chân ngã” để làm chủ thân thể này.

Cho dù tôi bất thuần đến đâu, làm sao có thể qua mắt Sư phụ được đây? Sư phụ từ bi chính là mượn chuyện này, mượn miệng đồng tu Ất để khiến cái tư tâm của tôi bộc lộ ra, để tôi nhận rõ ra nó mà tu bỏ nó đi.

Gần chục năm tu luyện, dưới sự dẫn dắt của Sư phụ, tôi từng bước đã tu bỏ được những nhân tâm này, bản tính cũng dần dần hiển lộ ra, tôi mới dần dần thấy được bản lai diện mục nên có của mình là như thế nào.

Cảm tạ Sư tôn! Cảm ơn các đồng tu!

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/12/433259.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/15/196593.html

Đăng ngày 27-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share